CHÀO MỪNG QUÝ VỊ VÀ CÁC BẠN ĐẾN VỚI WEBSITE TRUNG TÂM KHUYẾN NÔNG THÁI BÌNH
Giới thiệu chung
Cơ cấu tổ chức
Lịch sử khuyến nông
Chức năng nhiệm vụ
Kết quả nghiên cứu
Trồng trọt
Chăn nuôi
Thủy sản
Trồng trọt
Chăn Nuôi
Thủy Sản
 
Hỏi & đáp
Số lượt truy cập:
 

Tin Tức khuyến nông
Gương sáng về phát triển kinh tế chăn nuôi tại địa phương

Cập nhật: 18/08/2023

    Năm 2006, hưởng ứng phong trào chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và xây dựng các mô hình trang trại của địa phương; anh Phạm Văn Hồng sinh năm 1968 ở thôn Vân Động Nam, xã Vũ Lạc, thành phố Thái Bình với tinh thần dám nghĩ, dám làm đã mạnh dạn đấu thầu quỹ đất của xã để cải tạo và quy hoạch trang trại với quy mô 7.000m2.


Ban đầu gia đình anh phát triển theo mô hình trang trại: đào ao thả cá, xây dựng chuồng nuôi lợn với quy mô 200 lợn thịt và 50 nái, đều cho lợi nhuận ổn định. Năm 2018, biến động từ thị trường làm giá thức ăn tăng cao, giá thịt lợn tụt dốc, cùng ảnh hưởng của dịch Tả lợn Châu Phi năm 2019, khiến kinh tế gia đình anh Hồng lao đao buộc phải bán bớt tài sản để trang trải các khoản nợ.


Năm 2020, dịch bệnh ở lợn vẫn còn diễn biến phức tạp, gia đình anh bắt đầu chuyển hướng sang nuôi gà thịt từ nền chuồng lợn cải tạo lại, với quy mô 2000 con/lứa và 2 lứa/năm. Tuy nhiên, sau khi cân đối lại chi phí chăn nuôi, anh thấy rằng với giá bán 50.000-52.000 đồng/kg thịt, coi như lấy công làm lãi, hiệu quả kinh tế thấp.


Năm 2021, được cán bộ Trung tâm Khuyến nông Thái Bình định hướng, anh quyết định chăn nuôi gà sinh sản với giống gà Ai Cập, vì qua tìm hiểu anh nhận thấy: Đây là giống gà có sức đề kháng và khả năng chống chịu bệnh tốt, năng suất cao, chất lượng sản phẩm trứng và thịt gà Ai cập loại thải ngon (màu sắc trứng đẹp, tỷ lệ lòng đỏ cao, thơm ngon; thịt gà siêu trứng Ai Cập loại thải có chất lượng không thua kém gà ta là mấy) nên được người tiêu dùng ưa chuộng.



 

Anh Hồng cho biết: Anh nhập 2.000 gà mái 01 ngày tuổi giống Ai Cập trắng, lựa chọn thức ăn đảm bảo và thực hiện tốt quy trình chăm sóc nuôi dưỡng, vệ sinh phòng bệnh, vệ sinh môi trường và áp dụng công nghệ chăn nuôi trên nền đệm lót sinh học bằng chế phẩm men vi sinh để xử lý chất thải nên đàn gà ở các lứa đều có tỉ lệ nuôi sống cao (trên 95%), an toàn dịch bệnh và không gây ô nhiễm môi trường.


Sau 5 tháng nuôi đàn gà bắt đầu cho những quả trứng đầu tiên, chi phí khoảng: 110.000 đồng/con (bao gồm con giống, thức ăn, thuốc phòng trị bệnh). Với số lượng nuôi hơn 2.000 con gà đang trong thời kỳ thu hoạch trứng, bình quân mỗi ngày gia đình anh Hồng thu từ 1.500 - 1.600 quả trứng, thị trường tiêu thụ của gia đình anh là các thương lái khu vực thành phố và huyện lân cận với giá bán từ 2.200 – 2.500 đồng/quả tùy vào thời điểm, một phần trứng còn lại được bán lẻ cho các hộ dân trong xã.


Ngoài nguồn thu từ trứng gà, sau 17 tháng nuôi đàn gà đẻ giảm, gia đình anh thải đàn, gà loại thải có trọng lượng trung bình khoảng 1,8 kg/con, được thương lái gom mua với giá từ 55.000 - 60.000 đồng/kg, đem lại nguồn thu không hề nhỏ cho gia đình. Với doanh thu từ nuôi gà, kết hợp với các nguồn thu từ vườn bãi, ao cá, sau khi khấu trừ chi phí, trung bình mỗi năm đem lại cho gia đình anh nguồn thu nhập hơn 800 triệu đồng.


Anh Phạm Văn Hồng chính là một tấm gương điển hình về phát triển kinh tế. Bằng những kiến thức và kinh nghiệm của mình anh luôn sẵn sàng chia sẻ, giúp đỡ nhiều hộ nông dân trong xã để cùng nhau phát triển kinh tế, góp phần tích cực thúc đẩy nghề chăn nuôi của xã, của thành phố; giải quyết công ăn việc làm, thay đổi được nhận thức của nhiều hộ dân trong toàn xã, có ý nghĩa quan trọng trong việc chuyển đổi cơ cấu nghề nghiệp, cây trồng vật nuôi, được chính quyền địa phương ủng hộ và đánh giá cao./.

Tác giả : Ks. Nguyễn Thị Hồng Hạnh
 
Bản quyền thuộc TRUNG TÂM KHẢO NGHIỆM KHUYẾN NÔNG KHUYẾN NGƯ THÁI BÌNH
Địa chỉ: Phường Phú Khánh - Tp Thái Bình - Tỉnh Thái Bình. Điện thoại: 0363.831.842, Fax:0363.831.842. 
Email
: