CHÀO MỪNG QUÝ VỊ VÀ CÁC BẠN ĐẾN VỚI WEBSITE TRUNG TÂM KHẢO NGHIỆM KHUYẾN NÔNG KHUYẾN NGƯ THÁI BÌNH
Giới thiệu chung
Cơ cấu tổ chức
Lịch sử khuyến nông
Chức năng nhiệm vụ
Kết quả nghiên cứu
Trồng trọt
Chăn nuôi
Thủy sản
Trồng trọt
Chăn Nuôi
Thủy Sản
 
Hỏi & đáp
Số lượt truy cập:
 

Tin Tức khuyến nông
Tổng kết Dự án “Sản xuất Lúa bền vững và giảm phát thải khí nhà kính AgResults” (AVERP) tại tỉnh Thái Bình

Cập nhật: 29/09/2021

    Dự án “Sản xuất lúa bền vững và giảm phát thải khí nhà kính AgResults” (AVERP) tại Việt Nam do Tổ chức Phát triển Hà Lan (SNV) quản lý được thực hiện tại tỉnh Thái Bình nằm trong Đề án AgResults có sự đồng tài trợ của chính phủ các nước: Australia, Canada, Anh, Mỹ và Quỹ Bill & Melinda Gates.

Thái Bình là địa phương duy nhất ở Việt Nam được Ban điều hành dự án lựa chọn để triển khai dự án trong 5 năm (2016 - 2021). Tổng ngân sách Dự án lên đến hơn 8 triệu USD với mục tiêu xây dựng, thử nghiệm và nhân rộng các công nghệ, công cụ và phương pháp tiên tiến nhằm giảm phát thải khí nhà kính (KNK) trong quá trình canh tác và sản xuất lúa gạo, góp phần nâng cao sinh kế, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.


Cách thức thực hiện dự án hoàn toàn mới - theo “Cơ chế kéo“, đó là không hỗ trợ kinh phí trước cho tổ chức, cá nhân mà tiến hành lựa chọn, thẩm định các giải pháp, các công nghệ sáng tạo xuất sắc, đáp ứng tiêu chí giảm phát thải khí nhà kính và nâng cao sinh kế cho người dân trồng lúa để trao giải thưởng.



Dự án được chia ra làm 2 giai đoạn chính: Giai đoạn 1 - giai đoạn thử nghiệm gồm hai vụ là vụ Mùa năm 2017 và vụ Xuân 2018; giai đoạn 2 – giai đoạn mở rộng gồm bốn vụ liên tiếp, bắt đầu từ vụ Xuân năm 2019 và kết thúc vào vụ Mùa năm 2020.


Ở giai đoạn I, các đơn vị tham gia dự thi thử nghiệm các giải pháp công nghệ họ đề xuất trong suốt hai vụ này. Kết quả về sản lượng và phát thải khí nhà kính được kiểm định bởi Công ty Applied Geo-Solutions và đồng giám sát bởi Tổ chức Phát triển Hà Lan SNV và Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Thái Bình. Những công nghệ hoặc phương pháp canh tác lúa được kiểm chứng đạt hiệu quả cao nhất về giảm phát thải khí nhà kính và tăng năng suất được được chọn tham gia vào giai đoạn 2.


Ở giai đoạn 2, để giành được giải thưởng, các đơn vị cần chứng minh được hiệu quả về số lượng các nông hộ sử dụng công nghệ, tiềm năng sử dụng lặp lại công nghệ, tổng lượng khí nhà kính được cắt giảm và mức tăng năng suất. Kết quả của bốn chỉ số này sẽ được kiểm định bởi Công ty Applied Geo-Solutions.


Giai đoạn I có 11 đơn vị được lựa chọn đã xây dựng 11 gói công nghệ triển khai tại 11 xã, thuộc 6 huyện và thành phố trong tỉnh với diện tích trên 1,5 ha; đồng thời xây dựng 11 mô hình đối chứng để đánh giá tính hiệu quả của từng công nghệ, 11 gói công nghệ phải đảm bảo được tăng năng suất và giảm khí phát thải nhà kính so với đối chứng.


Kết thúc giai đoạn I, có 4 Đơn vị dự thi có thành tích cao nhất đã được lựa chọn để bước tiếp vào Giai đoạn II. Các đơn vị đã nỗ lực nhân rộng gói công nghệ đã được kiểm định ở Giai đoạn I đến với nhiều nông hộ nhất có thể. Đây là những Doanh nghiệp sở hữu những gói công nghệ tiên tiến, được đánh giá là có nhiều triển vọng để áp dụng sản xuất trên diện rộng góp phần nâng cao năng suất, chất lượng lúa gạo đặc biệt là cắt giảm khí nhà kính.


Các đơn vị tham gia vào giai đoạn II gồm: Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển An Đình, Tập đoàn ThaiBinh Seed, Công ty CP Giống cây lương thực và cây thực phẩm và Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền.


Qua 4 vụ mở rộng, tổng cộng có 47.762 lượt nông hộ từ 85 HTX trên tổng diện tích 4.937 ha đã tham gia ứng dụng 4 gói công nghệ sản xuất lúa bền vững đã được Dự án kiểm chứng và cho phép triển khai trên qui mô lớn. Kết quả kiểm định cho thấy các gói công nghệ được thực hiện trong điều kiện thời tiết thực tế của hai vụ Xuân và Hè đã giảm khí nhà kính trung bình 0,5 tấn/ha và tăng năng suất trung bình 0,2 tấn/ha so với phương pháp canh tác lúa truyền thống tại Thái Bình. Các gói công nghệ này cũng giảm khoảng 15% chi phí vật tư cho các nông hộ do sử dụng hiệu quả vật tư đầu vào.


 Giải thưởng Chung kết với tổng trị giá 1,35 triệu USD đã được công bố và trao thưởng tại “Hội nghị Tổng kết và Lễ trao giải Chung kết Dự án AVERP” vào ngày 25/8/2021. Kết quả: 01 Giải Nhất trị giá 750.000 USD được trao cho Công ty Cổ phần Tập đoàn ThaiBinh Seed; 01 Giải Nhì trị giá 400.000 USD được trao cho Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Công nghệ An Đình và 01 Giải Ba trị giá 200.000 USD được trao cho Công ty Cổ phần Giống cây lương thực và cây thực phẩm.  Qua hai giai đoạn triển khai, Dự án AVERP đã trao tổng giá trị giải thưởng lên đến 3 triệu USD cho các đơn vị dự thi tham gia.


Có thể khẳng định, trải qua 5 năm triển khai và thực hiện tại tỉnh Thái Bình, Dự án “Sản xuất Lúa bền vững và Giảm phát thải khí nhà kính AgResults (AVERP)” đã tạo ra một môi trường, sân chơi bình đẳng cũng như ứng dụng các phương pháp kiểm định tiên tiến nhất để tìm ra các gói công nghệ thực sự mang lại hiệu quả về tăng năng suất lúa nhưng lại giảm khí nhà kính, từ đó mang lại hiệu quả sản xuất bền vững hơn. Bên cạnh đó, với vốn đầu tư hơn 8 triệu USD và  thực hiện theo cơ chế kéo, cũng như các cơ sở khoa học để đánh giá các công nghệ này, Dự án đã tạo ra những chất xúc tác để đẩy mạnh sự dẫn dắt của khối kinh tế tư nhân trong việc đưa các gói công nghệ tiến bộ vào sản xuất lúa và liên kết chuỗi, giảm thiểu đi sự phụ thuộc trông chờ nguồn vốn của Nhà nước. Nông dân được tham gia vào chuỗi sản xuất lúa gạo hàng hóa, yên tâm sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế cao; thay đổi dần biện pháp sản xuất truyền thống: thay vì đốt rơm rạ thì người dân đã sử dụng chế phẩm xử lý rơm rạ, cấy thưa, giảm lượng giống, sử dụng phân bón đúng lúc, cân đối, xiết nước đúng thời điểm...góp phần bảo vệ môi trường và tiết kiệm nguồn tài nguyên nước.


Ngoài các lợi ích kép về phát triển kinh tế, bảo vệ tài nguyên môi trường và tăng cường liên kết trong chuỗi giá trị lúa gạo, các kết quả được kiểm định của Dự án cũng đóng góp vào các đề xuất cơ chế chính sách, lồng ghép vai trò của Doanh nghiệp vào thực hiện và nhân rộng chuyển giao các công nghệ sản xuất Lúa bền vững cho Đồng Bằng Sông Hồng nói riêng và Việt Nam nói chung.



Ngày 25/8/2021, tại “Hội nghị Tổng kết và Lễ trao giải Chung kết Dự án AVERP”, Ông Nguyễn Khắc Thận - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo dự án AVERP cấp tỉnh đánh giá: “Dự án là một minh chứng sinh động cho sản xuất nông nghiệp bền vững, tăng hiệu quả và nâng cao chất lượng cuộc sống cho nông dân. Dự án đã mở ra một hướng đi mới cho sản xuất nông nghiệp an toàn, bền vững, bảo vệ tài nguyên môi trường, tăng cường liên kết trong chuỗi giá trị  lúa gạo. Do đó, đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các đơn vị, địa phương tiếp tục tham mưu các gói công nghệ tiên tiến để nhân rộng ra các vụ tiếp theo; đồng thời tiếp tục tuyên truyền quảng bá về dự án để đông đảo nông dân được tiếp cận.”

 

 
Tác giả : Giám đốc TTKN - Ks. Trần Minh Hưng
 
Bản quyền thuộc TRUNG TÂM KHẢO NGHIỆM KHUYẾN NÔNG KHUYẾN NGƯ THÁI BÌNH
Địa chỉ: Phường Phú Khánh - Tp Thái Bình - Tỉnh Thái Bình. Điện thoại: 0363.831.842, Fax:0363.831.842. 
Email
: