CHÀO MỪNG QUÝ VỊ VÀ CÁC BẠN ĐẾN VỚI WEBSITE TRUNG TÂM KHUYẾN NÔNG THÁI BÌNH
Giới thiệu chung
Cơ cấu tổ chức
Lịch sử khuyến nông
Chức năng nhiệm vụ
Kết quả nghiên cứu
Trồng trọt
Chăn nuôi
Thủy sản
Trồng trọt
Chăn Nuôi
Thủy Sản
 
Hỏi & đáp
Số lượt truy cập:
 

Tin Tức khuyến nông
Kết quả mô hình trồng Hành sử dụng phân vi sinh

Cập nhật: 03/11/2022

    Với truyền thống trồng cây hành tỏi, mỗi năm diện tích trồng hành tỏi vụ Đông của huyện Thái Thụy đạt từ 700 – 800 ha. Tuy nhiên, với mục tiêu khai thác tối đa năng suất cây trồng nên mức độ thâm canh ở các vùng trồng cao, phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật sử dụng nhiều, đã làm cho đất ngày càng thoái hóa, chai cứng, dinh dưỡng bị mất cân đối, mất cân bằng hệ sinh thái, hệ vi sinh vật bị phá hủy, tồn dư các chất độc hại trong đất, nước ngày càng cao, nguồn bệnh tích lũy càng nhiều.


Để hướng đến một nền nông nghiệp sạch, phát triển bền vững, bảo vệ môi trường và sức khỏe cho con người việc sử dụng các loại phân bón hữu cơ, vi sinh và chế phẩm sinh học là điều tất yếu. Do vậy, trong 2 năm (2020-2021), trạm  Khuyến nông Thái Thụy - Trung tâm Khuyến nông Thái Bình đã kết hợp với Hợp tác xã Sản xuất Kinh doanh Dịch vụ Nông nghiệp xã Thụy An triển khai thực hiện thành công mô hình “Trồng hành sử dụng 70% phân vi sinh” ở vụ Đông, tại xã An Tân, huyện Thái Thụy (xã An Tân là xã có truyền thống trồng hành tỏi với diện tích trồng hàng năm trên 300ha).




Mô hình được triển khai với tổng diện tích 04ha, trong quá trình tham gia mô hình, người dân được tập huấn kỹ thuật, được hỗ trợ 50% lượng phân bón. Qua 2 năm mô hình thu được kết quả khá tốt, năng suất và chất lượng, hiệu quả kinh tế cao hơn so với đối chứng trồng theo truyền thống (100% phân hóa học).


Mô hình sử dụng 2 công thức:


          + CT1: Trồng hành sử dụng 70% phân vi sinh và 30% phân hóa học cho 1 sào (với lượng phân 35 kg phân vi sinh Azotobacterin + 0,25 kg Sumitri + 9 kg Super Lân + 8 kg phân NPK 13:13:13)


           + CT2 (đối chứng): Trồng hành sử dụng 100% phân hóa học cho 1 sào (24kg phân NPK 13:13:13 + 30kg phân Super Lân)


Qua theo dõi, đánh giá  cho thấy:


Vụ Đông năm 2020 và 2021, đầu vụ thời tiết không thuận lợi có mưa nhiều, giai đoạn đầu sau trồng đất ướt là điều kiện cho các loại nấm bệnh phát triển, một số diện tích sau trồng bị bệnh lở cổ rễ, thối củ. Tuy nhiên, mô hình trồng hành sử dụng 70% phân vi sinh, cây khỏe, tỉ lệ bị thối củ giống rất ít, đầu dọc hành không bị khô táp, hành đẻ khỏe hơn, củ to hơn, số thân trung bình/khóm đạt 4,3 dảnh cao hơn đối chứng là 4,0 dảnh. Chính vì vậy, không mất nhiều công lao động để vệ sinh, thu hoạch. Cây hành đẹp, dọc to dễ bán, không bị hao hụt. Năm 2021, năng suất của mô hình có sử dụng phân vi sinh đạt 16,8 tạ/ha cao hơn 10,5% so với ruộng đối chứng. Với tổng thu trung bình khoảng 215 triệu đồng/ha, trừ chi phí cho lãi khoảng 140 triệu đồng/ha, tăng từ 20 - 22 triệu đồng/ha so với sản xuất đại trà tại địa phương.




Có thể nói, sử dụng phân vi sinh trong trồng trọt có nhiều ưu điểm vượt trội, đem lại nhiều lợi ích như: Giảm chi phí sản xuất, tăng năng suất và chất lượng sản phẩm góp phần tạo ra sản phẩm an toàn, giúp giảm các nguy cơ ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe con người, vật nuôi và thân thiện với môi trường sinh thái.


Từ thành công của mô hình đã giúp người sản xuất trong và ngoài xã đến tham quan học tập để nhân rộng ra các vụ tiếp theo, từng bước tạo vùng sản xuất lớn nâng cao hiệu quả kinh tế, góp phần phát triển nông nghiệp bền vững và thực hiện thắng lợi các mục tiêu của Tỉnh, ngành đã đề ra.

 

Cây Hành lá thuộc họ Hành Alliaceae (hay còn gọi là hành ta, hành hoa, hành xanh, hành non). Đây là loại gia vị không thể thiếu trong các bữa ăn hàng ngày của gia đình người Việt. Mặc dù vốn đầu tư và công lao động cao hơn các loại rau gia vị khác, nhưng vẫn cho hiệu quả kinh tế cao. Một cây dễ trồng và có giá trị kinh tế cao ở vụ Đông.


Tác giả : KS. Quách Thị Phương
 
Bản quyền thuộc TRUNG TÂM KHẢO NGHIỆM KHUYẾN NÔNG KHUYẾN NGƯ THÁI BÌNH
Địa chỉ: Phường Phú Khánh - Tp Thái Bình - Tỉnh Thái Bình. Điện thoại: 0363.831.842, Fax:0363.831.842. 
Email
: