CHÀO MỪNG QUÝ VỊ VÀ CÁC BẠN ĐẾN VỚI WEBSITE TRUNG TÂM KHẢO NGHIỆM KHUYẾN NÔNG KHUYẾN NGƯ THÁI BÌNH
Giới thiệu chung
Cơ cấu tổ chức
Lịch sử khuyến nông
Chức năng nhiệm vụ
Kết quả nghiên cứu
Trồng trọt
Chăn nuôi
Thủy sản
Trồng trọt
Chăn Nuôi
Thủy Sản
 
Hỏi & đáp
Số lượt truy cập:
 

Các tin tức khác
Lợi ích từ việc trồng khoai tây bằng phương pháp làm đất tối thiểu

Cập nhật: 14/08/2012

    Ưu điểm của phương pháp trồng khoai tây làm đất tối thiểu là có thể trồng khoai tây trên mọi chân đất nếu chủ động được tưới tiêu; giảm rất nhiều công lao động...

Trong những năm gần đây cây khoai tây được coi là cây trồng chủ lực trong cơ cấu cây vụ đông ở Thái Bình. Khoai tây là cây trồng có năng suất ổn định và có giá trị kinh tế cao. Trồng khoai tây khá vất vả nhất là khâu làm đất và chăm sóc, chính vì vậy những tiến bộ kỹ thuật mới nhằm giảm chi phí đầu vào, giảm công lao động, tận dụng nguồn rơm rạ thừa góp phần tăng thu nhập luôn được nông dân học hỏi và áp dụng. Chính vì vậy, khi phương pháp trồng khoai tây theo phương pháp làm đất tối thiểu được chi cục Bảo vệ thực vật triển khai đã được nông dân tiếp nhận và áp dụng. Đây thực sự là một tiến bộ mới trong thâm canh cây khoai tây, tạo cơ hội để nông dân mở rộng diện tích trồng khoai tây trong những năm tới trên tất cả các chân đất.

Ưu điểm của phương pháp trồng khoai tây làm đất tối thiểu là có thể trồng khoai tây trên mọi chân đất nếu chủ động được tưới tiêu; giảm rất nhiều công lao động: Trồng theo phương pháp trồng truyền thống, người trồng phải cày, bừa, băm nhỏ đất và vun luống nhưng trồng theo phương pháp này chỉ cần tạo phẳng mặt luống là được, không cần phải làm nhỏ đất; Thay vì phải làm đất vun cao gốc người dân tận dụng nguồn rơm rạ, mùn, trấu và các sản phẩm thừa của thực vật để phủ dầy trên mặt luống khoai tây. Đồng thời trồng khoai tây theo phương pháp làm đất tối thiểu sẽ tiết kiệm được giống, phân bón, nước tưới, năng suất cao hơn so với trồng khoai tây truyền thống. Đến khi thu hoạch lại rất đơn giản mà khoai lại có mẫu mã đẹp, củ sáng bóng, ít sâu bệnh, không dính đất…

Xã Thái Giang là xã có truyền thống trồng khoai tây lâu năm của huyện Thái Thụy. Năm 2009 người dân nơi đây đã trồng khoai tây theo phương pháp làm đất tối thiểu, tuy nhiên là vụ đầu nên diện tích còn khiêm tốn là 2000m2. Đến năm 2010 mở rộng diện tích và cho hiệu quả cao. Chính vì vậy đến vụ đông năm 2011 trong tổng số  55ha khoai tây (gồm cả khoai đông và khoai xuân) có tới 60% diện tích trồng theo phương pháp này. Đặc biệt trong vụ đông 2011, Tại thôn Nha, người dân đã trồng thử 2ha khoai tây trên chân đất thịt nặng. Đây là chân đất chỉ cấy 2 lúa và để ải, chưa bao giờ trồng vụ đông. Kết quả khoai sinh trưởng, phát triển tốt, sạch bệnh, cho năng suất cao, mẫu mã đẹp. Trao đổi với chúng tôi, chủ nhiệm HTXDVNN Nguyễn Huy Giáp vui vẻ cho biết: Xã Thái Giang đã trồng khoai tây theo phương pháp này được 3 năm thấy rất hiệu quả, "khiêm tốn" rằng năng suất bằng phương pháp truyền thống nhưng nếu tính hiệu quả thì cao hơn rất nhiều vì tiết kiệm được nước tưới, phân bón, đặc biệt là công lao động trong khâu làm đất và vun luống, lại tận dụng được rơm rạ thừa sau khi thu hoạch lúa, hạn chế tình trạng đốt rơm rạ hiện nay. Sau 3 năm bám sát đồng ruộng, cùng nông dân trồng khoai tây theo phương pháp này ông khẳng định có thể mở rộng diện tích trong những năm tới trên mọi chân đất chỉ cần chủ động được tưới tiêu. Với vai trò là chủ nhiệm HTXDVNN ông cũng đề nghị UBND tỉnh hỗ  trợ về củ giống, về kinh phí xây dựng kho lạnh, kinh phí diệt chuột… để diện tích trồng khoai tây ở Thái Giang ngày một mở rộng trên mọi chân đất, tăng thu nhập cho người nông dân.

Ông Bùi Đình Hậu  - trưởng thôn Nha, xã Thái Giang, huyện Thái Thụy là người đã 3 năm bám sát đồng ruộng, canh coi điều tiết nước, sâu bệnh hại cho cánh đồng trồng khoai tây của thôn cho biết: người dân nơi đây có kinh nghiệm trồng khoai tây, nên khi xã có chủ trương trồng khoai tây theo phương pháp làm đất tối thiểu thì ông nhận ngay về thôn mình, và cho đến vụ đông năm 2011 thì toàn bộ diện tích trồng khoai tây của thôn đều trồng theo phương pháp này. Điều khiến ông thích nhất ở phương pháp này là tận dụng được nguồn rơm rạ sau thu hoạch lúa, giảm hiện tượng đốt rơm rạ gây ô nhiễm môi trường, cùng với đó sau khi bới khoai xong, lại tận dụng được rơm rạ phủ làm phân cho vụ kế tiếp. Ông cũng tâm sự: để phương pháp này được nông dân áp dụng thì HTX cần phải có kế hoạch ngay từ đầu vụ, cán bộ từ xã tới thôn cần nhiệt tình, năng nổ chỉ đạo nông dân, nhất là trong vụ đầu mới áp dụng.

Cũng tại thôn Nha, xã Thái Giang, huyện Thái Thụy, chúng tôi gặp chị Phạm Thị Thía đang bón phân và vun rạ lần cuối cho lứa khoai tây xuân 2012. Chị vui vẻ nói: Vụ đầu tiên trồng theo phương pháp làm đất tối thiểu thì sợ nhưng khi làm quen rồi thì thích lắm, và mấy vụ gần đây kể cả khoai đông và khoai xuân nhà tôi đều trồng theo phương pháp này. So với cách trồng trước kia thì trồng theo cách này nhàn lắm, không phải làm đất, thay vì vun đất vào gốc thì chúng tôi chỉ việc phủ rạ, đến lúc thu hoạch thì không cần dùng cuốc, chỉ cần lấy tay bới rạ ra là thu được củ rồi; củ khoai lại đẹp, ít bệnh, không dính đất, nhiều củ to.

Cho đến nay có thể khẳng định rằng trồng khoai tây theo phương pháp làm đất tối thiểu thực sự mang lại hiệu quả cao và đã được nông dân ở một số địa phương áp dụng, như ở Vũ An - Kiến Xương, Tân Phong, Vũ Đoài - Vũ Thư... Tuy nhiên, để khuyến khích người dân trồng khoai tây, các cấp, ngành cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ nông dân trong khâu bảo quản củ giống, đặc biệt là vấn đề tiêu thụ sản phẩm… để người trồng khoai yên tâm sản xuất, nâng cao thu nhập…

Tác giả : KS. Nguyễn Thị Nguyệt - Phòng Thông tin
 
Bản quyền thuộc TRUNG TÂM KHẢO NGHIỆM KHUYẾN NÔNG KHUYẾN NGƯ THÁI BÌNH
Địa chỉ: Phường Phú Khánh - Tp Thái Bình - Tỉnh Thái Bình. Điện thoại: 0363.831.842, Fax:0363.831.842. 
Email
: