CHÀO MỪNG QUÝ VỊ VÀ CÁC BẠN ĐẾN VỚI WEBSITE TRUNG TÂM KHẢO NGHIỆM KHUYẾN NÔNG KHUYẾN NGƯ THÁI BÌNH
Giới thiệu chung
Cơ cấu tổ chức
Lịch sử khuyến nông
Chức năng nhiệm vụ
Kết quả nghiên cứu
Trồng trọt
Chăn nuôi
Thủy sản
Trồng trọt
Chăn Nuôi
Thủy Sản
 
Hỏi & đáp
Số lượt truy cập:
 

Tin Tức khuyến nông
Một số biện pháp khắc phục hậu quả Nuôi trồng thủy sản sau ảnh hưởng của mưa, bão

Cập nhật: 18/10/2021

    Trong những ngày qua do ảnh hưởng của cơn bão số 8, trời liên tục có mưa to đến rất to đã ảnh hưởng xấu đến sự sinh trưởng, phát triển của động vật thủy sản nuôi. Theo dự báo của Trung tâm khí tượng thủy văn Quốc gia, trong những ngày tới thời tiết vẫn tiếp tục có mưa, nhiệt độ xuống thấp… Vì vậy, người nuôi trồng thủy sản cần lưu ý:

1.  Đối với ao, đầm nuôi trồng thủy sản


- Thường xuyên kiểm tra bờ ao, đầm nuôi và tình hình động vật thủy sản nuôi ở trong ao, đầm để có biện pháp khắc phục kịp thời.


 - Tu sửa bờ ao, đầm nếu bị hư hỏng. Tiến hành xả bớt nước trên tầng mặt để giảm bớt lượng nước mưa trong ao; đồng thời tiến hành chạy máy quạt nước, sục khí nhằm hạn chế sự phân tầng nước đối với những ao nuôi thâm canh và bán thâm canh.


 - Khi mưa lớn kéo dài, nước ao nuôi bị đục, pH bị giảm đột ngột nên rải vôi xung quanh bờ ao, kết hợp bón vôi cho ao, đầm nuôi để ổn định pH nước và làm giảm độ đục của nước ao:


+ Đối với ao nuôi thủy sản nước ngọt: Lượng vôi bón 0,7 - 1kg/100m3 nước.


+ Đối với ao nuôi thủy sản nước mặn lợ: Lượng vôi bón 2 - 3 kg/100m3 nước tùy theo pH ao nuôi;


- Bổ sung vitamin C, chế phẩm sinh học vào thức ăn để tăng sức đề kháng cho thủy sản nuôi.


- Chủ động phòng bệnh cho cá, bằng cách định kỳ 1 lần/ tháng trộn tỏi tươi xay nhuyễn vào thức ăn với liều lượng 50 g/100 kg cá; hoặc thuốc Tiên đắc 20g/100 kg cá; hoặc dùng chế phẩm EM tỏi cho ăn định kỳ 2 lần/tháng cho cá với liều lượng 1lít EM tỏi/10 kg thức ăn trộn ủ cho se viên thức ăn, cho ăn 3 – 5 ngày liên tục


 - Kiểm tra thường xuyên các yếu tố môi trường ao nuôi, sức khỏe thủy sản nuôi để có biện pháp xử lý kịp thời.


 



2. Đối với lồng, bè nuôi trồng thủy sản


- Liên tục kiểm tra lại các móc neo, dây buộc đầu neo, phao lồng, lồng nuôi cá… nếu bị hư hỏng lập tức sửa chữa hoặc thay mới, nếu có điều kiện cần di chuyển lồng vào vị trí an toàn nếu có bão, lũ và nước chảy xiết.


 - Kiểm tra các yếu tố môi trường như pH, ôxy, mực nước, màu nước và các hoạt động của cá để phát hiện dấu hiệu bất thường (môi trường hoặc bệnh cá) để có những biện pháp xử lý kịp thời.


- Vệ sinh cọ rửa các tạp chất bám ở trong lồng nuôi giúp thông thoáng lồng nuôi và tăng lưu tốc dòng chảy trong lồng.


- Hòa tan 2 – 3 kg vôi bột tạt trong lồng và khu vực nuôi để phòng bệnh cho cá và làm sạch môi trường xung quanh (sử dụng định kỳ sau 7 – 10 ngày).


- Tận dụng ngày nắng ấm bà con bổ sung thức ăn giàu đạm, vitamin C trộn vào thức ăn để tăng cường sức đề kháng cho cá. Duy trì các biện pháp phòng bệnh tổng hợp cho cá.


3. Đối với nuôi ngao/nghêu bãi triều ven biển


- Khi nước thủy triều xuống, tiến hành kiểm tra, tu sửa cọc, chân vây.


- Sau mưa, bão, ngao thường tập trung vào các góc, chân vây. Cần tiến hành san đều ra toàn bãi. San phẳng các vùng ứ đọng nước trên mặt bãi tránh hiện tượng nước ngọt ứ đọng cục bộ làm chết ngao nuôi.


Trên đây là một số biện pháp khắc phục hậu quả nuôi trồng thủy sản do ảnh hưởng của mưa, bão. Mong bà con lưu ý thực hiện./.

Tác giả : Ks. Nguyễn Thị Hằng
 
Bản quyền thuộc TRUNG TÂM KHẢO NGHIỆM KHUYẾN NÔNG KHUYẾN NGƯ THÁI BÌNH
Địa chỉ: Phường Phú Khánh - Tp Thái Bình - Tỉnh Thái Bình. Điện thoại: 0363.831.842, Fax:0363.831.842. 
Email
: