Vũ Vân là xã duyên giang, nằm cạnh sông Hồng, đất đai phì nhiêu, màu
mỡ. Hiện nay, địa phương đã quy hoạch và từng bước triển khai theo 3 vùng: vùng
lúa 210 ha, cây màu 110 ha, thủy sản 65 ha. Đối với vùng màu quay vòng 4
vụ/năm, trong đó cây ớt trồng tập trung diện tích 20 ha, bắp cải 70 ha, đây là
cây chủ lực được bà con nông dân trồng ở vụ xuân và vụ đông theo hướng an
toàn, bón phân vi sinh, không sử dụng thuốc hóa học, nguồn nước tưới được lấy
từ sông hồng, sản phẩm sản xuất đảm bảo về chất lượng, người tiêu dùng ưa
chuộng. Thương hiệu rau cải bắp đã đi khắp các tỉnh phía Bắc và là hướng đi
mang lại thu nhập cao cho người dân nơi đây.
Ông Nguyễn Văn Hùng là người dân xã Vũ Vân tham gia trồng rau cải bắp
nhiều năm cho biết: Cây cải bắp đã được người dân nơi đây coi là cây truyền
thống đem lại hiệu quả kinh tế khá cao. Tuy nhiên, nếu trồng theo phương thức
cũ có nhiều bất cập về sâu bệnh hại và độ an toàn của rau nên khó khăn trong
việc tiêu thụ sản phẩm. Năm 2023, nhờ sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông Thái
Bình đã triển khai mô hình sản xuất rau cải bắp an toàn có liên kết bao tiêu
sản phẩm tại xã, sau khi được chọn là hộ tham gia thực hiện mô hình, tôi đã
chắt lọc kỹ thuật tốt của truyền thống và linh hoạt với kỹ thuật mới của buổi
chuyển giao kỹ thuật trên hội trường, thực hiện đúng theo quy trình hướng dẫn
trực tiếp trên đồng ruộng của cán bộ kỹ thuật Trung tâm, về cách sử dụng phân
bón, thuốc Bảo vệ thực vật phòng trừ sâu bệnh đúng, đủ liều lượng, trước khi xuất
bán rau đảm bảo đủ thời gian cách ly, nhờ đó với diện tích 7 sào rau của gia
đình tôi đã thu được 39 tấn/ha, với giá thu mua cao hơn so với rau trồng theo
phương thức cũ từ 1,1 - 1,4 lần, ruộng rau cải bắp của gia đình được người dân,
lái buôn và người tiêu dùng đánh giá chất lượng và kính cỡ rau loại 1, rau giòn
và ngọt hơn so với những năm trước.
Ngoài thế mạnh cây cải bắp, cuối
năm 2023 khi được địa phương tuyên truyền, vận động về chủ trương chuyển đổi cơ
cấu cây trồng theo vùng sản xuất tập trung, ông Lê Văn Uẩn đã mạnh dạn đưa cây
ớt vào trồng trên diện tích 6 sào. Tham gia trồng ớt, gia đình ông cùng các hộ
dân được hỗ trợ về kỹ thuật từ khâu làm đất, gieo trồng đến khi thu hoạch quả.
Đồng thời được ký kết cung ứng toàn bộ giống đảm bảo chất lượng và bao tiêu sản
phẩm. Chính vì vậy cá nhân ông và đông đảo bà con rất yên tâm khi chuyển đổi
cây trồng mới. Với năng xuất đạt 8 tạ - 1 tấn ớt/sào, bán giá bình quân 13.000
đồng/kg, trừ chi phí đầu tư, gia đình ông Uẩn thu về 20 - 25 triệu đồng/sào,
cao gấp 2-3 lần so với các cây trồng khác.
Ông Bùi Ngọc Trường - Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ Nông nghiệp xã Vũ Vân
cho biết để từng bước xây dựng các vùng sản xuất tập trung, địa phương đẩy mạnh
công tác tuyên truyền, vận động người dân chuyển trồng cùng loại cây, cùng
giống trên cùng một cánh đồng và tổ chức sản xuất theo các hình thức tổ hợp
tác, hợp tác xã để liên kết sản xuất, tiêu thụ. Hình thành cánh đồng lớn vừa
thuận lợi trong công tác chăm sóc, thu hoạch vừa thuận tiện trong việc đưa cơ
giới hóa vào sản xuất, thu hoạch. Cây trồng có nguồn gốc rõ ràng từ đó sẽ tạo
niềm tin với người tiêu dùng, giữ ổn định đầu ra, góp phần nâng cao hiệu quả,
giá trị kinh tế trên diện tích đất canh tác.
Cùng với cây màu, sản xuất lúa gạo cũng được địa phương xây dựng vùng
sản xuất lúa chất lượng cao gieo cấy giống lúa ST25 với diện tích 40ha, mang
thương hiệu gạo Vũ Vân, năng suất lúa đảm bảo, chất lượng gạo ngon. Địa phương
đã được chuyển giao hệ thống máy sấy thóc, xay sát gạo cũng như quy trình đóng
gói thuộc dự án nâng cao giá trị sản xuất lúa gạo, thành phẩm với lượng 5
kg/bao bì có in nhãn mác. Gạo chất lượng cao ST 25 xã Vũ Vân vinh dự được trưng
bày tại gian hàng hội chợ OCOP của huyện. Đây là cơ hội để địa phương quảng bá
sản phẩm gạo ngon tới đông đảo khách hàng trong huyện và ngoài tỉnh. Ông Bùi
Đình Bằng, Chủ tịch UBND xã Vũ Vân cho biết: Thời gian tới Vũ Vân triển khai
đồng bộ các kế hoạch, giải pháp, đặc biệt đưa các giống cây con mới vào sản
suất tập trung đem lại hiệu quả, tạo sức bật đột phá toàn diện cho địa phương,
đồng thời tạo ra chuyển biến lớn trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn xã.
Thông qua các mô hình sản xuất nông nghiệp tập trung, người dân đã có cơ hội
tiếp cận và nắm bắt được các tiến bộ khoa học, kỹ thuật, từ đó, giúp tiết kiệm
chi phí, tăng năng suất, hạ giá thành và nâng cao chất lượng nông sản, bảo vệ
môi trường. Mặt khác, giúp nông dân chủ động trong sản xuất, khắc phục được
tính mùa vụ, giảm sự lệ thuộc vào thời tiết, khí hậu, đáp ứng nhu cầu thị
trường về chất lượng nông sản.
Những đột phá trong thực hiện Nghị quyết về sản xuất nông nghiệp đang
được Đảng bộ xã Vũ Vân triển khai, thực hiện, phù hợp xu thế phát triển bền
vững.
Tác giả : Ks. Nguyễn Thị Hằng