Bản tin nông vụ ngày 20/02/2022: Một số biện pháp phòng, chống rét đậm, rét hại cho đàn gia súc, gia cầm
- Tăng cường áp dụng quy trình chăn nuôi an toàn sinh học; cân
đối khẩu phần thức ăn, cung cấp thức ăn đảm bảo chất lượng (không sử dụng thức
ăn ôi, thiu, ẩm mốc, hết hạn sử dụng) cho gia súc, gia cầm ăn nhằm giúp đàn vật
nuôi đảm bảo sức khỏe để kháng lại các tác động bất lợi của thời tiết nhằm hạn
chế dịch bệnh phát sinh.
- Chủ động dự trữ thức ăn thô xanh, bảo quản, chế biến phụ phẩm
nông nghiệp làm thức ăn cho gia súc ăn cỏ (ủ chua thức ăn thô xanh, rơm khô, cỏ
khô…); không cho trâu, bò làm việc, chăn thả khi thời tiết rét đậm, rét hại;
đưa trâu bò về nơi nuôi nhốt có kiểm soát, đồng thời bổ sung thêm thức ăn tinh
bột, muối, khoáng trong những ngày rét đậm, rét hại.
- Sửa chữa, che chắn kỹ chuồng trại, tránh mưa hắt, gió lùa… làm
ảnh hưởng tới sức khỏe của vật nuôi; đặc biệt lưu ý đối với vật nuôi còn non,
vật nuôi sinh sản, vật nuôi đang mang thai, già yếu cần sưởi ấm bằng bóng điện,
than củi,... Cần bổ sung chất độn chuồng khô và thay chất độn chuồng ẩm ướt để
gia súc, gia cầm không bị nhiễm lạnh.
- Thường xuyên vệ sinh khu vực chăn nuôi, máng ăn, máng uống,
dụng cụ chăn nuôi; định kỳ phun thuốc khử trùng tiêu độc (1-2 lần/tuần) nhằm
hạn chế nguy cơ phát sinh và lây lan dịch bệnh; có hố sát trùng trước cửa ra
vào khu vực chăn nuôi.
- Khi có vật nuôi bị chết do
rét đậm, rét hại, thực hiện đúng các biện pháp xử lý, tiêu hủy tránh
gây ô nhiễm môi trường và phát sinh dịch bệnh./.