CHÀO MỪNG QUÝ VỊ VÀ CÁC BẠN ĐẾN VỚI WEBSITE TRUNG TÂM KHUYẾN NÔNG THÁI BÌNH
Giới thiệu chung
Cơ cấu tổ chức
Lịch sử khuyến nông
Chức năng nhiệm vụ
Kết quả nghiên cứu
Trồng trọt
Chăn nuôi
Thủy sản
Trồng trọt
Chăn Nuôi
Thủy Sản
 
Hỏi & đáp
Số lượt truy cập:
 

Tin Tức khuyến nông
Một số lưu ý kỹ thuật trồng hành lá VIETGAP

Cập nhật: 24/05/2024

    Hành lá là loại cây rau màu thể thiếu trong các bữa cơm và nó là cây gia vị có mùi thơm dễ chịu giúp cho các món kèm trở nên ngon hơn. Chính vì vậy cây hành lá được trồng quanh năm để phục vụ nhu cầu của mọi gia đình.

     1. Thời vụ: Hành lá có thể trồng quanh năm


     2. Giống


     Nguồn giống: Sử dụng các giống chất lượng cao được cung ứng từ các Công ty đáp ứng yêu cầu của VietGAP; các giống địa phương, bản địa có xác nhận nguồn gốc.


     Lượng giống:


     + Gieo bằng hạt: 4,5- 6,0kg/ha (tương đương 162-216 gram/sào 360m2)


     + Trồng bằng cây, củ giống: 800-850 kg/ha (tương đương 28,8-30,6 kg/sào 360m2).


     3. Làm đất, lên luống


     Chọn đất thịt nhẹ, cát pha có thành phần cơ giới nhẹ, tơi xốp, giàu mùn và dinh dưỡng, pH từ 5,5- 6,5. 


     Đất trồng phải được dọn sạch cỏ, tàn dư thực vật của cây trồng vụ trước, xử lý sâu, bệnh, cỏ dại bằng các thuốc BVTV trong danh mục cho phép hoặc các chế phẩm  hữu cơ, vi sinh trước sản xuất 7-15 ngày.


     Làm đất kỹ, tơi nhỏ, lên luống cao 25-30cm, mặt luống rộng từ 100-120cm, bằng phẳng, dễ thoát nước để tránh ngập úng khi gặp mưa.


     Trồng cây theo hàng ngang với khoảng cách cây cách cây là 7-10cm, hàng cách hàng 15-20cm đảm bảo mật độ khoảng 270.000 - 300.000 cây/ha.


     4. Phân bón


     Chỉ được sử dụng phân bón có nguồn gốc rõ ràng và được phép sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam.


     Liều lượng và cách bón phân cho 1ha như sau:

 


Lưu ý:


     + Lượng phân trên có thể tăng hoặc giảm 10-20% tùy thuộc vào tình hình sinh trưởng của cây và thời tiết.


     + Phân chuồng hoai mục là phân gia súc, gia cầm đã xử lý ủ mục. Nếu không có phân chuồng hoai mục có thể dùng phân trùn quế, phân hữu cơ vi sinh với lượng 7-10 tấn/ha ;


     + Trường hợp đất mới khai thác thì sử dụng kết hợp cả phân chuồng và phân vi sinh với lượng: 20.000kg phân chuồng + 8.000-10.000 kg phân hữu cơ vi sinh.


     + Vôi bột rắc đều trên mặt ruộng trước khi phay, lên luống.


     - Bón lót: Rải đều trên mặt luống 100% lượng phân chuồng + 100% phân lân + 20% đạm, 20% Kali, bón xong vét rãnh và lấp kín phân. Sau khi gieo hạt rắc tro và trấu lấp kín hạt. Với đất mới trồng vụ đầu có thể dùng 4.000 kg trấu/ha và 3.000kg tro/ha.


     - Bón thúc: Nên bón theo hình thức rắc vào giữa các hàng (áp dụng trường hợp đất đủ ẩm, bón xong phải tưới ngay), hoặc pha loãng tưới, chỉ tưới vào chiều mát hoặc buổi sáng sớm. Bón thúc làm 2 đợt:


     Lần 1: Sau gieo trồng 7-10 ngày


     Lần 2: Sau lần 1 từ 15-20 ngày


     Đối với cây thu hoạch nhiều đợt có thể chia nhỏ lượng bón ra làm nhiều lần.


     Ngoài biện pháp bón vào đất, có thể phun qua lá các loại phân bón đa lượng, trung lượng, vi lượng theo từng thời điểm và theo hướng dẫn sử dụng của hãng sản xuất.


Lưu ý: Ngừng bón phân đạm ít nhất 7 - 10 ngày trước khi thu hoạch.


     5. Chăm sóc


     Sử dụng nguồn nước đủ tiêu chuẩn theo qui định (nước sông, hồ lớn, nước ngầm và nước giếng khoan đã qua xử lý). Tuyệt đối không sử dụng nguồn nước ô nhiễm (nước thải công nghiệp, nước thải từ các bệnh viện, khu dân cư tập trung, trang trại chăn nuôi, lò giết mổ gia súc, ao tù đọng, nước thải sinh hoạt, ...) để tưới cho rau.


     Sau khi trồng cần tưới đẫm nước 2 lần/ngày đến khi cây bén rễ hồi xanh sau đó tưới, giữ ẩm thường xuyên.


     Trong các đợt bón, tưới thúc cần xới xáo, làm cỏ kết hợp loại bỏ cây sâu, bệnh nặng. Cần vét rãnh để thoát nước cho ruộng sản xuất.


     6. Phòng trừ sâu bệnh


     - Biện pháp canh tác, thủ công, sinh học:


     Nên trồng luân canh với cây khác họ nhằm hạn chế nguồn sâu bệnh chuyển tiếp.


     Thường xuyên kiểm tra đồng ruộng để phát hiện kịp thời các đối tượng sâu bệnh hại.


     Dùng biện pháp thủ công: ngắt ổ trứng, bắt giết sâu non khi mật độ sâu thấp (áp dụng với sâu xanh da láng, sâu khoang); phát hiện và nhổ bỏ những cây bị bệnh thối hành đem tiêu huỷ.


      Sử dụng bẫy pheromone để bắt trưởng thành sâu xanh da láng, sâu khoang trong suốt thời gian sinh trưởng của cây.


     - Biện pháp sử dụng thuốc BVTV :


     Các đối tượng gây hại chính trên cây hành như: rệp, sâu khoang, bệnh thán thư, bệnh thối gốc... Trong trường hợp đặc biệt như: mật độ sâu rất cao, bệnh nặng, thuốc sinh học không có khả năng khống chế thì lựa chọn sử dụng thuốc hóa học ít độc, nhanh phân giải. Yêu cầu phải đảm bảo đủ thời gian cách ly trước khi thu hoạch.


     7. Thu hoạch


     Thời gian từ gieo hạt đến thu hoạch khoảng 60-65 ngày. Thời gian từ trồng cây, củ giống đến thu hoạch là 35-40 ngày. Năng suất có thể đạt 10-12 tấn/ha tùy giống, thời vụ.


     Thu hoạch rau vào buổi sáng sớm hoặc chiều mát. Nhổ cả rễ, dài từ 25-40cm;


     Tỷ lệ thân lá vàng/táp/cháy/sâu bệnh/gẫy dập tối đa khoảng 10%; để hành vào dụng cụ chuyên dụng và vận chuyển ngay đến nơi sơ chế đóng gói./.


Tác giả : Ths. Phạm Thị Hiên
 
Bản quyền thuộc TRUNG TÂM KHẢO NGHIỆM KHUYẾN NÔNG KHUYẾN NGƯ THÁI BÌNH
Địa chỉ: Phường Phú Khánh - Tp Thái Bình - Tỉnh Thái Bình. Điện thoại: 0363.831.842, Fax:0363.831.842. 
Email
: