CHÀO MỪNG QUÝ VỊ VÀ CÁC BẠN ĐẾN VỚI WEBSITE TRUNG TÂM KHẢO NGHIỆM KHUYẾN NÔNG KHUYẾN NGƯ THÁI BÌNH
Giới thiệu chung
Cơ cấu tổ chức
Lịch sử khuyến nông
Chức năng nhiệm vụ
Kết quả nghiên cứu
Trồng trọt
Chăn nuôi
Thủy sản
Trồng trọt
Chăn Nuôi
Thủy Sản
 
Hỏi & đáp
Số lượt truy cập:
 

Tin Tức khuyến nông
Đánh giá kết quả đào tạo, tập huấn của Trung tâm Khuyến nông Thái Bình năm 2020

Cập nhật: 07/04/2021

    Năm 2020, từ nguồn kinh phí của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Trung tâm Khuyến nông Thái Bình đã tổ chức thực hiện 03 lớp tập huấn TOT cho 105 lượt người. Đối tượng học viên là cán bộ khuyến nông cấp tỉnh, huyện, cán bộ kỹ thuật nông nghiệp, đội ngũ Khuyến nông viên cơ sở, nông dân, chủ trang trại, tổ viên hợp tác, thành viên Hợp tác xã.

           Nội dung chương trình các lớp tập huấn bám sát định hướng phát triển nông nghiệp của tỉnh, ưu tiên phát triển các cây trồng, con vật nuôi chủ lực của từng địa phương như: Kỹ thuật sản xuất lúa theo phương thức mạ khay cấy máy; kỹ thuật nuôi thủy sản nước mặn, lợ theo hướng VietGAP; tập huấn, tư vấn biện pháp phòng và trị một số bệnh thường gặp trong chăn nuôi bò thương phẩm. Bên cạnh đó, Trung tâm còn tuyên truyền các chủ trương, chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp của Tỉnh thông qua gắn kết giữa tập huấn lý thuyết với các buổi thực hành tại hiện trường, tham quan các mô hình tiên tiến, hiệu quả theo cách cầm tay chỉ việc.

 Kết thúc khóa tập huấn, các học viên  đánh giá cao chất lượng lớp học, mọi chỉ tiêu đều vượt yêu cầu đề ra; đội ngũ giảng viên có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ phù hợp với nội dung bài giảng, nhiệt tình, cởi mở với học viên; phương pháp giảng dạy linh hoạt, có sự kết hợp hài hòa giữa học lý thuyết với thực hành, tham quan, giữa thuyết trình với thảo luận nhóm, tạo điều kiện tốt cho học viên tiếp thu, vận dụng kiến thức vào thực tiễn sản xuất. Nội dung bài giảng phong phú, hấp dẫn, phù hợp với nhu cầu của học viên. Tài liệu, bút vở, mẫu vật thực hành,... trang thiết bị lớp học đảm bảo đầy đủ; công tác tổ chức chu đáo, tạo điều kiện tốt cho học viên nghỉ ngơi, học tập. Các học viên đều có nguyện vọng tiếp tục được tham gia các khóa tập huấn với nhiều nội dung mới nhằm nâng cao chuyên môn nghiệp vụ, phục vụ tốt hơn công tác khuyến nông tại cơ sở.

Thực hiện Quyết định số 1666/QĐ-UBND ngày 12/6/2020 của UBND tỉnh, Trung tâm Khuyến nông Thái Bình đã phối hợp với các địa phương triển khai thực hiện 06 lớp đào tạo nghề trong đó có 3 lớp nghề Trồng cây lương thực, thực phẩm; 2 lớp nghề Chăn nuôi gia súc, gia cầm và 1 lớp nghề Khuyến ngư tại xã Phong Châu, huyện Đông Hưng; xã Minh Tân, Kiến Xương và xã Tây Ninh, huyện Tiền Hải. Tổng số lao động được học nghề là 198 học viên, trong đó đối tượng chính sách hộ nghèo, hộ cận nghèo có 12 người chiếm tỷ lệ 6,06%; tỷ lệ chuyên cần các lớp đạt trên 95%. Kết thúc khóa học, Trung tâm đã cấp chứng chỉ nghề cho 198 học viên, trong đó nghề trồng cây lương thực thực phẩm có 99 người; nghề chăn nuôi gia súc, gia cầm có 66 người và nghề khuyến ngư có 33 người.         

 Để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dạy nghề cho lao động nông thôn, trong quá trình triển khai thực hiện Trung tâm Khuyến nông đã phối hợp với chính quyền địa phương, các tổ chức hội như: Hội nông dân, Hội phụ nữ, Hợp tác xã SXKD-DVNN căn cứ vào tính chất của nghề đào tạo, tình hình thực tế của địa phương và nhu cầu học nghề của người lao động từ đó lựa chọn, tuyển sinh học viên theo đúng đối tượng, đúng nghề đào tạo, ưu tiên cho lao động nông thôn trong vùng có liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm để tổ chức tuyển sinh, đào tạo nghề với phương châm “Dạy những cái nông dân cần”. Trung tâm chú trọng xây dựng các mô hình dạy nghề (mô hình mẫu) theo dự toán được phê duyệt và gắn kết với các mô hình trình diễn do Trung tâm xây dựng nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho nông dân được thực hành, được học nghề theo cách "Cầm tay chỉ việc" ngay tại hiện trường.

            Qua các đợt kiểm tra, nghiệm thu tại cơ sở của các ngành chức năng như Hội Cựu chiến binh tỉnh, Chi cục Phát triển nông thôn, Sở Lao động Thương binh và Xã hội đều đánh giá các lớp đào tạo nghề do Trung tâm thực hiện đảm bảo tiến độ, đáp ứng yêu cầu đề ra, chất lượng và hiệu quả ngày càng nâng cao.

             Hiệu quả sau đào tạo nghề được đánh giá thông qua chỉ tiêu "Tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề tiếp tục làm nghề cũ nhưng có năng suất, thu nhập cao hơn" đạt 100%. Thông qua các bài học về lý thuyết và thực hành tại mô hình mẫu theo cách cầm tay chỉ việc, các học viên đã được bồi dưỡng kiến thức, cập nhật thông tin kỹ thuật mới về giống, thời vụ, phương thức sản xuất, phân bón, được hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc và biện pháp phòng trừ sâu bệnh, dịch bệnh trên các đối tượng cây trồng, con vật nuôi, thủy sản. Từ đó nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ, thu nhập của người lao động được nâng cao rõ rệt.

            Về hiệu quả môi trường được đánh giá thông qua các hoạt động như học viên biết áp dụng quy trình thực hành sản xuất theo hướng an toàn vệ sinh thực phẩm; đã sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu theo nguyên tắc "4 đúng"; sử dụng chế phẩm vi sinh làm "Đệm lót sinh học" xử lý chất thải chăn nuôi và xử lý môi trường ao nuôi trong nuôi trồng thủy sản nhằm giảm phát thải khí nhà kính, góp phần giảm thiểu ô nhiễm nguồn nước, đất, môi trường. Điển hình như học viên Nguyễn Thị Hạnh ở xã Tây Ninh - Tiền Hải tham gia lớp nghề chăn nuôi gia súc, gia cầm đã sử dụng men quế làm "đệm lót sinh học" để xử lý chất thải trong chăn nuôi gà với quy mô 200 con, kết quả cho thấy đàn gà của gia đình sinh trưởng phát triển tốt, an toàn dịch bệnh và giảm thiểu mùi hôi do chất thải chăn nuôi sinh ra, môi trường không khí được cải thiện rõ rệt. Học viên Hoàng Văn Nam tham gia lớp nghề khuyến ngư tại xã Minh Tân - Kiến Xương đã sử dụng chế phẩm sinh học Vicato để khử trùng, diệt khuẩn, ổn định môi trường ao nuôi giúp cá khỏe mạnh, mau lớn, giảm chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận.

            Sau nhiều năm thực hiện các chương trình đào tạo tập huấn, Trung tâm Khuyến nông Thái Bình xác định đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của đơn vị để góp phần thực hiện mục tiêu tái cơ cấu ngành và xây dựng nông thôn mới. Trong năm 2020 và những năm tiếp theo, bám sát định hướng của ngành, Trung tâm xây dựng kế hoạch và trình các cấp thẩm duyệt chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn, chương trình tập huấn cho theo hướng mở rộng đối tượng học nghề là nông dân trong vùng có liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị; ưu tiên cho phát triển các sản phẩm chủ lực, có lợi thế của từng địa phương, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu Chương trình OCOP - "Mỗi xã một sản phẩm".   

Tác giả : Ths. Đoàn Thị Thúy
 
Bản quyền thuộc TRUNG TÂM KHẢO NGHIỆM KHUYẾN NÔNG KHUYẾN NGƯ THÁI BÌNH
Địa chỉ: Phường Phú Khánh - Tp Thái Bình - Tỉnh Thái Bình. Điện thoại: 0363.831.842, Fax:0363.831.842. 
Email
: