CHÀO MỪNG QUÝ VỊ VÀ CÁC BẠN ĐẾN VỚI WEBSITE TRUNG TÂM KHẢO NGHIỆM KHUYẾN NÔNG KHUYẾN NGƯ THÁI BÌNH
Giới thiệu chung
Cơ cấu tổ chức
Lịch sử khuyến nông
Chức năng nhiệm vụ
Kết quả nghiên cứu
Trồng trọt
Chăn nuôi
Thủy sản
Trồng trọt
Chăn Nuôi
Thủy Sản
 
Hỏi & đáp
Số lượt truy cập:
 

Tin Tức khuyến nông
Xử lý rơm rạ bằng chế phẩm vi sinh

Cập nhật: 30/07/2021

    Rơm rạ chiếm đến 50% trọng lượng cây lúa, bình quân 1ha lúa sau thu hoạch để lại khoảng 6 tấn rơm rạ (trong đó bao gồm: 51,5 kg N - 25,4 kg P2O5 - 137,4 kg K2O… ). Như vậy với diện tích lúa trên 76.000 ha, chỉ riêng vụ Xuân năm 2021, Thái Bình đã sản sinh ra trên 450 tấn rơm, rạ. Việc trả lại rơm, rạ cho đất có ý nghĩa rất to lớn, đây là nguồn phân hữu cơ khổng lồ cho cây trồng. Song thời gian thu hoạch lúa Xuân, chuẩn bị gieo cấy lúa Mùa rất ngắn, nếu rơm rạ không được xử lý tốt, không kịp phân huỷ dễ gây hiện tượng ngộ độc hữu cơ gây hại cho lúa mùa, làm giảm năng suất, chất lượng lúa gạo.

Để xử lý rơm, rạ có thể sử dụng một số chế phẩm vi sinh đã được thực nghiệm, ứng dụng hiệu quả, rộng rãi tại Thái Bình: Phân vi sinh đa chủng đa chức năng Azotobacterin, chế phẩm vi sinh AT-YTB, chế phẩm vi sinh Fito-Biomix RR, chế phẩm vi sinh Sumitri, chế phẩm hữu cơ sinh học AT,...

 Tùy thuộc vào điều kiện, có thể lựa chọn phương pháp xử lý trực tiếp trên đồng ruộng hoặc thu gom ủ đống. Cách xử lý như sau:

- Xử lý rơm rạ trực tiếp trên đồng ruộng: Sử dụng chế phẩm vi sinh trộn cát sạch rắc đều mặt ruộng ngay trước hoặc sau khi lồng dập rạ (lưu ý ruộng phải có nước), sau đó giữ nước 7 – 10 ngày rồi tiến hành bừa cấy (liều lượng theo khuyến cáo của nhà sản xuất).



- Thu gom rơm rạ tạo đống ủ làm phân bón: 

Thu gom rơm, rạ (có thể tận dụng thêm một số sản phẩm hữu cơ như: Bèo tây, thân lá cây trồng hoặc phân lợn, phân gà,...).

Tùy lượng rơm, rạ mà bố trí diện tích chân đống, lượng chế phẩm vi sinh (theo khuyến cáo của nhà sản xuất), bổ sung phân hoá học NPK cho hợp lý (3kg/tấn rơm, rạ).

          Cách làm: Trải rơm, rạ sau khi thu hoạch trên địa điểm lựa chọn, mỗi lớp rơm, rạ dày khoảng 30cm thì tưới một lượt dung dịch chế phẩm hòa tan (nồng độ của dung dịch tùy thuộc vào độ ẩm của rơm, rạ sao cho khi ủ rơm, rạ có độ ẩm đạt trên 80%) và rắc mỏng phân hoá học NPK. Nếu gia đình có phân chuồng, phân gà thì bổ sung thêm.

          Đống ủ phải được che đậy bằng nilon để đảm bảo vệ sinh môi trường và kiểm tra nhiệt độ, độ ẩm của đống ủ để bổ sung nước đạt độ ẩm cần thiết, duy trì nhiệt độ đống ủ luôn ở mức 40oC.

          Đảo trộn đống ủ: Để cho rơm, rạ nhanh phân hủy và làm cho các loại vi sinh vật phân bố đều, tưới bổ sung duy trì ẩm độ, trộn đều giữa chỗ phân huỷ tốt và chưa tốt, để đảm bảo cần đảo trộn 2 lần: Lần 1 sau ủ 15 - 20 ngày, lần 2 cách lần 1 là 10 – 15  ngày (cách kiểm tra độ ẩm: cầm nắm rơm, rạ vắt đều thấy nước rỉ ra theo kẽ tay là được).

          Sau 30 ngày trở đi kiểm tra chất lượng phân đảm bảo đưa đi bón lót gối vụ hoặc đánh gọn bảo quản để bón cho cây rau màu.

Phương pháp xử lý rơm, rạ bằng các chế phẩm vi sinh có ý nghĩa vô cùng to lớn, tạo ra một khối lượng lớn phân bón “hữu cơ - vi sinh” cho cây trồng, giúp giảm thiểu phân hóa học, giảm tình trạng cây bị ngộ độc hữu cơ khi thời gian chuyển vụ từ vụ Xuân sang vụ Mùa. Đồng thời, bổ sung được một lượng lớn hữu cơ và vi sinh vật, trả lại kết cấu bền vững cho đất, tăng độ đệm, tăng khả năng giữ nước, giữ phân... từ đó giảm thiểu chi phí đầu vào và hạn chế sâu bệnh phát sinh phát triển, tăng năng suất, chất lượng lúa gạo, đảm bảo một nền nông nghiệp sạch và bền vững và hiệu quả.

Tác giả : KS. Đỗ Thị Ngọc
 
Bản quyền thuộc TRUNG TÂM KHẢO NGHIỆM KHUYẾN NÔNG KHUYẾN NGƯ THÁI BÌNH
Địa chỉ: Phường Phú Khánh - Tp Thái Bình - Tỉnh Thái Bình. Điện thoại: 0363.831.842, Fax:0363.831.842. 
Email
: