CHÀO MỪNG QUÝ VỊ VÀ CÁC BẠN ĐẾN VỚI WEBSITE TRUNG TÂM KHUYẾN NÔNG THÁI BÌNH
Giới thiệu chung
Cơ cấu tổ chức
Lịch sử khuyến nông
Chức năng nhiệm vụ
Kết quả nghiên cứu
Trồng trọt
Chăn nuôi
Thủy sản
Trồng trọt
Chăn Nuôi
Thủy Sản
 
Hỏi & đáp
Số lượt truy cập:
 

Tin Tức khuyến nông
Kỹ thuật trồng, chăm sóc cây cà chua

Cập nhật: 18/10/2023

    Cà chua là một loại rau quả làm thực phẩm. Quả ban đầu có màu xanh, chín ngả màu từ vàng đến đỏ. Cà chua có vị hơi chua và là một loại thực phẩm bổ dưỡng, tốt cho cơ thể, giàu vitamin C và A, đặc biệt là giàu lycopene tốt cho sức khỏe.


1. Giống, thời vụ

         

Giống: Hiện nay có nhiều giống cà chua, phổ biến là cà chua  Kim Cương đỏ, cà chua chịu nhiệt Smile, cà chua Arka F1, Cà chua cherry, cà chua bi,…


Thời vụ: Cà chua là cây ưa sáng, nhiệt độ thích hợp từ 21-24oC, nếu nhiệt độ đêm thấp hơn ngày 4-5oC thì cây cho nhiều hoa. Vì vậy, có thể chia thời vụ gieo trồng cà chua như sau:

          

+ Vụ sớm: Gieo vào tháng 7 - 8 và thu hoạch cuối tháng 10 - 12. 

          

+ Vụ chính: Gieo vào giữa tháng 9 và thu hoạch tháng 2 - 3 năm sau. 

          

+ Vụ muộn: Gieo vào tháng 11 - 12 và thu hoạch tháng 3 - 4 năm sau.


2. Làm đất và kỹ thuật trồng

          

Làm đất: Cà chua có thể trồng trên nhiều loại đất khác nhau nhưng thích hợp nhất vẫn là đất thịt nhẹ, đất thịt pha cát, nhiều mùn, tầng canh tác dày, giữ ẩm và thoát nước tốt, pH từ 5,5-7,5, thích hợp nhất từ 6-6,5. Chọn đất trồng cách xa các khu công nghiệp, bệnh viện, nhà máy,… Vệ sinh đồng ruộng, dọn sạch tàn dư thực vật của vụ trước, rải vôi với lượng 20kg/sào trước khi cày xới để diệt một số nấm hại trên mặt ruộng, phơi ải 7-10 ngày trước khi trồng. Lên luống cao 20 - 25cm, rãnh 30cm, mặt luống rộng 90 – 120cm. Có thể sử dụng màng phủ nông nghiệp để giữ ẩm, hạn chế dinh dưỡng bị rửa trôi, hạn chế cỏ dại, sâu bệnh. Lưu ý không trồng luân canh cà chua trên đất vụ trước trồng ớt, khoai tây,… 

           

Kỹ thuật trồng: Trồng vào buổi chiều mát, khi trồng đặt cây nhẹ nhàng không nén đất quá chặt. Sau khi trồng phải tưới nước ngay để giữ ẩm, dự phòng 5% cây con đúng tuổi để dặm, trồng ra ruộng (trồng giữa các cây trên hàng), để tiện cho việc bứng dặm sau này. Sau trồng từ 7-10 ngày tiến hành kiểm tra trồng dặm lại các cây bị chết.

          

+ Trồng hàng đôi: hàng x hàng 70cm, cây x cây 50cm theo kiểu nanh sấu. Mật độ: 27.000 cây/ha.

          

+ Trồng hàng đơn hàng x hàng 1-1,2m, cây x cây 50-60cm, mật độ 18.000-20.000 cây/ha.


3. Kỹ thuật bón phân cho sản xuất cà chua an toàn

          

* Loại phân và liều lượng bón:

          

- Trường hợp sử dụng phân hữu cơ thay thế 25% phân vô cơ, tổng lượng phân bón cho 1 ha:

          

Phân hữu cơ: 1,5 – 2,0 tấn phân hữu cơ và 3 - 5 tấn phân chuồng ủ hoặc 2,5 - 3,5 tấn phân hữu cơ.

          

Phân NPK (5:10:3): 400 – 600 kg.

          

Các loại phân đơn: 140 - 150 kg urê, 185 - 220 kg supe lân và 140 - 150 kg kali clorua.

         

- Trường hợp sử dụng phân chuồng ủ thay thế 50% phân vô cơ, tổng lượng bón cho 1 ha:

          

Phân chuồng ủ hoai mục từ phẩm trồng trọt và chất thải chăn nuôi bằng chế phẩm vi sinh vật: 6 - 8 tấn.

          

Phân NPK (5:10:3): 400 - 600 kg.

          

Các loại phân đơn: 75 - 85 kg urê, 160 - 190 kg supe lân và 150 - 165 kg kali clorua.

          

* Phương pháp bón

          

- Bón lót: 100% phân hữu cơ và 100% phân supe lân khi làm đất.

          

- Bón thúc: sử dụng phân NPK, urê và kali clorua, bón vào các thời kỳ sinh trưởng chủ yếu của cây cà chua gồm:

          

Thời kỳ hồi xanh: bón 20% lượng NPK, urê và kali clorua.

          

Thời kỳ bắt đầu xuất hiện hoa: bón 20% lượng NPK, urê và kali clorua.

          

Thời kỳ ra hoa rộ và bắt đầu đậu quả: bón 30% lượng NPK, urê và kali clorua.

          

Thời kỳ thu quả đợt đầu: bón 30% lượng NPK, urê và kali clorua.


4. Chăm sóc và nước tưới

          

Chăm sóc: Sau trồng 7-10 ngày xới phá váng, sau trồng 20-25 ngày kết hợp bón phân cho cây cà chua, vun cao luống, để tránh tình trạng đọng nước giữa hàng, bộ rễ phát triển kém.

          

Tỉa chồi: Cần tỉa kịp thời khi nhánh mới nhú ra 3-5cm để dinh dưỡng tập trung nuôi quả, thường xuyên tỉa bỏ mầm nách vô hiệu. Dùng tay đẩy gãy, không dùng móng tay ngắt hoặc dùng kéo cắt vì dễ nhiễm bệnh qua vết thương.

          

Tỉa quả: Mỗi chùm chỉ để 4-6 quả, ngắt cuối cành mang quả để dinh dưỡng tập trung nuôi quả tạo cho quả lớn đều cỡ, giá trị thương phẩm cao.



         

Bấm ngọn: Đối với giống có thời gian sinh trưởng dài, cao cây, trong giai đoạn gần cuối thu hoạch nên bấm ngọn để quả lớn đều, thu tập trung.

          

Loại bỏ cây bệnh, quả bệnh, sâu… mùa mưa tỉa bớt lá chân, lá già đã chuyển vàng để vườn được thông thoáng. Gom lá bệnh tiêu hủy xa vườn trồng hoặc gom tập trung để ủ làm phân hữu cơ.

          

Tưới nước: Yêu cầu nước của cây trong quá trình sinh trưởng, phát triển không giống nhau. Khi cây ra hoa đậu trái và trái đang phát triển là lúc cây cần nhiều nước nhất. Từ khi trồng đến hồi xanh tưới 1-2 lần/ngày, sau đó tùy điều kiện thời tiết và độ ẩm đất để tưới, đảm bảo ẩm độ đất khoảng 60-70%; Khi cây cà chua ra hoa cần lượng nước nhiều hơn, đảm bảo ẩm độ đất 70-80%. Mùa mưa chú ý thoát nước, không để ruộng cà chua ứ đọng nước lâu.


5. Phòng trừ sâu bệnh

          

Cây cà chua thường gặp một số loại sâu bệnh như: Sâu xanh ăn lá, nhện đỏ, sâu đục quả; Bệnh do virus (bệnh héo xanh, bệnh xoăn lá); Bệnh do nấm khuẩn (lở cổ rễ, bệnh thán thư, bệnh sương mai, bệnh héo vàng, bệnh mốc đen...).

          

Thường xuyên vệ sinh đồng ruộng tỉa bỏ lá già, lá bệnh, áp dụng các biện pháp canh tác để hạn chế sâu bệnh hại. Kiểm tra đồng ruộng, kịp thời phát hiện các loại sâu bệnh hại để có biện pháp phòng trừ hiệu quả. Sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật có trong danh mục cho phép và sử dụng đúng theo hướng dẫn của nhà sản xuất, ưu tiên sử dụng các loại thuốc có nguồn gốc hữu cơ.


6. Thu hoạch và bảo quản

          

Tùy theo mục đích sử dụng mà thu hái vào từng thời kỳ thích hợp. Nếu vận chuyển đi xa thì có thể thu hoạch cà chua ở thời kỳ chín xanh, nếu ăn tươi thì thu hoạch ở thời kỳ chín hoàn toàn.

          

Bảo quản nơi thoáng mát, không chất đống sau khi thu hoạch.

          

Thu hái cẩn thận, nhẹ nhàng, tránh va đập xây xát trong khi thu hoạch và vận chuyển.




Tác giả : Ks. Phạm Thị Tươi
 
Bản quyền thuộc TRUNG TÂM KHẢO NGHIỆM KHUYẾN NÔNG KHUYẾN NGƯ THÁI BÌNH
Địa chỉ: Phường Phú Khánh - Tp Thái Bình - Tỉnh Thái Bình. Điện thoại: 0363.831.842, Fax:0363.831.842. 
Email
: