CHÀO MỪNG QUÝ VỊ VÀ CÁC BẠN ĐẾN VỚI WEBSITE TRUNG TÂM KHUYẾN NÔNG THÁI BÌNH
Giới thiệu chung
Cơ cấu tổ chức
Lịch sử khuyến nông
Chức năng nhiệm vụ
Kết quả nghiên cứu
Trồng trọt
Chăn nuôi
Thủy sản
Trồng trọt
Chăn Nuôi
Thủy Sản
 
Hỏi & đáp
Số lượt truy cập:
 

Tin Tức khuyến nông
Vai trò của công tác khảo nghiệm

Cập nhật: 03/11/2023

    Công tác khảo nghiệm là nhiệm vụ rất quan trọng trong nông nghiệp đặc biệt với một tỉnh ven biển như Thái Bình. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu ảnh hưởng ngày càng rõ rệt cùng với đó có rất nhiều giống cây trồng mới được chọn tạo, phân bón, chế phẩm mới được sản xuất và các tiến bộ khoa học công nghệ (TBKHCN), giải pháp mới được sáng chế cần khảo nghiệm đánh giá tính khác biệt, tính phù hợp và tính ứng dụng.


Mục tiêu của công tác khảo nghiệm là phải đi trước nhưng không đi tắt. Ở từng giai đoạn, công tác khảo nghiệm đã đáp ứng yêu cầu của thực tế sản xuất, đóng góp vào thành tích chung của ngành. Phát huy truyền thống của Trung tâm, hàng năm Trung tâm đã tiến hành khảo nghiệm hàng trăm giống lúa, cây màu, phân bón các loại. Cụ thể:


Ngay những ngày đầu thành lập, Trung tâm đã đưa vào khảo nghiệm rất nhiều giống lúa thuần và lúa lai của Trung Quốc. Từ kết quả khảo nghiệm đã lựa chọn các giống lúa mới có tiềm năng năng suất và chất lượng đề xuất đưa vào cơ cấu giống lúa của tỉnh như: Q5, Khâm Dục, Tạp giao 1, Nhị Ưu 838, D.ưu 527, BT7, HT1, các giống N87, N97 thay giống Xi23, VN10 trên chân đất chua trũng, góp phần thay đổi cơ cấu giống lúa của tỉnh, đưa năng suất lúa lên trên 12 tấn/ha/năm. Điểm nổi bật trong công tác lựa chọn giống lúa giai đoạn này đó là từ vụ Mùa năm 1991, Trung tâm đã đưa vào thử nghiệm giống lúa Q5 (Quảng Tế 2) đây là giống lúa cho năng suất cao, được đánh giá là giống triển vọng bổ sung vào cơ cấu giống lúa của tỉnh.




Đặc biệt, giống lúa BC15 do cán bộ Trung tâm Khuyến nông Thái Bình chọn tạo từ dòng đột biến tự nhiên của giống lúa 13/2, qua nhiều năm duy trì và lọc dòng thuần, năm 2005 giới thiệu đề xuất vào cơ cấu giống lúa của tỉnh. Hiện nay, giống BC15 đã được Tập đoàn ThaiBinh Seed lọc và nhân dòng thuần cho sản xuất của Thái Bình và nhiều địa phương trong cả nước.


Trong giai đoạn hiện nay, bám sát chủ trương định hướng của ngành về chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, đáp ứng nhu cầu thị trường, tăng tỷ lệ nhóm lúa chất lượng, Trung tâm đã khảo nghiệm và khuyến cáo vào sản xuất các giống như TBR225, Thiên ưu 8, Đài thơm 8, J02, ST24, ST25...


Bên cạnh khảo nghiệm các giống lúa, Trung tâm còn khảo nghiệm các giống rau, màu như ngô, khoai, đậu tương,… và đã đề xuất đưa vào cơ cấu giống của tỉnh các giống ngô như LVN10, LVN4, MX4, MX10; Ngô đường Yelow sweet 1, ngô đường lai 20; giống khoai tây Solara, Atlantic, Maraben, Esmee, Rosagold; các giống lạc như MD7, L18, L14, CNC1; các giống khoai lang như Hoàng Long, KLC266; các giống đậu tương như ĐT12, DT84; các giống Dưa như Dưa Ngân Huy 233, Kim Cô Nương; các giống bí như Bí xanh, Bí đá, Bí Bộp, Bí Đao Chanh.



Khảo nghiệm các loại phân bón, các chế phẩm vi sinh,… cũng được Trung tâm chú trọng nhằm đề xuất các loại phân bón mới như phân Văn Điển, Ninh Bình, Lâm Thao, Việt Nhật, DAP của Công ty Hồng Hà, Nutrix của Công ty Tân Tạo, … giảm phân bón đơn giúp cây lúa sinh trưởng phát triển khoẻ mạnh, tăng khả năng chống chịu. Đặc biệt, trong những năm gần đây để đáp ứng nhu cầu sản phẩm sạch, an toàn và bảo vệ môi trường Trung tâm đã khảo nghiệm và khuyến cáo vào sản xuất các chế phẩm sinh học như Trichoderma, AT-YTB, phân vi sinh Azotobacterin,… thay thế cho các loại phân bón hoá học góp phần cải tạo đất, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.


Ngoài ra, Trung tâm còn khảo nghiệm các đối tượng con vật nuôi, thủy sản. Trung tâm đã bám sát chủ trương định hướng của ngành thực hiện chương trình Sind hóa đàn bò, góp phần cải tạo, nâng cao thể chất, tầm vóc đàn bò trong tỉnh. Qua khảo nghiệm, xây dựng các mô hình trình diễn đã lựa chọn các đối tượng vật nuôi, các giống thủy sản mới đề xuất đưa vào sản xuất góp phần thay đổi cơ cấu vật nuôi, thủy sản của tỉnh. Khảo nghiệm hơn 10 giống gia cầm, thuỷ cầm mới đã tìm ra một số giống có giá trị kinh tế cao, phù hợp điều kiện chăn nuôi của tỉnh (Ngan Pháp, Gà Tam Hoàng, Vịt siêu trứng Chiết Giang); đã đưa vào sản xuất một số giống vật nuôi có giá trị kinh tế cao, phục vụ cho phát triển chăn nuôi giai đoạn mới (Lợn rừng, thỏ Newzealand, dê Bách Thảo, gà Lương Phượng, gà đẻ trứng UA).



Về thuỷ sản đã du nhập và khảo nghiệm nhiều đối tượng thuỷ sản như: Đưa giống tôm Sú có giá trị, năng suất cao vào sản xuất, thúc đẩy kinh tế vùng ven biển Tiền Hải, Thái Thụy, cá rô phi Cát Phú, cá Đối Mục, cá chép V1, giống cá Trắm đen bằng nguồn giống sinh sản nhân tạo,... Ngoài khảo nghiệm các giống thuỷ sản mới, Trung tâm còn khảo nghiệm các chế phẩm vi sinh phục vụ nuôi trồng thuỷ sản theo hướng hàng hoá và vệ sinh môi trường tiêu biểu như: thử nghiệm ứng dụng công nghệ sinh học chế phẩm AT – YTB (BTS- YTB), chế phẩm BIOWISHD trong xử lý môi trường ao nuôi; ứng dụng công nghệ BIOFLOC trong nuôi tôm thẻ chân trắng hai giai đoạn. Từ kết quả khảo nghiệm đã đưa được các giống mới, chế phẩm vi sinh vào sản xuất góp phần nâng cao hiệu quả, đảm bảo vệ sinh môi trường.



Như vậy có thể thấy cùng với tiến trình phát triển của nền nông nghiệp đều có vai trò của công tác khảo nghiệm. Xác định nông nghiệp là trụ đỡ của nền kinh tế tỉnh nhà đặc biệt trong điều kiện biến đổi khí hậu như hiện nay công tác khảo nghiệm là hết sức cần thiết, có vai trò vô cùng quan trọng góp phần đưa nông nghiệp tỉnh nhà phát triển lên tầm cao mới.


Tác giả : Ths. Nguyễn Thị Thương Huyền
 
Bản quyền thuộc TRUNG TÂM KHẢO NGHIỆM KHUYẾN NÔNG KHUYẾN NGƯ THÁI BÌNH
Địa chỉ: Phường Phú Khánh - Tp Thái Bình - Tỉnh Thái Bình. Điện thoại: 0363.831.842, Fax:0363.831.842. 
Email
: