CHÀO MỪNG QUÝ VỊ VÀ CÁC BẠN ĐẾN VỚI WEBSITE TRUNG TÂM KHẢO NGHIỆM KHUYẾN NÔNG KHUYẾN NGƯ THÁI BÌNH
Giới thiệu chung
Cơ cấu tổ chức
Lịch sử khuyến nông
Chức năng nhiệm vụ
Kết quả nghiên cứu
Trồng trọt
Chăn nuôi
Thủy sản
Trồng trọt
Chăn Nuôi
Thủy Sản
 
Hỏi & đáp
Số lượt truy cập:
 

Quy trình kỹ thuật
Kỹ thuật trồng và chăm sóc khoai tây vụ đông 2016 giai đoạn đầu

Cập nhật: 01/11/2016

    Khoai tây là 1 trong những cây trồng cho giá trị kinh tế cao trong vụ đông của tỉnh nhà.

Để giúp bà con trồng khoai tây đúng kỹ thuật, hạn chế sâu bệnh hại và cho năng suất cao chúng tôi xin lưu ý với bà con 1 sô vấn đề trồng và chăm sóc giai đoạn đầu như sau:

1. Giống

Hiện nay ở Thái Bình có rất nhiều loại giống khoai tây, tuy nhiên bà con hay trồng các giống như Solara, Marabel (Đức), Atlantic (Mỹ).

2. Thời vụ

Cây khoai tây là cây ưa lanh nên thời vụ trồng khoai có thể trồng 20/10-20/11, tốt nhất nên trồng cuối tháng 10, đầu tháng 11.

3. Chuẩn bị củ giống

- Hiện nay củ giống khoai tây chủ yếu bảo quản bằng kho lạnh, vì vậy khi đưa khoai từ kho lạnh ra nếu thấy có mầm đỉnh dài bà con nên bẻ mầm để kích thích mọc nhiều mầm khác trẻ hơn.

- Lượng giống: trung bình từ 40-45 kg/sào. Nếu củ giống to bà con nên bổ củ để tiết kiệm giống.

Cách bổ củ như sau: Dùng dao sắc, lưỡi mỏng để bổ củ. Chuẩn bị nước vôi trong hoặc nước xà phòng đậm đặc để xử lý dao, hạn chế nấm bệnh lây lan bằng cách cứ bổ 3-4 củ lại nhúng dao vào dung dịch trên. Hiện có 2 phương pháp bổ củ:

*Bổ củ tách rời: Bổ dọc củ thành 2 hoặc nhiều phần đảm bảo cho các phần đều có mầm. Sau khi bổ xong nên chấm vào tro bếp hoai để khoảng 3-5 ngày thì đem trồng hoặc chấm vào xi măng thì có thể trồng ngay hoặc 1-2 ngày sau đem trồng.

*Bổ dính: Thực hiện bổ dọc củ như trên nhưng không bổ tách rời các phần ra mà để lại cuối củ 1-2 cm để các phần dính nhau. Với phương pháp này bà con không cần phải chấm tro bếp hay xi măng mà sau bổ để mặt cắt tự se lại, sau 7-10 ngày thì đem trồng.

4. Làm đất

- Đất trồng khoai tây tốt nhất là đất cát pha, thịt nhẹ, không chua, chủ động tưới tiêu.

- Sau khi thu hoạch lúa mùa thì tiến hành cày bừa và lên luống. Có 2 cách làm luống:

+ Trồng hàng đôi: Lên luống rộng 1,4 m, mặt luống rộng 90 cm, chiều cao luống 20 cm, hàng cách hàng 35 cm, cây cách cây 25-30cm.

+ Trồng hàng đơn: Lên luống rộng 70-75cm, mặt luống rộng 35-40 cm, trồng 1 hàng giữa luống.

5. Phân bón

- Phân hữu cơ: Để cây khoai tây bền dây, tốt củ thì nên bón lót bằng phân chuồng hoai mục. Lượng phân chuồng hoai mục nếu có 4-5 tạ/sào; có thể thay thế bằng phân vi sinh Azotobacterin 15-20 kg/sào.

- Phân vô cơ: 10-12 kg đạm ure/sào, 15-20 kg lân supe/sào, 6-7 kg Kaly/sào.

Nếu bón NPK thì bà con có thể dùng phân NPK chuyên lót 5:10:3 và NPK chuyên thúc 12:5:10,... với lượng phân tương đương với phân đơn.

Cách bón : Nếu đất khô, trời không mưa: Bón lót toàn bộ phân chuồng hoặc phân vi sinh+ lân supe và 30 % đạm urê hoặc toàn bộ phân NPK chuyên lót.

     - Bón thúc lần 1: Sau khi trồng 15 ngày, cây cao 15- 20 cm, bón  50% đạm + 50% kali hoặc 50 % lượng phân NPK chuyên thúc.

         - Bón thúc lần 2: Sau lần 1 từ 10-15 ngày. Bón hết lượng phân còn lại

Chú ý: Nếu đất ướt không bón lót phân đạm, sau khi cây đã mọc lên khỏi mặt đất dùng lượng đạm này hòa loãng để tưới cho cây, sau đó tiếp tục bón thúc 2 lần như trên.

Tuyệt đối không bón vôi, vì vôi sẽ gây bệnh ghẻ củ.

6. Cách trồng

Sau khi lên luống, bón phân lót, phủ một lớp đất mỏng rồi đặt củ, không để phân lót tiếp xúc trực tiếp với củ giống.

- Với củ giống đã bổ: nên đặt miếng cắt nằm nghiêng hoặc ngửa, không đặt vết cắt úp xuống đất. Khi trồng không bón lót phân đạm tránh phân thấm vào vết cắt gây thối củ. Tốt nhất nên trồng riêng những củ đã bổ vào một luống để tiện chăm sóc.

- Sau khi đặt củ giống lấy đất ở rãnh phủ 1 lớp đất mỏng lên củ. Nếu trời mưa, đất ướt có thể lấy cát sông để phủ củ.

7. Chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh giai đoạn đầu

- Để cây mọc nhanh và đều sau trồng bà con nên tưới nước đủ ẩm, phủ rạ giữ ẩm để khoai tây nhanh mọc và mọc đều, đặc biệt là trong điều kiện thời tiết khô hanh kéo dài. Tuyệt đối không được để ruộng quá khô hạn khoai mọc chậm thậm hơn chí gây hỏng củ giống.

- Sau khi trồng nếu gặp trời mưa gây hiện tượng bí dí bề mặt luống cần xới xáo phá váng làm đất thông thoáng, tơi xốp  giúp cây sinh trưởng thuận lợi và đặc biệt sau này giúp tia củ hình thành sớm, nhiều hơn góp phần tăng năng suất ruộng khoai tây sau này.

- Nên phun phòng bệnh lở cổ rễ nếu có nắng mưa xen kẽ bằng một số loại thuốc: Validcin hoặc Anvil.

Tác giả : Ths. Đỗ Thị Ngân
 
Bản quyền thuộc TRUNG TÂM KHẢO NGHIỆM KHUYẾN NÔNG KHUYẾN NGƯ THÁI BÌNH
Địa chỉ: Phường Phú Khánh - Tp Thái Bình - Tỉnh Thái Bình. Điện thoại: 0363.831.842, Fax:0363.831.842. 
Email
: