CHÀO MỪNG QUÝ VỊ VÀ CÁC BẠN ĐẾN VỚI WEBSITE TRUNG TÂM KHẢO NGHIỆM KHUYẾN NÔNG KHUYẾN NGƯ THÁI BÌNH
Giới thiệu chung
Cơ cấu tổ chức
Lịch sử khuyến nông
Chức năng nhiệm vụ
Kết quả nghiên cứu
Trồng trọt
Chăn nuôi
Thủy sản
Trồng trọt
Chăn Nuôi
Thủy Sản
 
Hỏi & đáp
Số lượt truy cập:
 

Tin Tức khuyến nông
Phòng trừ sâu bệnh hại vụ xuân 2018

Cập nhật: 17/04/2018

    Vụ xuân 2018 không được ải, rét đầu vụ, dự báo có rét muộn, ẩm độ không khí cao, nắng nóng không gay gắt do vậy nguy cơ về sâu bệnh hại sẽ làm ảnh hưởng lớn tới quá trình sản xuất đặc biệt là năng suất lúa. Đối với lúa xuân có một số đối tượng sâu bệnh chính sau:


1. Bệnh lùn sọc đen: Đây là dịch bệnh nguy hiểm, tuy ít xuất hiện (vụ mùa 2009 và vụ mùa 2017) nhưng khi đã xuất hiện thì sẽ thành dịch gây hại trên diện rộng. Bệnh do vi rút gây ra nên chưa có thuốc chữa. Bệnh lan truyền do rầy lưng trắng và gây hại ở tất cả các giai đoạn STPT của cây trên tất cả các giống. Cây bị bệnh thường thấp lùn, lá xanh đậm, rễ kém và không phát triển (nhổ dễ dàng), cây mất khả năng phân hóa đòng hoặc phân hóa không trỗ gây thất thu. Vụ mùa năm 2017 bệnh LSĐ đã gây hại nhiều diện tích và không cho thu hoạch. Kết quả lấy mẫu rầy của Chi cục Trồng trọt và BVTV đã thu được mẫu rầy mang vi rút LSĐ - tiềm ẩn nguy cơ bệnh LSĐ sang vụ xuân 2018.



2. Bệnh đạo ôn: Phát sinh gây hại trên các trà lúa từ giai đoạn đẻ rộ - trỗ bông, gây hại giai đoạn đẻ nhánh làm hỏng lá, lụi cây; giai đoạn trỗ làm cổ bông bị thối và gẫy, lúa bị lép, giảm NS nghiêm trọng. Bệnh do nấm gây ra phát tán theo chiều gió, phát sinh mạnh khi nhiệt độ 24-26 oC, trời âm u mưa phùn, không có nắng từ giữa đến cuối tháng 3 và lây lan gây hại mạnh trong tháng 4 đến đầu tháng 5. Bệnh hại nặng trên giống nhiễm (Nếp, BC15, KD18, HT1, Q5,...), ruộng lúa xanh tốt, bón thừa đạm, bón muộn, bón không cân đối.


3. Rầy các loại: Rầy cám phát triển và gây hại mạnh giai đoạn lúa đứng cái - làm đòng; rầy nâu, rầy lưng trắng gây hại mạnh giai đoạn lúa trỗ - chắc xanh, cục bộ hại nặng có thể gây cháy ổ. Có 3 lứa rầy gây hại trong vụ:


+ Lứa 1: Rầy cám ra rộ từ đầu đến giữa tháng 3 gây hại giai đoạn đẻ nhánh. Lứa này mật độ thấp, không gây hại lớn chỉ tích luỹ mật độ cho lứa sau.


+ Lứa 2: Rầy cám ra rộ từ giữa đến cuối tháng 4, gây hại trên giai đoạn làm đòng - trỗ bông, mức độ hại nhẹ đến trung bình, cục bộ hại nặng gây cháy ổ nhỏ vào cuối tháng 4, đầu tháng 5.


+ Lứa 3: Rầy cám ra rộ từ giữa đến cuối tháng 5, gây hại giai đoạn đoạn trỗ - chắc xanh, chắc xanh - đỏ đuôi. Đây là lứa rầy chính trong vụ có khả năng gây hại nặng, mức độ hại nhẹ đến trung bình, cục bộ hại nặng có thể gây cháy trên các giống nhiễm vào cuối tháng 5, đầu tháng 6.


4. Sâu đục thân 2 chấm: Vụ xuân có 2 lứa gây hại chính:


+ Lứa 1: Bướm lứa 1 ra rộ khoảng từ giữa đến cuối tháng 3, sâu non gây dảnh héo rải rác trên lúa giai đoạn đẻ nhánh. Giai đoạn này cây lúa có khả năng tự đền bù sự gây hại do sâu đục thân gây ra, cần tập trung chăm sóc, không phun thuốc hoá học để bảo vệ thiên địch đầu vụ.


+ Lứa 2: Bướm ra rộ từ đầu đến giữa tháng 5, sâu non gây bông bạc chủ yếu trên trà xuân muộn trỗ trùng thời kỳ bướm rộ, mức độ hại từ nhẹ - trung bình, cục bộ ổ nặng. Đây là lứa gây hại chính trong vụ.



5. Sâu cuốn lá nhỏ: Có 3 lứa trong vụ:


Lứa 1: Bướm ra rộ cuối tháng 2 đến giữa tháng 3, sâu non gây hại rải rác trên lúa xuân giai đoạn đẻ nhánh. Mức độ hại nhẹ, lứa này không cần phòng trừ, hạn chế phun thuốc đầu vụ để bảo vệ thiên địch.


Lứa 2: Bướm ra rộ từ đầu đến giữa tháng 4, sâu non gây hại trên lúa xuân sớm giai đoạn làm đòng, xuân muộn giai đoạn đẻ nhánh rộ, mức độ hại nhẹ đến trung bình, cục bộ hại nặng. Lứa này chỉ phòng trừ trên những diện tích có mật độ sâu từ 20 con/m2 trở lên (đối với trà xuân sớm), 50 con/m2 trở lên (đối với trà xuân muộn).


Lứa 3: Bướm ra rộ từ đầu đến giữa tháng 5, sâu non gây hại trên xuân muộn giai đoạn làm đòng - trỗ, mức độ hại nhẹ đến trung bình, cục bộ ổ nặng. Cần theo dõi chặt chẽ vì mật độ sâu lứa này thường phát triển cao và gây hại nặng.


Với xu hướng canh tác lúa bền vững, hạn chế ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng và môi trường sinh thái rất cần sự áp dụng đồng bộ các biện pháp thâm canh, phòng trừ dịch hại tổng hợp;


Đầu tiên là khâu vệ sinh, dọn sạch cỏ dại, tàn dư thực vật mang mầm bệnh trên đồng ruộng. Sâu bệnh hại (khô vằn, rầy nâu), dịch bệnh có thể truyền từ cây trồng chính sang ký chủ phụ và cư trú (ngô, cỏ dại...) và lan truyền sang vụ kế tiếp.


Không gieo, cấy mật độ quá dầy. Tùy vào chân đất mà gieo cấy với mật độ và số dảnh hợp lý. Cần chăm sóc để có cây mạ khỏe, to gân, đanh dảnh, dễ cấy và tạo cho cây lúa có sức khỏe ngay từ ban đầu. Áp dụng gieo sạ thưa giúp quần thể cây khỏe mạnh.


Tăng cường sử dụng phân bón vi sinh và các chế phẩm sinh học để không những cải tạo độ chua, làm đất tơi xốp nâng cao độ phì nhiêu của đất, mà còn tăng khả năng chống chịu cho cây, nâng cao năng suất và chất lượng nông sản.


Bón phân cân đối NPK, bón vừa đủ, không bón lai rai, cần lưu ý bổ sung Kali trong giai đoạn lúa đẻ nhánh, làm đòng. Khi cây lúa bị bệnh (đạo ôn), tuyệt đối không bón bổ sung đạm, không phun phân bón lá và thuốc kích thích sinh trưởng có hàm lượng đạm cao.


Điều tiết nước hợp lý tùy từng giai đoạn của cây lúa, áp dụng nông – lộ - phơi xen kẽ, giúp cây chống đổ tốt;  đặc biệt trong giai đoạn sử lý sâu bệnh cần đảm bảo trên ruộng có nước, tránh khô hạn làm giảm hiệu lực của thuốc.


Thăm đồng thường xuyên, phát hiện và phòng trừ sớm khi vết bệnh mới xuất hiện (khô vằn, đạo ôn...); đối với các đối tượng sâu hại cần phòng trừ kịp thời khi đến ngưỡng bằng các loại thuốc đặc trị. Từng bước sử dụng các loại thuốc sinh học, thuốc thảo dược. Có thể áp dụng các biện pháp đánh bắt thủ công như: Dùng tay ngắt ổ trứng, bẫy đèn, bẫy bả sinh học...


Lưu ý:


Đối với bệnh đạo ôn cổ bông, giai đoạn lúa trỗ nếu nhiệt độ thấp 24-260C, ẩm độ không khí cao nên phun phòng trước và sau trỗ cho các giống nhiễm và mẫn cảm với bệnh như giống BC15, Q5.... Khi bệnh nặng cần dứt bỏ sạch lá bị bệnh kết hợp phun thuốc nhiều lần, mỗi lần cách nhau 3-5 ngày tùy mức độ nặng của bệnh.


Đối với dịch bệnh lùn sọc đen cần thường xuyên kiểm tra đồng, trong quá trình chăm sóc tỉa dặm nếu thấy có cây thấp lùn; lá ngắn, xoắn mầu xanh đậm; bộ rễ kém phát triển cần nhổ hủy bỏ và báo ngay cho cơ quan quản lý chức năng được biết.

Tác giả : Ks. Nguyễn Thị Thương Huyền
 
Bản quyền thuộc TRUNG TÂM KHẢO NGHIỆM KHUYẾN NÔNG KHUYẾN NGƯ THÁI BÌNH
Địa chỉ: Phường Phú Khánh - Tp Thái Bình - Tỉnh Thái Bình. Điện thoại: 0363.831.842, Fax:0363.831.842. 
Email
: