CHÀO MỪNG QUÝ VỊ VÀ CÁC BẠN ĐẾN VỚI WEBSITE TRUNG TÂM KHUYẾN NÔNG THÁI BÌNH
Giới thiệu chung
Cơ cấu tổ chức
Lịch sử khuyến nông
Chức năng nhiệm vụ
Kết quả nghiên cứu
Trồng trọt
Chăn nuôi
Thủy sản
Trồng trọt
Chăn Nuôi
Thủy Sản
 
Hỏi & đáp
Số lượt truy cập:
 

Tin Tức khuyến nông
Chăm sóc, phòng bệnh cho đàn gia súc, gia cầm giai đoạn chuyển mùa từ Xuân sang Hè

Cập nhật: 03/04/2024

    Trong thời điểm giao mùa từ mùa Xuân sang mùa Hè, thời tiết thay đổi thất thường từ se lạnh sang nóng, độ ẩm không khí cao cộng với vệ sinh môi trường chăn nuôi kém là điều kiện thuận lợi để các loại vi rút, vi khuẩn, nấm… gây bệnh phát triển mạnh; nguy cơ bùng phát thành dịch lây lan ra diện rộng các bệnh như: Tụ huyết trùng, Tai Xanh, Dịch tả lợn Châu Phi trên đàn lợn; E. Coli ở cả gia súc, gia cầm; bệnh CRD, đậu ở gà... Để chủ động phòng bệnh cho đàn vật nuôi có hiệu quả, người chăn nuôi cần lưu ý thực hiện tốt các biện pháp sau:


1. Về chuồng trại


Tu bổ, che chắn chuồng trại để ngăn mưa, tránh gió lùa, đảm bảo nền chuồng luôn khô ráo; dự phòng các vật liệu (nilon, bạt, bao tải, phên…) để che chắn chuồng nuôi và phủ ấm cho gia súc, gia cầm khi mưa rào, dông gió chuyển mùa. Trước khi nuôi đàn mới phải vệ sinh tiêu độc khử trùng và để trống chuồng ít nhất 15 - 20 ngày. Định kì phun sát trùng trong và ngoài khu vực chuồng nuôi bằng các hóa chất khử trùng như: Vôi bột, Bencocid, Iodine, BKA… 1 lần/tuần.


 


Lưu ý: Đối với gia súc, gia cầm non chưa có khả năng tự điều tiết thân nhiệt, cần phải có chuồng úm hoặc quây úm. 


Thường xuyên khơi thông cống rãnh, phát quang bụi rậm, quét dọn, thu gom chất thải bằng các biện pháp cơ học và hóa học.


Hằng ngày cọ rửa máng ăn, máng uống và xử lí bằng hóa chất hoặc phơi dưới ánh nắng mặt trời.


Dùng các chế phẩm sinh học xử lí chất thải để đảm bảo vệ sinh môi trường.


 


2. Về chăm sóc nuôi dưỡng


Cho đàn vật nuôi ăn đầy đủ thức ăn theo đúng tiêu chuẩn và khẩu phần, đảm bảo chất lượng và số lượng phù hợp với từng lứa tuổi của vật nuôi. Tuyệt đối không sử dụng thức ăn đã ẩm, mốc, ôi thiu. Đối với lợn con tập ăn và gà con ở giai đoạn úm tốt nhất nên sử dụng thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh để đảm bảo đủ dinh dưỡng.


Lưu ý:  Không nên thay đổi đột ngột thức ăn cho vật nuôi ăn; nếu thay thức ăn thì phải thay từ từ tránh vật nuôi bị bệnh đường tiêu hoá.


Cho vật nuôi uống nước sạch, đủ nước, hạn chế nước vương vãi ra nền chuồng. Có thể bổ sung vào nước uống các loại Vitamin tổng hợp để tăng sức đề kháng cho vật nuôi vào những ngày thời tiết thay đổi.


Nuôi nhốt vật nuôi với mật độ vừa phải, nên chăn thả khi trời đã tan sương, có nắng ấm.


* Đối với gà: Giai đoạn úm nuôi với mật độ 50 - 60 con/m2; gà từ 0,5 - 1,0 kg/con từ 8 -12 con/m2, gà từ 2,0 - 3,0 kg/con từ 3 - 5 con/m2 và gà đẻ 4 con/m2.


* Đối với lợn: Lợn con sau cai sữa nuôi với mật độ 0,4 m2/con; lợn thịt 0,8 - 1,2 m2/con và lợn nái 4 – 6 m2/con.


* Đối với trâu bò: Bê, nghé dưới 6 tháng tuổi nuôi với mật độ 1,5 - 2 m2/con (diện tích sân chơi 4 m2/con); trâu, bò thịt, bê nghé 7 - 9 tháng tuổi 3 m2/con (diện tích sân chơi 3 m2/con); trâu, bò sinh sản 8 – 9 m2/con (diện tích sân chơi 4 m2/con).


Lưu ý: Những ngày nhiệt độ tăng cao bất thường cần dãn đàn để đảm bảo mật độ nuôi cho phù hợp.


3. Phòng bệnh


- Tăng cường vệ sinh chuồng trại, chất thải được thu gom và xử lý bằng các biện pháp phù hợp như Biogas, ủ phân, đệm lót sinh học... không để phân và chất thải ứ đọng nhiều sẽ sinh ra khí độc và phát sinh mầm bệnh. Nếu dùng đệm lót sinh học cần giảm độ dày của lớp đệm để tránh làm nhiệt độ tăng cao. Ngoài ra, bà con có thể sử dụng thêm các chế phẩm sinh học để hạn chế mùi hôi trong chăn nuôi. Định kỳ phun thuốc sát trùng toàn bộ chuồng trại và khu vực xung quanh để tiêu diệt mầm bệnh (một số loại thuốc sát trùng có chất lượng tốt, an toàn khi sử dụng như Vikol, Haniodin, Halamit...).


- Chủ động tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin để nâng cao sức đề kháng cho vật nuôi, đặc biệt là gia súc, gia cầm mới tái đàn:


- Đối với gia cầm tiêm các loại vắc xin Cúm gia cầm, Niu cát xơn, Gumboro, Dịch tả vịt, Viêm gan vịt, Tụ huyết trùng,...


Đối với lợn tiêm các loại vắc xin: Phó thương hàn, Dịch tả, Tụ dấu, Tai xanh, Lở Mồm Long Móng,...


Đối với Trâu Bò tiêm vắc xin: Tụ huyết trùng, Lở Mồm Long Móng, Viêm da nổi cục,….


Lưu ý: Việc tiêm phòng cần thực hiện đúng các yêu cầu kỹ thuật như bảo quản vắc xin, liều lượng, thời gian tiêm… để có hiệu quả cao sau khi tiêm phòng.


- Sử dụng kháng sinh (được phép sử dụng của cơ quan thú y) kết hợp dùng Vitamin, chất điện giải trộn vào thức ăn hoặc nước uống cho gia súc, gia cầm ăn, uống để phòng một số bệnh thường gặp trên đàn vật nuôi khi thời tiết thay đổi đột ngột, khi nhập, chuyển đàn.


- Thường xuyên theo dõi sức khỏe đàn vật nuôi, phát hiện sớm vật nuôi bị ốm để cách ly, điều trị, xử lý kịp thời, tránh lây lan. Đặc biệt, với các bệnh đường hô hấp và tiêu hoá cần chủ động cho gia súc, gia cầm uống thuốc ở liều phòng bệnh khi thời tiết thay đổi.


- Chủ động khai báo khi có dịch với chính quyền địa phương, với thú y xã để được kiểm tra, hướng dẫn các biện pháp chăm sóc điều trị khi cần thiết. Không giấu dịch, không bán chạy, giết mổ gia súc, gia cầm bệnh, không vứt xác gia súc, gia cầm bệnh ra môi trường làm lây lan dịch bệnh.


Tác giả : KS. Phạm Thị Xuyên
 
Bản quyền thuộc TRUNG TÂM KHẢO NGHIỆM KHUYẾN NÔNG KHUYẾN NGƯ THÁI BÌNH
Địa chỉ: Phường Phú Khánh - Tp Thái Bình - Tỉnh Thái Bình. Điện thoại: 0363.831.842, Fax:0363.831.842. 
Email
: