CHÀO MỪNG QUÝ VỊ VÀ CÁC BẠN ĐẾN VỚI WEBSITE TRUNG TÂM KHẢO NGHIỆM KHUYẾN NÔNG KHUYẾN NGƯ THÁI BÌNH
Giới thiệu chung
Cơ cấu tổ chức
Lịch sử khuyến nông
Chức năng nhiệm vụ
Kết quả nghiên cứu
Trồng trọt
Chăn nuôi
Thủy sản
Trồng trọt
Chăn Nuôi
Thủy Sản
 
Hỏi & đáp
Số lượt truy cập:
 

Tin Tức khuyến nông
Hiệu quả từ mô hình trồng măng Tây hữu cơ

Cập nhật: 01/12/2021

    Từng tốt nghiệp Đại học Mỏ Địa chất và Đại học Bách Khoa Hà Nội, ra trường có việc làm ổn định, thế nhưng ông Nguyễn Thành Trung (sinh năm 1968) lại quyết định gác lại sau lưng tất cả để về quê làm nông nghiệp, khiến nhiều người hết sức ngỡ ngàng.

Năm 2019, ông Trung được chính quyền địa phương xã Quỳnh Giao tạo điều kiện cho thuê 1,5 ha đất bãi ven sông có thời hạn với mức giá ưu đãi. Như “cá gặp nước”, ông Trung mạnh dạn đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, xem đó là cơ hội để khẳng định năng lực bản thân và xa hơn là hoàn thành tâm nguyện làm giàu trên chính mảnh đất nơi mình sinh ra và lớn lên. Sau nhiều lần khăn gói lên đường học tập kinh nghiệm ở các mô hình canh tác nông nghiệp tại một số tỉnh lân cận, ông quyết định chọn cây măng Tây xanh vì nó vừa hợp thổ nhưỡng địa phương, vừa mang lại giá trị kinh tế cao và thị trường rất ưa chuộng, sau 2 năm gieo trồng đã đem lại thu nhập cao từ cây trồng này.



 

Trao đổi với chúng tôi, ông Trung cho biết: “Cây măng Tây xanh khi trồng tại Thái Bình gặp khó khăn nhất là về khí hậu, vào mùa Đông cây phát triển kém không cho thu hoạch, đến mùa mưa sâu bệnh nhiều. Do vậy, trồng ở đây tốn nhiều công chăm sóc hơn, chi phí nhiều hơn. Trong quá trình đi làm, được tiếp xúc, học hỏi nhiều cách làm hay của nông dân, tôi thấy măng Tây dùng phân hữu cơ để bón sản phẩm sạch, khả năng chống chịu sâu bệnh của cây tốt, sản phẩm lại được thị trường ưa chuộng nên tôi bắt đầu hình thành suy nghĩ về phát triển nghề nông theo xu hướng sản xuất nông nghiệp sạch. Tuy nhiên trong quá trình trồng theo hướng hữu cơ, tôi phải tuân thủ đúng quy trình an toàn sinh học, phân tích mẫu đất, nước định kỳ, riêng về sâu bệnh chủ yếu là các bệnh thán thư, nấm và sâu xanh nên tôi sử dụng hoàn toàn bằng chế phẩm sinh học để phòng sâu bệnh, cứ 07 ngày tôi phun nhắc lại 1 lần thì sản phẩm mới đạt 98% hữu cơ”.

Bỏ qua những cách làm truyền thống, ông Trung áp dụng những tiến bộ khoa học kĩ thuật vào sản xuất, tự tay ươm giống, khâu xử lí đất, khử trùng, tiêu diệt nấm bệnh trong đất. Về tưới tiêu, ông xây hệ thống bể lọc nước, lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt, hệ thống cung cấp phân bón, tất cả đều được tự động hoá, các đường ống nước được lắp đặt ngay cạnh gốc măng Tây vừa giảm công lao động vừa cung cấp nước liên tục, đầy đủ giúp cây sinh trưởng tốt. Với sự đầu tư bài bản, khoa học, ông Trung có được thành công ngay từ lần đầu tiên trồng măng Tây xanh theo phương pháp hữu cơ.

Ông Trung chia sẻ: Đầu tư ban đầu cho mỗi sào măng Tây xanh gồm có tiền giống, vật liệu làm giàn, phân bón, thiết bị tưới tiết kiệm hết khoảng 35 – 40 triệu, tuy nhiên tuổi thọ cây khi trồng bằng phân hữu cơ có thể dài từ 10 - 12 năm nên tính ra thì đầu tư không phải là cao. Hạt giống măng tây sau khi ươm trong bầu khoảng hơn 2 tháng là có thể trồng xuống đất, sau 5 - 6 tháng bắt đầu thu hoạch đợt đầu tiên. Đến nay, một ngày vườn măng Tây xanh của tôi đang cho thu hoạch 01 tạ/1,5 ha. Sau khi thu hoạch liên tục trong 2,5 - 3 tháng, cây măng Tây cần nghỉ 1 tháng để chăm sóc, cắt tỉa thay thế cây chủ nhằm đảm bảo cho cây măng tây luôn khỏe, cho sản lượng cao nhất. Tuỳ theo từng kích thước, mỗi bó măng tây dao động từ 95.000 đồng - 120.000 đồng/1kg, sau khi trừ chi phí thì 1 sào măng Tây cho doanh thu hơn 60 triệu đồng/năm. Bên cạnh đó còn giải quyết công ăn việc làm cho 07 lao động địa phương với tiền công mỗi ngày 130.000 đồng.



 

Nhận thấy đây là cây trồng mới và có tiềm năng phát triển, phù hợp nên ngoài diện tích tự trồng, ông còn vận động 7 thành viên thành lập Hợp tác xã nông nghiệp hữu cơ Quỳnh Phụ với tổng diện tích 7,5 ha. Bằng sự năng động, tìm tòi, ông Trung còn tìm được đơn vị bao tiêu sản phẩm cho 6 nhà vườn trồng măng tây hữu cơ của các hộ nông dân ở 4 huyện Quỳnh Phụ, Vũ Thư, Hưng Hà, Đông Hưng. Hiện tại sản lượng măng Tây cung cấp vẫn chưa đủ cho thị trường và tiến tới ông muốn mở rộng nhiều hơn nữa. Ngoài ra Hợp tác xã của ông còn tư vấn thiết kế kỹ thuật, chuyển giao công nghệ kỹ thuật trồng măng Tây hữu cơ cho các nhà vườn trong.

Từ mô hình trồng măng Tây xanh hữu cơ của ông Trung cho thấy một minh chứng về thành công từ sự nỗ lực trong làm nông nghiệp, về sự năng động, chủ động thay đổi tư duy canh tác, tìm kiếm thị trường, khẳng định được nhiệt huyết khi lập thân, lập nghiệp trên mảnh đất quê hương. Từ đây, mở ra cơ hội mới, hướng đi mới cho nông dân các địa phương trong việc thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo tinh thần Nghị quyết 09 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Thái Bình và chung tay xây dựng thương hiệu măng Tây Thái Bình trở thành sản phẩm OCOP nhằm nâng cao giá trị sản xuất và hướng tới xuất khẩu loại nông sản này.

Tác giả : Ths. Đoàn Thị Thúy
 
Bản quyền thuộc TRUNG TÂM KHẢO NGHIỆM KHUYẾN NÔNG KHUYẾN NGƯ THÁI BÌNH
Địa chỉ: Phường Phú Khánh - Tp Thái Bình - Tỉnh Thái Bình. Điện thoại: 0363.831.842, Fax:0363.831.842. 
Email
: