1. Con giống
Mỗi dịp Tết về nhu cầu của thị trường đối
với gà thương phẩm khá đa dạng, không chỉ mức tiêu thụ gà thịt mà nhu cầu về sản
phẩm gà làm lễ cũng tăng cao. Người chăn nuôi cần có định hướng về mục đích sản
xuất của mình để nhập giống cho phù hợp.
Đối với gà nuôi phục
vụ mục đích giết thịt, thời gian nuôi thường phải kéo dài 4 – 5 tháng nên thời
gian này nếu nhập giống bà con phải lựa chọn gà choai (gà giò), lựa chọn những
giống gà dễ nuôi, năng suất cao, chất lượng thịt thơm ngon như gà Ri lai, gà
Lương phượng, gà Hồ lai, gà Mía lai, gà Chọi lai.
Đối với gà nuôi mục
đích bán làm lễ, thời gian nuôi ngắn hơn thì có thể lựa chọn gà giống 01 ngày
tuổi và cần ưu tiên lựa chọn các giống gà có kiểu hình đẹp, kích thước vừa phải
như các giống gà Ri, gà Ri lai, gà Mía, gà Mía lai. Không nên lựa chọn các giống
gà có trọng lượng quá to, chân to xù xì, mào đùn (mào nụ), nhiều lông đen như
gà Đông Tảo, gà Hồ.
Con giống chỉ nên
mua của các cơ sở tin cậy, nguồn gốc rõ ràng, có giấy kiểm dịch đối với gà 01
ngày tuổi, đối với gà choai (gà giò) phải được phòng đủ các loại vắc xin theo
quy định.
2. Chuồng trại
Đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật như đủ
diện tích, đủ độ cao để luôn thông thoáng, tránh mưa tạt, gió lùa. Đối với gà
nuôi thịt phục vụ tết Nguyên Đán chuồng trại nên bố trí thêm sân chơi, bãi thả
để gà tăng cường vận động nâng cao chất lượng về mẫu mã và chất lượng thịt.
Chuồng trại phải được vệ sinh sạch
sẽ, tiêu độc khử trùng và đảm bảo đủ thời gian trống chuồng trước khi thả gà giống
3. Chăm sóc nuôi dưỡng
Để đảm bảo đàn gà
khỏe mạnh, mẫu mã đẹp cần đặc biệt thực hiện tốt khâu chăm sóc nuôi dưỡng:
Với gà con 01 ngày tuổi khi nhập về cần phải nuôi úm
từ 01 – 21 ngày tuổi. Thời tiết những tháng gần Tết thường có gió mùa Đông Bắc,
nhiệt độ có thể giảm sâu nên cần đặc
biệt chú ý về nhiệt độ, độ ẩm và ánh sáng. Tuần đầu nhiệt độ quây úm là 32 – 33oC,
sau mỗi tuần nhiệt độ giảm từ 2 – 3oC, sau đó nhiệt độ duy trì 25 –
27oC. Độ ẩm thấp hơn 75%. Trong thời gian úm nên chiếu sáng cho đàn
gà suốt ngày đêm. Thức ăn của gà úm phải đảm bảo chất lượng, dễ tiêu và luôn
tươi mới, cần chia nhiều bữa nhỏ cho gà ăn. Cung cấp đủ nước sạch, cho gà uống
nước tự do.
Trong thời gian úm gà con cần thường xuyên theo dõi
trạng thái đàn gà để điều chỉnh nhiệt độ, giãn rộng quây úm để phù hợp với mật
độ gà: Tuần 1 mật độ 30 – 50 con/m2; tuần 2 là 20 -30 con/m2; tuần 3 là 15 – 25
con/m2. Thường xuyên đảo xới nền đệm lót và thay mới ngay khi nền đệm bị bết
ướt.
Đối với gà choai, gà giò khi nhập về cần nuôi cách ly
để theo dõi tình trạng sức khỏe. Để giảm bớt stress cho đàn gà khi chuyển
chuồng, thay đổi điều kiện sống cần bổ sung thêm vào khẩu phần thức ăn hoặc
nước uống một số chất bổ trợ như điện giải Gluco – K – C, Vitamin tổng hợp,
Bcomlex, ADE, …
Đàn gà thịt phục vụ tết Nguyên Đán thường yêu cầu cao
về mẫu mã và chất lượng thịt nên cần phải được cung cấp nguồn dinh dưỡng hợp lý.
Thức ăn phải đầy đủ và cân đối các thành phần dinh dưỡng. Gà giai đoạn 01- 4
tuần tuổi thức ăn đảm bảo tỷ lệ Protein 20%, giai đoạn trên 5 tuần tuổi thức ăn
đảm bảo tỷ lệ Protein 16 - 18%. Giai đoạn gà trên 3 tháng tuổi cần bổ sung thêm
nhiều chất xơ, vitamin và khoáng chất, có thể cho gà ăn thêm các loại rau xanh,
bổ sung thêm khoáng tổng hợp và Vitamin vào nước uống cho cả đàn.
Mật độ nuôi phù hợp
với quy mô và diện tích chuồng trại, sân chơi, nên nuôi thưa để đàn gà có đủ
không gian vận động, tránh stress dẫn đến cắn mổ nhau nhiều sẽ ảnh hưởng đến bộ
lông và mẫu mã của cả đàn.
Cắt hoặc là mỏ là
giải pháp hữu hiệu để cả đàn có bộ lông bóng mượt, gà được cắt hoặc là mỏ sẽ hạn
chế mổ cắn, rút lông nhau. Thời gian cắt hoặc là mỏ có thể thực hiện khi gà 14,
15 ngày tuổi, gà khỏe mạnh; trước và sau khi cắt, là mỏ cần bổ sung vào nước uống
của gà thuốc hạ sốt, cầm máu, trợ lực như: Paracetamol, Vitamin K, điện giải
Gluco.
Thường xuyên theo
dõi kiểm tra sức khỏe đàn gà, khi phát hiện gà ốm, bỏ ăn cần cách ly điều trị đồng
thời tăng cường vệ sinh chuồng trại, khu vực chăn nuôi. Khi phát hiện gà chết bất
thường cần báo ngay cho cán bộ thú y và chính quyền địa phương để xứ lý theo hướng
dẫn.
4. Phòng bệnh cho đàn gà
Thực hiện chăn
nuôi an toàn sinh học, thường xuyên vệ sinh sạch sẽ khu vực chăn nuôi, định kỳ
tiêu độc khử trùng. Sử dụng các loại hóa chất tiêu diệt ruồi, muỗi, mò mạt.
Sử dụng đầy đủ các
loại vắc xin để phòng các bệnh truyền nhiễm cho đàn gà: Đối với gà đàn gà nuôi
từ 01 ngày tuổi có thể áp dụng lịch tiêm vắc xin như sau: 01 ngày tuổi tiêm vắc
xin Marek; 05 ngày tuổi nhỏ vắc xin Gumboro lần 1 và nhắc lại lần 2 khi gà 19
ngày tuổi; 07 ngày tuổi nhỏ vắc xin Laxota (hoặc NDIB) lần 1 và nhắc lại lần 2
khi gà 21 ngày tuổi; 10 ngày tuổi tiêm chủng đậu, 30 ngày tuổi tiêm Cúm gia cầm,
40 ngày tuổi tiêm Newcastle. Đối với gà choai (gà giò) cần tìm hiểu lịch vắc
xin mà đơn vị cung cấp giống đã thực hiện, bổ sung thêm các loại vắc xin còn
thiếu.
Chủ động sử dụng
các loại kháng sinh phòng bệnh đường tiêu hóa và hô hấp cho đàn gà khi thời tiết
thay đổi.
Tẩy nội ngoại ký
sinh trùng cho đàn gà: Khi gà 40 - 45 ngày tuổi trộn thuốc tẩy giun tròn, sán
dây cho toàn đàn. Tẩy nhắc lại khi gà 3 tháng tuổi.
5. Xuất bán
Để đảm bảo sức khỏe người tiêu
dùng, trước khi xuất bán người chăn nuôi cần chủ động ngừng dùng thuốc kháng
sinh, thuốc bổ trợ theo đúng thời gian quy định trên bao bì sản phẩm.
Chuẩn bị tốt các vật dụng cần thiết
phục vụ việc bắt nhốt, vận chuyển để đảm bảo đến tay người tiêu dùng gà luôn khỏe,
đẹp.
Tác giả : Ths. Đào Minh Thuận