CHÀO MỪNG QUÝ VỊ VÀ CÁC BẠN ĐẾN VỚI WEBSITE TRUNG TÂM KHẢO NGHIỆM KHUYẾN NÔNG KHUYẾN NGƯ THÁI BÌNH
Giới thiệu chung
Cơ cấu tổ chức
Lịch sử khuyến nông
Chức năng nhiệm vụ
Kết quả nghiên cứu
Trồng trọt
Chăn nuôi
Thủy sản
Trồng trọt
Chăn Nuôi
Thủy Sản
 
Hỏi & đáp
Số lượt truy cập:
 

QTKT-Trồng trọt
Kỹ Thuật Trồng Ngô Đông

Cập nhật: 02/10/2013

    Cây ngô là một trong những cây trồng chính trong vụ đông sau lúa mùa, vừa dễ làm lại mang lại hiệu quả kinh tế cao cho bà con nông dân. Để nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả trồng ngô Đông bà con cần lưu ý một số biện pháp kỹ thuật chính như sau:

1.     Giống

Hiện nay trên thị trường có nhiều giống ngô có năng suất chất lượng cao:

Giống Ngô nếp: HN88, MX10, Wax44…

Giống Ngô tẻ lai ngắn ngày: LVN45, LVN4, LVN61, CP333,…

Tùy vào thời vụ và mục đích sử dụng mà bà con có thể chọn các giống ngô thích hợp.

2.Thời vụ

Năm nay lúa mùa thu hoạch sớm hơn nên quỹ đất trồng cây màu ưa ấm nhiều hơn mọi năm. Cây ngô là cây trồng ưa ấm do đó việc bố trí thời vụ rất quan trọng để khi cây trỗ cờ phun râu gặp điều kiện thời tiết thuận lợi, tránh gặp mưa rét sẽ gây hiện tượng bắp đuôi chuột làm giảm năng suất. Vì vậy vụ đông trồng càng sớm càng tốt, thường vào bầu trong tháng chín, trồng cuối tháng 9 đến mùng 5/10; (riêng ngô nếp, ngô quà có TGST ngắn hơn và thu hoạch sớm hơn nên trồng đến 15/10). Để tranh thủ thời vụ bà con cần làm bầu cho ngô.

3. Kỹ thuật làm bầu ngô

- Ngâm ủ:

Lượng giống từ 0,5 - 0,6kg/sào, tương đương với khoảng 1500-1600 cây/sào đối với ngô tẻ và 1800-2000 cây/sào với ngô nếp. (Đối với ngô nếp tuy trồng dày hơn nhưng hạt giống nhỏ hơn nên lượng giống tương đương các giống ngô tẻ).

- Ngâm hạt giống trong nước sạch 8-10 tiếng sau đó đem ủ, có thể ủ cùng cát, trấu, tốt nhất nên dùng cát ẩm để ủ. Sau 20-24 tiếng là hạt nảy mầm, lưu ý cần kiểm tra giá thể, nếu ẩm quá có thể làm thối giống. Chỉ nên ủ hạt nứt nanh là tiến hành đem gieo, vì nếu để rễ mầm quá dài khi thao tác rất dễ gẫy, mà rễ mầm có vai trò hết sức quan trọng đối với năng suất của cây ngô.

- Làm bầu ngô

Có nhiều phương pháp làm bầu cho ngô nhưng làm bầu bánh chưng là phương pháp dễ làm, kinh tế, và có hiệu quả nhất. Nơi làm bầu ngô phải dãi nắng, thoáng, tốt nhất làm ngay trên bờ ruộng đã san phẳng và nhặt sạch cỏ dại, gần nguồn nước, để dễ vận chuyển ra ruộng.

          Cách làm: trộn bùn với trấu xay, phân chuồng mục theo tỷ lệ 1:1 và phân vi sinh đa chủng đa chưc năng Azotobacterin. Có thể trộn thêm ít lân Super để kích thích ra rễ nhanh, san đều lớp bùn trên nền đất cứng đã được rắc trấu hoặc lót lá chuối bên dưới, độ dày thay đổi từ 5-7 cm. Tuỳ thuộc vào thời gian sống trong bầu mà chúng ta quyết định kích thước của bầu.                                                               

          Đợi đất se mặt lại rồi dùng que rạch theo kích thước định trước. Dùng ngón tay chọc 1 lỗ giữa bầu, đặt hạt giống đã ủ nứt nanh sao cho mầm hạt lên phía trên. Tiếp đó phủ kín hạt bằng một lớp đất bột nhỏ, đất cát hoặc trấu xay.

          Thường xuyên tưới đủ ẩm, khi mưa to phải che đậy, thời gian sống trong bầu tốt nhất là 5 – 7 ngày, tối đa không quá 10 ngày, nếu thời gian cây ngô ở trong bầu dài hơn cần phải tưới bổ sung dinh dưỡng cho cây bằng NPK pha loãng. Trước khi đưa cây con ra ruộng cần phun phòng bệnh lở cổ rễ bằng thuốc Valydacin dạng nước cho cây.

hoặc: Làm mạ cho ngô

Trên các ruộng có thành phần cơ giới nhẹ, đất tốt nên áp dụng phương pháp này

Cách làm như sau: trước gặt 2-3 ngày ngâm hạt lên mộng dùng nia mẹt dưới lót lá chuối hoặc nilon có chọc thủng lỗ, giấy báo...trên rải ít cát sông rồi rắc mộng ngô kín ngô lên đó, dùng cát phủ kín hạt tưới ẩm thường xuyên ngày 2-3 lần khi cây ngô mọc dài 2-3cm (tức là ngô ra lá xoáy nõn) đem trồng.

4. Kỹ thuật trồng ngô và chăm sóc gđ đầu

- Làm đất, đưa cây ra ruộng

Để hạn chế ảnh hưởng xấu của những trận mưa lớn đầu vụ, cần chủ động tiêu thoát nước mặt ruộng, tu sửa mương máng ngay khi lúa đỏ đuôi.

-         Chuẩn bị phân bón cho 1 sào

Bón lót: Cần bón 3-5 tạ phân chuồng 1 bao (25kg) phân lót NPK 5:10:3 dạng viên.

Nếu không có phân chồng thì dùng 10kg phân vi sinh Azotobacterin.

 Phân thúc :  15-20kg NPK 16:16:8

Đối với ruộng đã gặt lúa: Tiến hành tháo cạn nước và đặt bầu trực tiếp xuống nền ruộng. Đặt bầu theo hàng gốc rạ, cứ cách 2-3 hàng gôc rạ đặt 1 hàng ngô  và tiếp 3-4 hàng gốc rạ đặt 1 hàng ngô; trên mỗi hàng đặt cây cách cây 25-30cm tùy giống (chú ý ngô nếp trồng dày hơn). Rải phân bón lót xung quanh bầu ngô. Cuốc 1-2 hàng gốc rạ lấy đất vun gốc ngô, đồng thời tạo rãnh tiêu nước và hình thành luống ngô. (lưu ý tuyệt đối không phủ đất kín mặt bầu)

-         Đối với ruộng chưa thu hoạch lúa:

Tháo cạn nước, rẽ lúa ra đặt bầu ngô. Cứ 3 hàng lúa rẽ ra để đặt 1 hàng ngô tiếp sau đó là 4 hàng lúa rẽ ra để đặt hàng ngô. Tốt nhất 1 người rẽ lúa, người thứ 2 đi sau đặt bầu. Gặt lúa xong mới bón phân lót và vét rãnh vun đất xung quanh bầu ngô.

-         Chăm sóc ngô giai đoạn đầu:

- Yêu cầu chăm bón sớm ngay từ khi mới ra bầu đến khi ngô 5-6 lá giai đoạn này rất quan trọng để ngô tốt sớm, không bị huyết dụ, chân chì.

-   Nếu đặt bầu trong điều kiện đất khô cần tưới ngay cho liền thổ và cây nhanh ra rễ mới. Sau đó pha loãng đạm và lân tưới liên tục 2-3 lần.

-   Nếu ra bầu gặp mưa  hoặc đất ướt cần ngâm lân super với nước giải, pha loãng tưới liên tục 2-3 lần, lần trước cách lần sau 3-4 ngày

- Nước tưới:

Cây ngô không chịu được ngập úng, đặc biệt giai đoạn cây con. Do vậy không nên để đọng nước trên mặt luống ngô. Tốt nhất là giữ nền ruộng khô và múc nước tưới từng gốc cây. Trường hợp đặc biệt, đất quá khô hạn thì tưới nước vào rãnh, để qua đêm rồi tháo đi.

Từ khi ngô xoáy nõn loa kèn đến khi trỗ cờ phun râu xong, có thể giữ nước đáy rãnh để duy trì lượng nước cần thiết cho ngô.. 

Tác giả : Ks.Quách Thị Phương
 
Bản quyền thuộc TRUNG TÂM KHẢO NGHIỆM KHUYẾN NÔNG KHUYẾN NGƯ THÁI BÌNH
Địa chỉ: Phường Phú Khánh - Tp Thái Bình - Tỉnh Thái Bình. Điện thoại: 0363.831.842, Fax:0363.831.842. 
Email
: