
Đúng như cái tên của nó, cây Hương thảo có mùi rất thơm.
Mùi thơm từ cây Hương thảo có tác dụng tạo cảm giác dễ chịu và an thần,
minh mẫn đầu óc. Trong y học, tinh dầu Hương thảo có tác dụng
chống co thắt, làm thuốc kháng sinh, chống viêm, hỗ trợ thần kinh, hỗ trợ tiêu
hóa, làm cho dạ dày co bóp… Ngoài ra, tinh dầu của lá Hương thảo có tác dụng
xua đuổi côn trùng, đuổi muỗi rất hiệu quả. Chính vì tình cảm đặc biệt với loài
cây này mà từ một chàng thanh niên với công việc có thu nhập ổn định trong công
ty nước ngoài, anh đã quyết định từ bỏ để đi tìm hiểu, nghiên cứu kỹ về đặc
điểm, kỹ thuật trồng cây, cách chế biến, thị trường tiêu thụ... Nhận thấy cây
Hương thảo có thể phát triển được trên mảnh đất quê nhà, năm 2020, anh Thắng đã
thuê lại diện tích đất bỏ hoang của bà con trong thôn để trồng với mục tiêu sẽ
tạo được vùng sản xuất nguyên liệu lớn. Ban
đầu, anh mua giống từ Thành phố Hồ Chí Minh về trồng với diện tích 2ha, anh thấy cây trồng có thể
phát triển ổn định và cho
thu hoạch cao; sau đó cơ sở của anh vừa kết hợp sản xuất tinh dầu với tự nhân giống để
trồng, đến nay diện tích anh đã phát triển mở rộng
đến 8ha.
Anh Thắng cho biết: Cây Hương thảo là cây dễ
trồng, ưa nắng, chịu được khô hạn, chi phí sản xuất không quá cao. Tuy chi phí
cho tiền giống trồng ban đầu cao khoảng 4 triệu đồng/sào nhưng trồng một lần cho thu hoạch 5 - 7 năm và chỉ sau 3 - 4
tháng trồng đã bắt đầu cho thu hoạch lứa đầu tiên. Trung bình mỗi năm cho thu khoảng 10 lứa; với giá bán 13.000-15.000
đồng/kg thân lá tươi; doanh
thu một năm khoảng 12 - 17 triệu đồng/sào. Sau 2 năm trồng thử tại đồng đất Thái Bình,
cây Hương thảo đã sinh trưởng phát triển tốt, tỷ lệ tinh dầu chiết xuất cao khoảng
1 tấn thân lá chiết suất được 5 - 6 lít tinh dầu với giá bán 10 triệu đồng/lít.
Việc chuyển
đổi từ đất lúa bỏ hoang nhiều năm sang trồng cây Hương Thảo gặp nhiều khó khăn
trong việc làm đất ban đầu bởi cỏ dại, mầm bệnh nhiều, hệ thống tiêu thoát nước
kém. Bên cạnh đó, cây Hương thảo là loại cây chịu úng kém; hơn nữa khí hậu thay
đổi bất thường, dễ gây nấm bệnh cho cây sau trồng. Chính vì vậy, ở vụ đầu tiên
do chưa có nhiều kinh nghiệm nên tỷ lệ cây chết nhiều, đặc biệt ở những diện
tích bị ngập sau mưa lớn.
Sau thời
gian trồng và chăm sóc anh Thắng đã nhận thấy: Cây Hương Thảo phù hợp với đồng
đất địa phương, cây sinh trưởng phát triển tốt, không bị chuột cắn phá và cho
thu nhập cao hơn nhiều lần so với trồng lúa. Chỉ cần chú ý làm tốt công tác quy
vùng, hệ thống tiêu thoát nước, xử lý nấm bệnh trước khi trồng bằng cách cày
phơi đất, phun chế phẩm xử lý nấm cho đất; sau khi trồng xong nên che đất bằng
nilon để hạn chế cỏ dại và giữ ẩm cho đất.
Theo ông
Nguyễn Hồng Long – Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Quỳnh Phụ - Thái Bình
cho biết: “Tuy cây Hương thảo là cây trồng mới sản xuất được 2-3 năm tại địa
bàn huyện, nhưng bước đầu đã cho thấy hiệu quả cao hơn 4 - 5 lần so với trồng
lúa và là cây có thể trồng được tại đồng đất của địa phương. Bên cạnh đó, phát
triển cây dược liệu là một trong những định hướng của tỉnh, của huyện đang chú
trọng, đặc biệt là chuyển đổi từ đất trồng lúa kém hiệu quả sang một số cây trồng
có hiệu quả hơn và cây Hương thảo là đối tượng cây trồng chuyển đổi phù hợp.”
Hiện nay, anh Thắng đã thành lập HTX Sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Hoàng Minh. Sản phẩm của HTX mới chỉ cung cấp cho thị trường
trong nước. Do vậy, trong thời gian tới anh mong muốn kết hợp với nông dân
trong tỉnh để mở rộng vùng sản xuất nguyên liệu lên hàng trăm ha phục vụ chế biến
tinh dầu và các sản phẩm từ cây Hương thảo như dung dịch sát khuẩn, xà bông,… để
có đủ sản lượng xuất khẩu sang các nước Hàn Quốc, Nhật Bản, một số nước Châu
Âu. Khi liên kết với nông dân, HTX sẽ đảm bảo cung cấp cây giống đạt chất
lượng, hỗ trợ hướng dẫn cụ thể về kỹ thuật, phân bón và bao tiêu sản phẩm ngay
sau khi thu hoạch cho bà con.
Bà Nguyễn Thị Lan – xã Quỳnh Hồng, huyện Quỳnh
Phụ cho biết: “Trước đây cả cánh đồng này cấy lúa nhưng hiệu quả kém nên chúng
tôi bỏ hoang. Khi anh Thắng thuê lại đã mất nhiều công sức, tiền của mới khai dựng
lại được cánh đồng Hương thảo đẹp như hôm nay. Nhờ đó, mà tôi với hơn 10 lao động
nữa có công ăn việc làm, thu nhập ổn định 140.000 – 180.000 đồng/ngày trên
chính cánh đồng bỏ hoang này. Tôi rất mong thời gian tới anh Thắng sẽ mở rộng
liên kết với nông dân, gia đình tôi sẽ chuyển đổi một phần diện tích cấy lúa
kém hiệu quả sang trồng Hương thảo để nâng cao thu nhập.”
Trồng cây Hương Thảo không những hồi
sinh lại đất hoang hóa, mà còn tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập cho người
dân nơi đây. Là một trong những cây trồng phù hợp để chuyển đổi cơ cấu cây trồng
của tỉnh, góp phần vào quá trình xây dựng, phát triển các vùng sản xuất nguyên liệu tập trung gắn với chế biến,
có thị trường tiêu thụ trong nước và thế giới để phát triển nông nghiệp bền vững.
Tác giả : Ks. Trần Thị Doanh