CHÀO MỪNG QUÝ VỊ VÀ CÁC BẠN ĐẾN VỚI WEBSITE TRUNG TÂM KHẢO NGHIỆM KHUYẾN NÔNG KHUYẾN NGƯ THÁI BÌNH
Giới thiệu chung
Cơ cấu tổ chức
Lịch sử khuyến nông
Chức năng nhiệm vụ
Kết quả nghiên cứu
Trồng trọt
Chăn nuôi
Thủy sản
Trồng trọt
Chăn Nuôi
Thủy Sản
 
Hỏi & đáp
Số lượt truy cập:
 

Quy trình kỹ thuật
Kỹ thuật chiết, giâm cành Hồng

Cập nhật: 11/12/2019

    Hoa hồng là loại hoa được trồng phổ biến khắp mọi nơi trên thế giới, khả năng thích ứng với điều kiện thời tiết khí hậu rộng. Để có thể lưu giữ được những giống hồng đẹp cần phải chọn lọc và nhân giống hoa. Hoa hồng thường được nhân giống bằng phương pháp nhân giống vô tính (chiết cành, giâm cành). Phương pháp này tuy có tốn thời gian, nhưng dễ làm, tỷ lệ sống cao, mang đầy đủ đặc tính tốt từ cây mẹ.

I. Kỹ thuật chiết cành

Thời điểm từ đông chí đến hết tháng 3 âm lịch là đảm bảo an toàn cho chiết cành, cây gốc và cành chiết phát triển tốt. Có hai cách chiết cành phổ biến như:

Cách 1: Tạo cành chiết từ mặt đất

Chọn một cành gần sát gốc, lấy đoạn cuối cành có chiều dài khoảng 20 cm, cắt ra một khoanh vỏ dài khoảng 2 cm, cạo sạch hết lớp vỏ. Sau đó uốn cong cành xuống, sao cho phần bóc vỏ tiếp giáp sát mặt đất vùi xuống và phủ đất lại, đắp đất phủ lên trên, rồi dùng que tre cắm xuống đất cố định cành hồng nằm đúng vị trí. Sau chiết hai tuần là kiểm tra tốc độ ra rễ của bầu chiết, sau 3 tuần khi rễ ra đều, chuyển màu nâu vàng tiến hành cắt cành ra trồng. 

Cách 2: Tạo cành chiết từ trên cao

Chọn cây mẹ to khỏe sinh trưởng phát triển tốt có nhiều đặc tính ưu việt. Chọn cành bánh tẻ to bằng chiếc đũa ăn cơm, dài 15cm - 20cm. Nếu cành chiết quá dài cây con sẽ bị vống, trong khi bộ rễ còn yếu sẽ không đủ sức nuôi cây.

Dùng dao sắc bóc rời một khoanh vỏ rộng 2 cm cạo sạch lớp vỏ ngoài. Sau đó dùng hỗn hợp đất bột trộn với phân chuồng hoai mục, tưới nước trộn đều hỗn hợp sao cho đất bầu đủ ẩm để bó bầu (khi nắm chặt giá thể  nước hơi rỉ qua kẽ tay là vừa).

 Lưu ý:  Không để bầu chiết bị quá khô hoặc quá ướt sẽ ảnh hưởng đến quá trình ra rễ của cây hoa.

Ốp đất quanh đoạn vừa bóc vỏ tạo thành bầu chiết to bằng quả cau. Sau đó dùng một miếng nilon trắng nhỏ quấn quanh bầu chiết sao cho vừa chặt, vừa kín. Hai đầu bầu chiết phải dùng dây nilon buộc chặt để tránh nước ngấm vào trong bầu. Khoảng nửa tháng sau khi chiết, bầu ra nhiều rễ con màu trắng và 7-10 ngày tiếp khi rễ bầu chuyển sang màu nâu vàng  thì hạ cành chiết trồng xuống đất hoặc vào chậu.

Cây Hồng chiết cành bộ rễ rất yếu, vì vậy sau khi hạ cành chiết khỏi cây mẹ nên đặt vào bầu ương để trong mát, môi trường sống nhiều dinh dưỡng, chăm sóc kỹ trong vài tuần rồi mới trồng vào chậu hay ra vườn. Thời gian đầu, nên dùng những que tre chống làm giá đỡ cho cây con đứng vững.

Sau hai tháng tính từ ngày chiết, cây hồng con bắt đầu nở hoa thì cắt bỏ để cây tập trung dinh dưỡng ra mầm và nuôi những mầm mới. Như vậy cây sẽ hình thành tán mạnh hơn.

II. Kỹ thuật giâm cành

1. Thời vụ

Nên nhân giống hoa hồng vào thời điểm mát, nhiệt độ không quá cao. Từ tháng 2 - 4 hoặc từ tháng 8 - 10 là thời gian tốt nhất giúp hom ra rễ nhanh và đạt tỷ lệ sống cao.

2. Biện pháp giâm cành

Cành hồng dùng để nhân giống là cành bánh tẻ khỏe, mập, thẳng và sạch sâu bệnh, đang mang hoa ở giai đoạn sử dụng.

Ưu điểm:  Tốc độ nhân nhanh, thời gian nhân ngắn, số lượng giống nhiều.

 Nhược điểm: Không phải giống Hồng nào cũng có khả năng giâm cành, chỉ có thể áp dụng phương pháp này cho một số giống hồng nhất định nên cần chú ý:

Chọn mắt giâm là loại mắt ngủ bắt đầu nhú lên bằng hạt tấm để sau khi giâm mắt nẩy lộc ngay.

 Cành chọn để cắt hom giống giâm chỉ nên lấy đoạn giữa của cành không nên lấy đoạn ngọn và gốc. Hom giống có chiều dài từ 8 – 10 cm trên đoạn cành có từ 1 - 3 mắt nhưng có 2 mắt là tốt nhất. Khi cắt cành nên dùng kéo cắt cành chuyên dùng, cắt vát, không để vết cắt bị dập nát. Trên đoạn cành cắt nên giữ lại từ 2 - 3 lá chét ở cuống lá mắt trên.

Kỹ thuật pha, nhúng thuốc kích thích ra rễ: Hoa hồng là loại cây thân gỗ tương đối khó ra rễ khi giâm, vì vậy muốn kích thích cành giâm ra rễ nhanh cần dùng thuốc kích thích ra rễ như: IAA, NAA, axit giberelic với nồng độ từ 2000 - 2500 ppm.

Hom giống sau khi cắt đem nhúng nhanh vào dung dịch pha sẵn trong khoảng thời gian 3 - 5 giây rồi cắm vào giá thể được chứa trong bầu nilon hoặc khay nhựa. Khi cắm hom giống phải thẳng đứng, cắm sâu từ 1 - 1,5cm. Khoảng cách hom giâm từ 4 - 5 cm trong khay nhựa hoặc mỗi túi bầu là một hom.

Tưới cây bằng vòi phun nhẹ, tưới đều vào buổi sáng, nếu vào các ngày nắng gắt nên tưới thêm cho cây không bị héo, lưu ý tưới lúc chiều mát. Nếu cây trồng chậu nên tưới ngày 2 lần.

Chăm sóc cành giâm:  Sau khi trồng từ 3-5 ngày phun phân bón lá như: Atonik, B1, ba lá xanh 16.16.8, HPV 30.10.10, rong biển …để giúp cây phát triển bộ rễ tốt, hoa có màu sắc rực rỡ. Không tưới phân lên hoa sẽ làm hoa mau tàn. Sau giâm 10 - 15 ngày khi cây ra rễ và ra lá non thì bón bổ sung phân hạt như: Dynamic, phân dơi, phân NPK hay DAP… bón phân xung quanh gốc cây, lấp đất lại, sau đó tưới nước ngay giúp cây hấp thu dinh dưỡng tốt hơn. Sau giâm khoảng 1 tháng rễ hồng đủ khỏe để đem ra trồng.

Định kỳ  hàng tháng  phun phân bón lá và bón gốc xen kẽ. Nếu ngâm phân với nước để tưới thì sử dụng 1 muỗng cà phê/4 lít nước, tưới vào lúc sáng sớm hoặc chiều mát, tưới lên lá, thân, gốc.

Tác giả : KS. Trần Thị Kiều Diễm
 
Bản quyền thuộc TRUNG TÂM KHẢO NGHIỆM KHUYẾN NÔNG KHUYẾN NGƯ THÁI BÌNH
Địa chỉ: Phường Phú Khánh - Tp Thái Bình - Tỉnh Thái Bình. Điện thoại: 0363.831.842, Fax:0363.831.842. 
Email
: