CHÀO MỪNG QUÝ VỊ VÀ CÁC BẠN ĐẾN VỚI WEBSITE TRUNG TÂM KHUYẾN NÔNG THÁI BÌNH
Giới thiệu chung
Cơ cấu tổ chức
Lịch sử khuyến nông
Chức năng nhiệm vụ
Kết quả nghiên cứu
Trồng trọt
Chăn nuôi
Thủy sản
Trồng trọt
Chăn Nuôi
Thủy Sản
 
Hỏi & đáp
Số lượt truy cập:
 

Tin Tức khuyến nông
Bí đỏ - từ cây trồng đa dụng đã mang lại giá trị kinh tế cao tại xã Đông xá, huyện Đông Hưng

Cập nhật: 03/12/2024

    Với đặc tính dễ trồng, dễ chăm sóc, ít sâu bệnh, phù hợp với mọi loại đất và cho năng suất cao, những năm gần đây, cây bí đỏ đã trở thành một trong những cây trồng chủ lực trong sản xuất vụ Đông ở xã Đông xá - huyện Đông Hưng. Cây bí đỏ không chỉ giúp người dân nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống, mà còn góp phần tích cực vào việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao hệ số sử dụng đất và hiệu quả sản xuất trên một đơn vị diện tích canh tác.


 


Một số lợi ích khi trồng cây bí đỏ


1. Đa dạng sản phẩm, tối ưu hóa lợi nhuận


Giá trị kinh tế của bí đỏ không chỉ nằm ở quả, mà còn ở các sản phẩm phụ khác như lá non, hoa, ngọn và hạt.


Quả bí đỏ: Sản phẩm chính, được tiêu thụ rộng rãi dưới dạng tươi hoặc chế biến thành các sản phẩm như bánh kẹo, nước ép, đồ hộp…


Lá và ngọn non: Được sử dụng làm rau xanh, mang lại nguồn thu nhập bổ sung cho người trồng.


Hoa bí: Là một loại rau đặc sản, có giá trị kinh tế cao, được ưa chuộng trong nhiều món ăn.


Hạt bí: Có thể rang chín để ăn trực tiếp hoặc ép lấy dầu bí đỏ, một loại dầu thực vật giàu dinh dưỡng và có giá trị thương mại đáng kể.


Việc tận dụng triệt để các sản phẩm từ cây bí đỏ giúp tối ưu hóa lợi nhuận và giảm thiểu lãng phí trong quá trình sản xuất.


2. Chi phí đầu tư thấp, vòng quay vốn nhanh


So với nhiều loại cây trồng khác, bí đỏ có chi phí đầu tư ban đầu tương đối thấp. Hạt giống, phân bón và thuốc bảo vệ thực vật đều dễ dàng tiếp cận với giá cả hợp lý. Bên cạnh đó, thời gian sinh trưởng của bí đỏ khá ngắn, chỉ khoảng 3-4 tháng, cho phép người trồng nhanh chóng thu hồi vốn và tạo ra lợi nhuận.


3. Khả năng luân canh, xen canh linh hoạt


Bí đỏ có thể luân canh, xen canh với nhiều loại cây trồng khác, giúp tận dụng tối đa diện tích đất canh tác, cải thiện chất lượng đất và giảm thiểu nguy cơ sâu bệnh. Điều này không chỉ mang lại lợi ích về kinh tế mà còn góp phần bảo vệ môi trường và phát triển nông nghiệp bền vững.


Hiệu quả của cây bí đỏ tại xã Đông xá - huyện Đông Hưng


Nhiều năm trở lại đây, nông dân xã Đông Xá chọn bí đỏ là cây trồng chủ lực trong vụ đông do bí là giống cây dễ chăm sóc thuận lợi mở rộng diện tích trên chân đất 2 lúa, dễ bảo quản, nhu cầu của thị trường lớn...,đặc biệt là cây bí đỏ thường ít sâu bệnh và thích ứng tốt với úng ngập.


Ngay từ khi lúa vụ mùa vẫn còn ở trên đồng, các hộ đã xuống giống bí vào bầu đất tại nhà hoặc đánh bùn gieo giống ngay tại đầu ruộng. Khi ruộng lúa có 2/3 số hạt trên bông đã chín, tiến hành rẽ lúa thành từng lối, luồn nhẹ bầu cây giống đặt vào chân gốc lúa, sau 2 - 3 ngày cây bí hồi xanh sẽ tiến hành cắt lúa theo hàng gieo giống. Cắt lúa đến đâu xới đất tạo rãnh, bón phân, lấp đất kín gốc bí đến đấy. Rơm rạ sau khi thu hoạch được dùng để phủ mặt luống.


Theo bà Nguyễn Thị Quyên thôn Tây 1 (Đông Xá): “Bí rất dễ chăm sóc, khả năng sinh trưởng và phát triển khỏe mạnh. Tuy nhiên, người trồng cũng cần hết sức cảnh giác với các bệnh như chết cây con, thán thư​, phấn trắng, cháy lá giữa thân, hiện tượng khô đọt, thối trái non...”


Để hạn chế những bệnh này, hạt giống phải được xử lý kỹ lưỡng, đảm bảo chất lượng, không mang mầm bệnh. Ruộng trồng phải được bổ sung dinh dưỡng, đảm bảo thoát nước tốt. Trong quá trình canh tác, tránh trồng quá dày; thường xuyên thu dọn sạch sẽ tàn dư thân, lá bị bệnh, tiêu diệt cỏ dại; theo dõi đồng ruộng để khi phát hiện cây, trái mắc bệnh tiến hành cắt bỏ ngay hoặc phun thuốc phòng trừ kịp thời. 


Theo tính toán của người nông dân xã Đông Xá, sản lượng bí trung bình hàng năm thu được từ 4 - 5 tạ/sào, với chi phí đầu tư từ 700.000 - 800.000 đồng/sào, người trồng có lãi 2 - 4 triệu đồng/sào, cao hơn rất nhiều so với việc canh tác lúa trên cùng chân đất.


Cho chi phí thấp - hiệu quả kinh tế cao, đó chính là lý do nhiều người ở Đông Xá vẫn hăng say trồng bí; không chỉ trồng hết ruộng của nhà, họ còn mượn thêm ruộng của các hộ khác để trồng.


 


Hiện nay, tại xã Đông Xá hiện có 6 tổ chức, cá nhân đứng lên thu mua bí của bà con cung cấp cho các chợ đầu mối ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Bà con thu hoạch đến đâu thương lái ra tận ruộng thu mua đến đó, vì vậy nông dân không phải lo đầu ra, cũng không phải mất công vận chuyển.


Anh Nguyễn Văn Tuấn, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi cho biết: “Tôi đã thu mua bí của nông dân xã Đông Xá 12 năm nay. Tôi giữ liên lạc với bà con qua điện thoại. Cứ đến vụ thu hoạch là bà con gọi điện thông báo, chúng tôi về địa phương thu mua. Để mua được đủ số lượng, chúng tôi phải đi đến từng ruộng bí, gặp chủ ruộng để dạm mua, muốn chắc chắn nhiều khi chúng tôi đặt cọc một ít tiền trước cho bà con yên tâm. Bà con hái xong mang lên đầu bờ, chúng tôi cân và trả tiền luôn, không nợ một ai. Một ngày tôi thu 4 - 5 tấn bí cho bà con, vào chính vụ thu mua 10 - 12 tấn bí/ngày. Bí Đông Xá có màu sắc đẹp, đặc ruột, ngon, vì vậy người dân Quảng Ngãi rất ưa chuộng”.


Ông Nguyễn Quang Thưởng, Chủ tịch UBND xã Đông Xá cho biết: “Đông Xá trồng bí đã 20 năm nay, đất ở đây rất phù hợp cho cây bí phát triển, bà con nông dân cần cù, chịu khó, giàu kinh nghiệm trồng bí. Khi thu hoạch xong lúa mùa, nhiều cánh đồng trên địa bàn huyện Đông Hưng chỉ có gốc rạ thì ở Đông Xá lại được phủ bởi màu xanh của cây bí. Điều đó đã đưa Đông Xá trở thành “thủ phủ” bí của toàn huyện. Cũng nhờ tích cực trồng vụ đông, người trồng bí ở đây có thu nhập cao, gia đình trồng ít cũng thu vài triệu đồng/vụ, trồng nhiều thu 50 - 60 triệu đồng/vụ. Thời gian tới, xã không chỉ mở rộng diện tích trồng bí đông mà còn trồng cả bí xuân và bí hè thu trên vùng đất chuyên màu để đưa cây bí trở thành sản phẩm đặc thù của địa phương”.


Là địa phương có thế mạnh về sản xuất vụ đông với cây trồng chủ lực là bí đỏ, nông dân xã Đông Xá có cách làm riêng, sáng tạo, do đó khi lúa được đưa về nhà thì bí đã lên xanh đồng, các địa phương khác bí chưa ra hoa thì bí ở đây đã bước vào vụ thu hoạch sớm. Điều đó giúp tăng sức cạnh tranh, nâng cao giá trị, thu nhập trên một đơn vị diện tích trồng bí. Đưa vụ đông thành vụ sản xuất chính trong năm nhằm tăng thu nhập cho gia đình, góp phần phát triển kinh tế địa phương.


Bí đỏ (Cucurbita spp.), hay còn được biết đến với tên gọi bí ngô, không chỉ là một loại thực phẩm quen thuộc trong bữa ăn hàng ngày mà còn là một loại cây trồng mang lại nhiều lợi ích kinh tế đáng kể cho người nông dân. Với khả năng thích ứng rộng, bí đỏ có thể sinh trưởng và phát triển tốt ở nhiều vùng miền khác nhau, từ đồng bằng đến miền núi, từ khí hậu nhiệt đới đến ôn đới.

 

Tác giả : Ths. Nguyễn Duy Nghĩa
 
Bản quyền thuộc TRUNG TÂM KHẢO NGHIỆM KHUYẾN NÔNG KHUYẾN NGƯ THÁI BÌNH
Địa chỉ: Phường Phú Khánh - Tp Thái Bình - Tỉnh Thái Bình. Điện thoại: 0363.831.842, Fax:0363.831.842. 
Email
: