Ban
đầu khi bén duyên với công việc nuôi gà năm 2019, ông Nhượng nuôi 1.000 con gà
thịt. Sau một thời gian nuôi gà thịt, ông nhận thấy hiệu quả nuôi gà thịt không
bằng nuôi gà lấy trứng vì nhu cầu thị trường về trứng gà lớn. Vì vậy, ông quyết
định chuyển hẳn sang nuôi gà siêu trứng Ai Cập trắng, mặc dù việc nuôi gà lấy
trứng mất nhiều công chăm sóc và yêu cầu kĩ thuật cao hơn so với nuôi gà thịt,
hơn nữa về mặt kết cấu chuồng trại cũng cần chú trọng đầu tư hơn. Thông thường
với gà thịt, nuôi từ 3,0 - 4,5 tháng có thể xuất bán, nuôi càng lớn càng có
lãi. Nhưng đối với gà lấy trứng, người nuôi phải kiểm soát trọng lượng phù hợp.
Hiện nay, trại gà của ông Nhượng có khoảng 3.000 gà đẻ, 1.000 gà úm liên tục để
luôn đảm bảo số lượng gà.
Chia sẻ về kinh
nghiệm nuôi gà, ông Nhượng cho biết: Nuôi gà quy mô lớn, quan trọng nhất là phải
tuân thủ nghiêm ngặt quy trình chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học. Chuồng trại
phải luôn được khô thoáng, mát về mùa hè, ấm về mùa đông. Vấn đề vệ sinh môi
trường và xử lý chất thải cũng là một khâu quan trọng để đàn gà phát triển tốt
mà không bị dịch bệnh, gia đình ông đã áp dụng kỹ thuật nuôi nền đệm lót sinh học
bằng chế phẩm men vi sinh trong chăn nuôi gà đẻ, phun sát trùng thường xuyên 2
ngày một lần nên đàn gà không mắc bệnh về đường hô hấp và đường ruột, đảm bảo vừa
an toàn dịch bệnh lại vừa không gây ô nhiễm môi trường. Vì vậy, mặc dù nuôi với
số lượng lớn nhưng khu vực chuồng nuôi của nhà ông hạn chế tối đa mùi hôi thối.
Bên cạnh đó, việc tiêm phòng cho đàn gà cần thực hiện đúng theo hướng dẫn của
cán bộ thú y… Nhờ vậy, đàn gà có sức đề kháng tốt, dễ nuôi, ít bị bệnh.
Được biết, trong
quá trình thực hiện mô hình, bên cạnh những kinh nghiệm đã có, ông Nhượng vẫn
thường xuyên cập nhật kiến thức để áp dụng vào sản xuất. Nhờ được chăm sóc tốt,
đúng quy trình kỹ thuật, đàn gà của gia đình ông đạt năng suất cao, chất lượng
trứng thơm, ngon, quả trứng to đồng đều nên rất được thị trường ưa chuộng.
Không chỉ đáp ứng nhu cầu của người dân trên địa bàn huyện Kiến Xương mà sản phẩm
còn được khách hàng ở các huyện lân cận tìm mua và đặt hàng.
Ông Nhượng tự hào:
"Nhờ được đầu tư đúng, trại gà có tỷ lệ đẻ trứng cao so với tiêu chuẩn,
trên 75% trứng to đồng đều đạt từ 60 - 70 gram/quả. Người ăn có thể hoàn toàn
yên tâm về an toàn vệ sinh thực phẩm vì gà khi đã lên đẻ luôn đảm bảo khỏe mạnh,
nếu bị bệnh loại thải ngay, bởi tiêm hay cho gà uống thuốc sẽ ảnh hưởng chất lượng
trứng và số lượng trứng."
Nói về khó khăn lớn
nhất trong quá trình xây dựng trang trại, ông Nhượng không giấu nổi cảm xúc.
Chăn nuôi có nhiều rủi ro, có thời điểm giá cám tăng vọt, giá trứng chạm đáy,
chỉ 1.100 đồng/quả, trại nuôi số lượng lớn không cầm cự được, khi ấy ông đã
nghĩ đến việc phá đàn vì lỗ nhiều quá. Tuy nhiên, vừa tiếc công chăm, lại tâm
huyết với công việc, ông quyết định vay vốn để duy trì đàn. Cuối cùng, ông Nhượng
cũng vượt qua khó khăn, giữ được đàn gà và tiếp tục mở rộng trang trại đến nay.
Sau quá trình học hỏi và phát triển mô hình, giờ đây ông Nhượng đã thu được
thành quả. Trung bình mỗi ngày trang trại gà của ông xuất bán ra thị trường khoảng
2.000 - 2.600 quả trứng, với giá 2.800 - 3.000 đồng/quả tùy từng thời điểm, trừ
chi phí mỗi tháng ông bỏ túi vài chục triệu đồng, thu nhập gấp hàng chục lần so
với trồng lúa.
Mô hình nuôi gà Ai
Cập trắng siêu trứng đã mang lại hiệu quả cao, giúp gia đình ông làm giàu ngay
chính trên mảnh đất quê hương. Góp phần tích cực thúc đẩy nghề chăn nuôi của
xã, của huyện, giải quyết công ăn việc làm, thay đổi được nhận thức nhiều hộ
dân trong vùng, có ý nghĩa quan trọng trong việc chuyển đổi cơ cấu nghề nghiệp,
cây trồng vật nuôi, được chính quyền địa phương ủng hộ và đánh giá cao.
Tác giả : BSTY. Phạm Thị Thúy An