CHÀO MỪNG QUÝ VỊ VÀ CÁC BẠN ĐẾN VỚI WEBSITE TRUNG TÂM KHẢO NGHIỆM KHUYẾN NÔNG KHUYẾN NGƯ THÁI BÌNH
Giới thiệu chung
Cơ cấu tổ chức
Lịch sử khuyến nông
Chức năng nhiệm vụ
Kết quả nghiên cứu
Trồng trọt
Chăn nuôi
Thủy sản
Trồng trọt
Chăn Nuôi
Thủy Sản
 
Hỏi & đáp
Số lượt truy cập:
 

Tin Tức khuyến nông
Kết quả thực hiện đề tài khoa học công nghệ từ năm 2021 - 2023

Cập nhật: 19/12/2023

    Ngày 14/6/2019, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thái Bình đã ban hành Nghị quyết số 07/NQ-TU về tập trung lãnh đạo, chỉ đạo phát triển đàn trâu, bò thương phẩm theo chuỗi liên kết giai đoạn 2019-2025 và những năm tiếp theo. Để thực hiện thành công Nghị quyết thì việc khảo nghiệm, tuyển chọn được các giống cỏ, ngô làm thức ăn chăn nuôi có năng suất cao, chất lượng tốt, chống chịu với sâu, bệnh và điều kiện ngoại cảnh, phù hợp với điều kiện sinh thái của tỉnh Thái Bình là rất cần thiết.
Xuất phát từ nhu cầu trên, năm 2021 Trung tâm Khuyến nông Thái Bình đã đề xuất thực hiện đề tài: “Nghiên cứu, xây dựng mô hình trồng cỏ voi, ngô sinh khối cho năng suất, chất lượng cao phục vụ chăn nuôi trâu bò, phù hợp với điều kiện sinh thái của tỉnh Thái Bình” thời gian thực hiện tong 3 năm từ năm 2021 đến năm 2023. 

Mặc dù trong quá trình thực hiện gặp rất nhiều khó khăn như giá cả vật tư tăng gấp 2-3 lần so với thuyết minh, việc tìm điểm, tìm hộ, … song Trung tâm đã thực hiện đảm bảo đầy đủ các mục tiêu đề ra cả về số lượng, chất lượng và tiến độ. Kết quả như sau:

1. Công tác điều tra đánh giá hiện trạng và các yếu tố hạn chế đến phát triển cây ngô sinh khối, cỏ voi làm thức ăn cho trâu, bò vùng bãi ven sông và đất cấy lúa kém hiệu quả tại tỉnh Thái Bình: 

Đã xây dựng 05 mẫu phiếu và tổ chức điều tra 250 phiếu của 2 Chi cục, 8 huyện/Thành phố, 40 xã và 200 trang trại, gia trại và hộ chăn nuôi trong tỉnh đảm bảo đúng đối tượng, đầy đủ nội dung và thông tin theo yêu cầu của đề tài. 

Qua điều tra cho thấy đàn trâu, bò trong tỉnh tăng chậm qua các năm (2018, 2019, 2020); chăn nuôi thương phẩm quy mô nhỏ lẻ, phân tán trong khu dân cư và chủ yếu là nuôi bò (87,89%). Một số người dân nhập bò nuôi vỗ béo phục vụ tết Nguyên đán, cả tỉnh mới chỉ có 1 doanh nghiệp chăn nuôi bò vỗ béo, quy mô lớn hàng nghìn con tại xã Hồng Minh, huyện Hưng Hà.

Giống trâu chủ yếu là trâu ré địa phương và lai Mura. Giống bò chủ yếu là giống bò lai Sind và có một số giống mới như bò 3B, Braman,… tuy nhiên người dân chưa quan tâm nhiều đến nguồn gốc (chủ yếu mua tại địa phương, số ít mua ở tỉnh ngoài hoặc nhập nội). Các hộ chăn nuôi quy mô lớn đã mua giống có nguồn gốc rõ ràng.

Diện tích trồng cỏ voi, ngô sinh khối chưa nhiều, chủ yếu trồng tận dụng; những diện tích trồng cỏ voi, ngô sinh khối lớn, tập trung được trồng gần các trang trại và ở các địa phương có hợp đồng bao tiêu sản phẩm tuy nhiên chưa nhiều.

Người dân chủ yếu vẫn chăn thả bán tự nhiên hoặc chăn thả có kiểm soát; tận dụng thức ăn là phế phụ phẩm trong nông nghiệp, một số hộ cũng đã bổ sung thức ăn tinh. Các chủ hộ chăn nuôi quy mô lớn thích trồng cỏ hơn trồng ngô sinh khối làm thức ăn cho trâu bò.

Giống cỏ được trồng nhiều là VA06, giống ngô chưa phải là ngô sinh khối. Người dân thiếu thông tin về giống và kỹ thuật canh tác, chế biến cỏ voi và ngô sinh khối.

2. Công tác khảo nghiệm giống cỏ voi, ngô sinh khối

Đề tài đã thực hiện khảo nghiệm 05 giống cỏ voi (VA06, voi thường, voi tím, voi lùn, voi xanh Thái Lan) và 05 giống ngô sinh khối (HT119, VN5885, LGH9, ĐH 17-5, NK4300)

Qua kết quả khảo nghiệm, với sự phân tích của Phòng phân tích thức ăn và sản phẩm chăn nuôi – Viện Chăn nuôi, nhóm thực hiện đề tài đã lựa chọn được 02 giống cỏ voi và 02 giống ngô sinh khối cho năng suất, chất lượng cao cụ thể:

- Giống cỏ voi:

+ Giống cỏ voi xanh Thái Lan (Pakchong 1) cho năng suất cao nhất, dao động từ 275,4-358,9 tấn/ha/năm; hàm lượng chất khô là 18,39%, protein là 10,94% và chất xơ là 27,91%.
+ Giống cỏ voi VA06 cho năng suất dao động từ 261,7-332,4 tấn/ha/năm; hàm lượng chất khô là 17,55%, protein là 11,0% và chất xơ là 27,5%.
- Giống ngô sinh khối
+ Giống ngô LCH9 cho năng suất cao nhất, dao động từ 45,9-61,5 tấn/ha; hàm lượng chất khô là 18,13%, protein là 10,96% và chất xơ là 25,95%. 
+ Giống ngô ĐH17-5 cho năng suất dao động từ 35,4-52,3 tấn/ha; hàm lượng chất khô là 18,39%, protein là 10,64% và chất xơ là 25,44%. 
3. Đã xây dựng được 02 quy trình kỹ thuật canh tác cỏ voi, ngô sinh khối từ thí nghiệm mật độ, phân bón và độ cao cắt gốc, thu được kết quả:
- Với cỏ voi: Trồng với khoảng cách hàng cách hàng 50 cm, cây cách cây 30 cm; mật độ 66.600 hom/ha. Phân bón (01ha) là 10.000kg HCVS + 160N + 100P2O5+ 75K2O.
- Với ngô sinh khối: Trồng với khoảng cách hàng cách hàng 70 cm, cây cách cây 15-20 cm; mật độ 7,1 vạn cây/ha. Phân bón (01ha) là 1200kg HCVS + 200N + 90P2O5+ 9K2O.
4. Đã xây dựng thành công 03 mô hình cỏ voi và 03 mô hình ngô sinh khối, quy mô 01ha/mô hình, thực tế thực hiện vượt so với thuyết minh 0,3ha, kết quả thu được như sau:
- Thực hiện xây dựng 03 mô hình giống cỏ voi VA06 và cỏ voi xanh Thái Lan (Pakchong 1), quy mô 1,5ha/giống tại 3 huyện Quỳnh Phụ, Hưng Hà và Vũ Thư.
- Thực hiện xây dựng 03 mô hình trồng ngô sinh khối, trong đó giống ĐH17-5 quy mô 1,8ha và giống LCH9 quy mô 1,5ha.
Qua theo dõi, lấy mẫu và thu hoạch (2 lứa cỏ voi), các mô hình cỏ voi và ngô sinh khối đều sinh trưởng, phát triển tốt, nhiễm nhẹ đến không có biểu hiện sâu bệnh hại nên năng suất cao, vượt yêu cầu đề ra. Giống cỏ voi VA06 đạt 120 tấn/ha và giống cỏ voi xanh Thái Lan (Pakchong 1) đạt gần 130 tấn/ha. Giống ngô ĐH17-5 và LCH9 đều đạt trên 50 tấn/ha.
5. Đã tổ chức 04 lớp tập huấn cho 360 lượt hộ nông dân về kỹ thuật trồng, và chăm sóc các giống cỏ voi, ngô sinh khối cho một số hộ dân chăn nuôi trâu bò và người dân có quan tâm đến cỏ voi, ngô sinh khối của các xã thực hiện đề tài. 
Đã tổ chức 01 cuộc hội thảo khoa học cho 100 đại biểu của 02 xã thực hiện thí nghiệm hoàn thiện quy trình ở xã Hồng Minh – Hưng Hà và xã Quỳnh Hoa – Quỳnh Phụ.
Đã hoàn thiện, in ấn và cấp phát 500 cuốn sổ tay hướng dẫn kỹ thuật canh tác ngô sinh khối, cỏ voi cho các địa phương trong tỉnh. 
Ngoài ra, Trung tâm đã đăng 01 bài viết trên trang Website và thực hiện 01 chương trình khoa giáo về hướng dẫn kỹ thuật trồng và chăm sóc cỏ voi, 01 phóng sự về phát triển nguồn nguyên liệu chăn nuôi đại gia súc trên Đài Phát thanh-Truyền hình Thái Bình.
Có thể đánh giá rằng mặc dù gặp nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện Đề tài, nhưng Trung tâm đã hoàn thành vượt mức theo thuyết minh về cả diện tích và số lượng sản phẩm yêu cầu. 

Tác giả : K.s Đoàn Thị Hằng – Chủ nhiệm đề tài; Ths. Nguyễn
 
Bản quyền thuộc TRUNG TÂM KHẢO NGHIỆM KHUYẾN NÔNG KHUYẾN NGƯ THÁI BÌNH
Địa chỉ: Phường Phú Khánh - Tp Thái Bình - Tỉnh Thái Bình. Điện thoại: 0363.831.842, Fax:0363.831.842. 
Email
: