CHÀO MỪNG QUÝ VỊ VÀ CÁC BẠN ĐẾN VỚI WEBSITE TRUNG TÂM KHUYẾN NÔNG THÁI BÌNH
Giới thiệu chung
Cơ cấu tổ chức
Lịch sử khuyến nông
Chức năng nhiệm vụ
Kết quả nghiên cứu
Trồng trọt
Chăn nuôi
Thủy sản
Trồng trọt
Chăn Nuôi
Thủy Sản
 
Hỏi & đáp
Số lượt truy cập:
 

Tin Tức khuyến nông
Triệu phú trên vùng đất bãi ven sông huyện Hưng Hà

Cập nhật: 22/12/2025

    Được bao bọc và bồi đắp bởi phù sa của 3 con sông: Sông Hồng, sông Luộc và sông Trà Lý, huyện Hưng Hà có thế mạnh để phát triển kinh tế nông nghiệp từ vùng đất bãi ven sông. Với 1.500ha diện tích đất bãi trải dài qua 14 xã, thị trấn, dưới bàn tay cần cù, chịu khó cộng với tư duy đổi mới, sáng tạo của người dân nơi đây đã mang lại những “trái ngọt” với bốn mùa xanh tươi, trù phú. Thế nhưng, việc khai thác “nguồn tài nguyên” vùng đất bãi vẫn còn những trăn trở, rào cản, chưa xứng với tiềm năng, lợi thế đang có.


 


Từ sau khi có Nghị quyết số 40/2020/ NQ-HĐND, ngày 9/12/2020 về phê duyệt chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Bình, giai đoạn 2021 - 2025; Nghị quyết số 08/2023/NQ- HĐND, ngày 12/7/2023 ban hành quy định cơ chế, chính sách hỗ trợ tích tụ, tập trung đất đai để phát triển kinh tế nông nghiệp tỉnh Thái Bình giai đoạn đến năm 2028 của HĐND tỉnh được xem là liều thuốc “trợ lực” để các tổ chức, cá nhân gắn bó và làm giàu trên vùng đất bãi. Đây chính là một trong đòn bẩy giúp huyện Hưng Hà và các cá nhân, tập thể từng bước mở rộng sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đưa nông nghiệp Hưng Hà bứt phá vươn lên.


Hiện tại, huyện Hưng Hà đã quy hoạch 7 vùng sản xuất tập trung và ban hành cơ chế hỗ trợ trên 17 tỷ đồng cho 5 vùng sản xuất, trong đó chú trọng xây dựng cơ sở hạ tầng, giống, phân bón...; ban hành cơ chế hỗ trợ xây dựng sản phẩm OCOP cây ăn quả tại xã Cộng Hòa, lạc tại xã Điệp Nông, dưa lưới tại xã Tiến Đức, mỗi sản phẩm hỗ trợ 100 triệu đồng. Ngoài ra, huyện còn tập trung chỉ đạo các địa phương rà soát, điều chỉnh, bổ sung các quy hoạch; đẩy mạnh tích tụ ruộng đất, đưa nhanh các giống cây trồng có năng suất, chất lượng, hiệu quả cao vào sản xuất; xây dựng và ban hành các cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác, nhóm hộ gia đình chuyển đổi cơ cấu cây trồng... Theo thống kê, hiện nay toàn huyện có 120 hộ dân tích tụ, tập trung ruộng đất xây dựng mô hình sản xuất công nghệ cao tại vùng đất bãi.

 

 


Điển hình phải nhắc tới anh Trần Xuân Tâm, thôn Tân Hòa, xã Tân Lễ 8 năm bám vùng đất bãi ven sông Hồng, gắn bó với mô hình trồng cây dưa lưới trong nhà màng. Từ 430m2 ban đầu, đến nay diện tích trồng dưa của anh Tâm đã tăng lên 7.000m2. Trung bình mỗi năm anh Tâm thu về gần 60 tấn quả, sau khi trừ các chi phí sản xuất lợi nhuận được trên 500 triệu đồng. Khởi nghiệp từ một cây trồng hoàn toàn mới theo công nghệ hiện đại, mô hình của anh Tâm đã mở ra hướng đi mới trong phát triển nông nghiệp ở địa phương. 


Anh Tâm tâm sự: Năm 2015, tôi bắt đầu khởi nghiệp trồng dưa lưới công nghệ cao, lúc đó ở miền Bắc có rất ít mô hình này. Vụ dưa đầu tiên thất bại nhưng cũng từ thất bại đó đã giúp tôi có kinh nghiệm sản xuất ở những vụ sau. Đầu tư nông nghiệp công nghệ cao chi phí ban đầu rất lớn nhưng mang lại hiệu quả kinh tế rất cao. Hiện nay, ngoài dưa lưới tôi còn đầu tư trồng hoa tuylip, mỗi năm cung cấp ra thị trường hàng nghìn cây hoa và 100.000 củ giống, cây mầm. Riêng hoa tuylip mang lại thu nhập khoảng 400 triệu đồng/năm. Trang trại của tôi còn tạo việc làm cho hàng chục lao động địa phương.


Được xem là người “giải cứu” đất bãi bỏ hoang, anh Bùi Văn Vũ, nguyên Giám đốc HTX SXKD Anh Vũ, xã Hồng Minh hiện đang thuê, mượn khoảng 25ha diện tích đất bãi trồng lúa, cây công trình và rau màu... Để “vận hành” mô hình, anh Vũ đã đầu tư 2 tỷ đồng mua máy làm đất, máy cấy, máy bón phân và xây dựng hệ thống tưới nước tự động... Đến nay, anh đã quy hoạch thành 4 vùng sản xuất tập trung, tạo việc làm thường xuyên cho gần 10 lao động. 


Anh Vũ chia sẻ: Huyện Hưng Hà tạo điều kiện thuận lợi giúp chúng tôi tích tụ ruộng đất phát triển sản xuất nông nghiệp nhằm từng bước chuyển dịch từ sản xuất nhỏ lẻ sang sản xuất tập trung, quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, qua đó giúp nông dân bắt nhịp với nền nông nghiệp hiện đại từ cây trồng chủ lực. Thời gian tới, tôi tiếp tục gieo trồng theo hướng tập trung, xây dựng mã vùng từng bước hướng đến nền nông nghiệp sạch, xanh, có truy xuất nguồn gốc rõ ràng, xây dựng thương hiệu nông sản sạch ở địa phương.


Ông Phạm Văn Bình, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: Ngành nông nghiệp phối hợp với các sở, ngành liên quan tạo hành lang pháp lý hỗ trợ doanh nghiệp, cá nhân trong quá trình tích tụ ruộng đất, nhất là tích tụ, tập trung đất đai tại các khu vực đất bãi ven sông như hỗ trợ xây dựng kết cấu hạ tầng, đào tạo lao động, hỗ trợ các khâu dịch vụ trong quá trình sản xuất và tiêu thụ nông sản... 


Ngoài ra, huyện đẩy mạnh thu hút các doanh nghiệp đầu tư xây dựng các vùng chuyên canh liên kết với hộ nông dân để hình thành những chuỗi giá trị, liên kết lâu dài nhằm tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho bà con nông dân...


Không chỉ khuyến khích người dân sở tại tham gia sản xuất, phát triển vùng đất bãi ven sông, huyện Hưng Hà đã tạo điều kiện cho nhiều doanh nghiệp, HTX đến đầu tư phát triển vùng sản xuất công nghệ cao, từng bước góp phần đưa nông nghiệp Hưng Hà trở thành khu vực trọng điểm của tỉnh.


Tác giả : Ks. Nguyễn Thị Hằng
 
Bản quyền thuộc TRUNG TÂM KHẢO NGHIỆM KHUYẾN NÔNG KHUYẾN NGƯ THÁI BÌNH
Địa chỉ: Phường Phú Khánh - Tp Thái Bình - Tỉnh Thái Bình. Điện thoại: 0363.831.842, Fax:0363.831.842. 
Email
: