CHÀO MỪNG QUÝ VỊ VÀ CÁC BẠN ĐẾN VỚI WEBSITE TRUNG TÂM KHẢO NGHIỆM KHUYẾN NÔNG KHUYẾN NGƯ THÁI BÌNH
Giới thiệu chung
Cơ cấu tổ chức
Lịch sử khuyến nông
Chức năng nhiệm vụ
Kết quả nghiên cứu
Trồng trọt
Chăn nuôi
Thủy sản
Trồng trọt
Chăn Nuôi
Thủy Sản
 
Hỏi & đáp
Số lượt truy cập:
 

Chủ trương-giải pháp
CHỦ TRƯƠNG SẢN XUẤT VỤ MÙA VÀ VỤ ĐÔNG NĂM 2012

Cập nhật: 08/08/2012

    (Trích đề án sản xuất vụ mùa, vụ đông năm 2012)

I.Những thuận lợi, khó khăn đối với  sản xuất vụ Mùa, vụ Đông năm 2012

1.1 Thuận lợi

- Sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt và cụ thể của Bộ Nông nghiệp & PTNT, Tỉnh uỷ, HĐND, UBND Tỉnh và các ngành liên quan, các địa phương, cơ sở; ngành Nông nghiệp đã có nhiều bài học thực tiễn trong chỉ đạo sản xuất, tổ chức thực hiện, tuyên truyền vận động nông dân. Bộ máy cán bộ cơ sở được kiện toàn sau đại hội đảng bộ các xã, thị trấn có tinh thần và khí thế mới trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội địa phương.

- Nghị quyết Trung ương 7 về nông dân, nông nghiệp, nông thôn cùng với thực hiện kế hoạch và qui hoạch xây dựng nông thôn mới, tạo thuận lợi cho nông dân đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp; Nghị Quyết 02 của Tỉnh uỷ về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011-2015; Phong trào thi đua “Cả nước chung tay xây dựng nông thôn mới” đã được phát động.

- Các tiến bộ kỹ thuật mới trong sản xuất nông nghiệp về giống, phân bón, kỹ thuật canh tác được áp dụng  rộng rãi đã kích thích sản xuất phát triển và thu hút người nông dân quan tâm, đầu tư cho sản xuất nông nghiệp.

1.2 Khó khăn

- Thời tiết biến động bất thường, là năm được tiên lượng mưa bão sẽ xảy ra phức tạp hơn, cao hơn trung bình nhiều năm.

- Vụ xuân 2012, là vụ xuân rét, mưa ẩm kéo dài, ít nắng, dự đoán lúa xuân trỗ tập trung từ 10-25/5. Như vậy thời vụ thu hoạch lúa xuân, làm đất và gieo cấy lúa mùa cũng sẽ rất khẩn trương, là áp lực rất lớn cho sản xuất ở vụ mùa 2012

- Sâu bệnh vẫn là thách thức lớn trong sản xuất nông nghiệp, đặc biệt trong sản xuất vụ mùa, vụ đông. Vụ mùa được gieo mạ trong khi đang thu hoạch vụ lúa xuân, thời gian cắt vụ không có, đây là cầu nối bệnh được duy trì liên tục, cùng với khí hậu thích hợp sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho Rầy lưng trắng, rầy xám  phát triển và virus lan truyền, nguy cơ gây bệnh Lùn sọc đen là rất cao.

- Bộ giống lúa đang được phổ biến nhất là các giống lúa chất lượng đều mẫn cảm với rầy và bệnh bạc lá.

- Giá vật tư nông nghiệp: giống cây trồng, phân bón, các loại vật tư vẫn ở mức cao; giá nông sản thấp; thu nhập từ sản phẩm của cây trồng thấp, nên đầu tư vào sản xuất vụ mùa, vụ đông bị hạn chế. 

- Lực lượng lao động ở nông thôn yếu và thiếu. giá nông sản thấp.

 - Các công trình thủy lợi tuy được đầu tư hỗ trợ nhưng một bộ phận lớn đang ngày càng xuống cấp. Hệ thống kênh mương, bờ vùng, bờ thửa chưa đáp ứng được yêu cầu chủ động tưới tiêu và sử dụng máy móc trên đồng ruộng.

II. Chủ trương

2.1  Chủ trương

Để thực hiện được kế hoạch tăng trưởng của ngành NN&PTNT, vụ mùa- vụ đông 2012 phải thực hiện tốt một số chủ trương, định hướng sau:

- Xây dựng kế hoạch sản xuất vụ mùa phải gắn với kế hoạch sản xuất vụ đông, đảm bảo sản xuất an toàn, hợp lý và trong mối quan hệ móc xích, vụ trước là tiền đề của vụ sau. Lấy hiệu quả tổng thể cả 2 vụ làm mục tiêu để bố trí kế hoạch sản xuất.

- Tiếp tục chủ trương mở rộng diện tích trà mùa sớm đảm bảo được kế hoạch gieo trồng cây vụ đông ưa ấm. Bố trí cơ cấu giống đảm bảo tỷ lệ hài hòa giữa giống năng suất và chất lượng. Chú ý đến nhu cầu của thị trường tiêu dùng nội địa và chế biến, xuất khẩu. Các địa phương phải xác định rõ cây chủ lực ở vụ đông để có kế hoạch chuẩn bị sớm giống lúa, giống cây vụ đông và các điều kiện cần thiết khác cho chủ động trong sản xuất. Quy hoạch, mở rộng vùng sản xuất lúa Nhật Bản, để tạo bước đột phá đối với sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao gắn với tiêu thụ sản phẩm thông qua hợp đồng, từng bước tạo nền tảng trong xây dựng liên kết 4 nhà: Doanh nghiệp, Nhà khoa học, nhà Quản lý và nhà Nông

- Có kế hoạch ứng phó hiệu quả để chủ động ngăn chặn và giảm thiểu thiệt hại của bão, lụt, bệnh LSĐ và các loại sâu bệnh hại khác đối với vụ lúa mùa, cây vụ đông, thực hiện theo phương châm phòng ngừa từ xa, phòng trước, tiêu diệt nguồn bệnh kịp thời.

- Mở rộng diện tích cây vụ đông theo hướng vừa phát triển cây ngô, đậu tương, vừa tăng diện tích dưa, bí, khoai tây, rau màu có giá trị kinh tế cao, tạo đột phá mới về diện tích, giá trị, hiệu quả.

Từng bước gắn sản xuất nông nghiệp hàng hóa, giá trị cao với mô hình cánh đồng mẫu lớn, tạo tiền đề để nhân rộng ở những năm tiếp theo, coi việc nâng cao hiệu quả, giá trị là cốt lõi của việc phát triển sản xuất, nâng cao đời sống nhân dân trong việc thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới.

Đẩy mạnh việc đưa các tiến bộ kỹ thuật và công nghệ cao vào sản xuất nhằm thúc đẩy quá trình CNH, HĐH nông nghiệp nông thôn.

2.2 Mục tiêu phấn đấu:

* Lúa mùa:

Diện tích: trên 82.500 ha

Năng suất: 62 tạ/ha trở lên

Sản lượng: 520.000 tấn trở lên

* Vụ Hè - Hè thu: 12.500 ha, trong đó:

- Vụ Hè thu: 7.500 ha

Đậu tương: 2.500 ha, trong đó có 650 ha quy vùng để làm giống cho vụ đông.

Rau màu khác: 5.000 ha 

(vụ Hè: 5.000 ha thực hiện theo đề án sản xuất vụ xuân)

* Cây vụ đông: Phấn đấu đạt 40 ngàn ha trở lên

Đậu tương:

8.000 - 8.500  ha

Ngô:

6.500 - 7.000 ha

Khoai tây

4.500 -   5.000 ha

Khoai lang

3.800 -   4.000 ha

ớt

1.300 -    1.500 ha

Bí các loại

4.200 -    4.500 ha

Dưa

1.000 - 1.200 ha

Rau các loại

10.700 -  11.000 ha

III. Các giải pháp

3.1. Giải pháp về quản lý, chỉ đạo

- Đối với sản xuất lúa vụ mùa: Tập trung chỉ đạo thu hoạch lúa xuân nhanh, gọn; vệ sinh đồng ruộng, dọn sạch nguồn bệnh; thu hoạch lúa xuân đ ến  đâu làm đất gieo cấy lúa mùa đến đó Phấn đấu diện tích lúa mùa sớm (thu hoạch trước ngày 05 tháng 10) 30 ngàn ha để có quĩ đất chủ động trồng cây vụ đông ưa ấm.

- Các địa phương tiến hành rà soát, xác định và phân loại cụ thể các trà thu hoạch ở vụ xuân để xây dựng cơ cấu sản xuất vụ mùa, cây vụ đông cho phù hợp với thực tế.

- Xây dựng kế hoạch chuẩn bị giống sớm để đáp ứng đủ cả về số lượng và chất lượng cho sản xuất lúa mùa sớm và cây vụ đông.

- Đối với vụ đông: Mở rộng đồng bộ, hợp lý cả cây vụ đông ưa ấm và ưa lạnh. Thu hoạch lúa mùa nhanh gọn và khẩn trương tổ chức gieo trồng cây vụ đông ưa ấm đảm bảo đúng lịch. Các địa phương xây dựng kế hoạch trồng cây vụ đông gắn với quy hoạch vùng sản xuất hàng hóa trên cơ sở phù hợp về giống cây trồng, đất đai, thời vụ, đảm bảo tưới tiêu, chăm sóc và bảo vệ hiệu quả.

- Mở rộng và hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung, xây dựng các cánh đồng mẫu lớn gắn với quy hoạch nông thôn mới (vùng sản xuất lúa chất lượng cao, khoai tây, đậu tương...); ứng dụng nhanh những thành tựu khoa học tiên tiến, nhất là lĩnh vực giống và công nghệ sinh học cao và sản xuất để tăng năng suất, chất lượng, hạ giá thành sản phẩm. Gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ sản phẩm, từng bước nâng cao tỷ trọng hàng nông sản được tiêu thụ thông qua hợp đồng, tạo điều kiện để thực hiện tốt liên kết 4 nhà, là tiền đề cho phát triển bèn vững.

- Tăng cường công tác quản lý giống cây trồng, vật tư phân bón và thực hiện tốt Đề án đổi mới và nâng cao hiệu quả quản lý thuốc BVTV theo Quyết định 1645/QĐ-UBND ngày 28/7/2009 của UBND tỉnh.

- Tăng cường công tác huấn luyện, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho nông dân ở vụ mùa, vụ đông giúp nông dân nắm vững được kỹ thuật sản xuất các loại cây trồng đồng thời nâng cao nhận thức để chủ động trong quá trình sản xuất và chuyển đổi cơ cấu cây trồng

- Huy động toàn bộ hệ thống chính trị từ tỉnh, huyện, cơ sở cho nhiệm vụ phát triển sản xuất vụ mùa, vụ đông. Tăng cường lực lượng cán bộ kỹ thuật của các địa phương và của ngành xuống cơ sở để tập trung chỉ đạo quyết liệt về lịch thời vụ, vùng gieo mạ, giống, quy trình canh tác, tưới tiêu, phòng trừ sâu bệnh.... Chủ động, bình tĩnh xử lý các tình huống bất thường có thể xảy ra trong quá trình sản xuất.

3.2. Các giải pháp kỹ thuật

a. Lúa mùa

* Trà lúa và cơ cấu giống lúa

- Cơ cấu trà lúa: Mở rộng trà mùa sớm, nâng tỷ lệ trà này bình quân cả tỉnh 35- 40% tổng diện tích gieo trồng (khoảng 30 ngàn ha), sử dụng các giống như: N87, N97, Bắc thơm7, QR1, RVT, TBR1, TBR36,...; trà mùa trung 60- 65%, sử dụng các giống: BC15, ĐS1, lúa lai Nam Dương 99, N.Ưu 69.... Tuỳ từng địa phương sẽ cân đối với diện tích cây vụ đông ưa ấm để tăng hoặc giảm các trà này.

- Cơ cấu giống lúa:

Lúa thuần chất lượng cao (30%) gồm: Bắc thơm 7, T10, QR1, RVT, N87, N97...

Lúa có năng suất cao, chịu thâm canh (70%) gồm các giống: BC15, TBR1, TBR36, ... và một số giống lúa lai kháng bạc lá để cấy vùng thấp trũng như: Nam Dương 99, HYT 108...

Tiếp tục mở rộng khảo nghiệm sản xuất, xây dựng mô hình trình diễn một số giống lúa ngắn và cực ngắn, hướng chất lượng, lúa lai, lúa thuần có năng suất cao, chất lượng khá, khả năng chống bạc lá, kháng rầy... để bổ sung vào cơ cấu sản xuất (VS1, QR2, ...)

*Thời vụ và phương thức gieo, cấy

Vùng đất để trồng cây vụ đông ưa ấm: 25.000 ha

- Lúa cấy: Xong trước ngày 05/7, thu hoạch trước ngày 05/10 để có quỹ đất chủ động gieo trồng cây vụ đông ưa ấm.

+ Mạ nền: Tuyên truyền mở rộng diện tích mạ nền trà mùa sớm để tranh thủ thời vụ, quỹ đất, gieo từ 15 - 20/6, cấy khi mạ được 7- 10 ngày tuổi.

+ Mạ dược: Gieo thưa, từ 05 - 10/6, cấy khi mạ được 15- 18 ngày tuổi. Nơi có kinh nghiệm làm vụ đông cực sớm và có điều kiện quỹ đất có thể gieo mạ cuối tháng 5, cấy trung tuần tháng 6.

Những địa phương không để đất gieo mạ mùa sớm phải chủ động tuyên truyền, vận động, tập huấn kỹ thuật gieo mạ nền hoặc thu hoạch trước một góc ruộng để gieo mạ trà sớm. Phương châm: gặt lúa xuân đến đâu, chủ động làm đất, gieo cấy lúa mùa ngay đến đó.

- Lúa gieo thẳng: Quy hoạch thành vùng, đảm bảo chủ động tưới tiêu, mở rộng phương thức sạ hàng rộng hàng hẹp. Thời vụ gieo: từ 20 - 25/6.

* Vùng đất trồng cây vụ đông ưa lạnh hoặc để ải: Cấy kết thúc trước ngày 25/7, tốt nhất cấy xong trước ngày 20/7 (Tùy theo phương thức gieo mạ để bố trí thời vụ).

+ Mạ nền gieo từ 20/6- 10/7, cấy khi mạ được 7- 10 ngày tuổi.

+ Mạ dược gieo thưa từ 15/6- 05/7, cấy khi mạ 15- 18 ngày tuổi.

Chú ý: - Đối với các giống lúa : P6ĐB, QR1, RVT:  Là giống có TGST ở vụ mùa rất ngắn ngày nên cấy mạ non và bón phân sớm, tập trung. Tuyệt đối không được bón đạm lai rai. Nên sử dụng phân tổng hợp NPK, bón theo hướng dẫn trên bao bì.

- Giống lúa BC15, ĐS1 và các giống có TGST tương đương: Gieo mạ vào đầu lịch quy định cho từng phương thức gieo, cấy xong trước ngày 10/7.

* Mật độ cấy: Lúa thuần 40- 42 khóm/m2, cấy 2- 3 dảnh/ khóm; lúa lai và BC15 cấy 32- 35 khóm/m2, cấy 1- 2 dảnh/ khóm.

Khuyến khích cấy theo hàng rộng, hàng hẹp (hàng sông: 30- 15).

* Mạ dự phòng: Vùng úng trũng chủ động gieo tăng 5- 10% lượng giống ở trà cuối và cấy dặm ở chân cao để đề phòng mưa úng làm mất lúa sau cấy.

3.2.1.3. Làm đất gieo, cấy

* Làm đất gieo và cấy

- Không để mất lấm trên ruộng lúc thu hoạch, tốt nhất giữ nước nông.

- Thu hoạch lúa xuân nhanh, gọn và khẩn trương làm đất theo phương châm: gặt đến đâu, làm đất ngay đến đó, tăng cường sử dụng máy làm đất cỡ trung và lớn, cày lồng vùi rơm rạ, kết hợp sử dụng các chất xúc tiến phân hủy nhanh như Azotobacterin, Emic-YTB... Vạc bờ tiêu diệt sạch cỏ dại; không để lúa chét, lúa éo tồn tại làm nơi cư trú của các loại sâu bệnh.

*. Phân bón và chăm sóc

- Phương châm bón: lót sâu, thúc sớm, cân đối NPK, không sử dụng phân đạm đơn. Phối hợp sử dụng thêm các loại phân qua lá, vi lượng, phân hữu cơ vi sinh.

- Tập trung sử dụng phân tổng hợp NPK (chuyên lót và chuyên thúc), phân NPK phức hợp hàm lượng cao của các doanh nghiệp có thương hiệu và uy tín trên thị trường.... Đối với lúa chất lượng, lúa lai bón thêm 3- 4 kg kali clorua/ sào vào giai đoạn cuối đẻ nhánh.

- Sau cấy 3- 5 ngày, tập trung bón thúc, kiểm tra các khóm lúa bị bệnh LSĐ nhổ vùi và dặm bằng các dảnh lúa khỏe; cấy dặm kịp thời những ruộng lúa bị ngập úng; điều tiết nước hợp lý cho từng giai đoạn sinh trưởng.

*. Công tác bảo vệ thực vật

Flowchart: Stored Data: CHỦ TRƯƠNG - GIẢI PHÁP
- Điều tra, phát hiện, dự tính, dự báo chính xác các đối tượng sâu bệnh hại trên lúa và các loại cây trồng trong sản xuất. Chỉ đạo, hướng dẫn nông dân phòng trừ sâu bệnh theo nguyên tắc 4 đúng để đảm bảo hiệu quả kinh tế (Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh có đề án chi tiết để chỉ đạo các địa phương).

- Đối với bệnh lùn sọc đen cần được thực hiện các biện pháp bảo vệ lúa ngay từ khi gieo, đặc biệt chú ý theo dõi rầy nâu, rầy lưng trắng di trú, có biện pháp chỉ đạo kịp thời ngay đầu vụ. Xử lý hạt giống trước khi gieo bằng Cruise Plus, Enaldo (theo hướng dẫn của Chi cục BVTV tỉnh). Ruộng mạ trước khi nhổ cấy phải tiến hành phun các loại thuốc nội hấp trừ rầy. Không cấy mạ bị bệnh LSĐ, kiên quyết tiêu hủy mạ bị bệnh. Sau cấy đến giai đoạn 60 ngày: thường xuyên bám sát đồng ruộng, phát hiện kịp thời rầy lưng trắng, rầy xám; khi phát hiện có mật độ rầy đến ngưỡng phòng trừ trên quần thể ruộng lúa phải tổ chức phun phòng trừ bằng các loại thuốc nội hấp trừ rầy; phát hiện, nhổ bỏ và vùi lấp các khóm lúa bị bệnh.

- Tiếp tục triển khai thực hiện đề án quản lý thuốc BVTV trong tỉnh; chuẩn bị đầy đủ các loại thuốc có chất lượng tốt để cung ứng cho nông dân khi có dịch bệnh xẩy ra; tăng cường công tác quản lý nhà nước về cung ứng thuốc BVTV từ tỉnh đến cơ sở theo chức năng, nhiệm vụ đã được phân công.

* Công tác thủy nông: (có đề án riêng)

Chủ trương chỉ đạo: Giữ nước, giữ lấm trong khi gặt ở vụ xuân; tiêu chủ động khi cấy; tháo cạn lòng sông, tưới nông mặt ruộng.

Chủ động tưới tiêu, không để úng, hạn xảy ra, làm tốt việc khơi thông dòng chảy, làm sớm, làm đồng loạt trên địa bàn toàn tỉnh. Có kế hoạch làm thủy lợi mặt ruộng ngay sau khi thu hoạch lúa mùa, tạo điều kiện cho gieo trồng cây vụ đông.

Điều hành nước linh hoạt trong vụ đông, vừa giữ được ải, vừa đủ nước cho trồng và chăm sóc cây vụ đông.

c. Vụ đông

* Cây đậu tương:  Là cây ưa ấm, dễ làm, đầu tư chi phí thấp, tốn ít công, có tác dụng cải tạo và bồi dưỡng đất. Tuy nhiên, để phát triển mạnh cây đậu tương ở vụ đông có hiệu quả cao cần thực hiện:

- Quy hoạch vùng sản xuất đậu tương quy mô lớn gắn với xây dựng nhà sấy. 

- Thực hiện nghiêm túc các biện pháp kỹ thuật trồng đậu tương đông theo quy trình hướng dẫn của Sở Nông nghiệp & PTNT, đảm bảo gieo đậu tương trước ngày 30/9 với giống DT84 hoặc các giống có thời gian sinh trưởng (TGST) tương đương và trước ngày 10/10 với giống ĐT12 hoặc các giống có TGST tương đương.

- Các địa phương chủ động cân đối nguồn giống đủ về số lượng, chất lượng và chủng loại giống; tập trung chỉ đạo sản xuất giống ở vụ hè thu hoặc hợp đồng mua giống với các cơ sở sản xuất, kinh doanh giống cây trồng.

* Cây ngô: Là cây ưa ấm, thâm canh cao, thời vụ trồng phải đảm bảo ngô trỗ cờ, phun râu trước ngày 20 tháng 11.

- Vùng đất bãi ven sông, đất chuyên màu: có quỹ đất nên tranh thủ gieo sớm,  thời vụ gieo hạt vào bầu từ 5 - 10/9 và đặt bầu ra ruộng ngay sau khi nước rút. Giống sử dụng là LVN10, LVN4 , LVN 98 , HN-45, C.P333, C.PA88...

- Trồng ngô trên đất sau lúa mùa: Phải làm bầu và đặt bầu ra ruộng trước 30/9, muộn nhất có thể kéo dài tới 5/10, nếu để ngô trên bầu lâu và đưa ra ruộng muộn cần phải làm bầu to hơn. Sử dụng giống ngắn ngày như: C.P333,  LVN184, LVN185, một số giống ngô nhóm NK...

- Mở rộng diện tích trồng ngô chất lượng bán tươi HN88, MX2, MX4, ngô đường... và ngô làm thức ăn gia súc với những địa phương có thị trường và có kinh nghiệm canh tác.

- Phòng chống bệnh LSĐ hại ngô: trước khi gieo trồng, ngâm ủ hạt giống phải được xử lý và không làm bầu ngô gần ruộng lúa bị bệnh LSĐ (cách ruộng lúa bị bệnh tối thiểu 300 m). Phun thuốc nội hấp trừ rầy trên bầu ngô khi ngô được 2 lá.

- Tăng cường phân bón, tưới nhử ngay sau trồng không để cây huyết dụ; chăm sóc sớm để ngô sinh trưởng, phát triển nhanh; chú ý phòng trừ sâu bệnh nhất là giai đoạn cây còn nhỏ để đảm bảo mật độ.

*  Cây khoai tây:  Là cây ưa lạnh, quỹ đất để sản xuất rất lớn, thời vụ trồng không khắt khe, có thể kéo dài từ 20/10 đến 20/11.

- Đất trồng: Đất thịt nhẹ, thịt trung bình; địa hình vàn, vàn cao, chủ động tưới tiêu nước.

- Giống sử dụng: Giống khoai tây Solara (Đức); giống Atlantic (Mỹ), Sinora (Hà Lan). Khảo nghiệm rộng một số khoai tây mới năng suất cao, chất lượng tốt và có khả năng chống chịu bệnh tốt.

- Mở rộng diện tích trồng khoai tây bằng phương pháp làm đất tối thiểu, chú trọng phát triển trên những vùng đất thịt, thịt nặng.

Để mở rộng diện tích khoai tây lên 4,5 - 5 ngàn ha, các địa phương phải rà soát toàn bộ lượng giống đang bảo quản trong kho lạnh và có kế hoạch chuẩn bị giống sớm trước 20/9/2012.

*  Cây khoai lang: Là cây ưa ấm, thời vụ trồng có thể kéo dài đến 15/10. Chi phí đầu tư thấp, giá bán và thị trường tiêu thụ thuận lợi, các biện pháp kỹ thuật đơn giản nên có thể mở rộng diện tích với các giống khoai lang mới có chất lượng cao, có khả năng xuất khẩu.

- Đất trồng: Đất cát pha, thịt nhẹ; địa hình vàn, vàn cao.

- Thu thập và khảo nghiệm các giống khoai lang có năng suất, chất lượng cao, kể cả khoai lang rau tạo bộ giống khoai lang phong phú trong sản xuất.

*  Rau quả thực phẩm các loại:

- Để mở rộng diện tích và phát huy hiệu quả các loại rau quả cần tăng cường các biện pháp kỹ thuật tiên tiến và tìm hiểu nhu cầu của thị trường, kết hợp với tập quán canh tác của địa phương.

- Tăng diện tích lứa rau sớm, rau muộn như: dưa, bí, củ cải, đậu cô ve, cà chua....

- Đối với cây rau quả xuất khẩu: chủ động tìm kiếm thị trường tiêu thụ và tổ chức chỉ đạo làm tốt những cây đã có thị trường như: ớt, sa lát, cải củ, dưa chuột...; khuyến khích các doanh nghiệp liên kết với địa phương đầu tư sản xuất những cây trồng mới.

3.2.3.2. Cơ chế chính sách phát triển vụ mùa, cây vụ đông năm 2012

- Tiếp tục thực hiện cơ chế chính sách hỗ trợ cho sản xuất nông nghiệp đã được ban hành như: hỗ trợ máy nông nghiệp, vùng sản xuất lúa Nhật, khuyến nông, điện chống úng, giàn sấy sản phẩm....

- Tiếp tục xây dựng, điều chỉnh bổ sung các văn bản về cơ chế, chính sách hỗ trợ cho sản xuất vụ Mùa, vụ Đông trên cơ sở gắn với xây dựng nông thôn mới. Đặc biệt với các vùng sản xuất hàng hóa tập trung theo mô hình cánh đồng mẫu lớn.

- ứng kinh phí cho các huyện, thành phố phát triển cây vụ đông với điều kiện được cấp thanh toán vào cuối vụ khi diện tích và giá trị cây vụ đông phải vượt so vụ đông 2011.

Ngoài chính sách hỗ trợ của tỉnh, các huyện, xã căn cứ vào yêu cầu và điều kiện cụ thể của mình có chính sách hỗ trợ riêng để khuyến khích người dân và các thành phần kinh tế mở rộng diện tích vụ đông.

Tác giả : Phòng Thông tin
 
Bản quyền thuộc TRUNG TÂM KHẢO NGHIỆM KHUYẾN NÔNG KHUYẾN NGƯ THÁI BÌNH
Địa chỉ: Phường Phú Khánh - Tp Thái Bình - Tỉnh Thái Bình. Điện thoại: 0363.831.842, Fax:0363.831.842. 
Email
: