CHÀO MỪNG QUÝ VỊ VÀ CÁC BẠN ĐẾN VỚI WEBSITE TRUNG TÂM KHẢO NGHIỆM KHUYẾN NÔNG KHUYẾN NGƯ THÁI BÌNH
Giới thiệu chung
Cơ cấu tổ chức
Lịch sử khuyến nông
Chức năng nhiệm vụ
Kết quả nghiên cứu
Trồng trọt
Chăn nuôi
Thủy sản
Trồng trọt
Chăn Nuôi
Thủy Sản
 
Hỏi & đáp
Số lượt truy cập:
 

Chủ trương-giải pháp
Ý kiến kết luận của Bộ trưởng Cao Đức Phát tại Hội nghị Tổng kết 20 năm hoạt động khuyến nông Việt Nam

Cập nhật: 04/06/2013

    Ngày 27 tháng 02 năm 2013, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã tổ chức Hội nghị tổng kết 20 năm hoạt động khuyến nông Việt Nam tại Hà Nội. Tham dự Hội nghị có đại diện các Bộ, ngành trung ương, Sở Nông nghiệp và PTNT, Trung tâm khuyến nông các tỉnh, thành phố. Hội nghị đã vinh dự đón đồng chí Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân thay mặt Chính phủ đến dự và phát biểu chỉ đạo.







Ngày 23/4/2013, Văn phòng Bộ Nông nghiệp và PTNT đã có Thông báo số 1953 /TB-BNN–VP thông báo ý kiến kết luận của Bộ trưởng Cao Đức Phát tại Hội nghị tổng kết 20 năm hoạt động khuyến nông Việt Nam, nội dung Thông báo như sau:

1. Đánh giá kết quả 20 năm hoạt động khuyến nông Việt Nam (1993- 2013)

Trước yêu cầu khách quan của thực tiễn sản xuất nông nghiệp trong tiến trình “Đổi mới”, ngày 02/03/1993, Chính phủ ban hành Nghị định số 13/CP Quy định về công tác khuyến nông, đặt nền móng cho sự ra đời và phát triển của hệ thống khuyến nông Việt Nam. Trải qua 20 năm hoạt động, được sự quan tâm chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, các Bộ, ngành ở Trung ương và cấp ủy, chính quyền các cấp ở địa phương; sự phối hợp, cộng tác chặt chẽ của các cơ quan nghiên cứu khoa học công nghệ, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức phi chính phủ trong nước và quốc tế, Hệ thống Khuyến nông Việt Nam đã không ngừng phát triển, lớn mạnh và trưởng thành. Hội nghị là dấu mốc quan trọng trong quá trình xây dựng và phát triển của Hệ thống khuyến nông Việt Nam.

Sau 20 năm hoạt động, hệ thống tổ chức khuyến nông cả nước đã phát triển đồng bộ từ trung ương đến cấp thôn, bản với lực lượng cán bộ khá đông đảo, chất lượng đội ngũ cán bộ khuyến nông từng bước được nâng lên thông qua công tác bồi dưỡng, đào tạo và hoạt động thực tiễn. Cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ hoạt động khuyến nông từng bước được tăng cường, huy động nguồn lực đầu tư cho công tác khuyến nông ngày càng mở rộng bao gồm ngân sách nhà nước và các nguồn lực khác theo phương châm xã hội hóa.

Trong quá trình hoạt động vừa qua, hệ thống khuyến nông đã cơ bản bám sát các chủ trương, định hướng phát triển nông nghiệp, nông thôn của Trung ương và các địa phương. Các chương trình khuyến nông được triển khai khá toàn diện, bao gồm nhiều lĩnh vực nhưng cơ bản đã tập trung vào một số nội dung trọng tâm, trọng điểm của Bộ, ngành.

Hoạt động khuyến nông trong nhiều năm qua đã tạo điều kiện nâng cao kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm sản xuất cho nông dân; góp phần tạo ra sự thay đổi sâu sắc về cơ cấu sản xuất và trình độ sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp trên phạm vi rộng theo hướng sản xuất hàng hóa, thâm canh, tăng vụ, tăng năng suất, chất lượng nông sản và hiệu quả sản xuất. Nhiều lĩnh vực sản xuất nông nghiệp của Việt Nam đạt mức tiên tiến của khu vực như: sử dụng giống ưu thế lai, kỹ thuật thâm canh lúa, ngô, cà phê, hồ tiêu, cao su, rau, hoa, chăn nuôi lợn, gia cầm, nuôi tôm sú, cá tra, cá basa,… Lực lượng khuyến nông cũng đã góp phần quan trọng trong công cuộc xóa đói giảm nghèo, phòng chống dịch bệnh, bảo vệ môi trường, đào tạo nghề cho lao động nông thôn và xây dựng nông thôn mới.

Đồng thời với các hoạt động trong nước, hệ thống khuyến nông Việt Nam đã tích cực, chủ động tham gia các chương trình hợp tác quốc tế để chia sẻ phương pháp và kinh nghiệm, tranh thủ nguồn lực và sự hỗ trợ kỹ thuật.

2. Các nhiệm vụ khuyến nông trọng tâm thời gian tới

Trong thời gian tới, để thực hiện thắng lợi các mục tiêu chiến lược phát triển của ngành Nông nghiệp và PTNT, trên cơ sở ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, hệ thống khuyến nông cần tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm dưới đây:

a) Bám sát chiến lược phát triển của ngành Nông nghiệp và phát triển nông thôn đến 2020, đặc biệt là chủ trương tái cơ cấu của ngành, của các địa phương để xây dựng và triển khai thực hiện các chương trình khuyến nông trọng điểm. Ưu tiên nguồn lực đầu tư cho những chương trình, dự án khuyến khích phát triển những sản phẩm hàng hóa có lợi thế cạnh tranh, có thị trường tiêu thụ và những địa bàn còn nhiều tiềm năng phát triển, lựa chọn các tiến bộ khoa học công nghệ có khả năng tạo sự chuyển biến rõ rệt trên phạm vi rộng về chất lượng và hiệu quả kinh tế, bền vững về môi trường, quan tâm phát triển khuyến nông phục vụ xóa đói giảm nghèo ở các vùng có nhiều khó khăn.

b) Không ngừng cải tiến, đổi mới nội dung và phương pháp hoạt động để nâng cao hiệu quả công tác khuyến nông.

c) Tiếp tục kiện toàn hệ thống tổ chức và bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ khuyến nông các cấp để nâng cao chất lượng, tính chuyên nghiệp và hiệu quả công tác khuyến nông.

d) Tiếp tục đổi mới cơ chế chính sách khuyến nông để làm cơ sở nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực đầu tư của Nhà nước và thu hút bổ sung các nguồn lực xã hội cho công tác khuyến nông.

đ) Phát huy truyền thống và những thành tựu đã đạt được trong 20 năm qua, đội ngũ cán bộ khuyến nông cả nước tiếp tục nỗ lực phấn đấu vươn lên để làm tốt chức năng là cầu nối chuyển giao khoa học công nghệ, chủ trương chính sách của Đảng, nhà nước đến nông dân, giúp nông sản xuất kinh doanh có hiệu quả, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống và xây dựng nông thôn giàu đẹp, văn minh.

Văn phòng Bộ xin thông báo để các cơ quan, đơn vị biết và thực hiện./.

 

 

    TL. BỘ TRƯỞNG
KT. CHÁNH VĂN PHÒNG
    PHÓ VĂN PHÒNG

 

 Trần Quốc Tuấn

 (Đã ký)
Tác giả : nguồn: http://www.khuyennongvn.gov.vn
 
Bản quyền thuộc TRUNG TÂM KHẢO NGHIỆM KHUYẾN NÔNG KHUYẾN NGƯ THÁI BÌNH
Địa chỉ: Phường Phú Khánh - Tp Thái Bình - Tỉnh Thái Bình. Điện thoại: 0363.831.842, Fax:0363.831.842. 
Email
: