Khoai tây là cây trồng vụ đông cho giá
trị dinh dưỡng và kinh tế cao, là nguồn nguyên liệu quan trọng trong công nghiệp
chế biến. Tuy nhiên những năm gần đây diện tích trồng khoai tây tại Thái Bình
có xu thế tăng chậm có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân do chí phí
công lao động cao, nhất là khâu làm đất, trồng, vun xới tốn rất nhiều công sức
của nông dân.
Chính vì vậy tiến bộ kỹ thuật mới trồng khoai tây bằng phương
pháp làm đất tối thiểu giảm chi phí đầu vào, giảm công lao động mà lại tận dụng
được nguồn rơm rạ thừa, tăng thu nhập cho nông dân đã và đang thực sự là một tiến
bộ mới trong thâm canh khoai tây tạo cơ hội mở rộng diện tích khoai tây trong
những năm tới trên các chân đất.
So với phương pháp truyền thồng thì phương
pháp làm đất tối thiểu có ưu điểm sau:
- Có thể trồng khoai tây trên nhiều chân đất, kể cả đất thịt
nặng chỉ cấy được 2 vụ lúa nếu chủ động được tưới tiêu trong khi phương pháp cũ
chỉ trồng trên chân đất cát pha thịt nhẹ
- Giảm được nhiều công lao động: Nếu
trồng theo phương pháp truyền thống người trồng phải cày bừa, băm nhỏ đất và
vun tạo luống. Trồng theo phương pháp mới này người trồng chỉ cần tạo luống là được,
không cần phải làm nhỏ đất. Thời điểm chăm sóc nông dân phải vun cao luống 2 lần
nhưng với phương pháp trồng này chỉ cần tận dụng rơm rạ, mùn, trấu, và các sản
phẩm thừa của cây trồng để phủ dầy lên mặt luống.
- Tận dụng nguồn rơm rạ, mùn, trấu.. thừa trên đồng phủ
kín luống từng bước khắc phục tình trạng đốt rơm rạ, thải tàn dư cây trồng khắp
nơi gây ách tắc dòng chảy và ô nhiễm môi trường. Đồng thời lượng rơm rạ này bổ
sung một lượng mùn đáng kể làm cho đất tơi xốp, thoáng khí rất tốt cho các vụ
lúa tiếp theo trong khi hiện nay hầu hết nông dân trồng khoai tây không có phân
chuồng.
- Tiết kiệm giống, phân bón, nước tưới, hạn chế cỏ dại tăng
nền nhiệt độ giai đoạn cây con, giúp cây sinh trưởng phát triển tốt mà năng suất
lại cao hơn phương pháp truyền thống khoảng 5 - 10 %.
- Sản phẩm khoai tây sau khi thu hoạch có mẫu mã đẹp hơn
vì dễ bới, củ sáng bóng vì không bị trầy xước, dính đất nên bán được giá cao hơn.
Khi bảo quả trong kho lạnh cũng ít bị hao hơn so với phương pháp thông thường.
Kỹ thuật trồng khoai tây bằng phương pháp làm đất tối thiểu
có phủ rạ:
1.Giống và thời vụ (như phương pháp trồng truyền thống)
- Sử dụng các giống rõ nguồn gốc xuất xứ, có độ thuần cao,
sạch sâu bệnh. Hiện tại ở Thái Bình thường trồng các giống solara (Đức), Sinora
(Hà Lan), Diamant (Hà Lan), Atlantic (Mỹ). Củ
giống bảo quản bằng kho lạnh. Khi đưa ra khỏi kho lạnh cần bẻ mầm đỉnh kích
thích các mầm khác mọc. Kích thước củ giống: khoảng 30 - 40 củ/kg. Nếu củ quá
to có thể bổ củ để tiết kiệm giống. Lượng giống: khoảng 40 kg/sào.
- Thời vụ: có thể trồng từ 15/10 - 15/11, tốt nhất là trồng
từ 30/10 - 5/11.
2.Kỹ thuật làm đất
- Sau khi thu hoạch lúa tháo cạn nước đến khi độ ẩm của đất
đảm bảo khoảng 70 - 80% (bước mặt ruộng hơi lún và in hình vết chân).
- Thu gom rạ theo luống trồng khoai
tây hoặc đánh đống để che phủ sau khi đã trồng khoai. Một sào khoai cần 3 sào rạ.
- Kỹ thuật lên luống: Định hình luống bằng cách dùng dây căng.
Luống đơn trồng 1 hàng, rộng 50 - 70 cm; luống đôi trồng hai hàng, rộng 1 - 1,2
m.
Tạo luống bằng 2 cách: có thể tạo rãnh rộng 25 -30cm, sâu
25 cm hoặc cày hai sá cày hai bên để tạo luống, mặt trong luống chỉ cần san phẳng,
không cần làm nhỏ đất.
3.Phân bón
Lượng phân/sào: Phân chuồng hoai mục 5 - 7 tạ hoặc phân vi
sinh Azotobacterin 10 - 15 kg. Có thể tận dụng tối đa nguồn rơm rạ, bèo bồng,..
ủ bằng các chế phẩm sinh học để tạo phân hữu cơ vi sinh.
Đạm: 10kg, lân: 20 kg; kaly: 8 - 10 kg hoặc NPK Lâm Thao,
Văn điển theo hướng dẫn trên bao bì.
-
Cách bón: Bón lót: 100 % phân chuồng hoặc phân vi sinh, 100 % phân lân và 30 % đạm
(nếu trời không mưa)
Bón
thúc: Thúc lần 1 sau khi trồng 15 - 20 ngày khi cây cao 15 - 20 cm bón 1/3 đạm,
1/2 kaly. Thúc lần 2: Sau trồng 35 ngày, hết lượng phân còn lại.
Lưu
ý: Không để phân tiếp xúc với củ giống và gốc cây.
4.Cách
trồng và chăm sóc
- Trước khi đặt củ giống thì lót phân
chuồng, đạm, lân theo hốc và đặt một ít cát cách biệt giữa củ giống và phân
bón. Sau khi đặt củ thì lấp một ít cát mỏng lên trên củ. Theo kinh nghiệm của
nông dân Thái Giang- Thái Thụy thì nên sử dụng cát sông.
- Sau khi đặt củ
phủ rạ dầy 7 - 10cm. Khi cây mọc 10 - 15 cm thì phủ thêm một lớp rạ vào những
chỗ bị hở mặt luống để phân bón, củ giống không tiếp xúc ánh sáng. Khi cây mọc cao phủ thêm 1 lớp rạ để tránh
cho củ bị xanh và mọc thành cây
- Nước tưới: Sau
trồng cần tưới nước thường xuyên để đảm bảo độ ẩm. Sau khi thúc lần 1 tưới rãnh
để nước thấm đều vào trong rãnh. Sau đó 2 - 3 tuần tưới rãnh lần 2. Nếu thời tiết
khô hanh có thể tưới rãnh tiếp sau tưới rãnh lần 2 khoảng 2 tuần. Việc tưới nước
nên kết thúc trước khi thu hoạch khoảng 2 tuần.
5.
Phòng trừ sâu bệnh: Tương
tự như trồng truyền thống
6.Thu
hoạch
Sau trồng khoảng 80 - 90 ngày là có
thể thu hoạch. Vì trồng khoai có phủ rạ nên chỉ cần nhẹ tay bới rơm rạ là đã
nhìn thấy củ.
Chọn ngày tạnh ráo để thu hoạch. Nên bới
xong hết luống rồi mới thu vào bao, sọt. Cần phân loại củ giống và củ thương phẩm
ngay trên ruộng.
Tác giả : KS. Mai Thị Thu Hương - Phòng Thông tin