1. Về chuồng trại
- Chuồng trại phải phù hợp với đối tượng vật nuôi, diện tích phù hợp với
quy mô, đảm bảo mật độ nuôi không quá dầy. Chuồng nuôi phải thông thoáng và có
mái hiên che chắn để tránh điều kiện thời tiết bất lợi tác động đến đàn vật
nuôi. Xung quanh chuồng nuôi nên bố trí hàng rào ngăn cách để hạn chế sự xâm nhập
của mầm bệnh.
- Trong chuồng phải đảm bảo ổn định về nhiệt độ, độ ẩm và ánh sáng: những
ngày gió bấc lạnh cần thêm đèn điện sưởi ấm đặc biệt với chuồng gia súc, gia cầm
non. Những ngày nắng đột ngột cần sử dụng quạt mát, quạt thông gió.
2. Vệ sinh thú y
- Tăng cường công tác vệ sinh chuồng trại và khu vực chăn nuôi. Hàng ngày
thu gom phân, rác thải, khơi thông cống rãnh không để đọng nước bẩn xung quanh
khu vực chăn nuôi nhằm hạn chế sự phát triển, khu trú của mầm bệnh.
- Định kỳ phun thuốc tiêu độc khử trùng bằng các hóa chất như: iodin,
Benkocid, Cloramin,
- Tăng cường diệt ruồi, muỗi và các loại côn trùng xung quanh khu vực
chăn nuôi.
- Thường xuyên kiểm tra chất độn chuồng: Do giai đoạn Xuân – Hè lớp đệm
chuồng nuôi rất nhanh bị bết ướt, cần tăng cường đảo xới, loại bỏ phần bị ướt,
bổ sung thêm men vi sinh.
3. Chăm sóc nuôi dưỡng
- Cung cấp đầy đủ thức ăn đúng chủng loại theo từng lứa tuổi vật nuôi. Thức
ăn phải đảm bảo sạch sẽ, tươi mới, dễ tiêu, cân đối thành phần dinh dưỡng. Giai
đoạn này thời tiết chủ yếu là nóng ẩm nên thức ăn rất dễ bị ẩm mốc, cần chú ý
cho ăn lượng thức ăn vừa phải, không để dư thừa qua từng bữa.
- Cho vật nuôi uống nước sạch, lượng nước đủ để vật nuôi có thể uống tự
do theo nhu cầu. Thường xuyên kiểm tra hệ thống cấp và thoát nước tránh để nước
uống vương vãi, không để vật nuôi có cơ hội uống nước bẩn đọng trên nền chuồng.
- Nuôi nhốt vật nuôi với mật độ vừa phải, chăn thả khi điều kiện thời tiết
thuận lợi. Buổi sáng nên chăn thả khi trời có nắng ấm, đã tan sương. Khi trời nắng
gắt hoặc có mưa không nên chăn thả gia súc ngoài bãi.
- Chủ động sử dụng một số thuốc thú y chuyên dụng để phòng bệnh vật nuôi
khi thời tiết thay đổi, tách đàn, chuyển chuồng, sau trận mưa, thay đổi thức
ăn,
- Thường xuyên kiểm tra sức khỏe đàn vật nuôi, kịp thời phát hiện và cách
ly các con vật ốm sốt, bỏ ăn. Tiêu hủy vật nuôi ốm chết đúng quy định.
4. Công tác tiêm phòng
Để tạo miễn dịch chủ động, giúp vật nuôi phòng tránh được các bệnh truyền
nhiễm nguy hiểm, người chăn nuôi phải tiêm phòng đầy đủ các loại vác xin phòng
bệnh theo khuyến cáo của cơ quan thú y:
- Đối với đàn lợn: Tiêm vác xin phòng 4 bệnh đỏ (dịch tả, tụ huyết trùng,
phó thương hàn, đóng dấu), Lở mồm long móng, Tai xanh.
- Đối với đàn trâu bò: Tiêm vác xin phòng bệnh Tụ huyết trùng, Lở mồm
long móng, Viêm da nổi cục.
- Đối với đàn gia cầm: Tiêm vác xin phòng bệnh Cúm gia cầm, Niu – Cát-
Sơn, Bệnh Dịch tả vịt, Viêm gan siêu vi trùng trên vịt.
Việc tiêm phòng vác xin chỉ thực hiện khi đàn gia súc, gia cầm khỏe mạnh,
đúng thời điểm, đúng chủng loại, đúng liều lượng, đúng cách tiêm,
Chủ động thực hiện tốt các lưu ý trên để tăng cường sức khỏe đàn vật
nuôi, đảm bảo không phát sinh dịch bệnh trong giai đoạn chuyển mùa Xuân – Hè.
Tác giả : Ths. Đào Minh Thuận