CHÀO MỪNG QUÝ VỊ VÀ CÁC BẠN ĐẾN VỚI WEBSITE TRUNG TÂM KHUYẾN NÔNG THÁI BÌNH
Giới thiệu chung
Cơ cấu tổ chức
Lịch sử khuyến nông
Chức năng nhiệm vụ
Kết quả nghiên cứu
Trồng trọt
Chăn nuôi
Thủy sản
Trồng trọt
Chăn Nuôi
Thủy Sản
 
Hỏi & đáp
Số lượt truy cập:
 

Tin Tức khuyến nông
Một số lưu ý chăm sóc khoai tây vụ Đông 2022

Cập nhật: 10/11/2022

    Mưa bão giai đoạn cuối tháng 9 đầu tháng 10 đã ảnh hưởng đến tiến độ thu hoạch lúa mùa và triển khai trồng cây vụ đông ưa ấm, một số diện tích trồng sớm gặp mưa ảnh hưởng đến sinh trưởng, phát triển, năng suất, chất lượng cây trồng, do vậy hiện nay bà con đã chủ động chuyển sang trồng cây vụ Đông ưa lạnh như khoai tây, bắp cải, xà lách,… để vụ Đông đạt hiệu quả cao, sau đây Trung tâm Khuyến nông xin lưu ý một số biện pháp kỹ thuật chăm sóc cây khoai tây như sau


1. Thời vụ trồng


Trên những diện tích chủ động được ruộng, thời vụ trồng khoai tây vụ Đông có thể trồng đến 15-20/11. Tranh thủ thời tiết thuận lợi như hiện nay, bà con khẩn trương trồng và chăm sóc ngay.


2. Phân bón


Lượng bón: 1 sào (360m2)


Phân chuồng hoai mục: 600-700 kg + 8-10 kg đạm ure + 15-20kg lân super + 6-7 kg kaly. Hoặc ưu tiên sử dụng phân NPK chuyên dùng cho cây khoai tây như phân có tỷ lệ 13:13:13+TE hoặc 16:16:8,.. theo khuyến cáo của nhà sản xuất.


Cách bón: Những diện tích đất ướt khi trồng không bón được phân lót, cây mọc được 3-5cm bà con dùng phân đạm hòa loãng để tưới.


Bón thúc lần 1: Sau khi trồng 15 – 20 ngày, cây cao 15- 20 cm, bón  50% đạm + 50% kali (Hoặc sử dụng phân NPK theo hướng dẫn của nhà sản xuất). Kết hợp vun luống lần 1.


Bón thúc lần 2: Sau lần 1 từ 15 - 20 ngày. Bón hết lượng phân còn lại. Kết hợp vun luống lần 2. Bón phân kết thúc trước 40 ngày sau trồng.



 

3. Tưới nước và chăm sóc


Tuỳ theo độ ẩm của đất và thời tiết để tưới. Kết hợp sau mỗi lần bón phân tưới nước và vun gốc, vun luống.


Lưu ý:


+ Giai đoạn sau trồng được 50 - 55 ngày, chủ động cung cấp đủ nước giúp củ phình to. Dừng tưới nước trước 60-65 ngày sau trồng.


+ Bà con áp dụng biện pháp tưới rãnh: đưa nước vào ngập 1/3-1/2 chiều cao luống để đất tự ngấm nước, sau đó tháo đi ngay không được để rãnh đọng nước.


+ Khoai tây cần vun cao (ủ gốc) để tạo nhiều tia củ, củ to và không bị xanh.



 

4 . Phòng trừ sâu bệnh


- Bệnh héo xanh: Cây khoai tây cần chú ý bệnh héo xanh vi khuẩn. Đến nay chưa có thuốc đặc hiệu để phòng trừ bệnh héo xanh, mà cần phải áp dụng đồng bộ các biện pháp canh tác để cây phát triển khỏe và không dùng củ giống ở những cây bị bệnh.


Khi cây đã héo xanh, cần nhổ bỏ đem chôn, rắc vôi vào gốc đã bị bệnh tránh lây lan. Có thể dùng thuốc hóa học phun hạn chế bệnh như: Staner, Kasumin, Stepgus....


- Bệnh mốc Sương: Bệnh phát sinh mạnh khi nhiệt độ thấp, ẩm độ không khí cao. Khi cây bị bệnh sẽ hỏng toàn bộ thân lá. Vì vậy nên phun phòng bệnh sương mai trước và sau khi có đợt gió mùa về bằng thuốc Boocđô 1%.


Khi bị bệnh dùng thuốc Zinep, Rhidomil gold 68 WG... để phun


- Nhện trắng, nhện đỏ, trĩ: Nếu gặp thời tiết nắng hanh cây dễ bị nhện đỏ, nhện trắng gây hại làm cho cây chậm phát triển, lá bị xoăn lại.


Phun bằng các thuốc đặc trị nhện như: Supracid 40EC, Pegasus 500DD, Ortus 5SC.


5. Thu hoạch


Khi cây khoai tây có thời gian sinh trưởng khoảng 85-90 ngày, dây khoai ngả màu vàng thì tiến hành thu hoạch.


Thu vào ngày tạnh ráo, hong khô, không dính đất, không rửa khoai, không để vỏ xây xát.


Tác giả : Ths. Phạm Thị Hiên
 
Bản quyền thuộc TRUNG TÂM KHẢO NGHIỆM KHUYẾN NÔNG KHUYẾN NGƯ THÁI BÌNH
Địa chỉ: Phường Phú Khánh - Tp Thái Bình - Tỉnh Thái Bình. Điện thoại: 0363.831.842, Fax:0363.831.842. 
Email
: