CHÀO MỪNG QUÝ VỊ VÀ CÁC BẠN ĐẾN VỚI WEBSITE TRUNG TÂM KHUYẾN NÔNG THÁI BÌNH
Giới thiệu chung
Cơ cấu tổ chức
Lịch sử khuyến nông
Chức năng nhiệm vụ
Kết quả nghiên cứu
Trồng trọt
Chăn nuôi
Thủy sản
Trồng trọt
Chăn Nuôi
Thủy Sản
 
Hỏi & đáp
Số lượt truy cập:
 

Tin Tức khuyến nông
Kỹ thuật thâm canh cây lúa vụ Mùa

Cập nhật: 01/07/2024

    Vụ lúa mùa vốn chịu tác động nhiều của điều kiện tự nhiên trực tiếp ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng lúa gạo. Trọng điều kiện mưa bão, lũ lụt, hạn hán, sự xâm nhập mặn, bốc chua phèn bất thường, kết hợp với những diễn biến phức tạp của tình hình sâu bệnh hại đòi hỏi chúng ta phải áp dụng đồng bộ nhiều biện pháp kỹ thuật khác nhau như: Giống, thời vụ, làm đất, chăm sóc, thu hoạch… mới có thể đảm bảo cho một vụ mùa thắng lợi.


     1. Về cơ cấu giống


     Ưu tiên sử dụng giống lúa ngắn ngày, phù hợp với nhu cầu thị trường; giống có khả năng thích ứng điều kiện ngoại cảnh và chống chịu tốt với sâu, bệnh hại, đặc biệt bệnh bạc lá trong vụ Mùa. Một số giống đang sử dụng phổ biến hiện nay như:


     + Nhóm lúa chất lượng: Đài thơm 8, Bắc thơm số 7, TBR279, nếp 97, giống lúa Nhật, …

 

     + Nhóm năng suất: BC15,Thiên ưu 8, TBR1, TBR225….         


     2. Thời vụ


     Trà sớm: Mạ dược gieo từ ngày 05 - 10/6/2024, mạ nền cứng gieo từ ngày 15 - 20/6/2024. Cấy trước 10/7/2024 để có quỹ đất trồng cây vụ Đông ưa ấm.


      Đại trà: Mạ dược gieo từ ngày 20 - 25/6/2024; mạ nền cứng, mạ khay gieo từ ngày 25/6 - 05/7/2024. Đối với giống BC15 gieo cấy đầu lịch để đảm bảo lúa trỗ trước ngày 15/9/2024. Kết thúc cấy trước ngày 20/7/2024.


     Chủ động dự phòng giống có thời gian sinh trưởng ngắn ngày, gieo tăng 5 - 10% mạ ở trà cuối để dự phòng khi thời tiết bất thuận gây úng ngập làm chết mạ, chết lúa.


     3. Ngâm ủ và gieo mạ


     3.1. Ngâm ủ


      Tùy thuộc vào độ dày của vỏ hạt, độ ẩm của hạt giống, vụ Mùa lúa lai ngâm khoảng 16 - 18 tiếng, lúa thuần ngâm 20 - 30 tiếng. Trong quá trình ngâm cứ 5 - 6 tiếng đãi, rửa chua và thay nước 1 lần, khi hạt thóc hút đủ nước (nhìn thấy rõ phôi trắng của hạt thóc) tiến hành đãi sạch, để ráo và đưa vào ủ.


     Dùng túi vải, túi lưới, thúng thoát nước,… để ủ, ủ hạt giống nơi mát. Trong quá trình ủ 8 - 10 giờ kiểm tra một lần, nếu hạt khô phải tưới thêm nước, nếu hạt có mùi chua phải đãi sạch hoặc nếu nóng phải hạ nhiệt bằng cách rửa nước sạch, để ráo nước, tiếp tục ủ đến khi hạt thóc ra mộng và rễ đều (mộng dài bằng ½ hoặc 1/3 chiều dài hạt thóc) thì đem gieo. Nếu gieo mạ khay, khi hạt nứt nanh đều thì tiến hành gieo ngay.


     Đối với các giống lúa Nhật, giống tái giá (gặt vụ Xuân gieo cấy luôn ở vụ Mùa) cần ngâm ủ theo hướng dẫn của đơn vị sản xuất giống khuyến cáo trên vỏ bao (thường thời gian ngâm sẽ dài hơn hoặc phải xử lý phá ngủ nghỉ).


     3.2. Gieo mạ: Có nhiều phương pháp gieo mạ, có 2 phương pháp hiện đang được áp dụng phổ biến như sau:


     - Gieo mạ nền cứng:


     Có thể gieo trên sân, vườn, ruộng, bờ ruộng,... nơi tráng nắng. Nếu gieo trên nền đất, trước khi rải bùn cần lót lớp nilon hoặc bao xi măng có chọc lỗ hoặc bao tải dứa để rễ không ăn sâu vào trong đất.


     Lấy bùn ở sông, ngòi,… có nguồn nước lưu thông, không lấy bùn nơi ao tù, nước đọng, dưới tán lá cây. Trộn bùn + phân bón (khoảng 0,5 kg lân Lâm Thao + 1 kg phân vi sinh) để làm 3 - 4 m2 mạ. Láng lớp bùn mỏng khoảng 1 - 1,5 cm, gieo nổi, 1 kg thóc gieo 3 - 4 m2 mạ. Sau 7 - 10 ngày, mạ có 2,5 - 3 lá có thể tiến hành cấy.


     Chống nóng cho mạ: Dùng lưới đen hoặc lá chuối che cao khoảng 1,5 - 2m, thực hiện tưới đẫm nhiều lần trong ngày,…


     - Gieo mạ dày xúc:


     Tốt nhất gieo trên nền đất, bờ ruộng, trên ruộng cao có thể lên luống hoặc vét rãnh,...


     Gạt lớp bùn dày khoảng 2 - 3 cm để gieo, gieo nổi, gieo thưa, 1 kg thóc gieo cho 5 - 7 m2. Khi mạ 12 - 15 ngày tuổi, có 3 - 4 lá dùng liềm, xẻng,… xúc, nạo mạ đem đi cấy. Khi mạ trên 3 lá, có thể hòa thêm lân supe hoặc NPK có hàm lượng lân cao để tưới bổ sung dinh dưỡng cho mạ.


     Lưu ý: Phun phòng trừ sâu bệnh trước khi đưa mạ ra ruộng cấy, đặc biệt các loại rầy.


    4. Làm đất


     Thu hoạch lúa Xuân đến đâu tiến hành làm đất ngay đến đó theo phương pháp giữ nước mặt ruộng, rắc 15 - 20 kg vôi bột/1 sào, sau đó dùng máy lồng vùi rơm, rạ, cỏ dại cho dập nát và ngâm trong nước; Hoặc tăng cường sử dụng chế phẩm sinh học (AT-YTB, Sumitri, Emuniv …) để xử lý giúp rơm rạ nhanh phân hủy, hạn chế hiện tượng ngộ độc hữu cơ sau cấy.


     Lưu ý: Đối với các vùng chua, mặn cần có các phương án thau chua rửa mặn và cải tạo đất riêng.


     5. Kỹ thuật cấy


     Cấy mạ non, cấy nông tay. Tùy từng chân đất, giống lúa, khả năng thâm canh để điều chỉnh mật độ cấy cho phù hợp, trung bình khoảng 25 - 30 khóm/m2, cấy 2 - 3 dảnh/khóm (lúa thuần).



     6. Phân bón


    Thực hiện bón phân cân đối, bón lót sâu, bón thúc sớm, bón theo nhu cầu của cây trồng. Khuyến khích sử dụng các loại phân nén, phân dúi bón một lần vào thời điểm làm đất để tiết kiệm lao động, tăng hiệu quả sản xuất. Bà con nên lựa chọn các loại phân bón hữu cơ, hữu cơ vi sinh, phân bón tổng hợp có hàm lượng NPK cao nhằm cải tạo đất, đảm bảo năng suất và chất lượng nông sản, bảo vệ môi trường, tăng cường phân Kali cho lúa Mùa tăng khả năng chống đổ và hạn chế sâu bệnh.


     + Bón phân lót:


     - Lượng bón và loại phân: Nên tận dụng tối đa nguồn phân hữu cơ sẵn có; tăng cường sử dụng phân vi sinh để nâng cao độ phì nhiêu cho đất, tránh ngộ độc hữu cơ, ngộ độc phèn như Trường Sơn Bio, Azotobacterin hoặc 1 số loại phân hữu cơ, hữu cơ sinh học, phân vi sinh khác theo khuyến cáo của nhà sản xuất; kết hợp với 20 - 25 kg NPK chuyên lót loại 6:9:3 hoặc 5:10:3… hoặc 5 - 6 kg NPK hàm lượng cao dùng cả cho bón lót và bón thúc như NPK loại 16:16:8, 16:8:9,…


     - Cách bón: Phân lót cần bón lót sâu, tốt nhất bón lúc bừa cấy hoặc ngay khi bừa xong (khi bùn chưa lắng) để phân chìm vào trong đất hạn chế thất thoát phân, đồng thời giúp cho rễ cây ăn sâu chống đổ và chống đói ăn cuối vụ.


     Sau khi bùn lắng, nước trong mới được tháo bớt nước, giữ mực nước nông hợp lý (3 - 5cm) rồi cấy. 


     + Bón phân thúc:


     - Lượng phân và loại phân: Sử dụng các loại phân NPK chuyên dùng bón thúc có hàm lượng đạm và Kali cao như: NPK có tỷ lệ 16:5:17, 17:5:16,… khoảng 10 - 12 kg/sào hoặc NPK tỷ lệ 16:16:8, 16:8:9 khoảng 8 - 10 kg/sào.


     Bón thúc 1 lần ngay khi cây lúa bén rễ hồi xanh, tạo điều kiện cho cây lúa đẻ nhánh sớm, đẻ tập trung và có nhiều dảnh hữu hiệu, cho năng suất cao. Bón càng sớm càng tốt, chậm nhất không quá 10 ngày sau cấy. Với những chân ruộng cao hay mất nước chia làm 2 lần bón thúc (thúc lần 1 ngay khi cây bén rễ hồi xanh bón 2/3 lượng phân thúc, thúc lần 2 sau lần 1 khoảng 10 ngày, bón tiếp lượng phân còn lại).


     Lưu ý: Để tăng hiệu lực phân bón thúc, cần bón lúc trời mát, bón xong kết hợp dặm tỉa để dùa đục nước giúp hạn chế mất phân.


     Giai đoạn lúa đứng cái, tùy thuộc vào tình hình sinh trưởng của cây, điều kiện thời tiết có thể bón đón đòng 3 - 4 kg Kali/sào.


     7. Nước tưới


     Chủ động điều tiết nước theo công thức “Nông - Lộ - Phơi” để tăng hiệu lực khi sử dụng phân bón, phòng trừ sâu bệnh, giúp cho cây lúa khỏe, cứng cây, từ đó hạn chế sâu bệnh, tăng khả năng chống đổ, tăng năng suất.


    - Đối với lúa cấy:


     + Giai đoạn cấy duy trì mực nước nông đều trên ruộng từ 2 – 3cm giúp dễ thao tác cấy, cây lúa nhanh bén rễ hồi xanh, tăng khả năng chống nóng, tăng hiệu quả khi sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, đồng thời giúp hạn chế lúa cỏ, cỏ dại.


     + Giai đoạn đẻ nhánh, điều tiết nước khô ướt xen kẽ (lộ ruộng) để cây lúa đẻ nhánh thuận lợi.


     Khi lúa đẻ nhánh tối đa, cần rút nước để phơi mặt ruộng, hạn chế đẻ nhánh vô hiệu, giúp rễ lúa ăn sâu, cứng cây, tăng khả năng chống đổ. Giai đoạn đứng cái làm đòng cần giữ mực nước nông cho đến khi lúa vào chắc mẩy.


     - Đối với lúa gieo thẳng:


     Cần làm luống để chủ động tiêu thoát nước. Sau khi gieo giữ ẩm mặt ruộng từ 5 - 7 ngày tạo điều kiện thuận lợi cho lúa nhanh mọc, bộ rễ khỏe và chống nóng cho lúa giai đoạn đầu. Nếu thời tiết nắng nóng, mặt ruộng quá khô có thể đưa nước vào ruộng, để ngấm đủ ẩm rồi tháo đi ngay.


     Nếu gieo xong gặp mưa to ngập ruộng, cần tháo nước từ từ tránh trôi mộng. Đến khi lúa được 2,5 - 3 lá đưa nước vào ruộng từ 2 – 3cm kết hợp dặm tỉa và chăm sóc như lúa cấy. Chú ý đưa nước vào ruộng cần có biện pháp ngăn chặn ốc bươu vàng từ mương máng xâm nhập vào ruộng gây hại.


     8. Sâu, bệnh hại


     Lúa Mùa dễ bị nhiễm bệnh bạc lá. Với bệnh này cần áp dụng các biện pháp thâm canh tổng hợp để cây lúa khỏe, tăng sức đề kháng (như chọn giống tốt, thời vụ, phân bón, làm đất, gieo cấy…). Không gieo cấy các giống dễ nhiễm bệnh trên chân ruộng trũng hẩu, không bón phân lai rai, đặc biệt là đạm đơn.


     Cần thường xuyên kiểm tra đồng ruộng và có biện pháp phòng trừ sâu, bệnh theo khuyến cáo của ngành chuyên môn.


Tác giả : Ths. Phạm Thị Hiên
 
Bản quyền thuộc TRUNG TÂM KHẢO NGHIỆM KHUYẾN NÔNG KHUYẾN NGƯ THÁI BÌNH
Địa chỉ: Phường Phú Khánh - Tp Thái Bình - Tỉnh Thái Bình. Điện thoại: 0363.831.842, Fax:0363.831.842. 
Email
: