CHÀO MỪNG QUÝ VỊ VÀ CÁC BẠN ĐẾN VỚI WEBSITE TRUNG TÂM KHẢO NGHIỆM KHUYẾN NÔNG KHUYẾN NGƯ THÁI BÌNH
Giới thiệu chung
Cơ cấu tổ chức
Lịch sử khuyến nông
Chức năng nhiệm vụ
Kết quả nghiên cứu
Trồng trọt
Chăn nuôi
Thủy sản
Trồng trọt
Chăn Nuôi
Thủy Sản
 
Hỏi & đáp
Số lượt truy cập:
 

Chủ trương-giải pháp
Thực trạng và một số giải pháp cơ bản công tác nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng khoa học công nghệ trong thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn tại Thái Bình

Cập nhật: 26/10/2018

    Những năm qua, đội ngũ cán bộ khoa học và công nghệ của tỉnh tiếp tục phát triển cả về số lượng và chất lượng. Đội ngũ cán bộ khoa học và công nghệ của tỉnh không ngừng được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ về lý luận chính trị, quản lý nhà nước, chuyên môn, nghiệp vụ.

Những năm qua, đội ngũ cán bộ khoa học và công nghệ của tỉnh tiếp tục phát triển cả về số lượng và chất lượng, đến nay, có 31.554 người có trình độ từ cao đẳng trở lên; trong đó có 19 tiến sĩ, 602 thạc sỹ, 28 chuyên khoa II, 286 chuyên khoa I, 23.114 đại học và 7.505 cao đẳng; chiếm 1,76% dân số toàn tỉnh. Đội ngũ cán bộ khoa học và công nghệ của tỉnh không ngừng được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ về lý luận chính trị, quản lý nhà nước, chuyên môn, nghiệp vụ.

Toàn tỉnh hiện có 30 phòng thí nghiệm, thử nghiệm chuyên ngành phục vụ công tác nghiên cứu, quản lý và sản xuất kinh doanh thuộc các lĩnh vực hoá, lý, sinh học, giống cây trồng, vệ sinh dịch tễ, môi trường, điện, cơ học, xây dựng, đo lường - hiệu chuẩn, dược phẩm... trong đó có 1 phòng thử nghiệm đạt chuẩn quốc gia VILAS, 5 phòng thử nghiệm đạt chuẩn LAS. Các phòng thí nghiệm, kiểm nghiệm được đầu tư phù hợp với yêu cầu thực tế của địa phương, thiết bị đồng bộ, hiện đại; năng lực phân tích của các phòng thí nghiệm, kiểm định đạt trên mức trung bình của cả nước.

Với nguồn lực Khoa học và công nghệ trên; từ năm 2008 đến 2017, việc nghiên cứu, ứng dụng các thành tựu KH&CN phục vụ phát triển nông nghiệp và nông thôn được tỉnh ta áp dụng rộng rãi với nhiều mô hình, đề tài, dự án trong nông nghiệp tạo ra hiệu quả lớn, tăng năng suất và chất lượng sản phẩm ở khu vực nông thôn của tỉnh. Các chương trình khoa học trong nông nghiệp và nông thôn đã hướng vào tập trung chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và tạo ra sản phẩm hàng hóa mới trong nông, lâm nghiệp và thủy sản, góp phần xây dựng và phát triển các sản phẩm chủ lực của tỉnh. Toàn tỉnh đã thực hiện 226 chương trình, đề tài, dự án khoa học, công nghệ về nông nghiệp và phát triển nông thôn (chiếm trên 55% số nhiệm vụ khoa học và công nghệ); với  tổng kinh phí đàu tư 61.146.693.000 đồng  (chiếm 43,19% tổng số vốn sự nghiệp KH&CN). Các chương trình, đề tài, dự án khoa học và công nghệ tập trung đầu tư nghiên cứu khảo nghiệm, tuyển chọn giống cây, giống con mới: tiến hành khảo nghiệm 2.639 lượt giống lúa các loại, 977 lượt giống ngô, 72 lượt giống đậu tương, 94 lượt giống lạc, 175 lượt giống khoai tây; đã xác định được13 giống lúa, 2 giống ngô, 2 giống khoai tây, 3 giống đậu tương có triển vọng về năng suất, chất lượng, khả năng chống chịu sâu bệnh và điều kiện ngoại cảnh bất thuận, bổ sung vào cơ cấu giống cây trồng của tỉnh; đã khảo nghiệm, tuyển chọn nhiều giống lợn, gà, ngan, vịt, một số giống thuỷ sản có năng suất, chất lượng cao, đưa vào sản xuất ở các địa phương. Việc nghiên cứu và áp dụng những tiến bộ khoa học công nghệ, trong đó việc ứng dụng có hiệu quả công nghệ sinh học đã làm thay đổi mạnh mẽ năng suất và chất lượng các sản phẩm cây trồng, vật nuôi, góp phần tích cực vào việc chuyển dịch cơ cấu  sản xuất theo hướng tăng hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích sản xuất. Đã góp phần quan trọng trong phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng khai thác tốt hơn tiềm năng, lợi thế của tỉnh; đóng góp thiết thực phục vụ cho tái cơ cấu ngành nông nghiệp, phát triển nông nghiệp công nghệ cao và xây dựng nông thôn mới.

Phương thức chuyển giao KHCN đến nông dân được áp dụng đó là xây dựng mô hình trình diễn ứng dụng KHCN tiến bộ để nhân rộng, phổ biến cho người dân học hỏi, làm theo; đây cũng là con đường ngắn nhất đưa kết quả nghiên cứu từ các cơ sở nghiên cứu đến đồng ruộng. Từ năm 2008 đến nay, toàn tỉnh đã triển khai xây dựng hàng ngàn mô hình trình diễn các giống cây trồng, con vật nuôi mới, các giải pháp canh tác mới, các phương thức sản xuất mới nhằm giảm chi phí, tăng hiệu quả sản xuất cho nông dân, hướng tới sản xuất nông nghiệp an toàn, hiệu quả và bền vững như công nghệ làm đất tối thiểu, làm màn, làm giàn; gieo thẳng lúa…; chăn nuôi kiểu chuồng khép kín, tự động cấp thoát nước và điều khiển nhiệt độ, không khí; bán tự động trong vệ sinh phòng dịch...; nuôi cá lồng trên sông; ươm ngao giống trong đầm nước lợ; cải hoán, nâng cấp tàu khai thác xa bờ, cải tiến lưới nghề, công cụ khai thác và trang bị máy thông tin liên lạc hiện đại để định vị tàu thuyền, cảnh báo bão và thiên tai. Tiếp thu, ứng dụng công nghệ vật liệu mới để xây dựng các mô hình cung cấp nước sạch cho làng nghề, một số trung tâm y tế huyện và vùng nông thôn gặp khó khăn về nguồn nước sinh hoạt. Đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ Biogas, công nghệ vi sinh vật hữu hiệu (EM) và một số chế phẩm vi sinh khác để xử lý môi trường chăn nuôi, xử lý rác thải sinh hoạt ở khu vực thị trấn, thị tứ, các làng nghề chế biến nông sản đạt kết quả tốt, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Thông qua những kết quả của các mô hình nói trên, việc ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật đã đóng góp quan trọng cho việc đưa khoa học và công nghệ vào thực tiễn sản xuất. Ðồng thời nâng cao nhận thức cho người lao động về vai trò của khoa học và công nghệ trong sản xuất và kinh doanh các loại cây, con mới, tạo tiền đề cho việc chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn trong những năm tiếp theo.

Song song với xây dựng các mô hình trình diễn, việc chuyển giao KHCN, TBKT mới đến người dân còn thông qua các hoạt động thông tin tuyên truyền như xây dựng khoa giáo truyền hình, xuất bản bản tin, đào tạo tập huấn, đặc biệt phối hợp chặt chẽ với đài Phát thanh và truyền hình thực hiện nhiều chương trình thời sự nhằm chuyển tải các giải pháp ứng phó với các diễn biến bất thuận của thời tiết, khí hậu đối với cây lúa, cây màu, chăn nuôi, thủy hải sản. xây dựng các chương trình khoa giáo hướng dẫn kỹ thuật trong chuyên mục nhịp cầu nhà nông với mật độ, thời lượng phù hợp đảm bảo sự chỉ đạo kịp thời và chủ động của Ngành đối với sản xuất nông nghiệp tới bà con nông dân một cách nhanh nhất và hiệu quả.

Xây dựng nông thôn mới là vấn đề quan trọng nhằm tạo sự chuyển biến trong sản xuất nông nghiệp và kinh tế nông thôn theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá, góp phần giữ vững ổn định chính trị - xã hội. Hoạt động khoa học và công nghệ đã tập trung đưa các tiến bộ khoa học và công nghệ vào ứng dụng tại các xã xây dựng nông thôn mới như đưa công nghệ Thông tin phục vụ quản lý, điều hành tại các xã, phường, thị trấn, nhất là ở các xã nghề, làng nghề: Đã xây dựng cho các xã nghề, mỗi xã 01 trang Website để giới thiệu các sản phẩm làng nghề trên mạng INTERNET, đồng thời cung cấp cho trên 12 xã mỗi xã 1 bộ thư viện điện tử gồm 52.000 tài liệu về các lĩnh vực kinh tế, pháp luật, khoa học, công nghệ, văn hoá, y tế và 300 phim khoa giáo giới thiệu về các mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ vào sản xuất.

Đồng thời tỉnh đã ban hành các cơ chế chính sách khuyến khích như hỗ trợ nông dân mua máy sản xuất nông nghiệp, khắc phục thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh gia súc, gia cầm để ổn định, phát triển sản xuất, hỗ trợ giống cây, giống con, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng khu chăn nuôi và vùng thủy sản tập trung; đầu tư xây dựng, nâng cấp các công trình thủy lợi, kiên cố hóa kênh mương.

Để tiếp tục đẩy mạnh việc ứng dụng các thành tựu tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp góp phần phát triển kinh tế địa phương, xây dựng nông thôn mới, trong thời gian tới cần tập trung vào một số giải pháp cơ bản sau:

1. Củng cố, hoàn thiện và nâng cao năng lực của các trung tâm nghiên cứu ứng dụng, các cơ sở  sản xuất và chuyển giao khoa học công nghệ (KHCN), các tổ chức KHCN của tỉnh cả về cơ sở vật chất và nguồn nhân lực. Thực hiện việc đầu tư nâng cao tiềm lực KHCN một cách đồng bộ, các tổ chức KHCN đủ mạnh, có khả năng thực hiện các nhiệm vụ KHCN theo yêu cầu phát triển. Có chính sách động viên, khuyến khích trong việc đào tạo, thu hút nguồn nhân lực KHCN trong lĩnh vực nông nghiệp. Trong đó đặc biệt ưu tiên và có chế độ đãi ngộ tốt với những cá nhân có công trình nghiên cứu xuất sắc, kết quả được ứng dụng rộng rãi để thu hút nhân tài tạo bước nhảy vọt trong phát triển nông nghiệp.

2. Gắn kết chặt chẽ các cơ quan khoa học của Trung ương với tỉnh và các cơ sở huyện, thành phố để tạo thành chuỗi liên kết chặt chẽ trong quản lý, chuyển giao khoa học công nghệ. Tăng cường và chủ động mở rộng hợp tác với các viện, các trường, các cơ sở nghiên cứu trong nước và quốc tế để đào tạo nguồn nhân lực, chuyển giao các tiến bộ KHCN tiên tiến, hiện đại, đồng thời xác định, lựa chọn tiến bộ  khoa học kỹ thuật, quy trình sản xuất và cây con giống phù hợp nhất, phát huy tối đa hiệu quả với điều kiện thực tiễn của tỉnh.

3. Nâng cao chất lượng các sản phẩm KHCN: các nhiệm vụ nghiên cứu đặt ra phải gắn bó chặt chẽ với yêu cầu thực tiễn sản xuất - kinh doanh, để hoạt động KHCN trở thành đông lực mạnh mẽ của sự phát triển kinh tế, tạo ra sản phẩm mới chất lượng tốt, có giá trị cao góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống và phát triển xã hội. Đồng thời, ưu tiên hỗ trợ để hoàn thiện các kết quả KHCN có khả năng thương mại hóa. Xây dựng hệ thống các tổ chức làm nhiệm vụ chuyển hóa các kết quả nghiên cứu làm cầu nối giữa khoa học với sản xuất, phục vụ việc tạo lập và phát triển thị trường khoa học công nghệ.

4. Đẩy mạnh công tác khuyến nông để ứng dụng khoa học công nghệ ngày càng rộng rãi và đi vào chiều sâu. Xây dựng và củng cố các câu lạc bộ, hội nghề nghiệp để thông qua đó bà con được tập huấn trồng trọt, chăn nuôi, học hỏi và trao đổi kinh nghiệm cùng nhau; có điều kiện tương trợ nhau về vốn để sản xuất và phối hợp cùng nhau trong việc nghiên cứu các đề tài khoa học.

5. Xây dựng khu nông nghiệp công nghệ cao có tính chọn lọc làm hình mẫu và có tính lan tỏa lớn để làm nơi nghiên cứu và hoàn thiện mô hình: đào tạo, chuyển giao công nghệ cho các doanh nghiệp và hộ nông dân; là nơi nghiên cứu, phát triển và chuyển giao công nghệ tiên tiến, mang tính đột phá, phù hợp với điệu kiện thực tế từng vùng; là nơi nông dân học tập và cập nhật được kiên thức tiến tiến, những công nghệ mới hiện đại và từ đó lựa chọn mô hình sản xuất phù hợp.

6. Phát triển thị trường khoa học công nghệ, khuyến khích các doanh nghiệp đổi mới công nghệ, thúc đẩy kích cầu thị trường khoa học công nghệ thông qua việc mua bán trao đổi sản phẩm khoa học công nghệ. Phát triển thị trường khoa học công nghệ sẽ tạo môi trường đầu tư thông thoáng, công khai minh bạch các nguồn đầu tư khoa học công nghệ trong nông nghiệp. Mặt khác khi các sản phẩm khoa học công nghệ trở thành hàng hóa sẽ xúc tiến và khuyến khích tất cả các tổ chức cá nhân tham gia vào khoa học công nghệ. Để phát triển thị trường công nghệ phải đưa công nghệ thông tin trở thành công cụ chủ yếu trong việc tuyên truyền, quản lý, đào tạo và phát triển thị trường khoa học công nghệ.

7. Tăng cường và phát huy sự liên kết 4 nhà: Nhà nước-Nhà khoa học- Nhà doanh nghiệp- Nhà nông để tạo thành chuỗi liên kết chặt chẽ giữa các khâu nghiên cứu, thực nghiêm, sản xuất, chế biến và bao tiêu cho các sản phẩm khoa học công nghệ. Đó là cách các sản phẩm khoa học công nghệ được đưa vào ứng dụng trong sản xuất và đi vào đời sống nhanh nhất, các sản phẩm nông nghiệp cũng tìm được đầu ra ổn định người nông dân sẽ không chịu thiệt thòi và yên tâm sản xuất.

8. Đào tạo nâng cao kiến thức và khả năng tiếp nhận kết quả tiến bộ khoa học kỹ thuật của nông dân vì nông dân là người trực tiếp sản xuất và hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Xây dựng chương trình và nội dung học tập thiết thực cho nông dân theo hướng vừa phù hợp với trình độ của nông dân, vừa sát với thực tế phát triển nông nghiệp, nông thôn theo từng giai đoạn.

Tác giả : KS. Nguyễn Văn Đình - PGĐ TTKN
 
Bản quyền thuộc TRUNG TÂM KHẢO NGHIỆM KHUYẾN NÔNG KHUYẾN NGƯ THÁI BÌNH
Địa chỉ: Phường Phú Khánh - Tp Thái Bình - Tỉnh Thái Bình. Điện thoại: 0363.831.842, Fax:0363.831.842. 
Email
: