CHÀO MỪNG QUÝ VỊ VÀ CÁC BẠN ĐẾN VỚI WEBSITE TRUNG TÂM KHẢO NGHIỆM KHUYẾN NÔNG KHUYẾN NGƯ THÁI BÌNH
Giới thiệu chung
Cơ cấu tổ chức
Lịch sử khuyến nông
Chức năng nhiệm vụ
Kết quả nghiên cứu
Trồng trọt
Chăn nuôi
Thủy sản
Trồng trọt
Chăn Nuôi
Thủy Sản
 
Hỏi & đáp
Số lượt truy cập:
 

Mô hình điển hình tiên tiến
Làm giàu từ trang trại trên mảnh đất quê hương

Cập nhật: 14/08/2012

    Đến thời điểm này trong năm trang trại của ông cũng đã xuất bán được trên 10 tấn lợn thịt, trong chuồng có 70 lợn chuẩn bị xuất, 120 lợn khoảng 30kg/con, 2 lợn đực và 40 lợn nái đẻ...

Hơn 6 năm gắn bó với nghề chăn nuôi, vượt qua những thất bại vì dịch bệnh hoành hành là liên tiếp những thành công, đến nay ông đã có một trang trại với tổng diện tích trên 7000m2 cùng hệ thống chuồng trại, ao nuôi kiên cố, khoa học. Ông chính là Vũ Cao Sản thôn 2, xã Đô Lương, huyện Đông Hưng.

Như những người nông dân khác trước khi xây dựng trang trại hai vợ chồng ông Sản cũng cấy mấy sào ruộng, buôn bán nhỏ lẻ ở chợ - cuộc sống tạm đủ với mức sống ở thôn quê. Với mong muốn làm gì cho cuộc sống gia đình khá giả hơn. Câu hỏi: Mình làm nghề nông, trồng cây gì, nuôi con gì, trên mảnh đất quê hương? ngày đêm luôn trong suy nghĩ ông.

Từ suy nghĩ đến hành động, năm 2005 với số tiền ít ỏi dành dụm được và vay mượn thêm ngân hàng, bạn bè, họ hàng ông đã bắt tay vào xây dựng trang trại chăn nuôi trên khu đất bỏ hoang tại quê nhà. Khi bắt tay làm trang trại ông xác định chăn nuôi lợn nái đẻ và lợn thịt siêu nạc là đối tượng nuôi chủ yếu nên hệ thống chuồng nuôi được ông đầu tư xây dựng kiên cố ngay từ đầu, với 1 dãy khoảng 500m2 dùng làm kho chứa thức ăn và các dụng cụ phục vụ chăn nuôi, cùng 3 dãy chuồng tách biệt giữa lợn đẻ, lợn con mới cai sữa và lợn thịt, mỗi dãy khoảng 400m2. Trong dãy chuồng nuôi lợn nái đẻ có chia thành các ô  sắt kiên cố, dãy chuồng lợn sau cai sữa và lợn thịt mỗi dãy chia thành 5 ô nhỏ, tất cả đều có máng ăn, máng uống tự động, có hệ thống cửa chiếu sáng, hệ thống quạt thông gió, hệ thống làm mát tự động. Ông còn cho biết thêm, để đảm bảo vệ sinh môi trường và tận dùng nguồn phân lợn thải ra, gia đình còn đầu tư xây hệ thống hầm bioga để lấy khí ga phục vụ sinh hoạt gia đình.

Ông cho biết, muốn chăn nuôi lợn với quy mô lớn chuồng trại phải sạch sẽ, thoáng mát, cần tuân thủ nghiêm ngặt các điều kiện về kỹ thuật chăn nuôi, đặc biệt quan trọng nhất là phải tiêm phòng định kỳ bằng vacxin theo quy định của ngành thú y. Đối với lợn nái đẻ ông quản lý bằng cách đánh số thẻ tai để tiện theo dõi quá trình sinh sản; Lợn con đẻ ra sau 7 ngày đến khi cai sữa lần lượt tiến hành tiêm phòng các loại vacxin huyễn, lở mồm long móng, tai xanh, dịch tả, phó thương hàn… Đối với lợn thịt vào mùa nóng phải thường xuyên tắm rửa cho lợn và vệ sinh chuồng trại. Nguồn thức ăn cho lợn được ông lựa chọn kỹ và ký hợp đồng với đại lý phân phối, đảm bảo đủ dinh dưỡng cho lợn sinh sản và chóng lớn. Do nuôi gối vụ nên trang trại thường xuyên có cả lợn con và lợn thịt xuất chuồng. Chia sẻ với chúng tôi về quá trình tiêu thụ sản phẩm của trang trại, ông Sản chia sẻ: “Những năm đầu mới nuôi phải tìm nơi để tiêu thụ nhưng giờ không có lợn để bán, lợn con được các tư thương từ Hưng Yên sang lấy, còn mỗi khi xuất lợn thịt thì ô tô từ Hải Phòng sang tận trang trại để mua”. Hàng năm trang trại xuất hơn chục tấn lợn con, hàng chục tấn lợn hơi, cho thu lãi hàng trăm triệu đồng; điển hình như năm 2011, tuy phải thay một số lợn nái đẻ nhưng sau khi trừ mọi chi phí gia đình ông cũng lãi tới trên 300 triệu. Đó là chưa kể số tiền thu được từ bán phân lợn khô, vì nuôi nhiều lợn, hệ thống bioga chỉ sử dụng nước rửa từ chuồng lợn do đó phân lợn sau khi thu gọn hàng ngày được cho cá sử dụng một ít, phần còn lại đem phơi khô, đóng bao, sau đó bán cho một số nhà vườn trồng cây cảnh.

Ngay từ khi thiết kế trang trại, một ao nuôi cá với diện tích trên 2000m2 cũng được đào gần hệ thống chuồng nuôi nhằm tận dụng sản phẩm thừa cũng như phân lợn thải ra. Mỗi năm ao nuôi cũng cho xuất bán trên 2 tấn cá trắm, trôi, mè, chép… thu về gần 100 triệu đồng/năm.

Là người ham học hỏi, chịu khó tìm tòi thông tin trên đài, báo, tivi, internet… từ cuối năm 2011 ông đã nuôi thử 10 thùng ong mật, cùng 10 cặp chồn lông nhung, mấy chục con gà Đông Tảo…

Ngoài diện tích xây dựng chuồng trại, ao nuôi, diện tích còn lại ông trồng một số cây bóng mát, cây ăn quả và hàng trăm chậu si cảnh...

Năng động, yêu nghề, kiên trì và mạnh dạn trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, trang trại của gia đình ông là một trong những trang trại điểm của huyện Đông Hưng, được nhiều người đến tham quan, học hỏi; tháng 7/2009 ông đã từng được Trung ương hội nông dân Việt Nam trao giải thưởng “sao thần nông” -  một giải thưởng nhằm tôn vinh những người nông dân xuất sắc…

Đến thời điểm này trong năm trang trại của ông cũng đã xuất bán được trên 10 tấn lợn thịt, trong chuồng có 70 lợn chuẩn bị xuất, 120 lợn khoảng 30kg/con, 2 lợn đực và 40 lợn nái đẻ. Nhưng không dừng lại ở đó, ông đang có kế hoạch đầu tư thêm vốn, mở rộng trang trại, phát triển thêm cây trồng, vật nuôi nhằm tận dụng tối đa diện tích trang trại, nâng cao hiệu quả trong chăn nuôi, đặc biệt tăng thu nhập cho gia đình.

Tác giả : Nguyễn Thị Nguyệt - Phòng thông tin
 
Bản quyền thuộc TRUNG TÂM KHẢO NGHIỆM KHUYẾN NÔNG KHUYẾN NGƯ THÁI BÌNH
Địa chỉ: Phường Phú Khánh - Tp Thái Bình - Tỉnh Thái Bình. Điện thoại: 0363.831.842, Fax:0363.831.842. 
Email
: