CHÀO MỪNG QUÝ VỊ VÀ CÁC BẠN ĐẾN VỚI WEBSITE TRUNG TÂM KHẢO NGHIỆM KHUYẾN NÔNG KHUYẾN NGƯ THÁI BÌNH
Giới thiệu chung
Cơ cấu tổ chức
Lịch sử khuyến nông
Chức năng nhiệm vụ
Kết quả nghiên cứu
Trồng trọt
Chăn nuôi
Thủy sản
Trồng trọt
Chăn Nuôi
Thủy Sản
 
Hỏi & đáp
Số lượt truy cập:
 

Tin Tức khuyến nông
Một số biện pháp hạn chế lúa cỏ trên đồng ruộng

Cập nhật: 07/01/2022

    Những năm gần đây, một số tỉnh miền Bắc đã xuất hiện lúa cỏ (lúa ma) rải rác trên đồng ruộng. Lúa cỏ cạnh tranh dinh dưỡng, ánh sáng và kìm hãm sự sinh trưởng, phát triển với cây lúa thường, khi hạt lúa cỏ chín lại dễ bị rụng không cho thu hoạch. Vì vậy, đây là nguyên nhân dẫn đến mất mùa cục bộ ở một số diện tích bị lúa cỏ nhiều. Thái Bình cũng là một trong những tỉnh đã xuất hiện lúa cỏ trong mấy vụ gần đây. Để hạn chế sự phát tán của lúa cỏ trong những vụ tiếp theo, cần nhận biết về cây lúa cỏ và áp dụng những biện pháp kỹ thuật trong canh tác lúa như sau:

1. Đặc điểm nhận biết cây lúa cỏ

Lúa cỏ rất giống với cây lúa thường, nên rất khó nhận biết ở giai đoạn đầu. Đặc biệt, trên những ruộng lúa gieo thẳng (giai đoạn cây con đến đẻ nhánh). Nếu nhìn kĩ, cây lúa cỏ thường có thân nhỏ, lá mỏng và màu vàng nhạt hơn cây lúa thường.

Hiện nay, có nhiều kiểu hình lúa cỏ xuất hiện trên đồng ruộng như: Loại cây cao, hạt có râu dài màu trắng hoặc màu đỏ tím; loại cây thấp, hạt không có râu hoặc có râu ngắn; hạt dạng thon dài hoặc bầu, màu vàng, có loại hạt có mỏ tím đỏ. Khi hạt chín, bóc vỏ trấu thấy hạt gạo có màu đỏ nhạt hoặc hồng nhạt. Đặc biệt, từ giai đoạn đỏ đuôi rất dễ rụng hạt khi có gió hoặc bị va đập, cọ sát. Sau khi hạt rụng xuống nếu gặp điều kiện thuận lợi thì hạt nảy mầm luôn, nếu điều kiện bất thuận thì hạt ngủ nghỉ nhưng vẫn có sức sống cũng như duy trì sức nảy mầm trong vài năm. Do vậy, lúa cỏ tồn tại, tích tụ và tăng dần qua các vụ. Lúa cỏ có thời gian sinh trưởng ngắn hơn cây lúa thường, nhưng do không mọc đồng loạt như lúa thường nên lúa cỏ thường trỗ bông không tập trung.

Mặt khác qua nhiều vụ canh tác, một phần nhỏ lúa cỏ và lúa thường có sự thụ phấn chéo dẫn đến sự phân ly với các tính trạng xấu và ngày càng trở nên phức tạp hơn, khó nhận biết và quản lý hơn.



 

2. Các nguyên nhân phát tán lúa cỏ trên đồng ruộng

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến sự phát tán lúa cỏ trên đồng ruộng như:

- Quá trình thu hoạch, máy gặt từ vùng có lúa cỏ sang gặt ở vùng khác nhưng không vệ sinh máy sạch sẽ. Quá trình máy gặt di chuyển sẽ làm rơi vãi hạt lúa trên đồng ruộng, trong đó có những hạt lúa cỏ.

- Quá trình xử lý cây lúa cỏ: Không nhổ bỏ mà chỉ cắt gốc, cây tiếp tục bật mầm và sinh trưởng, ra hạt hoặc nhổ bỏ nhưng không đem tiêu hủy triệt để, cây lúa cỏ vẫn sinh trưởng phát triển và kết hạt; hoặc nhổ bỏ lúa cỏ quá muộn khi lúa cỏ đã vào chắc, hạt bị rụng rơi vãi khắp nơi; hoặc không nhổ bỏ lúa cỏ mọc trên bờ ruộng, mương máng, khi gặp gió hoặc đi lại làm hạt rụng xuống ruộng, mương máng, theo nguồn nước tiếp tục phát tán lây lan sang những vụ sau.

- Việc sử dụng giống lúa ở những ruộng xuất hiện lúa cỏ mà không được xử lý triệt để ngay giai đoạn đầu làm giống cho vụ sau.

- Sự phân ly của các giống lúa trên đồng ruộng, qua nhiều vụ.

- Việc vệ sinh đồng ruộng không tốt, áp dụng các biện pháp canh tác để xử lý lúa cỏ không triệt để dẫn đến sự tích lũy và phát tán mạnh ở những vụ tiếp theo và ra nhiều vùng sản xuất…

3. Các biện pháp canh tác để hạn chế lúa cỏ phát tán trên đồng ruộng

Lúa cỏ có những đặc điểm như cây lúa thường, nên việc sử dụng các loại thuốc để trừ lúa cỏ sẽ có hại cho lúa thường. Để hạn chế lúa cỏ phát tán gây hại cho lúa vụ Xuân năm 2022 và những vụ tiếp theo, cần chủ động áp dụng đồng thời các biện pháp canh tác ngay từ đầu vụ:

- Với những vùng, những ruộng đã xuất hiện lúa cỏ trong vụ Mùa 2021: Cần thu gom rơm, rạ và tiêu hủy; giữ ẩm mặt ruộng để kích thích cho hạt lúa cỏ cũng như hạt cỏ dại mọc mầm, sau đó đưa nước vào cày lật đất và bừa qua, tiếp tục giữ ruộng ẩm để kích thích cho những hạt lúa cỏ và cỏ dại còn lại mọc mầm rồi bừa lại để tiêu hủy lúa cỏ và cỏ dại. Nên sử dụng một số chế phẩm phân giải xellulo trong quá trình làm đất như Sumitri, hay nấm đối kháng Tricoderma,… để phun trên mặt ruộng kích thích phân hủy hạt lúa cỏ và cỏ dại tốt hơn.

- Chuẩn bị hạt giống: Nên mua giống ở các công ty có uy tín trên thị trường, không nên tự để giống, đặc biệt là giống lúa ở những ruộng đã xuất hiện lúa cỏ để làm giống cho vụ sau.

- Phương thức gieo cấy: Để xử lý được nhanh và triệt để lúa cỏ, cần thiết phải chuyển đổi phương thức gieo cấy từ gieo thẳng sang cấy. Có thể cấy tay hoặc cấy máy. Khi lúa cỏ hay cỏ dại mọc lên, rất dễ dàng nhận biết để nhổ bỏ và tiêu hủy sớm. Thường xuyên kiểm tra và nhổ bỏ những cây lúa mọc ngoài khóm lúa chính từ đầu đến cuối vụ.

Với những chân ruộng cao, có thể chuyển sang trồng cây màu 2 - 3 vụ để xử lý triệt để lúa cỏ, sau đó mới cấy lúa trở lại.

- Điều tiết nước: Sau cấy, luôn giữ một lớp nước nông 3 – 5 cm mặt ruộng, vừa giúp cho cây lúa nhanh bén rễ hồi xanh, lại hạn chế được lúa cỏ và cỏ dại mọc lên.

- Giai đoạn lúa phân hóa đòng đến trỗ bông, việc phân biệt cây lúa cỏ dễ hơn, cây lúa cỏ thường mọc cao vượt lên hoặc cây thấp hẳn ở tầng dưới, tiếp tục nhổ bỏ để tiêu hủy lúa cỏ sớm trước khi trỗ bông. Nếu hạt đã vào chắc mới nhổ bỏ, cần cho vào bao hoặc xô, chậu,… sao cho hạt lúa không bị rơi rụng lại trên đồng ruộng trong quá trình nhổ bỏ mang đi tiêu hủy.

- Giai đoạn thu hoạch: Phải khoanh vùng để thu hoạch. Những ruộng, những vùng có xuất hiện lúa cỏ mà chưa xử lý triệt để, cần thu hoạch riêng, sau khi thu hoạch xong phải vệ sinh máy gặt ngay rồi mới di chuyển máy sang vùng khác để tiếp tục thu hoạch.

Tác giả : Ths. Lại Thị Bích Hợi
 
Bản quyền thuộc TRUNG TÂM KHẢO NGHIỆM KHUYẾN NÔNG KHUYẾN NGƯ THÁI BÌNH
Địa chỉ: Phường Phú Khánh - Tp Thái Bình - Tỉnh Thái Bình. Điện thoại: 0363.831.842, Fax:0363.831.842. 
Email
: