Thanh niên vươn lên phát triển kinh tế bằng mô hình trồng dưa trong nhà lưới
Sau nhiều năm bôn ba, làm nhiều nghề khác nhau, năm
2019, đang loay hoay tìm hướng đi mới, tình cờ, được thăm mô hình sản xuất dưa
trong nhà lưới tại Bắc Giang, anh Tài nhận thấy đây là 1 mô hình hay, rất phù
hợp với xu thế sử dụng sản phẩm sạch hiện nay, anh đã nuôi ý tưởng xây dựng 1
mô hình tương tự. Sau một
thời gian tìm hiểu, nhận thấy cây dưa chuột tuy không phải là mới, nhưng cho
đến nay, hiệu quả mà nó mang lại không ai có thể phủ nhận được. Bởi đặc tính dễ
trồng, thích hợp điều kiện đất đai của gia đình, lại cho năng suất cao, nhanh
thu hồi vốn… Nên anh Tài đã quyết định trở về quê nhà, xây dựng mô hình trồng
cây dưa chuột trong nhà lưới.
Ban đầu, anh dựng 1 nhà lưới nhỏ ở
góc vườn và bắt đầu thử nghiệm. Trải qua 1 vài lần thất bại nhưng anh vẫn tiếp
tục kiên trì tìm tòi, học hỏi trên các hội nhóm và đi thăm 1 số mô hình thành
công ở Đà Lạt và Bắc Ninh. Sau đó, anh về áp dụng vào vườn của mình. Và diện
tích dần được tăng lên qua các năm. Năm 2023, anh quyết tâm đi vay vốn đầu tư
xây dựng hơn 2000m2 nhà lưới kiên cố cùng với hệ thống tưới nhỏ
giọt, với số vốn khoảng gần 1 tỷ đồng.
Anh
cho biết: “Trồng dưa chuột trong nhà lưới
không khó, nhưng cần am hiểu kỹ thuật chăm sóc và biết cách phòng trị bệnh theo
từng giai đoạn phát triển của cây. Anh sử dụng giống dưa chuột Maya nhập khẩu từ Israel, với tần suất 4
vụ/năm. Sau 3 tháng gieo trồng, mỗi gốc dưa cho thu hoạch từ 2,5-3kg quả. Thời
gian thu hoạch khoảng 1 tháng. Dưa của anh được các cửa hàng nông sản sạch
trong và ngoài tỉnh thu mua. Giá bán trung bình 17.000 (đồng/kg). Sau khi trừ
tất cả chi phí, ước tính 1 năm anh thu lãi trên 200 triệu đồng”.
Theo anh Phạm Đức Tài chia sẻ,
mô hình trồng dưa trong nhà lưới ứng dụng công nghệ cao giúp cho cây dưa sinh
trưởng phát triển tốt hơn, ít bị ảnh hưởng của thời tiết bất thuận, ít sâu bệnh
hại, tiết kiệm công lao động hơn rất nhiều so với canh tác truyền thống
hiện nay, nhưng phải thực hiện rất cẩn thận ở tất cả các khâu như ươm hạt,
làm đất, kiểm tra chất lượng nước tưới, phân bón, điều khiển hệ thống tưới, thụ
phấn, tuyển trái...
Mặc dù
chi phí đầu tư ban đầu cao nhưng sản phẩm thu được đảm bảo an toàn, chất lượng,
bảo vệ sức khỏe người trồng cũng như người tiêu dùng và thân thiện với môi
trường. Vì vậy, sản phẩm khi thu hoạch rất dễ tiêu thụ, vẫn chưa đủ cung ứng
nhu cầu của người tiêu dùng hiện nay. Thời gian sắp tới, anh đang lên kế hoạch
đăng kí chứng nhận sản phẩm OCOP và VietGAP cho dưa chuột. Anh cũng ấp ủ mong
muốn mở rộng diện tích, trồng thêm 1 số loại cây khác như dưa vân lưới, hoa tết
và mong muốn nhận được sự hỗ trợ từ các cơ quan đoàn thể để anh thực hiện mô
hình thuận lợi hơn.
Ông Phạm Văn Duy – Chủ tịch Hội Nông dân xã Phong Châu cho
biết: “Mô hình trồng dưa chuột trong nhà
lưới của anh Tài là một trong những mô hình nổi bật nhất của xã từ trước đến
nay. Đây là mô hình nông nghiệp công nghệ cao, phù hợp với chủ trương phát
triển nông nghiệp của tỉnh. Chúng tôi sẽ đồng hành cùng chủ vườn để xây dựng
thương hiệu cho dưa chuột và đăng kí các chứng nhận sản phẩm an toàn VietGAP,
chứng nhận sản phẩm OCOP để nâng cao giá trị thu được. Chúng tôi cũng sẽ tham
mưu đề xuất với lãnh đạo xã và huyện để ban hành cơ chế hỗ trợ nhằm khuyến
khích các cá nhân và tập thể mạnh dạn đầu tư xây dựng những mô hình nông nghiệp
mới, mô hình nông nghiệp công nghệ cao giúp phát triển kinh tế và thay đổi bộ
mặt nông thôn”.
Việc trồng dưa ứng dụng công
nghệ cao trong nhà lưới đã và đang mang lại hiệu quả cao hơn rất nhiều lần so
với sản xuất nông nghiệp truyền thống. Tin rằng trong thời gian tới, sẽ có
nhiều cá nhân, tập thể trong tỉnh tiếp tục đầu tư xây dựng các mô hình nông
nghiệp công nghệ cao với quy mô lớn hơn và gắn với liên kết thụ sản phẩm để nền
nông nghiệp tỉnh nhà sẽ có những đột phá mới.
Tác giả : KS. Trần Thị Thùy Linh