CHÀO MỪNG QUÝ VỊ VÀ CÁC BẠN ĐẾN VỚI WEBSITE TRUNG TÂM KHẢO NGHIỆM KHUYẾN NÔNG KHUYẾN NGƯ THÁI BÌNH
Giới thiệu chung
Cơ cấu tổ chức
Lịch sử khuyến nông
Chức năng nhiệm vụ
Kết quả nghiên cứu
Trồng trọt
Chăn nuôi
Thủy sản
Trồng trọt
Chăn Nuôi
Thủy Sản
 
Hỏi & đáp
Số lượt truy cập:
 

Tin Tức khuyến nông
Gương phụ nữ làm kinh tế giỏi

Cập nhật: 07/07/2017

    Chị Vũ Thị Thủy, thôn Trung Đồng, xã Nam Trung, huyện Tiền Hải nhờ cần cù chịu khó, biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi để tự sản xuất ra thức ăn giá thành hạ nâng cao thu nhập cho gia đình.
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình thuần nông, đến khi lập gia đình, chị Thủy luôn trăn trở để tìm cách đưa kinh tế gia đình đi lên, tạo điều kiện cho các con ăn học. Năm 2005, qua tổ chức Hội phụ nữ của xã, chị Thủy mạnh dạn vay vốn để phát triển sản xuất. Từ nguồn vốn này, chị mua 2 con lợn nái và đầu tư xây dựng chuồng trại chăn nuôi. Với phương châm lấy ngắn nuôi dài, chị mua 10 lợn con về nuôi lấy thịt trong khi chờ 2 lợn nái sinh sản. Tuy nhiên, do chưa có kinh nghiệm chăm sóc cũng như cách phòng trị bệnh, nên đàn lợn của chị thường xuyên mắc bệnh, do đó chị quyết định tham gia lớp sơ cấp thú y do Hội phụ nữ huyện tổ chức. Từ đó, đàn lợn của gia đình sinh trưởng ổn định, bắt đầu sinh sản và cho thu nhập. Kinh tế gia đình chị dần khá lên, có tiền để trả nợ ngân hàng và đầu tư mở rộng chăn nuôi. Hiện tại, trong chuồng nhà chị Thủy có 5 con lợn nái sinh sản, bình quân hàng năm xuất trên 100 con lợn thịt. Ngoài ra, chị còn nuôi gối 500 con gà thịt thả vườn 1 lứa và nuôi 200 con ngan để phát triển kinh tế gia đình. Từ chăn nuôi lợn và gà mỗi năm gia đình có thu nhập trên 150 triệu đồng.


Với bản tính cần cù, chịu khó học hỏi nhanh nhạy trong kinh doanh, năm 2010 chị mở rộng phát triển sản xuất đầu tư mua máy xay xát theo công nghệ hiện đại, với số tiền lớn, hiện nay đang phục vụ nhu cầu của người dân trong xã và phát triển ổn định. Không dừng lại ở đó, với suy nghĩ có nguồn cám gạo, ngô sẵn của gia đình, cá tạp ở địa phương rất rẻ, đi mua cám công nghiệp giá thành cao mà còn sợ có chất cấm nên chị nung nấu ‎ý‎ định tự sản xuất ra thức ăn chăn nuôi từ nguồn nguyên liệu sẵn có tại địa phương phục vụ chính gia trại nhà mình để giảm chi phí thức ăn đầu vào, tăng lợi nhuận trong chăn nuôi.

Năm 2016, được sự tư vấn, hướng dẫn của cán bộ Trung tâm Khuyến nông Thái Bình, chị tham gia xây dựng mô hình sản xuất thức ăn viên khô tự chế từ nguồn nguyên liệu sẵn có tại địa phương cho chăn nuôi gà màu thương phẩm. Dây chuyền bao gồm một máy nghiền và một máy đùn ép viên. Nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi là những phụ phẩm nông nghiệp có sẵn tại địa phương như ngô, cám gạo, trộn thêm các loại cá tạp hay ốc bươu vàng và các loại rau xanh. Loại cám này dùng để làm thức ăn cho gà, vịt. Tính ra chi phí sản xuất ra 1 kg cám này chỉ khoảng 8.000 - 8.500 đồng, thấp hơn khoảng 1.000 - 1.500 đồng so với cám công nghiệp. Như vậy, khi nuôi 500 con gà màu sử dụng thức ăn viên khô tự chế từ nguồn nguyên liệu sẵn có của gia đình, chị Thủy sẽ thu lãi khoảng 75.400 đồng/con trong vòng 4 tháng. Nếu cùng nuôi như vậy với thức ăn công nghiệp hoàn toàn thì chỉ thu được lợi nhuận khoảng 57.000 đồng/con đến 58.000 đồng/con. Lúc đầu nhiều người trong xã nghĩ làm máy móc đối với phụ nữ rất khó và tự sản xuất ra thức ăn chăn nuôi thì càng khó thành công. Nhưng chứng kiến chị vận hành máy rất đơn giản và đàn gia cầm nhà chị lớn nhanh, sức đề kháng tốt mà chất lượng thịt lại ngon, được thương lái ưa chuộng, nên nhiều người đã học theo cách làm của chị. Nhưng điều mà chị thấy vui nhất là sau này, khi không được chương trình hỗ trợ nữa thì gia đình chị vẫn tự tin để tiếp tục chăn nuôi theo hình thức này, không chỉ sản xuất thức ăn tự chế cho gà, mà tiến tới gia đình chị sẽ tự sản xuất thức ăn cho đàn lợn của gia đình.

Không chỉ đảm đang với vai trò một người vợ, người mẹ, chị Thủy còn khẳng định vị trí, vai trò quan trọng của mình trong các phong trào ở địa phương, nhất là thi đua phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo..

Chị chia sẻ: “Nhờ Hội phụ nữ, các đoàn thể tạo điều kiện quan tâm giúp đỡ tạo điều kiện vay vốn mở rộng chăn nuôi, từ đó mình học hỏi thêm các trang trại, gia trại ở các địa phương khác áp dụng cho gia đình mình nên có hiệu quả, thu nhập cũng ổn định hơn trước kia, mình luôn luôn có ý tưởng lúc nào cũng muốn mở rộng chăn nuôi để phát triển kinh tế”.

Tác giả : Ks. Phạm Thị Thúy An
 
Bản quyền thuộc TRUNG TÂM KHẢO NGHIỆM KHUYẾN NÔNG KHUYẾN NGƯ THÁI BÌNH
Địa chỉ: Phường Phú Khánh - Tp Thái Bình - Tỉnh Thái Bình. Điện thoại: 0363.831.842, Fax:0363.831.842. 
Email
: