Biến đổi khí hậu toàn cầu đã và đang đặt ngành sản xuất nông nghiệp của
chúng ta đứng trước những thách thức mới. Làm thế nào để ứng phó với vấn đề
biến đổi khí hậu, nhằm đảm bảo an ninh lương thực đang là vấn đề lớn được xã
hội đặc biệt quan tâm.
Vụ lúa mùa vốn chịu tác động nhiều của điều kiện tự nhiên trực tiếp ảnh
hưởng đến năng suất và chất lượng lúa gạo. Trọng điều kiện mưa bão, lũ lụt, hạn
hán, sự xâm nhập mặn, bốc chua phèn bất thường, kết hợp với những diễn biến
phức tạp của tình hình sâu bệnh hại đòi hỏi chúng ta phải áp dụng đồng bộ nhiều
biện pháp kỹ thuật khác nhau như: Giống, thời vụ, làm đất, chăm sóc, thu hoạch… mới có thể đảm bảo cho một vụ mùa thắng lợi.
1. Cơ cấu giống và thời vụ
* Cơ cấu giống:
Việc bố trí cơ cấu giống hợp lý đóng vai trò quan trọng hàng đầu trong
việc ứng phó với biến đổi khí hậu hiện nay. Giống được sử dụng trong vụ mùa
phải có thời gian sinh trưởng ngắn phù hợp với từng chân đất, sinh trưởng phát
triển mạnh, cứng cây, không bị nhiễm bệnh bạc lá, rầy nâu, chống chịu tốt sâu bệnh
và điều kiện ngoại cảnh, có tiềm năng năng suất cao, chất lượng tốt…
Kết quả khảo nghiệm và tuyển chọn trong những năm gần đây cho thấy được
một số giống đáp ứng được yêu cầu trên đó là:
Lúa thuần năng suất có giống: BC15, TBR1, TBR36…
Lúa thuần chất lượng có giống: RVT, QR1, N97…
Lúa lai có giống: N.ưu 69 và Nam dương 99.
Đối với các chân đất chua trũng thì cấy giống lúa lai, còn đối với chân
đất vàn, vàn cao sử dụng các giống lúa thuần năng suất và chất lượng.
* Thời vụ:
Ta thường nói: “Nhất thì, nhì thục” cho thấy yếu tố thời vụ là đặc biệt quan trọng, nhất
là trong điều kiện vụ mùa. Bố trí trời vụ tốt sẽ giúp ta né tránh được những
tác động của điều kiện thời tiết bất thuận và tác hại của sâu bệnh gây hại. Qua
tổng kết theo dõi trong một số năm gần đây thì trà lúa mùa sớm luôn cho năng
suất cao và ổn định do lúa được trỗ vào cuối tháng 8. Đây là giai đoạn trỗ an
toàn nhất vì thường tránh được các trận mưa lớn cùng với sâu, bệnh hại đặc biệt
là bệnh bạc lá lúa làm ảnh hưởng lớn tới năng suất lúa vụ mùa. Vì vậy, phải mở
rộng trà lúa mùa sớm với thời gian gieo mạ từ 15/6 – 20/6, cấy trước ngày 05/7.
Còn đối với các vùng không thể mở rộng trà sớm phải sử dụng các giống
lúa cứng cây, kháng bạc lá tốt… giúp cho cây
lúa chống chịu tốt với điều kiện bất thuận, song phải kết thúc cấy trước ngày
25/7.
2. Làm đất, vệ sinh đồng ruộng
Do thời gian chuyển tiếp giữa hai vụ xuân và mùa rất
ngắn nên yếu tố làm đất, vệ sinh đồng ruộng đóng vai trò quan trọng đảm bảo kịp
thời vụ và an toàn cho cây lúa. Với phương châm không để mất lấm trên ruộng lúa
khi thu hoạch, giữ mực nước nông trên mặt ruộng, thu hoạch lúa xuân nhanh, gọn
và khẩn trương làm đất. Khi gặt cắt sát gốc rạ, vùi kỹ gốc rạ bằng các máy làm
đất cỡ trung và cỡ lớn kết hợp với bón các chất xúc tác phân hủy nhanh như vôi
bột, phân vi sinh Azotobacterin, chế phẩm phân hủy Emic-YTB… Vạc bờ, tiêu diệt cỏ dại, không để lúa chét, lúa éo
tồn tại trên đồng ruộng vì đây là nơi cư trú cho các đối tượng sâu bệnh gây
hại.
3. Kỹ thuật chăm sóc:
* Phân bón và cách bón phân:
Sản xuất vụ mùa việc sử dụng phân
bón và cách bón phân đặc biệt quan trọng, nó quyết định đến khả năng phát triển
và sức chống chịu của cây lúa với sâu bệnh và thời tiết. Muốn “Nhân cường thì bệnh nhược” thì
phải sử dụng phân bón và bón phân đúng đảm bảo cho cây lúa luôn khỏe mạnh.
Với
phương châm bón lót sâu, bón thúc sớm và tập trung, bón cân đối NPK chuyên dùng
theo quy trình, kết hợp cùng phân vi sinh, vi lượng để bón, không sử dụng phân
đạm urê đơn bón cho lúa mùa. Đối với các giống lúa chất lượng, lúa lai bón bổ
sung thêm 3- 4kg kaly clorua/sào vào giai đoạn đẻ nhánh để phòng bệnh bạc là và
chống đổ cho lúa.
* Điều tiết nước:
Với chủ trương “Rút cạn lòng sông, tưới nông mặt ruộng” ở vụ mùa để ứng phó với mưa bão lớn gây ngập lụt. Điều
tiết nước hợp lý rất quan trọng đối với cây lúa ở từng giai đoạn khác nhau.
Theo chế độ “Nông – lộ - phơi” giữ nước nông trong quá trình đẻ
nhánh, cho lộ đất ruộng khi cây lúa đủ dảnh hữu hiệu nhằm hạn chế số dảnh vô
hiệu. Đến giai đoạn đứng cái nên rút nước phơi ruộng để hạn 5-7 ngày với mục
tiêu “Xuân ướt áo, mùa ráo gốc” giúp bộ rễ cây lúa ăn sâu, cứng cây
chống đổ tốt. Sau đó giữ nước thường xuyên ở giai đoạn làm đòng và trỗ bông.
* Phòng trừ sâu bệnh:
Trước diễn
biến phức tạp của điều kiện thời tiết của vụ mùa cho nên tình hình sâu bệnh hại
cũng hết sức phức tạp. Vì vậy, phải thường xuyên điều tra, phát hiện, dự tính,
dự báo chính xác đối tượng sâu bệnh hại ở từng thời kỳ hướng dẫn nông dân phòng
trừ sâu bệnh kịp thời theo nguyên tắc 4 đúng đảm bảo hiệu quả kinh tế cao, giảm
thiểu ô nhiễm môi trường.
4. Thu hoạch
Với phương châm “Xanh nhà hơn già đồng” rút
ngắn thời gian lúa ở trên đồng ruộng càng ngắn càng tốt nhằm hạn chế rủi ro.
Tiến hành thu hoạch khẩn trương các ruộng lúa đã chín được khoảng 85-90% diện
tích. Thu hoạch xong tiến hành tuốt và phơi sấy luôn.
Biến đổi khí hậu ngày càng
ảnh hưởng rõ hơn đến đời sống xã hội và sản xuất nông nghiệp. Hy vọng với sự
chỉ đạo sát sao của các cấp chính quyền, sự vào cuộc của các cơ quan chuyên môn
và việc áp dụng đúng kỹ thuật thâm canh của bà con nông dân, chúng ta sẽ thích
ứng được với biến đổi khí hậu, sự diễn biến phức tạp của tình hình sâu bệnh hại
để đạt được những cánh đồng lúa năng suất cao, thể hiện bản lĩnh con người Việt
Nam trước thiên nhiên khắc nghiệt.
Tác giả : ThS. Phạm Tiến Cường Phòng Khảo nghiệm