CHÀO MỪNG QUÝ VỊ VÀ CÁC BẠN ĐẾN VỚI WEBSITE TRUNG TÂM KHẢO NGHIỆM KHUYẾN NÔNG KHUYẾN NGƯ THÁI BÌNH
Giới thiệu chung
Cơ cấu tổ chức
Lịch sử khuyến nông
Chức năng nhiệm vụ
Kết quả nghiên cứu
Trồng trọt
Chăn nuôi
Thủy sản
Trồng trọt
Chăn Nuôi
Thủy Sản
 
Hỏi & đáp
Số lượt truy cập:
 

Tin Tức khuyến nông
Biện pháp phòng chống dịch bệnh bảo vệ đàn gia súc, gia cầm vụ xuân hè 2017

Cập nhật: 27/03/2017

    Hiện nay, ở Thái Bình và các tỉnh miền Bắc thời tiết giao mùa xuân hè là thời điểm thích hợp cho một số dịch bệnh có nguy cơ bùng phát trên đàn vật nuôi. Vì vậy, chủ động phòng chống dịch bệnh xảy ra sẽ hạn chế thiệt hại cho người chăn nuôi trong giai đoạn chuyển mùa.

Hiện nay, ở Thái Bình và các tỉnh miền Bắc thời tiết giao mùa xuân hè là thời điểm thích hợp cho một số dịch bệnh có nguy cơ bùng phát trên đàn vật nuôi. Đối với gia cầm một số bệnh hay gặp như bệnh Gumboro, Newcastle, hội chứng tiêu chảy, đặc biệt là dịch cúm gia cầm A/H5N1 và A/H5N6 đang bùng phát tại một số tỉnh, trong đó gần tỉnh ta có tỉnh Nam Định. Đối với trâu bò một số dịch bệnh hay nhiễm như bệnh tụ huyết trùng, viêm phổi ở bê nghé non, bệnh lở mồm long móng, bệnh cước chân, bệnh chướng bụng đầy hơi. Đối với lợn là các bệnh tai xanh, lở mồm long móng, đặc biệt hay mắc 04 bệnh đỏ (Tụ huyết trùng, Dịch tả, Phó thương hàn, Đóng dấu); Ở lợn con hay mắc hội chứng tiêu chảy, viêm phổi, E.coli.... Vì vậy, để chủ động phòng chống dịch bệnh xảy ra, hạn chế thiệt hại cho người chăn nuôi trong giai đoạn chuyển mùa, các địa phương trong tỉnh cũng như người chăn nuôi cần thực hiện tốt các biện pháp sau:

1.Về chuồng trại:

Những ngày mưa phùn, ẩm độ cao cần giữ ấm, khô chuồng nuôi như bổ sung thêm rơm, cỏ khô đối với chuồng nuôi trâu, bò; trấu, mùn cưa đối với chuồng nuôi gia cầm; thắp thêm các bóng đèn úm cho các chuồng nuôi gia súc, gia cầm non.... Khi thời tiết thay đổi nhất là những ngày có gió mùa đông bắc (rét Nàng Bân) cần dùng bạt che chắn chuồng trại, tránh gió lùa. Thường xuyên vệ sinh tiêu độc, khử trùng chuồng nuôi, vệ sinh máng ăn, máng uống cho đàn gia súc gia cầm.

2.Chăm sóc nuôi dưỡng và quản lý:

Tăng cường công tác chăm sóc, nuôi dưỡng cho đàn gia súc, gia cầm đảm bảo dinh dưỡng đủ chất và lượng.

*Về thức ăn:

Với gia súc, gia cầm non nên cho ăn những thức ăn có thành phần đạm từ 18 – 22% , năng lượng trao đổi từ 3000 – 3100 kcal/kg thức ăn, chế độ ăn tự do và đảm bảo thức ăn luôn thơm, mới. Với gia súc, gia cầm trưởng thành cho ăn những thức ăn có thành phần đạm từ 15 – 18%, năng lượng trao đổi từ 2900 – 3000 kcal/kg thức ăn, chế độ ăn tùy theo từng mục đích nuôi thương phẩm hay nuôi sinh sản.

*Về nước uống:

Cung cấp đầy đủ nước sạch cho gia súc, gia cầm uống. Bổ sung thêm các loại khoáng chất, Bcomplex, Vitamin. Đối với lợn và gia cầm có thể bổ sung vào thức ăn, nước uống một số vitamin, khoáng chất, chất điện giải cho con vật ăn trực tiếp. Với bê nghé non chăn thả muộn, về sớm. Những ngày trời rét dưới 150C không chăn thả gia súc ra ngoài đồng.

3. Phòng chống dịch bệnh: 

Những đàn vật nuôi mới tái đàn cần có thời gian nuôi cách ly 2 tuần trước khi đưa vào khu chăn nuôi chung. Tiêm phòng đầy đủ các loại vacxin cho đàn vật nuôi  theo hướng dẫn của Chi cục thú y, một số vác xin cần tiêm:

    + Đối với trâu bò tiêm phòng bệnh tụ huyết trùng, lở mồm long móng.

    + Đối với lợn tiêm phòng 04 bệnh đỏ (tụ huyết trùng, phó thương hàn, đóng dấu lợn, dịch tả lợn), bệnh tai xanh, lở mồm long móng; với lợn nái tiêm thêm vắcxin leptospira, suyễn lợn; với lợn con tiêm Ecoli.

    + Đối với đàn gia cầm (gà tiêm vac xin Newcastle, Gumboro, Cúm; thủy cầm tiêm Cúm, Dịch tả)....

Kiểm tra tình trạng ăn uống hàng ngày của vật nuôi, cách ly kịp thời những con có biểu hiện khác thường, chẩn đoán và điều trị nếu cần thiết. Cách ly vật nuôi ốm, chết ra khỏi đàn, không được bán hoặc phát tán, không được sử dụng lại thức ăn thừa của những vật nuôi bị bệnh cho vật nuôi khác.

Phối hợp với các cơ quan, ban ngành liên quan, chính quyền địa phương cấp xã tăng cường công tác kiểm dịch gia súc, gia cầm, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh xảy ra trên đàn vật nuôi nhằm phát hiện sớm dịch bệnh, báo cáo kịp thời để có biện pháp xử lý, ngăn chặn dịch bệnh lây lan./.

Tác giả : BSTY. Nguyễn Thị Dịu - TTKN
 
Bản quyền thuộc TRUNG TÂM KHẢO NGHIỆM KHUYẾN NÔNG KHUYẾN NGƯ THÁI BÌNH
Địa chỉ: Phường Phú Khánh - Tp Thái Bình - Tỉnh Thái Bình. Điện thoại: 0363.831.842, Fax:0363.831.842. 
Email
: