CHÀO MỪNG QUÝ VỊ VÀ CÁC BẠN ĐẾN VỚI WEBSITE TRUNG TÂM KHẢO NGHIỆM KHUYẾN NÔNG KHUYẾN NGƯ THÁI BÌNH
Giới thiệu chung
Cơ cấu tổ chức
Lịch sử khuyến nông
Chức năng nhiệm vụ
Kết quả nghiên cứu
Trồng trọt
Chăn nuôi
Thủy sản
Trồng trọt
Chăn Nuôi
Thủy Sản
 
Hỏi & đáp
Số lượt truy cập:
 

Chủ trương-giải pháp
MỘT SỐ GIẢI PHÁP CHUYỂN ĐỔI CƠ CẤU CÂY TRỒNG PHỤC VỤ TÁI CƠ CẤU NGÀNH NÔNG NGHIỆP

Cập nhật: 18/10/2013

    Trong thời gian qua, sản xuất nông nghiệp không gắn với thị trường, sản phẩm làm ra chủ yếu theo hướng tự phát không gắn với nhu cầu thị trường, nên tình trạng phổ biến “ được mùa rớt giá “ vần diễn ra ở tất cả các loại nông sản, làm cho thu nhập của người dân bấp bênh không ổn định

Những thách thức đang đặt ra

Trong thời gian qua, sản xuất nông nghiệp không gắn với thị trường, sản phẩm làm ra chủ yếu theo hướng tự phát không gắn với nhu cầu thị trường, nên tình trạng phổ biến “ được mùa rớt giá “ vần diễn ra ở tất cả các loại nông sản, làm cho thu nhập của người dân bấp bênh không ổn định.

Hiệu quả của sản xuất nông nghiệp thấp, đơn cử như sản xuất lúa, với giá thóc ở mức bình quân khoảng 5.500 – 6.000đ/kg, năng suất đạt 13 tấn/ha/năm, thì giá trị sản lượng trên 1 ha cả năm mới đạt xung quanh 71 triệu đồng, trừ đi chi phí đầu tư, người dân cùng lắm là hoà, hiệu quả rất thấp. Nếu không đuợc cải thiện sẽ dẫn tới tình trạng nông dân không thiết tha với sản xuất nông nghiệp nói chung, cây lúa nói riêng.

Việc sử dụng các quĩ đất hiện có, như đất bãi bồi ven sông, đất cát cao nội đồng, đất chuyên sản xuất lúa cũng chưa hiệu quả, do chưa gắn với thế mạnh của từng vùng, chưa được quy hoạch thành vùng chuyên canh gắn với tiêu thụ sản phẩm, nên hiệu quả sử dụng đất còn rất thấp.

Mặt khác cơ cấu cây trồng cũng còn bất cập do chưa xác định đuợc cây trồng chủ lực (có lợi thế so sánh) để làm hàng hoá gắn với thương hiệu riêng nên định hướng cho thị trường còn lúng túng. Mặt khác sự mất cân đối giữa các nhóm cây trồng như lúa – ngô - khoai lang - khoai tây... cũng chưa hợp lý nên dẫn tới sản phẩm có nhu cầu thì không sản xuất và ngược lại sản phẩm sản xuất lại không có nhu cầu, như nhu cầu về ngô, đậu tương cho chế biến thức ăn gia súc.

Cơ sở vật chất phục vụ cho khâu sơ chế, chế biến sau thu hoạch còn thiếu và yếu nên ảnh hướng rất lớn đến chất lượng hàng nông sản, nhất là các cây trồng thu hoạch vào các tháng mưa, ẩm độ không khí cao rất dễ gây mốc thối.

Tập quán canh tác của người dân, quen sản xuất theo hướng tự cấp, tự túc, không tuân thủ các hợp đồng, cam kết nên làm lỏng các doanh nghiệp thu mua chế biến nông sản. Bên cạnh đó cơ chế chính sách ưu đãi, khuyến khích cho các doanh nghiệp trong liên kết với nông dân để tiêu thụ sản phẩm cũng chưa đầy đủ nên chưa có nhiều doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực này.

Sự bất cập đó cần thiết phải chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Đây là vấn đề không mới, bởi ngay từ những năm 2001 Tỉnh uỷ đã đề ra chủ trương này và thực tế nhiều địa phương đã có những mô hình hiệu quả. Tuy nhiên phong trào chuyển đổi chưa mạnh mẽ, sản phẩm làm ra còn gặp nhiều khó khăn trong chế biến và tiêu thụ. Vì vậy việc phát huy lợi thế của mỗi địa phương, chuyển đổi cơ cấu cây trồng để đa dạng hoá sản phẩm, tăng giá trị sản lượng trên đơn vị diện tích canh tác, gắn sản xuất với thị trường và doanh nghiệp là giải pháp cần thiết trong giai đoạn hiện nay.

Những tiền đề thuận lợi

Nhu cầu về nguyên liệu cho chế biến thức ăn gia súc của nước ta rất lớn và tiếp tục gia tăng trong thời gian tới, theo ước tính của Hiệp hội thức ăn chăn nuôi, hàng năm nước ta phải nhập khẩu khoảng 1,5 - 1,6 triệu tấn ngô hạt, 600 nghìn tấn hạt đậu tương. Nếu chúng ta tổ chức tốt sản xuất, phát triển mạnh mẽ cây ngô, đậu tương gắn với việc chế biến, bảo quản sau thu hoạch thì những sản phẩm này sẽ có thị trường tiêu thụ rộng lớn, ổn định, khắc phục việc nhập khẩu từ nước ngoài. Mặt khác nhu cầu rau quả cho tiêu dùng của nhân dân ngày một tăng nếu làm tốt công tác vệ sinh an toàn thực phẩm.

          Về đất đai, tuy là một tỉnh đồng bằng không có núi nhưng đất đai tỉnh ta cũng đa dạng, với một số  nhóm đất cơ bản, như:

           Về giống mới, chúng ta đang có bộ giống lúa, giống màu có năng suất cao, chất lượng tốt, chống chịu với sâu bệnh, với những thành tựu về KH và CN như hiện nay chắc chắn sẽ có nhiều giống mới đáp ứng được yêu cầu cho tiêu dùng và xuất khẩu cả về giống lúa và các cây màu.

            Bên cạnh đó các giải pháp thâm canh tiến bộ cùng đang được áp dụng và nhân ra diện rộng như kỹ thuật làm bầu dưa, bầu ngô, bầu bí, gieo sạ, gieo thẳng, làm mạ khay, mạ nền cứng để cấy tay và cấy máy... không những tiết kiệm công lao động, vừa góp phần đảm bảo thời vụ nhất là thời vụ cho cây vụ đông ưa ấm. Đặc biệt với việc hoàn thiện qui trình thâm canh lúa chét, chúng ta có thể hoàn toàn chủ động về thời vụ để bố trí một số cây trồng dễ làm, dễ tiêu thụ cho hiệu quả kinh tế cao, như ngô, đậu tương và một số giống khoai lang có chất lượng cao mà thị trường còn lớn.

         Đó là những tiền đề hết sức cơ bản để chúng ta có thể chuyển đổi cơ cấu cây trồng nhằm đa dạng hoá sản phẩm, nâng cao thu nhập cho người dân.

Nội dung của chuyển đổi:

- Chuyển đổi sử dụng các quĩ đất hiện có để khai thác hết tiềm năng của từng loại đất, trên cơ sở phát huy lợi thế so sánh của từng vùng, như:

    + Nhóm đất bãi ven các sông lớn (Sông Hồng, sông Luộc, sông Trà lý và sông Thái Bình), với diện tích gần 4.000 ha, đây là đất phù sa mới tầng canh tác dày thích hợp với các cây trồng như ngô, khoai lang... nếu được qui hoạch, đầu tư thuỷ lợi, gắn sản xuất với thu mua tiêu thụ sản phẩm thì sẽ hình thành các vùng sản xuất hàng hoá lớn, như ngô, khoai lang

     + Nhóm đất nhẹ nội đồng, có thành phần cơ giới nhẹ, diện tích khoảng 27.000 ha, đây là các vùng chuyên canh cây màu, thích hợp với các cây trồng như lạc, ớt, đậu tương, khoai lang, ngô, rau các loại... với các công thức luân canh thích hợp với khả năng tiêu thụ của thị trường.

     + Nhóm đất có nền thâm canh lúa, đây là đất có nền ổn định, tầng canh tác khá dày thích hợp cho việc thâm canh cây lúa. Căn cứ vào nhu cầu tiêu dùng trong tỉnh và đặt hàng của các doanh nghiệp mà bố trí cơ cấu cho phù hợp, ngoài 2 vụ lúa cần kết hợp mở rộng diện tích vụ xuân hè và vụ đông để gia tăng giá trị sản lượng trên đơn vị diện tích canh tác

     + Nhóm đất chua trũng nội đồng, cấy lúa kém hiệu quả cần chuyển đổi sang nuôi trồng thuỷ sản để có hiệu quả kinh tế cao hơn.

- Chuyển đổi cơ cấu cây trồng

+ Chuyển đổi cơ cấu giống lúa, đây là cây trồng chủ lực, liên quan đến đời sống của hàng vạn hộ nông dân, nên chuyển đổi phải bảo đảm nhu cầu tiêu dùng lương thực cho người và chăn nuôi trong tỉnh, số làm hàng hoá cần căn cứ vào nhu cầu của các doanh nghiệp. Song cần tăng mạnh cơ cấu lúa chất lượng đặc biệt là các giống lúa Nhật, lúa lai chất lượng. Xác định giống lúa chủ lực làm hàng hoá, để trên cơ sở đó mở rộng thành vùng sản xuất tập trung, gắn với xây dựng thương hiệu, với doanh nghiệp thu mua tiêu thụ sản phẩm.

+ Chuyển đổi cơ cấu cây màu, theo hướng tăng diện tích các cây trồng như Ngô, đậu tương, khoai tây, khoai lang, dưa bí, rau màu các loại gắn với việc hình thành các vùng chuyên canh, có kho sấy, trạm thu mua liên hoàn.

+ Chuyển đổi cơ cấu cây ăn quả theo hướng đa dụng, phát huy điều kiện tự nhiên, xã hội của mỗi vùng gắn với việc phát triển các cây bản địa có ưu thế.

            Một số công thức luân canh hiệu quả

Công thức Lúa Nhật – Dưa hè – Lúa mùa sớm – Cây vụ đông (khoai tây, rau) tại Song an  - Vũ Thư cho giá trị sản lượng 250 triệuđồng/ha, so với trồng lúa 2 vụ, tăng gấp 3,5 lần.

Công thức Khoai tây đông xuân – Dưa gang – Lúa mùa – bí xanh, tại điểm Thái Giang – Thái Thuỵ cho giá trị sản lượng 246,8 triệu đồng, tăng gấp 3,45 lần

Công thức Lúa Xuân – Dưa hè – Lúa mùa sớm – cây vụ đông (bí xanh) tại các xã Tân Tiến, Tây Đô, Đông Đô – Hưng Hà, cho giá trị sản lượng 241 triệu đồng/ha, tăng gấp 3,37 lần so với trồng lúa.

Công thức Lúa xuân – lúa chét – cây vụ đông ưa ấm (ớt ) tại các Điểm An ấp, Quỳnh Hội, Qùynh Minh cho giá trị sản lượng 280 triệu đồng/ha, gấp 4 lần so trồng 2 vụ lúa.

        Một số giải pháp góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng

- Cần thay đổi tư duy, lấy hiệu quả của sản xuất làm mục tiêu, sản xuất theo qui hoạch và yêu cầu của thị trường, tiến tới người sản xuất phải biết sản phẩm làm ra tiêu thụ như thế nào, ở đâu, ai đứng ra tiêu thụ, số lượng bao nhiêu, chất lượng thế nào, giá cả ra sao? rồi mới tiến hành sản xuất (sản xuất theo chuỗi).

- Rà soát lại quĩ đất ở từng địa phưong, qui hoạch thành từng vùng sản xuất hàng hoá, trên cơ sở lợi thế so sánh của mỗi vùng, từng bước thay đổi công thức luân canh theo hướng giảm số lượng sản phẩm hiệu quả thấp, khó tiêu thụ sang sản xuất những nông sản có hiệu quả cao, thị trường yêu cầu.

- Tổ chức liên kết trong sản xuất, liên kết giữa nông dân với nông dân thành vùng hàng hoá, liên kết nông dân với doanh nghiệp để cung ứng vật tư, thu mua tiêu thụ sản phẩm, liên kết giữa nông dân với các nhà khoa học để áp dụng các TBKT mới cho hiệu quả kinh tế cao. Hình thành các tổ hợp tác cùng sản xuất, tiêu thụ một loại nông sản.

- Cùng với việc chuyển đổi mạnh mẽ cơ cấu cây trồng, tăng cường hỗ trợ các điểm sơ chế, chế biến, sấy khô sản phẩm, gia công... để nâng cao chất lượng nông sản, tăng tỷ trọng hàng chế biến bằng công nghệ mới.

- Đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng các giống cây trồng mới có năng suất cao, chất lượng tốt chống chịu với sâu bệnh để bổ sung kịp thời vào cơ cấu luân canh nhằm đạt hiệu quả kinh tế cao nhất.

- Tăng cường công tác xúc tiến thương mại, quảng bá và xây dựng thương hiệu cho sản phẩm, khuyến khích các doanh nghiệp tham gia tiêu thụ nông sản phẩm bằng các cơ chế chính sách phù hợp.

          Sản xuất nông nghiệp tỉnh ta vẫn còn chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu kinh tế, liên quan đến đời sống kinh tế của hàng vạn hộ nông dân, chuyển đổi cơ cấu cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao, không chỉ có ý nghĩa làm gia tăng giá trị sản xuất ngành nông nghiệp mà còn tăng thu nhập cho người nông dân, góp phần xây dựng nông thôn mới. Nó đòi hỏi sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cùng sự nỗ lực sáng tạo của hàng vạn hộ nông dân.
Tác giả : Ths.Nguyễn Như Liên – Giám đốc trung tâm
 
Bản quyền thuộc TRUNG TÂM KHẢO NGHIỆM KHUYẾN NÔNG KHUYẾN NGƯ THÁI BÌNH
Địa chỉ: Phường Phú Khánh - Tp Thái Bình - Tỉnh Thái Bình. Điện thoại: 0363.831.842, Fax:0363.831.842. 
Email
: