CHÀO MỪNG QUÝ VỊ VÀ CÁC BẠN ĐẾN VỚI WEBSITE TRUNG TÂM KHẢO NGHIỆM KHUYẾN NÔNG KHUYẾN NGƯ THÁI BÌNH
Giới thiệu chung
Cơ cấu tổ chức
Lịch sử khuyến nông
Chức năng nhiệm vụ
Kết quả nghiên cứu
Trồng trọt
Chăn nuôi
Thủy sản
Trồng trọt
Chăn Nuôi
Thủy Sản
 
Hỏi & đáp
Số lượt truy cập:
 

Tin Tức khuyến nông
Kỹ thuật trồng cây bưởi Diễn

Cập nhật: 18/04/2022

    Cây bưởi Diễn sinh trưởng, phát triển khỏe, dễ trồng, có thể trồng trên nhiều loại đất khác nhau, nếu trồng trên đất xấu phải đầu tư cao hơn.. Đất tốt để trồng cây bưởi Diễn phải là đất có tầng canh tác dày từ 1m trở lên, giàu mùn. Do là loại cây ưa ẩm nhưng không chịu úng nên đất phải thoát nước tốt như: Đất cát pha, đất phù sa ven sông hoặc thịt nhẹ.

 


1. Kỹ thuật trồng


1.1. Thời vụ trồng: Cây Bưởi trồng được quanh năm, thời vụ trồng tốt nhất ở miền Bắc: Vụ Xuân trồng từ tháng 2 - 4; vụ Thu Đông trồng từ tháng 7 - 9.


1.2. Mật độ trồng: Khoảng cách trồng trung bình, hàng cách hàng 5m, cây cách cây 5m (tương đương mật độ 400 cây/ha).


1.3. Làm đất và bón phân lót


* Lên luống giữa hai hàng cây, rãnh rộng 30 cm, sâu 30 cm và xung quanh có rãnh thoát nước rộng 80 cm, sâu 50 cm – 60 cm để tránh bị úng cục bộ ở những đợt mưa kéo dài.


* Đào hố trồng và bón lót:


Nên đào hố trồng và bón lót trước lúc trồng khoảng 1 tháng. Cần đào hố rộng và sâu, kích cỡ 60cm x 60cm x 60cm. Khi đào hố xong dùng đất vừa đào lên lấp xuống 4/5 hố để tạo độ tơi xốp cho đất trong hố, phần đất còn lại trộn đều với phân chuồng + vôi + lân lấp trên mặt hố cao hơn mặt đất vườn 15 – 20 cm.


Lượng phân bón lót (tính cho 1 hố): 50 – 60kg phân hữu cơ (phân chuồng hoai mục); 0,5 – 1kg phân lân Supe; 1 kg vôi bột.


1.4. Kỹ thuật trồng


Cây giống bưởi Diễn được nhân bằng phương pháp ghép chiều cao đạt 40 - 50 cm từ mắt ghép trở lên, cây không bị sâu bệnh.


Khi trồng, đào hốc giữa mô đặt bầu cây con xuống sao cho mặt bầu cao hơn mặt mô từ 3 - 5 cm. Ấn nén đất xung quanh bầu cây tạo sự liên kết giữa đất ở ngoài và bầu cây. Khi đặt cây phải xoay mắt ghép theo hướng chiều gió để tránh gẫy nhánh, đồng thời cắm cọc để giữ cây con khỏi tác hại của gió. Trồng xong tưới đẫm nước. Dùng cỏ mục rơm rạ để tủ gốc.


2. Kỹ thuật chăm sóc trong những năm đầu


2.1. Tưới nước


Sau khi trồng phải tưới nước thường xuyên giữ ẩm trong vòng 20 - 30 ngày để cây hoàn toàn bén rễ và phục hồi. Sau đó tuỳ thời tiết khô nắng mà có thể tưới bổ sung đảm bảo độ ẩm cho cây.


Những năm đầu cây còn nhỏ chưa giao tán phải làm sạch cỏ gốc, nên trồng cây phân xanh ở giữa các hàng cây để vừa che phủ đất giữ ẩm, chống cỏ dại, vừa tạo nguồn phân xanh cải tạo đất và cung cấp dinh dưỡng cho cây. Trồng xen phải theo phương châm “cây trồng xen không chèn cây trồng chính”.


2.2. Cắt tỉa cải tạo dạng hình tán cây


- Cành chính (cành cấp 1): Mỗi cây nên chọn 3 cành khoẻ, thẳng, ít cong queo. Vị trí tương xứng nhau chia đều các phía. Tạo 1 góc 600 so với mặt phẳng ngang. Các cành khác cắt tỉa ngắn dần để ức chế sinh trưởng. Thông thường cắt ngắn sau 3 - 4 năm mới cắt bỏ cành từ phần gốc. Tránh đốn đau 1 lần ảnh hưởng đến sức sinh trưởng của cây.


- Cành cấp 2: Cành cấp 2 mọc thẳng là những cành tốt. Khoảng cách giữa các cành cấp 2 trên cành cấp 1 cách nhau từ 40 - 60cm, tạo với cành cấp góc 10 - 200.


- Cành cấp 3: Cắt tỉa thành hình tam giác tạo tầng quả hình lập thể.


- Cắt tỉa chùm cành xanh (cành cấp 4) là cành tạo quả và cành dinh dưỡng. Cắt ngắn cành phát dục để điều tiết sinh trưởng của cây, chủ động tỉa để số cành quả tuỳ theo mức độ để quả hoặc đổi mới cành.


- Cải tạo tán cây không nên cắt quá đau dễ làm cho cây yếu đi (chột cây). Phải làm dần dần trong vài năm. Nếu cây quá yếu, không nên cải tạo. Nếu cây sinh trưởng quá tốt cần giảm bón phân cho cây mới có thể cải tạo tốt.


2.3. Phương pháp bón phân


+ Bón phân thúc: Bón phân thúc cho cây thời kỳ chưa mang quả phụ thuộc vào từng vùng trồng và tính chất của các loại đất, thường mỗi năm bón 4 - 6 lần, vào các tháng 1 - 2, tháng 4, 6, 8, 10 và tháng 12.


+ Lượng bón cho 1 cây:


Năm thứ nhất: 01 kg NPK + 0,2 kg Đạm Ure + 0,1 – 0,2 kg Kali.


Năm thứ 2: 40 kg phân hữu cơ + 5 kg NPK + 0,3 kg Đạm Ure + 01 kg Lân + 0,1 – 0,2 kg Kali.


Năm thứ 3: 50 kg phân hữu cơ + 01 kg NPK + 1 kg Đạm Ure + 03 kg Lân + 01 kg Kali.


+ Cách bón: Những năm đầu cây còn nhỏ, phân vô cơ có thể hoà với nước để tưới cho cây kết hợp với các đợt xới xáo làm cỏ hoặc rạch rãnh xung quanh tán sâu khoảng 0,5cm; rắc phân vô cơ rồi lấp đất lại.


Đối với phân chuồng: Cuốc rãnh rộng 30cm, sâu 10cm chiếu theo hình tán cây, để 2, 3 ngày cho khô các đầu rễ rồi mới bón phân.


Mỗi lần bón phân đều phải kết hợp với làm cỏ, xới xáo gốc, tưới nước và tủ gốc cây.


3. Chăm sóc cây thời kỳ mang quả


3.1. Làm cỏ, tưới nước


Thời kỳ này cũng phải thường xuyên làm cỏ xung quanh hình chiếu tán cây kết hợp với việc tủ gốc và tưới nước đủ ẩm cho cây.


Cắt tỉa hàng năm: Thời kỳ cây có quả, sau mỗi lần thu hoạch đều phải đốn tỉa những cành tăm, cành khô, cành vượt, cành sâu bệnh. Công việc đốn tỉa phải được tiến hành thường xuyên nhằm tạo cho cây có sức bật mầm mới, thoáng, không sâu bệnh.


Ngắt bỏ toàn bộ hoa trong thời gian cây 1 - 2 tuổi và tỉa bớt các hoa dị hình, những hoa, quả non ra muộn và ở vị trí không thích hợp cho việc hình thành quả, công việc này có thể tiến hành bằng cách phun các chất điều tiết sinh trưởng.


3.2. Phân bón


* Lượng bón:


Tùy thuộc vào năng suất quả vụ trước có thể đạt từ 20 - 150 kg quả/cây, để xác định lượng bón phù hợp, dao động từ: 40 - 70 kg phân hữu cơ + 2 - 15 kg NPK + 1 - 2,5 kg Đạm Ure + 1 - 3,5 kg Lân + 0,3 - 1,5 kg Kali.


Chú ý: Trong vườn nếu giữ cỏ băng cần tăng thêm 20% đạm vào vụ Xuân – Hè. Vào mùa hè mưa nhiều, có thể giảm bón đạm hoặc không bón để tránh lộc hè phát triển mạnh. Nếu phân hữu cơ có hàm lượng đạm cao cần rút bớt lượng đạm vô cơ.


* Thời kỳ bón phân: Chia ra khoảng 4 lần


- Bón sau khi thu quả cuối tháng 11 đầu tháng 12 nhằm hồi phục sức cho cây;


- Bón vụ Xuân, trước, sau khi lộc xuân xuất hiện khoảng tháng 2 - 3, nhằm tăng khả năng ra hoa, đậu quả;


- Thời kỳ quả lớn mạnh khoảng tháng 4, 5 nhằm thúc cho quả nhanh lớn, hạn chế rụng quả;


- Bón trước khi thu hoạch khoảng tháng 9, 10 nhằm tăng chất lượng quả.


* Cách bón:


Bón theo tán cây, cuốc rãnh rộng 30cm, sâu 10 cm từ mép tán vào trong, phân trộn đều và rắc vào rãnh sau đó lấp đất. Mỗi lần bón phân kết hợp với làm cỏ và tủ lại gốc cùng với tưới nước.


Phân chuồng, phân hữu cơ bón một lần duy nhất sau thu hoạch (khoảng cuối tháng 11 đầu tháng 12).


4. Thu hoạch


Cây bưởi từ khi ra hoa đến thu hoạch khoảng 7 - 8 tháng. Khi hái quả phải dùng kéo cắt cuống quả, không làm xây xát vỏ, gẫy cành, rụng lá. Quả để ở nơi thoáng mát, phân loại chờ vận chuyển đến nơi bảo quản và tiêu thụ.


Tác giả : Ths. Phạm Thị Hiên
 
Bản quyền thuộc TRUNG TÂM KHẢO NGHIỆM KHUYẾN NÔNG KHUYẾN NGƯ THÁI BÌNH
Địa chỉ: Phường Phú Khánh - Tp Thái Bình - Tỉnh Thái Bình. Điện thoại: 0363.831.842, Fax:0363.831.842. 
Email
: