Vụ Xuân năm nay, do đầu vụ khô hạn, ruộng
bị bốc phèn mặn, lúa chậm phát triển nên bà con bón nhiều phân, đặc biệt là
phân đạm. Cuối tháng 3 có
mưa rào, lúa được bổ sung nguồn đạm tự do kết hợp với nguồn dinh dưỡng trong đất
được giải phóng nên hiện nay cây lúa tốt, có bộ lá xanh mướt, mềm. Bên cạnh đó,
những ngày qua thời tiết liên tục có mưa, ẩm độ trong ruộng cao, đây cũng là điều
kiện phù hợp cho bệnh đạo ôn lá phát sinh gây hại, bà con cần lưu ý:
Thường xuyên kiểm
tra đồng ruộng, đặc biệt trên các chân ruộng trũng hẩu, ruộng cấy một số giống
lúa mẫn cảm, dễ nhiễm bệnh đạo ôn như: BC15, TBR225, Nếp…, cần tranh thủ thời
tiết tạnh mưa tiến hành phun thuốc ngay.
Trên diện tích bị
bệnh nặng, cần vơ bỏ lá bệnh, lá già và phun kép sau 3-5 ngày, tuyệt đối không
bón bổ sung thêm phân đặc biệt là phân đạm khi lúa đang bị bệnh.
Giai đoạn lúa đẻ
nhánh tối đa, nếu có điều kiện cần rút nước trên ruộng để ruộng khô, hạn chế
cây đẻ nhánh vô hiệu, bộ rễ ăn sâu, giúp cứng cây, tăng khả năng chống đổ.
Trên các diện tích
chân đất cao hay mất nước, lúa xấu có thể bón bổ sung phân NPK có hàm lượng
Kali cao (bón 3-4 kg NPK 16:16:8 hoặc 3-4 kg Kali) để nuôi đòng, nuôi hạt.
Tác giả : Ths. Phạm Thị Hiên