CHÀO MỪNG QUÝ VỊ VÀ CÁC BẠN ĐẾN VỚI WEBSITE TRUNG TÂM KHẢO NGHIỆM KHUYẾN NÔNG KHUYẾN NGƯ THÁI BÌNH
Giới thiệu chung
Cơ cấu tổ chức
Lịch sử khuyến nông
Chức năng nhiệm vụ
Kết quả nghiên cứu
Trồng trọt
Chăn nuôi
Thủy sản
Trồng trọt
Chăn Nuôi
Thủy Sản
 
Hỏi & đáp
Số lượt truy cập:
 

Kinh nghiệm nhà nông
Một số lưu ý gieo mạ nền cứng vụ xuân

Cập nhật: 25/12/2015

    Kỹ thuật thâm canh cây lúa đã chỉ rõ “tốt giống, tốt má; tốt mạ, tốt lúa” để có ruộng lúa tốt cho năng suất cao cần có cây mạ khỏe. Cấy mạ non trên nền cứng giúp lúa đẻ khỏe là tiền đề cho nhiều bông, góp phần cho năng suất cao.

 Ðể giúp mạ nền cứng cây, đanh dảnh, hạn chế chết chòm, cần lưu ý một số kỹ thuật sau:

 1. Kỹ thuật ngâm ủ hạt giống

 * Lượng giống: Lúa lai gieo 1kg/sào; giống lúa thuần hạt nhỏ (BT7, T10...) 1 - 1,2 kg/sào; giống lúa thuần hạt to (Q5, N87, BC15... gieo 1,2-1,5 kg/sào.

* Sử lý hạt giống trước khi ngâm: Trước khi ngâm nên phơi hạt giống dưới nắng nhẹ khoảng 1-2 giờ để sử lý các nấm bệnh trên vỏ hạt thóc dồng thời giúp hạt thóc săn hơn, khi ngâm hút nước nhanh hơn.

Với các giống lúa thuần có thể lọc hạt thóc chắc bằng nước muối 15% (1 lít nước hòa vào 150g muối ăn), khuấy đều cho tan hết muối. Có thể thử bằng cách dùng quả trứng gà tươi thả vào dung dịch nước muối đã pha. Nếu quả trứng nổi lập lờ, nửa chìm, nửa nổi là được. Nếu trứng chìm thì cho thêm muối, nếu trứng nổi trên mặt nước thì cho thêm nước. Sau đó cho hạt thóc giống vào dung dịch muối đã pha nói trên. Sau 5-10 phút vớt bỏ các hạt nổi (đó là các hạt lép lửng, các hạt bị bệnh), các hạt chìm mang đãi sạch nước muối rồi mang ngâm ủ.

 * Kỹ thuật ngâm ủ: với phương châm “ngâm cho hạt hút đủ nước và ủ đủ ấm” kích thích hạt nảy mầm nhanh. Vụ xuân thời tiết thường lạnh nên ngâm bằng nước ấm 2 sôi + 3 lạnh và ngâm đến khi hạt no nước (hạt sưng mép) thì ủ nóng cho hạt nứt nanh. Có thể ủ trong thùng xốp hoặc đào hố đất để ủ. Sau khi nứt nanh thì không ủ nóng nữa để mộng không bị chua, lúc này xử lý: đêm ngâm nước, ngày ủ ấm liên tiếp như vậy khoảng 2 - 3 ngày đến khi mộng bằng 1/3 - 1/2 hạt thóc thì đem gieo.

 2. Kỹ thuật làm mạ

 - Chuẩn bị

 * Nền gieo: Chọn nơi bằng phẳng, thoát nước như vườn, bờ mương máng, hay trên vườn, sân... tốt nhất là gieo trên nền đất nơi khuất gió bắc. Nếu gieo trên nền đất cần lót nền bằng vỏ bao xi măng, hoặc nilon có chọc lỗ. Lúa lai diện tích khoảng 3 - 4m2/sào ruộng cấy; Lúa thuần khoảng 4 - 5 m2/sào ruộng cấy.

 * Bùn: Lấy ở mương máng, sông ngòi... tráng năng, có nước ra vào thường xuyên, không lấy ở nơi ao tù, nước đọng hoặc dưới bóng cây to có lá rụng. Chủ động lấy bùn sớm để có thể thoát được các khí độc và trộn đảo đều với trấu xay rồi lên đống và phủ nilon giữ ẩm cho bùn. Tốt nhất trộn vào bùn khoảng 0,5kg lân Supe hoặc 1 kg phân vi sinh để gieo cho diện tích 3-5 m2 mạ.

 - Cách gieo

 Ðánh bùn nhuyễn, gạt phẳng lớp bùn dầy khoảng 1 - 1,5cm không để bùn quá dấy hoặc quá mỏng. Để se mặt bùn rồi gieo đi gieo lại nhiều lần cho đều. Nên gieo vào buổi sáng để tranh thủ tận dụng nhiệt độ ấm vào ban trưa.

 - Chăm sóc mạ

 Trong vụ xuân, giai đoạn gieo mạ thường nhiệt độ thấp nên chủ động chống rét cho mạ:

 + Nên làm khum vòm che phủ kín bằng nilon trắng để phát huy hiệu ứng nhà kính giữ ấm và ẩm cho mạ. Như vậy nhiệt độ trong luống mạ cao hơn nhiêt độ bên ngoài 5 - 6oC. Do đó chỉ che nilon kín khi trời rét. Nếu trời ấm nhiệt độ trên 150C phải mở dần nilon, trước hết mở dần nilon 2 đầu sau đó mở 2 bên cạnh cho mạ làm quen với môi trường, hạn chế hiện tượng chết rét sau cấy. Nếu đêm rét ngày ấm thì ngày mở đêm che kín. Trước cấy 1 - 2 ngày phải mở hết nilon để mạ được tôi luyện với môi trường tự nhiên.

 + Khi mạ lên mũi chông có thể phủ giữ ấm chân mạ bằng rắc sỉ than đập nhỏ hoặc ½ cát đen + ½ tro bếp. Thường xuyên tưới ẩm cho mạ, tuyệt đối không được để mạ khô nứt nẻ.

- Khi mạ đạt 2,5-3,0 lá, nhiệt độ trên 150C thì đưa mạ ra đồng cấy tránh để mj quá lâu có thể bị chết chòm.

Tác giả : ThS. Nguyễn Đức Chí - TTKN
 
Bản quyền thuộc TRUNG TÂM KHẢO NGHIỆM KHUYẾN NÔNG KHUYẾN NGƯ THÁI BÌNH
Địa chỉ: Phường Phú Khánh - Tp Thái Bình - Tỉnh Thái Bình. Điện thoại: 0363.831.842, Fax:0363.831.842. 
Email
: