CHÀO MỪNG QUÝ VỊ VÀ CÁC BẠN ĐẾN VỚI WEBSITE TRUNG TÂM KHUYẾN NÔNG THÁI BÌNH
Giới thiệu chung
Cơ cấu tổ chức
Lịch sử khuyến nông
Chức năng nhiệm vụ
Kết quả nghiên cứu
Trồng trọt
Chăn nuôi
Thủy sản
Trồng trọt
Chăn Nuôi
Thủy Sản
 
Hỏi & đáp
Số lượt truy cập:
 

Tin Tức khuyến nông
Kỹ thuật chăm sóc nuôi dưỡng giống vịt “Cổ xanh”

Cập nhật: 18/10/2023

    Giống vịt Cổ xanh là giống vịt nội (bản địa) đã được chăn nuôi từ lâu đời, giống vịt này phân bố chủ yếu từ vùng núi Bắc Trung bộ đến khu vực trung du miền núi phía Bắc, giống vịt này thường được người dân các dân tộc Tày, Nùng, Thái, Mường chăn nuôi dọc theo các khe suối, ao hồ; nó còn có tên gọi khác: vịt Sín chéng, vịt Minh Hương, vịt Cổ Lũng, vịt Pất bản, Pất khuông,…


Giống vịt này đã được nhiều tỉnh/thành của miền Bắc đưa về nuôi và khá thích nghi với điều kiện nuôi theo cả phương thức nuôi nhốt, bán chăn thả, thích hợp với quy mô gia trại, trang trại và mang lại hiệu quả kinh tế khá cao. Tỷ lệ nuôi sống đạt ≥ 90%; khả năng tăng trọng cao: nuôi thương phẩm 8 tuần tuổi, trọng lượng trung bình từ 2,2 – 2,4 kg/con, 10 tuần tuổi trọng lượng trung bình từ 2,6 – 2,8 kg/con; tiêu tốn khoảng 2,4 - 2,6 kg thức ăn cho 1 kg tăng trọng ở 8 tuần tuổi, 2,6 – 2,8 kg thức ăn cho 1 kg tăng trọng ở 10 tuần tuổi. 


Ưu điểm nổi bật của giống vịt này là mẫu mã đẹp, khi đạt tiêu chuẩn xuất chuồng, vịt có bộ lông xám, ánh xanh lam, xanh lục, phần cổ chuyển sang màu xanh biếc rất đẹp. Đặc biệt, thịt vịt Cổ xanh có chất lượng thơm ngon nên được thị trường ưa chuộng.



Về kỹ thuật chăm sóc, nuôi dưỡng vịt Cổ xanh:


1. Chọn con giống

          

Chọn con khỏe mạnh, nhanh nhẹn, lông bông, mắt sáng, bụng gọn, chân mập, có màu sắc lông tơ, đặc trưng của giống; loại bỏ các con có khuyết tật (khoèo chân, hở rốn, khô chân, bết lông, cơ thể quá nhỏ).


2. Chuồng nuôi

          

Chuồng nuôi cần bảo đảm khô ráo, thoáng mát về mùa hè, ấm về mùa đông và có hệ thống bể nước hoặc ao, hồ để vịt tắm. Trước khi đưa vịt vào nuôi, chuồng nuôi cần được vệ sinh, khử trùng bằng Formalin (Formol) 0,05% và được quét vôi trước 3 - 5 ngày. Chuẩn bị đầy đủ máng ăn, máng uống bảo đảm chất lượng mới đưa vịt vào nuôi. Diện tích chuồng nuôi phải phù hợp với quy mô, mật độ nuôi: Đối với vịt 1 tuần tuổi 30 – 35 con/m2; vịt 2 – 4 tuần tuổi 15 – 20 con/m2; vịt  5 - 10 tuần tuổi 8 – 10 con/m2.


3. Thức ăn và cách cho ăn

          

Thức ăn sử dụng nuôi vịt Cổ xanh rất đa dạng: Có thể sử dụng cám viên hỗn hợp hoàn chỉnh, thóc, gạo, bột ngô, cá, tôm,… Thức ăn phải đảm bảo không nấm mốc, ôi thiu và đảm bảo về tỷ lệ protein, năng lượng trao đổi phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đàn vịt:


Tiêu chuẩn thức ăn cho vịt thương phẩm


- Nước uống cần đảm bảo sạch, mát và thay mới thường xuyên. Đối với vùng nước mặn lợ nên bố trí nguồn nước ngọt cho vịt uống trong tuần đầu. Từ tuần thứ 2 sau khi vịt đã tập nước.


4. Chăm sóc nuôi dưỡng

          

Cần tuân thủ quy trình chăm sóc nuôi dưỡng vịt theo từng giai đoạn:

          

Giai đoạn úm cần lưu ý về nhiệt độ và thời gian chiếu sáng. Vịt 1 – 3 ngày tuổi nhiệt độ úm phải đạt 28 – 32oC, từ ngày thứ tư trở đi mỗi ngày giảm 1oC cho đến khi đạt 25oC. Thời gian chiếu sáng tuần đầu là 24 giờ/ngày sau đó giảm dần về 16 -18 giờ/ ngày.

          

Tập cho vịt xuống nước: Khi vịt được 10 – 12 ngày tuổi có thể cho vịt xuống nước, thời gian tập nước tốt nhất vào lúc 8 – 9 giờ sáng. Vào ngày có nắng, thả vịt ra bãi để vịt di chuyển từ từ xuống nước. Ngày đầu chỉ cho vịt ở dưới nước 5 – 10 phút, ngày thứ 2 tăng lên 20 phút, đến khi vịt 15 ngày tuổi có thể cho vịt tự do bơi lội dưới nước.

          

Cho vịt ăn tự do đối với vịt giai đoạn úm và nuôi thịt, cho vịt ăn thành từng bữa để đảm bảo thức ăn luôn tươi mới. Cần sử dụng máng ăn chuyên dụng cho vịt ăn.



5. Vệ sinh phòng bệnh

          

Công tác vệ sinh thú y cần thực hiện thường xuyên hàng ngày: Cọ rửa máng ăn, máng uống; quét dọn chuồng trại,m bãi chăn thả, thu gom rác thải để phân loại và xử lý. Đối với rác hữu cơ như phân, chất độn chuồng đem ủ để làm phân bón; lông vịt, xác vịt chết đem đốt hoặc chôn sâu đúng nơi quy định; vỏ thuốc thú y, vỏ lọ vắc xin sau khi sử dụng thu gom không vứt bừa bãi ra khu vực chăn nuôi và môi trường.

          

Công tác tiêu độc khử trùng cần thực hiện định kỳ: Tuần 1 lần khi không có dịch, khi có dịch bệnh xảy ra thực hiện khử trùng theo thông báo của cơ quan thú y.

          

Tiêm phòng đầy đủ các loại vác xin phòng bệnh cho đàn vịt theo đúng khuyến cáo của cơ quan thú y: Vịt 03 ngày tuổi tiêm vác xin viêm gan; vịt 07 ngày tuổi tiêm vác xin Dịch tả lần 1; vịt 15 ngày tuổi tiêm vác xin Cúm gia cầm; vịt 21 ngày tuổi tiêm vác xin Dịch tả lần 2, vịt 45 ngày tuổi tiêm vác xin Cúm gia cầm lần 2.

              
Thường xuyên kiểm tra, theo dõi sức khỏe của đàn vịt để phát hiện sớm và điều trị kịp thời những con bị bệnh.


Tác giả : BSTY. Phạm Thị Thúy An
 
Bản quyền thuộc TRUNG TÂM KHẢO NGHIỆM KHUYẾN NÔNG KHUYẾN NGƯ THÁI BÌNH
Địa chỉ: Phường Phú Khánh - Tp Thái Bình - Tỉnh Thái Bình. Điện thoại: 0363.831.842, Fax:0363.831.842. 
Email
: