CHÀO MỪNG QUÝ VỊ VÀ CÁC BẠN ĐẾN VỚI WEBSITE TRUNG TÂM KHẢO NGHIỆM KHUYẾN NÔNG KHUYẾN NGƯ THÁI BÌNH
Giới thiệu chung
Cơ cấu tổ chức
Lịch sử khuyến nông
Chức năng nhiệm vụ
Kết quả nghiên cứu
Trồng trọt
Chăn nuôi
Thủy sản
Trồng trọt
Chăn Nuôi
Thủy Sản
 
Hỏi & đáp
Số lượt truy cập:
 

Tin Tức khuyến nông
(Trích) Đề án sản xuất vụ Xuân, vụ Hè năm 2022

Cập nhật: 13/01/2022

    (Trích) Đề án sản xuất vụ Xuân, vụ Hè năm 2022

 


II. QUAN ĐIỂM, MỤC TIÊU, GIẢI PHÁP SẢN XUẤT VỤ XUÂN, VỤ HÈ NĂM 2022

3. Mục tiêu:

- Gieo cấy 75.500 ha đất lúa bằng các giống ngắn ngày, chất lượng gạo cao, năng suất cao trong khung thời vụ tốt nhất, trong đó diện tích lúa chất lượng cao đạt 40 - 45% tổng diện tích gieo cấy; năng suất 71,00 tạ/ha trở lên; sản lượng 530 nghìn tấn trở lên; diện tích áp dụng mạ khay, cấy máy đạt 20% tổng diện tích gieo cấy; diện tích liên kết sản xuất gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm đạt từ 15% trở lên; diện tích sản xuất lúa do hộ nông dân tập trung ruộng đất sản xuất với quy mô 2 ha trở lên đạt 8% trở lên; phục hồi 1 - 2 giống lúa truyền thống có chất lượng cao ở địa phương để xây dựng nhãn hiệu gạo.

- Sơ kết 07 mô hình gia tăng giá trị sản xuất lúa gạo hiện có; trên cơ sở đó có đánh giá để mở rộng phạm vi và nhân rộng mô hình bảo đảm hiệu quả, phấn đấu các mô hình chủ động hoạt động hạn chế đầu tư vốn ngân sách; trước mắt, ngay trong vụ Xuân phấn đấu có thêm 16 mô hình tại các địa phương đăng ký về đích nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu và các xã có nhu cầu đăng ký.

- Diện tích gieo trồng cây màu xuân từ 15.000 ha trở lên, trong đó cây ngô 2.500 - 3.000 ha; cây lạc 2.000 - 2.300 ha; cây dưa, bí các loại 2.000 ha; cây rau màu các loại 8.000 - 8.500 ha; xây dựng 3 - 4 vùng nguyên liệu để gia tăng giá trị sản phẩm đỗ xanh, lạc đỏ, khoai lang của tỉnh Thái Bình.

- Tận dụng mọi quỹ đất để trồng cây màu hè, đồng thời khuyến khích mở rộng diện tích cây màu hè trên đất chuyên trồng lúa (Đất giữa 2 vụ lúa), phấn đấu tổng diện tích 11.000 ha trở lên, trong đó: Cây ngô 2.000 ha; cây dưa bí các loại 2.500 ha; cây đậu đỗ lấy hạt 2.000 ha; rau màu các loại 4.500 ha; xây dựng chuỗi liên kết sản xuất và cung ứng một số sản phẩm dưa lê, dưa Hàn Quốc theo hướng an toàn, phục vụ thị trường nội địa qua các siêu thị, cửa hàng rau quả an toàn.

4. Các giải pháp sản xuất:

4.1. Giải pháp về tuyên truyền: Tập trung tuyên truyền việc chấp hành cơ cấu giống, lịch thời vụ gieo trồng ở các địa phương nhằm đảm bảo lúa trỗ bông trong khung thời vụ an toàn, giảm chi phí sản xuất; xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, nâng cao giá trị sản xuất lúa gạo có hiệu quả kinh tế cao; thay đổi nhận thức về sản xuất lúa gạo theo hướng đổi mới mạnh mẽ hình thức tổ chức sản xuất, gắn với chuỗi giá trị sản phẩm; mở rộng hình thức gieo mạ khay, cấy máy trong sản xuất lúa, áp dụng cơ giới hóa tất cả các khâu trong sản xuất lúa, một số khâu trong sản xuất cây rau màu (Làm đất, chăm sóc, phòng trừ sâu, bệnh...).

4.2. Các giải pháp về quản lý, chỉ đạo:

- Huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị từ tỉnh, huyện đến xã, phường, thị trấn để chỉ đạo và tổ chức sản xuất trong bối cảnh khó khăn của dịch bệnh Covid-19 với phương châm bảo đảm an ninh lương thực, tăng cường xúc tiến thương mại tiêu thụ nông sản, nâng cao đời sống của nhân dân; đổi mới sản xuất để xây dựng nhãn hiệu nông sản Thái Bình, mở rộng các cây trồng có lợi thế của từng địa phương.

- Chủ động kế hoạch ứng phó điều kiện thời tiết bất thuận trong sản xuất, chú trọng giải pháp ứng phó rét đậm, rét hại gây chết lúa và cây màu ở đầu vụ; kế hoạch diệt chuột và phòng trừ các đối tượng sâu, bệnh khác gây hại cây trồng.

- Tăng cường công tác chỉ đạo, hỗ trợ, tạo điều kiện trong việc tập trung tích tụ ruộng đất; đẩy mạnh công tác ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới về giống cây trồng, vật tư nông nghiệp, trang thiết bị, công nghệ phục vụ sản xuất nhằm nâng cao giá trị gia tăng. 

- Kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc quảng bá và cung ứng vật tư nông nghiệp; kiên quyết xử lý các tổ chức, đơn vị, cá nhân buôn bán giống cây trồng, phân bón, thuốc BVTV kém chất lượng, tuyên truyền quảng cáo sai quy định.

4.3. Giải pháp về quy hoạch, bố trí đất sản xuất:

- Tiếp tục rà soát và chuyển đổi đất lúa, ưu tiên nơi sản xuất lúa hiệu quả thấp sang trồng cây lâu năm, cây hàng năm khác có giá trị cao hơn cấy lúa theo nội dung Quyết định số 2193/QĐ-UBND ngày 29/7/2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh.

- Lựa chọn các giống lúa chất lượng có tiềm năng và lợi thế của địa phương, quy vùng sản xuất tối thiểu 20 - 30 ha liền vùng để có đủ lượng nguyên liệu phục vụ xây dựng thương hiệu gạo của địa phương; vận động nhân dân tập trung đất đai để phát triển sản xuất lúa gạo với quy mô lớn, sản xuất hàng hóa và tạo ra lực lượng nông dân chuyên nghiệp với nghề trồng lúa có thu nhập cao và là điểm sáng trong sản xuất lúa gạo của tỉnh.

- Mở rộng quỹ đất trồng cây màu vụ Xuân và vụ Hè, trong đó cần bố trí các vùng trồng cây dưa lê, lạc, đỗ xanh, khoai lang từ 3 - 5 ha trở lên, tạo vùng nguyên liệu để liên kết tiêu thụ sản phẩm và hướng tới việc xây dựng nhãn hiệu hàng hóa, sản phẩm OCOP của địa phương.

4.4. Đổi mới tổ chức sản xuất và quản lý đồng ruộng:

- Nâng cao năng lực cho các HTX SXKD DVNN trong toàn tỉnh để định hướng việc tổ chức sản xuất và liên kết tiêu thụ sản phẩm cho nông dân theo chính sách tại Nghị quyết số 40/2020/NQ-HĐND ngày 09/12/2020 của Hội đồng nhân dân tỉnh phê duyệt chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Bình giai đoạn 2021 - 2025; điều hành tập trung các khâu dịch vụ làm đất, cấy máy, phun thuốc BVTV, thu hoạch nhằm hạ giá thành sản xuất...

- Đột phá trong việc thay đổi quy mô nông hộ, tạo các hộ sản xuất lúa gạo có quy mô nông hộ tối thiểu từ 2 ha trở lên để phát triển sản xuất lúa gạo, áp dụng cơ giới hóa đồng bộ các khâu sản xuất, áp dụng quy trình kỹ thuật để giảm giá thành sản phẩm, tăng hiệu quả sản xuất và tạo thu nhập ổn định cho nông dân.

- Hỗ trợ thành lập trang trại, hợp tác xã trên cơ sở các cá nhân, tập thể đã tập trung đất đai phát triển sản xuất lúa gạo quy mô lớn ở các địa phương; định hướng cho các tổ chức sản xuất gắn với thị trường và tập trung cho việc chế biến, chế biến sâu các sản phẩm lúa gạo để gia tăng giá trị.

- Tiếp tục kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư vào các khâu chế biến sản phẩm từ lúa, gạo; ứng dụng công nghệ tiên tiến trong khâu làm sạch, phân loại và tách màu để cải thiện chất lượng gạo sau khi xay xát; ứng dụng dây chuyền đóng gói gạo tự động.  

4.5. Cơ giới hóa: Thúc đẩy cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp ở mức độ cao hơn, cơ giới hóa toàn bộ quá trình sản xuất lúa, gạo; tập trung vào các khâu có mức độ ứng dụng cơ giới còn thấp như: Cấy, phun thuốc BVTV, sấy, chế biến, bảo quản nông sản nhằm giảm chi phí sản xuất; đồng thời, tăng chất lượng, tăng giá bán nông sản; chú trọng công tác tập huấn cho nông dân và công nhân kỹ thuật về vận hành, an toàn kỹ thuật trong sử dụng máy nông nghiệp, thúc đẩy phát triển dịch vụ cơ giới và sửa chữa máy nông cụ ở nông thôn.

4.6. Giải pháp về kỹ thuật:

* Lúa Xuân:

- Xây dựng cơ cấu giống vụ Xuân năm 2022 theo nhu cầu của thị trường; nhóm giống lúa gạo chất lượng cao chiếm 40 - 45% tổng diện tích gieo cấy, trọng tâm là các giống: Bắc thơm số 7, Đài thơm 8, nếp ngắn ngày... để phục vụ thị trường trong nước và các giống nhóm Japonica, TBR225... cho thị trường xuất khẩu; nhóm giống lúa năng suất cao chiếm 55 - 60% tổng diện tích gieo cấy, trọng tâm là các giống: TBR1, Thiên ưu 8, VNR20, BC15, ĐH 12, BQ..., lựa chọn các giống có thời gian sinh trưởng ngắn, chống chịu tốt đối với thời tiết bất thuận, các loại dịch hại và ứng phó với biến đổi khí hậu.

- Thời vụ: Gieo mạ từ ngày 25/01/2022 đến ngày 08/02/2022 (Từ ngày 23 tháng chạp năm Tân Sửu đến ngày 8 tháng giêng năm Nhâm Dần, xung quanh Tiết Lập Xuân) theo phương thức gieo mạ non trên nền đất cứng có khung vòm phủ nilon trắng để chống rét, thuận tiện chăm sóc, bảo vệ mạ; cấy khi cây đạt 2,5 - 3,0 lá, kết thúc cấy trước ngày 25/02/2022. Đối với gieo mạ khay, lựa chọn giá thể gieo mạ phù hợp, chú ý chống rét, chăm sóc, phòng trừ sâu, bệnh hại cho cây mạ trên khay gieo, đảm bảo cây mạ đủ tiêu chuẩn cho cấy máy.

(Vùng trồng cây màu hè gieo cấy bằng các giống lúa có thời gian sinh trưởng dưới 120 ngày, thời vụ gieo từ 10-15/01/2022).

- Những vấn đề kỹ thuật cần lưu ý trong sản xuất lúa xuân: Áp dụng biện pháp gieo mạ non trên nền đất cứng và che phủ nilon trắng; không gieo cấy lúa, sử dụng thuốc trừ cỏ khi nhiệt độ xuống dưới 150C; gieo tăng 5 - 10% mạ dự phòng; chủ động chuẩn bị thóc giống ngắn ngày để dự phòng khi thời tiết bất thuận xảy ra; không cấy giống BC15, TBR225 trên các vùng đất trũng, kìm hãm, vùng đất hay bị nhiễm đạo ôn ở các vụ trước; chấp hành nghiêm lịch thời vụ gieo cấy; trên những chân đất trũng, hẩu, tầng canh tác dày ở vùng nội đồng và vùng ven biển khuyến cáo nông dân sử dụng các giống lúa lai nhằm tăng khả năng chống chịu và cho năng suất cao.

* Cây màu vụ Xuân:

- Cây ngô: Sử dụng các giống ngô lai năng suất cao, ngô sinh khối phục vụ cho chăn nuôi, ngô nếp, ngô đường; thời vụ gieo từ 15 đến 31/01/2022; cải tiến kỹ thuật trồng ngô theo hướng gia tăng mật độ đảm bảo đạt từ 2.200 - 2.600 cây/sào, sử dụng phân bón hợp lý, áp dụng quy trình kỹ thuật phù hợp cho từng giống.

- Cây lạc: Sử dụng giống năng suất cao, chất lượng tốt như: L14, TB25… để mở rộng diện tích. Thời vụ gieo trồng từ 20/01/2022 đến 10/02/2022. Áp dụng phương pháp trồng lạc che phủ nilon để chống rét đầu vụ, hạn chế cỏ dại, tiết kiệm phân bón và nước tưới.

- Cây khoai tây: Mở rộng diện tích khoai tây trên chân đất cao, sử dụng các giống có năng suất cao, chống chịu bệnh, như: Solara, Marabel (Đức) nhân giống ở vụ Xuân, bảo quản trong kho lạnh để làm giống cho sản xuất vụ Đông, trồng mật độ dầy để tăng lượng củ giống; thời vụ trồng đầu tháng 12/2021, kết thúc trồng trong tháng 12/2021.

- Các loại rau củ quả: Xây dựng các mô hình trồng rau an toàn theo chuỗi, có hướng dẫn kỹ thuật và kiểm soát an toàn từ khâu sản xuất đến thu hoạch, có liên kết đầu ra ổn định cho sản phẩm; xây dựng được các mô hình sản xuất rau củ quả công nghệ cao, phấn đấu 50 - 60% diện tích sản xuất rau, củ, quả theo hướng an toàn và theo tiêu chuẩn VietGAP ở các địa phương trong tỉnh đáp ứng yêu cầu tiêu dùng và nguyên liệu cho các nhà máy chế biến.

* Cây màu hè:

- Thời vụ: Gieo trồng kết thúc trong tháng 5/2022; áp dụng kỹ thuật làm bầu, trồng xen, trồng gối để tận dụng thời vụ.

- Giống cây: Dưa lê, dưa hồng, dưa hấu, dưa gang, các giống đậu đỗ, ngô...

- Chân đất sau thu hoạch màu xuân gieo trồng trực tiếp cây màu hè. Chân đất sau lúa xuân nhất thiết phải làm bầu để tranh thủ thời vụ, rút ngắn thời gian chiếm đất trên đồng ruộng; rẽ lúa đặt bầu ra ruộng trước khi thu hoạch lúa xuân.

* Phân bón: Khuyến cáo nông dân tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ, hữu cơ vi sinh (Quế Lâm, Sumitri, Trường Sơn Bio, Azotobacterin… ) để cải tạo đất và hạn chế sự phát sinh của sâu, bệnh; đối với phân vô cơ khuyến cáo nông dân sử dụng các loại phân bón có hàm lượng NPK tổng số từ 20% trở lên của các công ty như Việt Nhật, Bình Điền, Lâm Thao, Hà Bắc, Văn Điển,… ; Áp dụng hình thức bón lót sâu, bón thúc sớm, bón theo nhu cầu dinh dưỡng của cây trồng; nhân rộng các mô hình sử dụng các loại phân nén, phân dúi (Thiên Nông, Lục Thần Nông,… ) bón một lần vào thời điểm làm đất để tiết kiệm lao động, tăng hiệu quả sản xuất cho nông dân; lựa chọn các loại phân bón NPK có hàm lượng cao, phân bón hữu cơ, hữu cơ vi sinh để tổ chức trình diễn, khuyến cáo nông dân sử dụng nhằm đảm bảo chất lượng nông sản, bảo vệ môi trường

* Bảo vệ thực vật và các tiến bộ khoa học kỹ thuật: Ứng dụng Chương trình IPM; SRI; ba giảm, ba tăng; sản xuất lúa bền vững giảm phát thải khí nhà kính; nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn; cày lật đất sớm, hoàn thành trước ngày 20/12/2021, làm tốt công tác vệ sinh đồng ruộng nhằm diệt trừ, hạn chế các nguồn dịch hại; tổ chức diệt chuột tập trung ngay sau thu hoạch lúa mùa và cây vụ Đông, hạn chế số lượng chuột hại chuyển vụ, tập trung cao điểm diệt chuột sau đổ ải nhằm đạt hiệu quả cao nhất; nhân rộng các khâu dịch vụ về bảo vệ thực vật có hiệu quả ở các địa phương (Như diệt chuột, phun thuốc BVTV bằng động cơ… ) để tiết kiệm chi phí sản xuất cho nông dân; sớm xây dựng kế hoạch thu mẫu sâu, bệnh hại, tăng cường điều tra, phát hiện, dự tính, dự báo sớm về dịch hại cây trồng vụ Xuân 2022 với phương châm phòng là chính và đảm bảo nguyên tắc 4 đúng trong phòng trừ dịch hại; xây dựng kế hoạch diệt trừ chuột, kế hoạch phòng chống bệnh lùn sọc đen và triển khai ngay trong tháng 12/2021; lựa chọn các loại thuốc BVTV có nguồn gốc sinh học để tổ chức trình diễn, khuyến cáo nông dân sử dụng nhằm đảm bảo chất lượng nông sản, bảo vệ môi trường.

* Bảo đảm an toàn thực phẩm: Kiểm soát chặt chẽ vật tư đầu vào của quá trình sản xuất; tăng cường kiểm tra lấy mẫu phân tích hậu kiểm các tiêu chuẩn chất lượng và dư lượng hóa chất, thuốc BVTV trong nông sản.

* Công tác Thủy lợi:

- Xây dựng cụ thể phương án tưới tiêu trên cơ sở Đề án công tác Thủy lợi phục vụ sản xuất vụ Xuân, vụ Hè năm 2022 của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để thống nhất trong chỉ đạo, điều hành đáp ứng yêu cầu tưới tiêu của từng vùng trong hệ thống; bám sát lịch xả nước của các hồ thuỷ điện, tận dụng tối đa các kỳ triều cường để lấy nước tưới tự chảy và cấp nguồn cho các trạm bơm lấy nước phục vụ gieo cấy đại trà.

- Kịp thời cảnh báo tình trạng xâm nhập mặn trong vụ sản xuất, điều hành nước tưới theo quan điểm tiết kiệm, phù hợp với từng giai đoạn sinh trưởng của cây trồng theo tiêu chí “Nông - Lộ - Phơi”.

- Ủy ban nhân dân huyện, thành phố; Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Khai thác công thủy lợi Bắc; Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Khai thác công thủy lợi Nam Thái Bình: Khẩn trương hoàn thành kế hoạch thủy lợi Đông Xuân, tu bổ, sửa chữa công trình, nạo vét các kênh trục, kênh dẫn, kênh mương mặt ruộng, tôn, tạo bờ vùng, bờ thửa xong trước 31/12/2021, đảm bảo đủ nước bơm tưới khi mực nước xuống thấp, phục vụ có hiệu quả việc điều tiết và trữ nước cho vụ Xuân năm 2022.

4.7. Cơ chế chính sách:

- Hỗ trợ kinh phí diệt chuột bảo vệ sản xuất cho vụ Xuân, vụ Hè năm 2022.

- Hỗ trợ xây dựng các mô hình nâng cao giá trị sản xuất trong lĩnh vực trồng trọt.

Ngoài chính sách hỗ trợ của tỉnh, các huyện, thành phố, các xã, phường, thị trấn căn cứ vào yêu cầu và điều kiện cụ thể của địa phương có chính sách hỗ trợ riêng để khuyến khích nông dân phát triển sản xuất có hiệu quả như hỗ trợ xây dựng mô hình gia tăng giá trị sản xuất; giống mới; phân bón hữu cơ, hữu cơ vi sinh; sử dụng thuốc BVTV sinh học,... Các chính sách hỗ trợ cần tuân thủ quy định của pháp luật về định mức và đối tượng hưởng lợi.

Tác giả : Trung tâm Khuyến nông
 
Bản quyền thuộc TRUNG TÂM KHẢO NGHIỆM KHUYẾN NÔNG KHUYẾN NGƯ THÁI BÌNH
Địa chỉ: Phường Phú Khánh - Tp Thái Bình - Tỉnh Thái Bình. Điện thoại: 0363.831.842, Fax:0363.831.842. 
Email
: