CHÀO MỪNG QUÝ VỊ VÀ CÁC BẠN ĐẾN VỚI WEBSITE TRUNG TÂM KHUYẾN NÔNG THÁI BÌNH
Giới thiệu chung
Cơ cấu tổ chức
Lịch sử khuyến nông
Chức năng nhiệm vụ
Kết quả nghiên cứu
Trồng trọt
Chăn nuôi
Thủy sản
Trồng trọt
Chăn Nuôi
Thủy Sản
 
Hỏi & đáp
Số lượt truy cập:
 

Tin Tức khuyến nông
Kỹ thuật nuôi ốc Nhồi thương phẩm trong ao đất

Cập nhật: 15/12/2023

    Ốc Nhồi là loài thuỷ đặc sản hiện đang được thị trường ưa chuộng, giá bán ổn định, mang lại hiệu quả kinh tế khá cao so với nhiều loại thủy sản khác. Tuy nhiên, đây là loài lưỡng cư khá mẫn cảm với môi trường, đặc biệt về mùa Đông. Do vậy, để đảm bảo thành công, mang lại hiệu quả kinh tế cao, người nuôi cần thực hiện tốt quy trình kỹ thuật sau:


1. Tập tính sinh sống của ốc Nhồi


Ốc nhồi có tập tính vừa sống nổi vừa sống đáy, di chuyển chậm và thường phân bố không đều trong ao nuôi. Ốc nhồi sinh sống ở nơi ẩm thấp trong ao, hồ, ruộng nước. Chúng phát triển mạnh vào đầu mùa mưa, các yếu tố môi trường thuận lợi cho ốc phát triển (pH từ 7,0 – 8,5; oxy hòa tàn tan ≥ 4 mg/l, độ kiềm từ 70 - 120 mg/l, nhiệt độ nước từ 22 - 30oC).


2. Chuẩn bị ao nuôi


Chọn ao có nguồn nước cấp, thoát thuận lợi, chất lượng đảm bảo, không bị ô nhiễm. Diện tích nuôi phù hợp nhất từ 1.000 - 2.000 m2, mực nước từ 0,5 - 1,0 m, bờ ao chắc chắn, cao hơn mức nước tối thiểu 0,5 m, xung quanh bờ cần phát quang bụi rậm, có biện pháp ngăn, chặn chuột hiệu quả.


Trước khi thả giống phải tẩy dọn ao đúng quy trình kỹ thuật (vét bùn, bón vôi, diệt tạp, phơi ao,…), sau khi lấy nước vào ao tiến hành trồng, thả các loại thực vật thủy sinh như rong đuôi chồn, bông súng, bèo,… vừa cung cấp thức ăn tự nhiên, chỗ bám vừa làm sạch môi trường nước ao nuôi.



3. Chọn và thả giống


Thời vụ: Có thể thả giống từ tháng 4 đến tháng 6 dương lịch, tuy nhiên để tránh thời tiết lạnh, đảm bảo ốc đạt kích cỡ thương phẩm, bán được giá cao, nên thả giống sớm.


Con giống: Mua ở khu vực lân cận, tại các cơ sở uy tín, có chất lượng tốt, vỏ không bị sứt, dập, mòn, màu tươi sáng, không bị rong rêu bám, kích thước từ 0,4 – 0,5g/con trở lên. Nên thả vào lúc sáng sớm hoặc chiều mát. Mật độ thả từ 70 - 100 con/m2


Cách thả: Khi vận chuyển ốc về, tuyệt đối không được thả trực tiếp xuống ao nuôi, cần cho ốc vào chỗ mát một thời gian, khi ốc mở miệng, có hoạt động mới thả ốc giống trên các vật liệu nổi như lá sắn, lá khoai,…


* Lưu ý:


Nếu ốc giống còn nhỏ cần ươm trong các tráng, nuôi ốc ao nào thì ươm giống trong tráng ở ao đó, khi ốc lớn mới thả ra ao nuôi.


Ốc nhồi là động vật cần yên tĩnh nên không thể nuôi ghép với các đối tượng khác.


4. Chăm sóc, quản lý


4.1. Cho ăn


Các loại thức ăn: Thức ăn xanh (nên để cả lá, không băm nhỏ), các loại củ quả cần thái lát mỏng (ưa thích là bèo tấm, mướp, sơ mít, bầu bí, sắn tàu, lá, quả đu đủ, chuối xanh…) và thức ăn tinh (cám ngô, cám gạo, khoai, sắn,…).


Cách cho ăn và khẩu phần ăn: Cho ăn 1 – 2 lần/ngày vào sáng sớm (6 - 7 giờ) và chiều tối (17 – 18 giờ) với lượng thức ăn được tính dựa trên khối lượng ốc trong ao và khả năng ăn của ốc. Trong 1 tháng đầu cho ăn ở mức 5 - 6% tổng khối lượng ốc trong ao; từ tháng thứ 2 đến tháng thứ 3 cho ăn 3 - 4 %, từ tháng thứ 4 đến khi thu hoạch ốc cho ăn 2 - 3% khối lượng ốc trong ao. Nên cho ăn ở nơi ốc tập trung và nhiều điểm khác nhau để ốc có thể bắt mồi nhanh nhất. Trước khi cho ăn cần kiểm tra, nếu có thức ăn dư thừa phải vớt bỏ, tránh tình trạng dư thừa hoặc thiếu thức ăn cục bộ. Các loại thức ăn cần đảm bảo sạch, không bị ảnh hưởng bởi thuốc bảo vệ thực vật, thuốc bảo quản… 


4.2. Quản lý ao nuôi


Trong thời gian 2 tháng nuôi đầu không cần thay nước, trừ khi ốc bị bệnh. Sang tháng nuôi thứ 3, định kỳ 2 tuần thay nước 1 lần, mỗi lần thay 30 - 35% lượng nước trong ao.


Định kỳ sử dụng chế phẩm sinh học để quản lý môi trường ao nuôi 1 - 2  lần/tuần tùy theo chất lượng nước.


Hàng ngày theo dõi, quan sát hoạt động ốc để có biện pháp xử lý kịp thời. Kiểm tra ao nuôi và kiểm soát các địch hại của ốc nhất là chuột, rắn,…



5. Thu hoạch


Ốc nhồi sau khi nuôi từ 3 - 4 tháng đạt trọng lượng thương phẩm (25 - 30 con/kg) có thể thu hoạch. Sử dụng vợt, thuyền để thu tỉa ốc to vào lúc sáng sớm và chiều mát tại khu vực cho ăn, con nhỏ tiếp tục chăm sóc. Muốn thu hoạch toàn bộ cần rút cạn nước và bắt kỹ bằng tay hoặc cào. Nên thu hoạch ốc sớm trước mùa đông, nếu giữ qua đông cần có biện pháp chống rét, chống chuột hiệu quả.


Tác giả : Ks. Nguyễn Thị Hằng
 
Bản quyền thuộc TRUNG TÂM KHẢO NGHIỆM KHUYẾN NÔNG KHUYẾN NGƯ THÁI BÌNH
Địa chỉ: Phường Phú Khánh - Tp Thái Bình - Tỉnh Thái Bình. Điện thoại: 0363.831.842, Fax:0363.831.842. 
Email
: