Kết quả mô hình nuôi cá Diêu Hồng trong lồng trên sông có liên kết theo chuỗi
Nhằm thúc
đẩy sự phát triển nghề nuôi cá lồng, năm 2023 Trung tâm Khuyến nông Thái Bình đã
triển khai xây dựng mô hình “Nuôi cá Diêu Hồng trong lồng trên sông có liên kết
theo chuỗi”, với mục tiêu đánh giá khả năng
thích nghi, tốc độ sinh trưởng của cá Diêu Hồng đối với điều kiện môi trường
nuôi lồng bè trên sông tại Thái Bình.
Mô hình được triển
khai tại xã Điệp Nông, huyện Hưng Hà với
tổng quy mô 300 m3 (3 lồng), số lượng cá giống thả 30.000 con,
kích cỡ 8 – 10 cm/con; mật độ thả 100 con/m3; thời gian triển khai
thực hiện từ tháng 4 đến tháng 10/2023. Trong quá trình tham gia, hộ thực hiện
mô hình được hỗ trợ 50% cá giống,
gần 20% thức ăn công nghiệp và chế phẩm Iodin, Vitamin C. Bên cạnh đó, chủ hộ
được cán bộ kỹ thuật của Trung tâm hướng dẫn các quy trình kỹ thuật nuôi cá Diêu
Hồng trong lồng và cách ghi
chép sổ nhật ký mô hình, theo dõi các chỉ tiêu kinh tế, kỹ thuật là cơ sở để hạch
toán hiệu quả.
Trong
quá trình thực hiện, các hộ tham gia mô hình đều đáp ứng tốt các tiêu chí về lựa
chọn địa điểm cũng như thiết kế lồng bè nuôi cụ thể: Vị trí đặt lồng bè trong
vùng quy hoạch, gần đường giao thông thuận tiện cho việc vận chuyển
thức ăn và cá; nơi đặt lồng nuôi có dòng nước chảy nhẹ. Các yếu tố môi trường nước qua theo dõi thống kê
chỉ số trung bình của lồng nuôi nhận thấy các yếu tố trung bình của môi trường (pH,
Oxy, độ trong của nước,...) đều trong phạm vi thích hợp cho sinh trưởng và phát
triển của cá. Bên cạnh đó, các chỉ tiêu về khung lồng và lồng nuôi đều đảm bảo
kỹ thuật.
Dưới sự giám sát chặt chẽ giữa Trung tâm Khuyến nông
và Ủy ban nhân dân xã Điệp Nông, chất lượng cá giống và thức ăn cung cấp cho mô hình đều đảm bảo đúng
tiêu chí:
- Cá
Diêu Hồng giống có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, kích cỡ đồng đều, không bị xây
xát, không mất nhớt, không nhiễm bệnh, màu sắc tự nhiên, khỏe mạnh; số lượng và
kích cỡ cá đảm bảo đúng theo quy định; trước khi thả nuôi cá được tắm bằng
nước muối 3‰ thời gian từ 10 - 15 phút để phòng bệnh.
- Thức
ăn sử dụng cung cấp cho mô hình được cung cấp từ đại lý uy tín, có thông qua đấu
thầu là thức ăn công nghiệp dạng viên nổi (Hàm lượng protein 24 - 28%). Đảm bảo
đúng, đủ số lượng theo thuyết minh phê duyệt.
Sau 7 tháng triển khai thực hiện dưới sự hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật Trung tâm và thực
hiện đúng quy trình kỹ thuật về chăm sóc, nuôi dưỡng cá Diêu Hồng trong lồng bè
của chủ hộ đã cho kết quả khả quan như sau:
- Trong quá trình nuôi không có dịch bệnh xảy ra.
- Tốc độ tăng trưởng
trung bình là 130 gam/con/tháng; sau 6 tháng nuôi trọng lượng trung bình 700g/con.
- Tỷ lệ sống của
cá đạt 86%, năng suất
đạt
59,5 kg/m3.
- Hiệu
quả kinh tế
đạt gần
136 triệu đồng/300
m3.
Qua kết quả mô hình đã đạt được, Trung tâm
đã tổ chức 01 cuộc Hội nghị tổng kết, thăm quan cho 70 hộ nông, ngư dân là những đối tượng có diện tích
ao, lồng nuôi trồng thủy sản nhằm đánh giá hiệu quả và khuyến khích các
Hợp tác xã cũng như người dân mạnh dạn tham gia phát triển nuôi cá lồng. Đồng
thời, Trung tâm Khuyến nông
Thái Bình còn tiến hành mở lớp tập huấn ngoài mô hình cho 20 hộ nông, ngư dân về
kiến thức nuôi cá lồng bè trên sông tại Thái Bình đạt hiệu quả.
Có thể khẳng định,
nghề nuôi cá lồng trên sông là một hướng phát triển kinh tế hiệu quả, tận dụng
tối đa mặt nước của tỉnh; tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân. Trong thời
gian tới, cần có sự quan tâm hơn nữa của các cấp chính quyền địa phương để tạo
điều kiện hỗ trợ đắc lực cho hộ dân sống ven 4 con sông lớn là sông Hồng, sông
Trà Lý, sông Luộc và sông Hóa phát triển nghề nuôi cá lồng theo hướng vững chắc,
mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần vào công cuộc xây dựng nông thôn mới
nâng cao tại Thái Bình.
Tác giả : KS. Nguyễn Hồng Minh; ThS. Nguyễn Duy Nghĩa