CHÀO MỪNG QUÝ VỊ VÀ CÁC BẠN ĐẾN VỚI WEBSITE TRUNG TÂM KHẢO NGHIỆM KHUYẾN NÔNG KHUYẾN NGƯ THÁI BÌNH
Giới thiệu chung
Cơ cấu tổ chức
Lịch sử khuyến nông
Chức năng nhiệm vụ
Kết quả nghiên cứu
Trồng trọt
Chăn nuôi
Thủy sản
Trồng trọt
Chăn Nuôi
Thủy Sản
 
Hỏi & đáp
Số lượt truy cập:
 

Quy trình kỹ thuật
KỸ THUẬT GIEO MẠ LÚA MÙA NĂM 2013.

Cập nhật: 13/06/2013

    Để vụ lúa mùa 2013 đạt năng suất cao, bên cạnh việc chuẩn bị tốt các yếu tố về giống, đất, phân bón… thì “Tốt giống tốt má tốt mạ tốt lúa”, cây mạ khỏe là tiền đề để cho cây lúa sinh trưởng phát triển tốt, chống chịu sâu bệnh cũng như thời tiết bất thuận.

1. Kỹ thuật ngâm ủ hạt giống

Lúa lai ngâm 10-12h, lúa thuần 36 – 48 giờ hoặc hơn tuỳ từng giống. Ngâm đến khi hạt no nư­ớc (hạt sưng mép) thì đãi sạch chua, để ráo rồi gói vào bao vải, bao dứa thưa, ủ nóng lấy nhiệt. Sau một ngày kiểm tra nếu hạt thóc nứt nanh đều thì xử lý mộng mạ như sau: thường thì ngày ngâm nước, đêm vớt lên rải mỏng, làm như vậy khoảng 2-3 ngày đến khi mộng bằng 1/3-2/3 hạt thóc là  gieo.

L­ưu ý:

+ Trong quá trình ngâm nước, cứ 6-8 giờ phải thay nước, rửa chua một lần.

+ Để mạ khoẻ, tăng khả năng chống chịu có thể dùng KH để ngâm

* Lượng giống: Lúa lai 1kg/1sào cấy; giống lúa thuần hạt nhỏ (BT7, T10.. ) 1,2-1,5kg/1 sào; giống lúa thuần hạt to ­(Q5, N87..) 2kg thóc/1 sào ....

2. Các phương thức gieo mạ

2.1. Mạ nền cứng

- Chuẩn bị

* Nền gieo: Chọn nơi bằng phẳng, thoát nư­ớc, tráng nắng: vư­ờn, bờ m­ương máng, hay trên sân....Diện tích khoảng 3 - 4 m2/1 sào ruộng cấy. Sau khi tạo mặt phẳng, lót nền bằng bao dứa,  hoặc nilon có chọc lỗ …

* Bùn: Lấy ở ao hồ, m­ương máng, sông ngòi ...không lấy ở nơi ao tù, nước đọng hoặc dưới bóng cây to có lá rụng. Chủ động lấy bùn sớm 1-2 ngày cho hả hơi. Nếu bùn chặt (đất nặng) có thể trộn đảo thêm sỉ than, trấu xay (5bùn: 1 sỉ) để đất xốp dễ ra mạ.

- Cách gieo

Trước khi gieo trộn vào khoảng 0,3-0,5kg lân Supe đã đập mịn hoặc 1 kg phân vi sinh Azotobacterin cho 1 sào mạ cấy,Bùn pha hơi lỏng, gạt phẳng lớp bùn dầy khoảng 1 -1,5cm. Gieo khi trời mát, khi mặt bùn hơi se, gieo nổi, rắc đi rắc lại nhiều lần cho đều.

- Chăm sóc mạ

Trong vụ mùa, điều kiện thời tiết nắng nóng nên cần chú ý chống nóng cho mạ sân, bằng cách:

Có thể che bằng l­ưới đen (l­ưới phản quang) hoặc làm giàn bằng lá chuối… ,che cao cách sân mạ khoảng 1,5 - 2 m.

Cũng có thể t­ưới đẫm nhiều lần trong ngày, tuy nhiên không tưới lúc nắng nóng, nhất là khi cây héo.

Sau 7-8 ngày, mạ có 2,5-3 lá là cấy đư­ợc.

2.2. Mạ dày xúc

Để cấy chân ruộng thấp trũng, có thể làm mạ dày xúc. Cách làm như sau:

Không cần phải lót nilon mà gieo trực tiếp trên nền ruộng hoặc bờ mương, máng.

 Tạo mặt phẳng rồi trải bùn dày 2,5-3 cm, chuẩn bị bùn từ sáng, gieo vào chiều mát. Gieo thưa khoảng 8-12m2 mặt luống/1 sào mạ cấy

Khi mạ 12-15 ngày tuổi  là cấy tốt, nếu chưa có ruộng cấy có thể để được 18-20 ngày tuổi. Trước khi cấy nên để khô mặt luống, khi cấy dùng liềm, xẻng... “xúc, nạo” mạ thành từng mảng đem đi cấy.

Lưu ý:

- Nếu để mạ lâu cần bổ sung dinh dưỡng cho mạ, tưới bằng NPK hoặc lân Supe

- Nên phun phòng sâu bệnh trước khi cấy (khô vằn, rầy...)

2.3. Mạ vườn (mạ lốc)

Trên chân ruộng cao, cát pha bà con có thể làm mạ lốc. Mạ này rất dễ làm lại giúp cây mạ cao, đanh dảnh, khi cấy không bị chột mạ.

Có thể cấy trên chân ruộng thấp trũng.

Cách làm như sau:

Trước hết làm đất và lên luống như gieo hạt rau, với diện tích luống khoảng 15-20m2/1sào mạ cấy, sau đó nhặt sạch cỏ dại, rồi gieo. Mộng mạ ngâm ủ như bình thường đến khi hạt nứt nanh thì gieo.

Gieo xong, tưới đẫm rồi phủ kín hạt bằng đất bột hoặc cát. Mạ 10-12 ngày tuổi là cấy được, thậm chí có thể để được 18-20 ngày tuổi.

Mạ vườn cần chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh như đối với mạ dày xúc.

2.4. Gieo mạ khay (cấy máy)

Đối với cấy máy yêu cầu phải đảm bảo cây mạ khoẻ, đồng đều và dễ ra mạ. Do vậy cần chuẩn bị:

- Giá thể gieo mạ:

+ Nên chủ động lấy đất khô sàng lấy khoảng 1 thúng/sào mạ cấy. Trộn đất với trấu xay hoặc mùn cưa theo tỷ lệ 2:1 để tạo độ xốp và sau này dễ ra mạ

 + Có thể dùng bùn trộn trấu xay theo tỷ lệ 1:1 để làm nền gieo mạ.

- Khay gieo: Là dụng cụ làm sẵn, mỗi sào mạ cấy cần khoảng 6 khay.

*  Ngâm ủ mộng mạ

Nếu gieo mạ nền cứng, 1 sào hết 3-4 m2, mạ khay cấy máy chỉ cần diện tích 1-1,2 m2, trong khi đó lượng thóc giống là tương đương.

Do vậy, để có cây mạ khoẻ và đồng đều cần dùng nước muối nồng độ 10% loại bỏ hết hạt lép lửng (lưu ý chỉ áp dụng với lúa thuần).

Sau đó, rửa sạch nước muối rồi ngâm ủ bình thường, khi hạt nứt nanh là tiến hành gieo, không để mộng mạ dài vì mật độ gieo khay rất dày

* Gieo mạ

Rải giá thể vào khay dày khoảng 2 cm, san phẳng, tưới ướt đẫm bằng nước sạch, rồi tiến hành gieo hạt (có thể gieo bằng tay hoặc sử dụng công cụ gieo hạt)

Lưu ý cần rắc đều hạt trên bề mặt khay, đặc biệt ở các góc và cạnh.

Gieo xong tưới doa nước rồi phủ kín hạt bằng cát hoặc đất bột mịn.

 Chăm sóc mạ như đối với mạ nền cứng

Khi mạ 10-12 ngày tuổi, mạ đạt 2,5-3 lá là có thể cấy được.

Tác giả : Ks.Trần Thị Doanh ;Ks.Lại Thị Bích Hợi
 
Bản quyền thuộc TRUNG TÂM KHẢO NGHIỆM KHUYẾN NÔNG KHUYẾN NGƯ THÁI BÌNH
Địa chỉ: Phường Phú Khánh - Tp Thái Bình - Tỉnh Thái Bình. Điện thoại: 0363.831.842, Fax:0363.831.842. 
Email
: