CHÀO MỪNG QUÝ VỊ VÀ CÁC BẠN ĐẾN VỚI WEBSITE TRUNG TÂM KHUYẾN NÔNG THÁI BÌNH
Giới thiệu chung
Cơ cấu tổ chức
Lịch sử khuyến nông
Chức năng nhiệm vụ
Kết quả nghiên cứu
Trồng trọt
Chăn nuôi
Thủy sản
Trồng trọt
Chăn Nuôi
Thủy Sản
 
Hỏi & đáp
Số lượt truy cập:
 

Tin Tức khuyến nông
Một số lưu ý chăm sóc nuôi dưỡng vịt Cherry SM3 thương phẩm

Cập nhật: 05/08/2024

    Vịt Cherry SM3, vịt siêu thịt là giống vịt công nghiệp có nguồn gốc từ nước Anh, chúng là giống vịt được tạo ra từ hãng Cherry Valley. Giống vịt này được công nhận là giống vịtđược phép sản xuất, kinh doanh, lưu hành trên lãnh thổ Việt Nam. Hiện nay vịt được nuôi phổ biến trong các hộ chăn nuôi với các quy mô và phương thức khác nhau tùy thuộc vào mùa vụ và mục đích chăn nuôi, chuồng trại và điều kiện đầu tư. Nhưng trong quá trình chăn nuôi chủ hộ chủ yếu nuôi vịt theo kinh nghiệm, chưa quan tâm nhiều đến quy trình kĩ thuật nên hiệu quả kinh tế chưa cao. Vì thế, để có đàn vịt khỏe mạnh, tỷ lệ nuôi sống cao, tăng trọng nhanh, tiêu tốn thức ăn ít và hiệu quả kinh tế cao, người nuôi vịt cần lưu ý những vấn đề sau:


 


     1. Chuồng trại, dụng cụ chăn nuôi


     a. Chuồng trại


     Phải phù hợp với từng giai đoạn phát triển của vịt. Chọn nơi cao ráo, thoáng mát về mùa hè, ấm về mùa đông và tránh gió lùa để dựng chuồng. Chuồng nuôi vịt cần có hệ thống thoát nước tốt. Bề mặt tường và nền bằng gạch hoặc bê tông, sàn lưới bằng phẳng. Nền chuồng có độ dốc từ 7 - 100 để thuận tiện cho khâu dọn vệ sinh, tẩy uế.


     Kiểu chuồng nuôi vịt phổ biến và phù hợp là hệ thông chuồng mở (đây là kiểu chuồng không xây bịt kín xung quanh chuồng). Cần có diện tích sân chơi            bằng 1,5 - 2 lần diện tích nền chuồng, có thể đổ cát hoặc lát gạch, có độ dốc để không đọng nước. Có thể có mương nước, ao hồ sạch, xây bể hoặc máng nước nhân tạo có độ sâu 20 - 25cm, kích thước tuỳ thuộc số lượng, hàng ngày thay nước để nước luôn sạch cho vịt tắm.

      

     Trước khi nhập vịt về nuôi, phải vệ sinh chuồng nuôi, dụng cụ chăn nuôi và khu vực xung quanh sạch sẽ; khử trùng tiêu độc chuồng và khu vực xung quanh bằng vôi nước 10% hoặc các loại hóa chất sát trùng (Han- iodine, Benkocid…) để trống truồng 15 – 20 ngày.


     b. Dụng cụ chăn nuôi


     - Rèm che: Dùng vải bạt, cót ép hoặc phên liếp che xung quanh chuồng nuôi để giữ nhiệt, tránh gió lùa và mưa bão (nhất là giai đoạn vịt biển con).


     - Máng ăn: Dùng máng ăn bằng tôn có kích thước 70 x 50 x 2,5 cm, sử dụng cho 70-100 con/máng. Từ tuần tuổi thứ 3 trở đi cho vịt ăn bằng máng tôn có kích thước 70 x 50 x 5cm hoặc máng nhựa hình chữ nhật.


     - Máng uống: Giai đoạn 1- 2 tuần tuổi, sử dụng máng uống tròn loại 2 lít. Giai đoạn từ 3 tuần tuổi trở lên sử dụng máng uống tròn loại 5 lít, dùng cho 30- 40 con/máng.


     - Chụp sưởi: Có thể dùng hệ thống lò sưởi hoặc bóng điện đảm bảo cung cấp đủ nhiệt cho vịt con.


    - Quây vịt: Dùng cót ép quây, chiều cao 0,4 - 0,5m, dài 4 - 4,5m; sử dụng cho 60 - 70 con/quây, từ ngày thứ 7 nới dần diện tích quây. Từ cuối tuần thứ 2, bỏ quây để cho vịt vận động, ăn uống được thoải mái


     2. Về con giống

     

    Chỉ mua con giống ở những cơ sở sản xuất kinh doanh giống có uy tín, bảo đảm chất lượng, không có dịch bệnh; chọn những con khỏe mạnh, nhanh nhẹn, rõ nguồn gốc và đã được tiêm phòng đầy đủ các bệnh truyền nhiễm theo quy định. Khi mua gia cầm về, bà con nên nuôi ở khu cách ly ít nhất 2 tuần để theo dõi sức khỏe, nếu không có dấu hiệu dịch bệnh mới nhập vào khu đàn nuôi cũ.


     3. Chăm sóc nuôi dưỡng và phòng bệnh

    

      - Nhiệt độ: Đối với vịt con, nhiệt độ có vai trò quyết định cho sự sinh trưởng, phát triển giai đoạn đầu. Nếu nhiệt độ thiếu, vịt sẽ còi cọc, rất dễ mắc bệnh và chết với tỷ lệ cao. Khi thiếu nhiệt, vịt tập trung gần nguồn nhiệt dồn chồng lên nhau. Nếu thừa nhiệt, vịt tản xa nguồn nhiệt, nháo nhác khát nước. Khi vịt dồn về một bên là do gió lùa. Trong trường hợp thừa, thiếu nhiệt và gió lùa, vịt kêu rất nhiều người chăn nuôi có thể căn cứ vào trạng thái biểu hiện của đàn vịt mà điều chỉnh lại chụp sưởi cho phù hợp. Do vậy nhiệt độ phải đảm bảo cho vịt con đủ ấm (yêu cầu nhiệt độ trong quây úm: 1-3 ngày tuổi 32 - 340C; 4-7 ngày tuổi 28-300C; 8-14 ngày tuổi 26-280C).


     - Độ ẩm: Độ ẩm thích hợp để nuôi vịt giai đoạn úm trong khoảng 60 - 65%. Nếu kiểm tra thấy chất độn chuồng bị ướt phải thay ngay.


     - Ánh sáng: Thời gian chiếu sáng trong 2 tuần đầu: 23 - 24 giờ/ngày, dùng bóng điện treo cách nền chuồng 0,3- 0,5m. Sau đó mỗi ngày giảm 01 giờ chiếu sáng đến khi đạt 14 - 15 giờ/ngày. Từ tuần tuổi thứ 5 trở đi sử dụng ánh sáng tự nhiên.

     

     - Nước uống: Vịt là thủy cầm cần rất nhiều nước uống, đảm bảo nước luôn phải sạch và thay nước thường xuyên. Lưu ý vịt ở tuần tuổi thứ nhất không cho uống nước lạnh dưới 10oC, tuần tuổi thứ 2 và 3 không cho uống nước lạnh dưới 6oC  và cần hạn chế uống nước trên 25oC. Nhu cầu nước uống trung bình: vịt 1-7 ngày tuổi 120 ml/con/ngày; vịt 8 - 14 ngày tuổi 250 ml/con/ngày; vịt 15-28 ngày tuổi 350 ml/con/ngày.


     - Thức ăn: Thức ăn nuôi vịt có thể sử dụng thức ăn công nghiệp hoặc thức ăn tự phối chế với các nguyên liệu sẵn có ở địa phương. Phải đảm bảo thức ăn luôn mới, thơm, không bị mốc mọt. Thức ăn phải cân đối về thành phần giá trị dinh dưỡng để đáp ứng đủ nhu cầu sinh trưởng và phát triển của vịt trong từng giai đoạn:


     + Giai đoạn từ 1 đến 28 ngày tuổi: Dùng thức ăn cho vịt đảm bảo độ đạm trên 18% đạm tiêu hóa và năng lượng trao đổi tối thiểu 2.800 kcal/kg thức ăn (đảm bảo lượng thức ăn từ 1,4- 1,5 kg TĂ/con)


     + Giai đoạn từ  29 ngày tuổi đến xuất bán: Phải đảm bảo 17 - 18% đạm tiêu hóa và năng lượng trao đổi tối thiểu 2.800 kcal/kg thức ăn (đảm bảo lượng thức ăn từ 7,9 – 8 kg TĂ/con, hệ số tiêu tốn thức ăn ≤ 2,8 kg TĂ/Kg tăng trọng);


     Phương pháp cho ăn: Để giúp vịt lớn nhanh, lượng thức ăn phải đảm bảo thoả mãn được nhu cầu. Để vịt ăn được nhiều, hiệu quả chuyển hoá thức ăn tốt cần cho ăn theo bữa, hết thức ăn mới cho ăn tiếp để thức ăn thường xuyên mới, có mùi thơm sẽ kích thích vịt ăn được nhiều.

     

     4. Về công tác thú y phòng bệnh


     Chủ động phòng bệnh cho đàn vịt bằng vacxin theo đúng hướng dẫn của các cơ quan chuyên môn nhằm hạn chế rủi ro trong quá trình chăn nuôi. Khi phát hiện đàn vịt có biểu hiện khác thường phải báo cho cơ quan thú y, chính quyền địa phương để kiểm tra, tổ chức lấy mẫu xét nghiệm tìm nguyên nhân gây bệnh để có biện pháp xử lý kịp thời tránh dịch bệnh lây lan và phát tán.

Quy trình sử dụng vacxin cho vịt nuôi thịt

Tác giả : KS. Nguyễn Thị Hồng Hạnh
 
Bản quyền thuộc TRUNG TÂM KHẢO NGHIỆM KHUYẾN NÔNG KHUYẾN NGƯ THÁI BÌNH
Địa chỉ: Phường Phú Khánh - Tp Thái Bình - Tỉnh Thái Bình. Điện thoại: 0363.831.842, Fax:0363.831.842. 
Email
: