CHÀO MỪNG QUÝ VỊ VÀ CÁC BẠN ĐẾN VỚI WEBSITE TRUNG TÂM KHẢO NGHIỆM KHUYẾN NÔNG KHUYẾN NGƯ THÁI BÌNH
Giới thiệu chung
Cơ cấu tổ chức
Lịch sử khuyến nông
Chức năng nhiệm vụ
Kết quả nghiên cứu
Trồng trọt
Chăn nuôi
Thủy sản
Trồng trọt
Chăn Nuôi
Thủy Sản
 
Hỏi & đáp
Số lượt truy cập:
 

Tin Tức khuyến nông
MỘT SỐ BIỆN PHÁP PHÒNG BỆNH DỊCH TẢ LỢN CHÂU PHI

Cập nhật: 15/01/2022

    Bệnh Dịch tả lợn Châu Phi là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do virut gây ra, khi lợn mắc bệnh có tỷ lệ chết cao và có thể lên đến 100%. Hiện nay, chưa có vacxin phòng bệnh và không có thuốc điều trị. Vì vậy, để chủ động việc bảo vệ và phát triển đàn lợn, hạn chế tình trạng lợn bị bệnh, góp phần đảm bảo mục tiêu tăng trưởng của ngành, người chăn nuôi cần thực hiện tốt các biện pháp “Chăn nuôi an toàn sinh học” như sau:

1. Cách ly, kiểm soát ra, vào cơ sở chăn nuôi

Thực hiện chăn nuôi “Cùng vào cùng ra”;

Kiểm soát con giống: Lợn giống nhập về nuôi phải khỏe mạnh, có nguồn gốc rõ ràng, ở cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh, được tiêm phòng đầy đủ vắc xin theo quy định của thú y và giống mới nhập về phải nuôi cách ly ít nhất 02 tuần ở khu nuôi cách ly;

Không nuôi chung các động vật khác như: Chó, mèo, gà, vịt,… trong cùng một khu vực nuôi;

Không cho khách tham quan ra vào khu vực chăn nuôi;

Sử dụng trang thiết bị bảo hộ lao động riêng cho từng khu vực chăn nuôi, vệ sinh sát trùng quần áo, dụng cụ bảo hộ trước và sau khi sử dụng;

Cung cấp đầy đủ thức ăn, nước uống sạch cho đàn lợn, đảm bảo chất lượng, không nhiễm các loại mầm bệnh;

Diệt côn trùng gây hại, ngăn chặn chim, động vật hoang dã và thú nuôi khác vào khu vực chăn nuôi.

2. Vệ sinh làm sạch

Hàng ngày, vệ sinh trong và ngoài chuồng nuôi, quét dọn, thu gom rác và chất thải đem ủ với vôi bột; xử lý chất thải lỏng, chất thải rắn bằng biogas, chôn, đốt; cọ rửa sạch chuồng trại, dụng cụ, bảo hộ lao động bằng nước với xà phòng hoặc chất tẩy rửa.

Định kỳ 1 lần/tuần tổng vệ sinh toàn bộ khu vực chăn nuôi.



 

3. Sát trùng

- Trước cổng ra vào khu vực chăn nuôi cần có hố sát trùng bằng vôi bột hoặc hóa chất.

- Sát trùng trong và ngoài khu vực chuồng nuôi, các trang thiết bị, dụng cụ, bảo hộ lao động khi đưa vào chuồng, trại và sau khi sử dụng,…

- Nên có phương tiện vận chuyển riêng trong nội bộ cơ sở chăn nuôi; thường xuyên sát trùng người và phương tiện vận chuyển.

- Nơi chế biến, bảo quản thức ăn phải đảm bảo điều kiện vệ sinh; hàng tuần phải được khử trùng và diệt côn trùng.

4. Giám sát và cảnh báo dịch bệnh

Người chăn nuôi thường xuyên theo dõi, giám sát đàn lợn: Nếu phát hiện lợn bệnh, nghi mắc bệnh Dịch tả lợn Châu phi, lợn chết không rõ nguyên nhân hoặc sản phẩm lợn nhập lậu, không rõ nguồn gốc thì báo cáo cơ quan thú y hoặc chính quyền địa phương để xem xét, giải quyết.

* Thực hiện An toàn sinh học và “5 không’’:

+ Không giấu dịch;

+ Không mua bán lợn bệnh, lợn chết;

+ Không ăn thịt lợn ốm, chết;

+ Không vứt lợn chết ra môi trường xung quanh;

+ Không sử dụng thức ăn thừa, chưa qua nấu chín làm thức ăn cho lợn khỏe.

- Khi có dịch bệnh xảy ra, phải chấp hành tiêu hủy xác lợn chết và sản phẩm từ lợn theo đúng hướng dẫn của cơ quan thú y.

Tác giả : BSTY. Nguyễn Thị Hồng Hạnh
 
Bản quyền thuộc TRUNG TÂM KHẢO NGHIỆM KHUYẾN NÔNG KHUYẾN NGƯ THÁI BÌNH
Địa chỉ: Phường Phú Khánh - Tp Thái Bình - Tỉnh Thái Bình. Điện thoại: 0363.831.842, Fax:0363.831.842. 
Email
: