CHÀO MỪNG QUÝ VỊ VÀ CÁC BẠN ĐẾN VỚI WEBSITE TRUNG TÂM KHẢO NGHIỆM KHUYẾN NÔNG KHUYẾN NGƯ THÁI BÌNH
Giới thiệu chung
Cơ cấu tổ chức
Lịch sử khuyến nông
Chức năng nhiệm vụ
Kết quả nghiên cứu
Trồng trọt
Chăn nuôi
Thủy sản
Trồng trọt
Chăn Nuôi
Thủy Sản
 
Hỏi & đáp
Số lượt truy cập:
 

Kinh nghiệm nhà nông
Lưu ý: giống, thời vụ, làm đất, bón phân vụ xuân 2016

Cập nhật: 13/01/2016

    Theo dự báo của Trung tâm khí tượng thủy văn Trung ương, diễn biến thời tiết vụ xuân năm 2016 có xu hướng ấm và khô hạn, gây khó khăn lớn đối với sản xuất nông nghiệp

Theo dự báo của Trung tâm khí tượng thủy văn Trung ương, diễn biến thời tiết vụ xuân năm 2016 có xu hướng ấm và khô hạn, gây khó khăn lớn đối với sản xuất nông nghiệp. Thực tế sản xuất cho thấy, ở vụ xuân ấm, nếu gieo cấy sớm, lúa sẽ sinh trưởng phát triển nhanh, phân hóa đòng sớm vào thời điểm nhiệt độ thấp, ánh sáng ít sẽ cho năng suất không cao.

          Để để chủ động giành vụ xuân thắng lợi trong mọi loại hình thời tiết, đặc biệt là vụ xuân ấm, bà con cần lưu ý một số biện pháp kỹ thuật như sau:

1. Cơ cấu giống

          Gieo cấy 100% bằng các giống lúa ngắn ngày, ưu tiên các giống có khả năng chống chịu tốt với điều kiện ngoại cảnh và sâu bệnh hại, đặc biệt là bệnh đạo ôn như:

- Nhóm lúa lai: D.ưu 527, Nhị ưu 838, CNR36, Nam ưu 209,…

- Nhóm lúa thuần:  BT7, T10, Thiên ưu 8, TBR225, ĐS1, N97, Q5, TBR1…

          Chú ý: Nếu gieo cấy các giống lúa nhiễm nặng bệnh đạo ôn (BC15, Q5…) cần tuân thủ đúng thời vụ gieo cấy, tránh cấy ở những chân ruộng chua trũng, tuyệt đối không bón đạm đơn và có biện pháp kỹ thuật chăm sóc,  phòng trừ bệnh kịp thời.

2. Thời vụ gieo cấy

          Thời vụ gieo cấy là yếu tố quan trọng quyết định đến năng suất lúa. Nếu bố trí thời vụ hợp lý, cây lúa sinh trưởng phát triển tốt, phân hóa đòng, trỗ bông và phơi màu thuận lợi sẽ cho năng suất cao. Ở vụ xuân, thời điểm lúa trỗ an toàn nhất là từ sau tiết Lập hạ (5/5) đến trước tiết Tiểu mãn (20/5).

          Vụ xuân 2016 được dự báo là vụ xuân ấm, do vậy để lúa trỗ bông an toàn, các địa phương cần phải thực hiện nghiêm lịch thời vụ

          - Với mạ non trên nền cứng có che phủ nilon: thời vụ gieo từ tiết Lập xuân đến 10/2/2016 (tức từ 26/chạp - 03/giêng âm lịch). Trong đó, các giống có thời gian sinh trưởng trên 130 ngày gieo đầu lịch, các giống có thời gian sinh trưởng dưới 130 ngày gieo cuối lịch. Cấy khi mạ được 2,5-3 lá1

          - Với gieo thẳng: thời vụ gieo từ 10-25/2/2016, tốt nhất là từ 15-20/2

          Kết thúc việc gieo cấy trong tháng 2.

3. Làm đất

          Đến thời điểm này, tiến độ làm đất ở các địa phương còn rất chậm, tàn dư trên đồng ruộng như rơm rạ, cỏ dại và éo lúa rất nhiều. Đây là môi trường cư trú của các đối tượng sâu bệnh hại qua đông chuyển sang vụ xuân. Do vậy, bà con cần khẩn trương vệ sinh đồng ruộng và cày lật đất. Trong điều kiện năm nay, nên sử dụng vôi bột từ 15-20 kg/sào hoặc các chế phẩm xử lý rơm rạ trong quá trình làm đất.

4. Phân bón

          Năm nay đất không được ải, cộng với vụ xuân ấm và khô hạn, tốc độ khoáng hóa mạnh, cây lúa có thể bị đói ăn cuối vụ. Do vậy chăm sóc sẽ tốn phân hơn. Bà con nên ưu tiên sử dụng các loại phân NPK của các công ty có uy tín trên thị trường. Hạn chế và tiến tới không bón đạm đơn.

          Lượng phân bón cho 1 sào: 2-3 tạ phân chuồng (hoặc 7-10 kg phân vi sinh), 25 kg NPK chuyên lót (5:10:3, 6:11:2, 6:12:2,…) và 12-15 kg NPK chuyên thúc (16:5:17, 17:5:16, 12:5:10,...)

Cách bón:

- Bón lót: bón toàn bộ phân chuồng (hoặc phân vi sinh) và phân NPK chuyên lót trước khi bừa lần cuối, giúp vùi sâu phân lót vào đất, để cung cấp dinh dưỡng cho cây lúa giai đoạn đứng cái làm đòng và trỗ bông, đồng thời giúp bộ rễ ăn sâu tăng khả năng chống đổ.

          - Bón thúc: để nâng cao hiệu quả bón phân, bà con nên chia làm 2 lần bón thúc

          + Lần 1: khi cây lúa bén rễ hồi xanh, nhiệt độ trên 15oC, bón 2/3 lượng phân NPK chuyên thúc

          + Lần 2: sau bón thúc lần 1 khoảng 10-15 ngày, bón hết lượng phân NPK chuyên thúc còn lại.

          Lưu ý: Tùy vào điều kiện cụ thể, nếu giai đoạn phân hóa đòng cây lúa có biểu hiện đói ăn, cần bón bổ sung với tỷ lệ 1 đạm:1 kali, hoặc 1 đạm:2 kali

Tác giả : ThS. Lại Thị Bích Hợi - TTKN
 
Bản quyền thuộc TRUNG TÂM KHẢO NGHIỆM KHUYẾN NÔNG KHUYẾN NGƯ THÁI BÌNH
Địa chỉ: Phường Phú Khánh - Tp Thái Bình - Tỉnh Thái Bình. Điện thoại: 0363.831.842, Fax:0363.831.842. 
Email
: