Thành phần hóa học của rơm rạ tính theo khối lượng khô gồm
60%
xenluloza (cellulose), 14% linhin (lignin), 3,4% đạm hữu cơ
(protein), 1,9%
chất béo (lipid). Nếu tính theo nguyên tố thì Cácbon (C) chiếm 44%, Hyđrô (H) chiếm 5%, Oxy (O) chiếm 49%, Ni tơ chiếm khoảng 0,92%, một lượng rất nhỏ Phốtpho (P), Lưu huỳnh (S) và Kali (K).
Khi đốt rơm rạ lượng C, H,
O biến hết thành các khí CO2, CO và hơi nước.
Protein bị phân hủy và biến thành các khí NO2, NO3, SO2…
bay lên. Trong tro chỉ còn lại ít P, K, Ca và Si… nghĩa là giá trị về mặt
khoáng chất, chất hữu cơ không còn nhiều. Khi đốt rơm rạ,
nhiệt độ cao làm đất chai cứng, kết cấu đất bị phá vỡ, vi sinh vật bị chết nên khả năng giữ nước, giữ phân
kém; rơm rạ và các chất tồn dư phân hủy chậm, sinh ra các độc tố làm ảnh hưởng đến sinh trưởng của cây trồng, làm giảm
khả năng chống chịu, giảm năng suất cây trồng, tăng
thêm chi phí phân bón, thuốc bảo vệ thực vật...
Đồng thời, phần rơm, rạ đưa ra đường giao thông gây cản trở người
tham gia giao thông hoặc khi đẩy trực tiếp xuống các dòng sông, mương máng gây
ô nhiễm nguồn nước, ách tắc dòng chảy ảnh hưởng đến công tác tưới tiêu.
Đặc biệt, trong thời
gian gần đây, nhu cầu sử dụng rơm rạ làm vật liệu đun nấu, chăn nuôi không còn
nhiều; nguồn phân bón chủ yếu lạm dụng phân hóa học, không coi trọng bổ sung
nguồn phân hữu cơ; bên cạnh đó nguồn nhân lực lao động nông nghiệp hạn chế, bà
con nông dân chủ yếu là sử dụng máy gặt đa năng nên đa phần lượng rơm rạ được để
lại trên đồng ruộng.
Vậy nên, nếu lượng
rơm rạ này được sử dụng đúng cách sẽ mang lại lợi ích rất lớn về hiệu quả kinh
tế và môi trường. Có một số hướng sử dụng nguồn rơm rạ có thể áp dụng như sau:
1. Sử dụng rơm rạ
làm phân bón
Thứ nhất: Rơm rạ xử
lý trực tiếp trên đồng ruộng làm phân bón:
Có lẽ đây là
phương án phổ biến nhất hiện nay, đặc biệt là sau thu hoạch lúa vụ Xuân, vì: Thời
gian chuyển từ vụ Xuân sang vụ Mùa rất ngắn, ruộng thu hoạch lúa Xuân thường
còn ướt “không mất lấm”, nên đa phần lượng rơm rạ không được thu gom mà để lại
ngay trên ruộng. Khi rơm rạ không kịp phân hủy, cây lúa dễ bị hiện tượng ngộ độc
hữu cơ sau cấy.
Trường hợp này,
nên làm như sau:
Ở vụ Xuân, giữ mực nước nông lúc thu hoạch, tránh để hiện tượng
mất lấm.
Cày lồng dập rạ ngay sau khi thu hoạch.
Tốt nhất nên sử dụng máy làm đất cỡ trung trở lên để lồng ấn
chìm rạ trong lớp đất canh tác. Nếu sử dụng máy cày nhỏ thì cần phải lồng nhiều
lần.
Sau đó sử dụng 15
- 20 kg vôi bột hoặc phân vi sinh hoặc các chế phẩm xử lý rơm rạ để rắc trực tiếp
trên ruộng, đưa nước vào ruộng ngập 7 - 10 cm, sau
7 - 10 ngày là có thể bừa cấy.
Phân vi sinh là loại phân kết hợp
nhiều chủng vi sinh vật hữu ích, khi rắc vào gốc rạ có tác dụng phân giải nhanh
các chất xơ như rơm rạ, làm đất tơi xốp, thoáng khí, giảm được hiện tượng ngộ độc
hữu cơ. Đối với các chế phẩm xử lý rơm rạ,
có tác dụng phân hủy nhanh rơm rạ và các chất hữu cơ, hạn chế các vi sinh vật gây hại.
Thứ 2: Rơm rạ được
thu gom lại để ủ thành phân bón: Với thực trạng lao động hiện nay, rất khó
để áp dụng. Tuy nhiên, khi sản xuất tập trung hoặc tại các cơ sở sản xuất tuần
hoàn nên áp dụng phương pháp này.
Tận dụng toàn bộ phế phụ phẩm nông nghiệp (rơm, rạ, trấu..); phân lợn, trâu, bò...; dịch thải
hầm bioga hoặc nước phân chuồng... phun hoặc rắc bổ sung thêm các chất xúc tác,
chế phẩm sinh học, vôi bột, tưới ẩm và ủ đống. Lưu ý, thường xuyên đảo đều đống
ủ, trong quá trình ủ đống cần kiểm tra, nếu bị khô phải tưới bổ sung thêm nước.
Sau một thời gian sẽ có lượng phân lớn bón cho cây trồng.
2. Sử dụng rơm rạ
làm nấm, thức ăn chăn nuôi, sản xuất đồ dùng gia dụng,…
Có thể thu gom thủ
công hoặc sử dụng máy thu gom rơm rạ. Hiện nay có 2 loại máy: Máy chuyên dùng để
thu gom rơm rạ hoặc bộ phận máy thu gom gắn với máy kéo để tận dụng. Tùy thuộc
vào quy mô sản xuất để lựa chọn phương pháp và máy móc áp dụng.
Sử dụng máy thường
được áp dụng sau thu hoạch lúa Mùa: Giai đoạn này, thời tiết khô hanh, ruộng đã
tháo cạn nước, bề mặt ruộng cứng, máy thu gom hoạt động dễ dàng, rơm khô, đảm bảo
yêu cầu kỹ thuật,…
Lưu ý: Rơm để làm nấm,
thức ăn chăn nuôi, sản xuất đồ gia dụng phải tươi, ngon, không thu gom ở các ruộng
bị nấm bệnh hoặc mục nát. Có thể tận dụng làm vật liệu phủ mặt luống, trồng rau
màu...
Để thu gom thuận lợi,
sau khi lúa Mùa bước vào giai đoạn chín sáp nên tháo kiệt nước ruộng, để ruộng
khô ráo.
Nên cắt sát gốc để
có thể thu gom được lượng rơm lớn.
Tác giả : Ths. Phạm Thị Hiên